"Sự ra đi của con tôi sẽ không vô nghĩa..."

Thứ Năm, 14/01/2021, 16:36
Tai nạn giao thông đã khiến người con trai độc nhất của vợ chồng ông Lê Thanh Cương, sinh năm 1949 (trú tại thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, Hải Dương) rơi vào tình trạng chết não. Đó là một cú sốc không gì diễn tả được đối với vợ chồng ông.

Thế nhưng, ngay cả trong thời khắc đau đớn và tuyệt vọng nhất, ông Cương vẫn quyết định làm một việc phi thường, đó là hiến tạng con trai để cứu người. Ông bảo: “Nếu con tôi không thể sống tiếp được thì chi bằng nhường cơ hội đó cho những người bệnh khác. Như vậy, sự ra đi của con tôi sẽ không vô nghĩa”.

Tự hào bao nhiêu lại thương con bấy nhiêu

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Cương vào một buổi sáng mùa đông giá rét. Sương mù giăng ngập lối. Trước đó vài ngày, ông Cương cùng những người thân của mình đã lên Bệnh viện Việt Đức để tham dự chương trình “Gửi lời tri ân” và nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng cho con trai ông là anh Lê Thanh Nghị, sinh năm 1995. Ông Cương bùi ngùi chia sẻ: “Khi được tham dự chương trình và nhận kỷ niệm chương, tôi thấy tự hào lắm nhưng cũng vì thế mà nhớ và thương con nhiều hơn”.

Ông Lê Thanh Cương thay mặt gia đình nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

Gần một năm trước, người con trai duy nhất của ông không may bị tai nạn. “Vừa mới hồi chiều gia đình tôi còn làm giỗ cho mẹ tôi. Hôm đó Nghị nó không uống nhiều vì lý do là lát sau còn phải đi có việc. Thế mà vừa ra khỏi nhà không bao lâu thì gia đình tôi hay tin con bị tai nạn, người ta đã đưa nó vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Lúc đó tôi và bà ấy đòi vào viện với nó thì mấy đứa con tôi không cho đi. Chúng nó bảo cứ để chúng nó vào xem tình hình rồi sẽ điện báo về” - ông Cương kể lại.

Ở nhà hồi hộp chờ tin con, mãi cho tới khi người con rể cả của ông báo về nói rằng “Em chỉ bị nhẹ thôi, bố mẹ đừng lo quá” thì vợ chồng ông Cương thở phào nhẹ nhõm. Nhưng, đêm hôm đó vợ chồng ông Cương lại hay tin con trai phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Lúc này ông Cương đã linh cảm có chuyện chẳng lành, thế nhưng các con của ông vẫn khẳng định “Nghị chỉ bị thương phần mềm và gãy xương nên cần lên Bệnh viện Việt Đức để chỉnh hình”. Nghe vậy, ông Cương lại động viên vợ mình là bà Phạm Thị Sửu rằng chắc không có chuyện gì nghiêm trọng đâu.

Những ngày sau đó hai người con rể của ông bà trên Hà Nội vẫn gọi điện về thông báo tình hình của Nghị. Lần nào các con của ông bà cũng nói em ổn. Dù vậy, bà Sửu vẫn muốn được lên thăm con nhưng đều bị gạt đi. “Chúng nó bảo mẹ lên đây cũng chẳng giải quyết được gì. Có chúng con lo cho em rồi, bố mẹ cứ yên tâm” - bà Sửu ngậm ngùi kể lại. Và rồi hai ông bà vẫn ra đồng làm việc như thường, bởi trong thâm tâm cả hai ông bà đều nghĩ “chắc chẳng đứa nào nói dối mình đâu, bó xương chỉnh hình xong chỉ vài hôm là về”.

Thế nhưng, chiều 6-3, ông Cương nhận được điện thoại của con rể cả Phạm Văn Hiển nói rằng: “Em bị mất máu nhiều, phải truyền máu gấp. Chúng con không cùng nhóm máu nên bố phải lên ngay”. Nghe vậy, ông Cương cuống cuồng bắt taxi lên Hà Nội. Ông kể: “Chả hiểu sao trên đường đi, chiếc xe taxi chở tôi bị hỏng, phải sửa. Lúc đó lòng tôi thì như lửa đốt. Khi lên đến nơi, nhìn thấy con nằm bất động, thở ô xy, tôi đã biết tình trạng con mình nghiêm trọng rồi. Lúc sau, Hiển gọi tôi ra một góc và bảo: “Bố ơi, bác sĩ bảo em bị chết não rồi, khó có hy vọng sống”. Lúc đó chân tay tôi như rụng rời ra. Tôi gần như không thể đứng vững, mà phải dựa vào hành lang”.

Mong muốn lớn nhất của vợ chồng ông Cương là được một lần gặp người nhận tạng của con mình.

Sau phút giây choáng váng ấy, ông Cương lấy lại bình tĩnh và bàn với 2 người con rể của mình. Ông nói rằng “còn nước còn tát”, thế nhưng nếu trong trường hợp vô phương cứu chữa thì chi bằng gia đình mình hiến tạng em để cứu những người khác. Nghe vậy, anh Hiển đã hỏi lại bố là có nên gọi điện về hỏi ý kiến mẹ không thì ông Cương lắc đầu bảo: “Giờ mẹ mà nghe được tin em chết não thì còn không sống nổi nói gì đến việc hiến tạng. Thôi, việc này cứ để bố quyết là được rồi”.

Khi đặt bút ký vào bản đăng ký hiến tạng con trai, các bác sĩ có hỏi ông Cương là đồng ý hiến tặng những mô tạng nào thì ông nói: “Những bộ phận mô tạng nào có thể lấy được thì bác sĩ cứ lấy. Tôi chỉ xin giữ lại cho con những thứ thuộc về thẩm mĩ như da và xương để thấy con vẫn còn nguyên vẹn thôi”.

Sau 3 lần hội chẩn cho Nghị, thấy cơ hội sống của em đã thực sự không còn, các bác sĩ mới quyết định tiến hành phẫu thuật lấy mô tạng. Anh Hiển chia sẻ: “Lúc đó các bác sĩ bảo gia đình chọn giờ đẹp để em được ra đi thanh thản. Khoảng 5h10 phút chiều thì ca phẫu thuật lấy mô tạng bắt đầu và nó kết thúc lúc 8 giờ tối”.

Cho đi là còn mãi

Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, gia đình đã đưa Nghị về quê ngay trong đêm. Mặc dù đã gọi điện về nhà thông báo để những người thân chuẩn bị lo hậu sự nhưng ông Cương vẫn dặn mọi người giữ bí mật với vợ mình. Mãi đến khi xe của bệnh viện về cách nhà 3 cây số, ông mới thông báo cho bà Sửu biết. 

Nhưng, chưa nghe hết câu nói của chồng, bà Sửu đã ngất lịm bởi trong thâm tâm bà, con trai chỉ đi bó lại xương thôi mà. Lấy tay lau vội những giọt nước mắt, bà Sửu nói: “Cho đến giờ phút này, điều ân hận nhất của tôi là không được lên thăm con và chăm sóc nó những ngày cuối. Mỗi lần nghĩ đến việc đó là tim tôi lại đau nhói như có dao đâm. Nhưng, tôi cũng chẳng dám trách mấy đứa con rể của mình. Chúng nó cũng chỉ vì nghĩ cho tôi nên mới cố nói dối tôi cho đến những giây phút cuối cùng”.

Ông Lê Thanh Cương và con gái út tham dự chương trình “Gửi lời tri ân” của Bệnh viện Việt Đức.

Nghị là con trai út duy nhất trong gia đình có 4 chị em, thế nên anh được cả gia đình chiều chuộng. Trước khi qua đời, Nghị là công nhân cho một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn. Đi làm thì chớ, cứ về nhà là Nghị lại ríu rít với mẹ. “Tôi vẫn thường hay bảo nó, 25 tuổi rồi đấy, lấy vợ đi, mẹ khỏe, mẹ còn bế con cho. Nó hứa với tôi, cuối năm sẽ cưới. Vậy mà, đùng cái tôi mất con” - bà Sửu nói.

Thời gian Nghị nằm viện Việt Đức, người yêu của anh cũng lên đó túc trực. Sau đám tang, chị vẫn thỉnh thoảng về Hải Dương thăm bố mẹ của người yêu. Bà Sửu chia sẻ: “Cháu nó quê Hưng Yên, hai đứa yêu nhau cũng được một thời gian và dự định cuối năm vừa rồi sẽ cưới. Giờ con tôi đoản mệnh nên hai đứa không thể thành vợ thành chồng. Tôi có bảo với cháu nó, con không làm con dâu của bố mẹ thì làm con gái của bố mẹ nhé”.

Khi được hỏi, bà đã bao giờ trách chồng mình vì tự ý hiến tạng con trai cho y học không thì bà Sửu lắc đầu. Bà bảo, con mình không may bị thế, nếu cứ khư khư giữ thì rồi cũng có được đâu. Chi bằng hiến đi để giúp đời cứu người có phải sẽ ý nghĩa hơn nhiều không. “Nhiều người cả đời chỉ sống trong bóng tối, giờ có giác mạc của con tôi, họ sẽ được nhìn thấy ánh sáng. Có người bao năm phải chạy thận nhân tạo hay có người bị tim bẩm sinh... giờ có những bộ phận đó của con tôi lắp vào họ sẽ được sống khỏe mạnh. Chỉ cần nghĩ thế thôi là tôi thấy mình được an ủi nhiều lắm rồi. Thể xác của con tôi mất đi nhưng tinh thần của nó vẫn còn đó” - bà Sửu tâm sự.

Ước nguyện của vợ chồng ông Cương là mong một lần được nhìn thấy một trong số những người được nhận mô tạng của con trai. Không phải để được nhận lời cảm ơn cũng không phải để được đền đáp gì mà chỉ đơn giản ông bà muốn chắc chắn rằng họ khỏe mạnh.

Tạm biệt vợ chồng ông Cương, chúng tôi cứ miên man trong suy nghĩ: Họ là những người nông dân, cả đời chỉ biết đến đồng ruộng nhưng lại có tư duy tiến bộ. Giá như mọi người đều có tư duy như vậy thì sẽ có thêm nhiều người bệnh có cơ hội được cứu sống”.

Ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Chúng tôi chọn ngày cuối của năm 2020 để tổ chức buổi lễ tri ân đến thân nhân những người đã hiến tạng cho những bệnh nhân của Bệnh viện Việt Đức trong thời gian vừa qua. Đây là buổi lễ tuy đơn sơ nhưng hết sức xúc động, ấm cúng và để chúng ta có thể ghép được một số lượng lớn và cứu sống được một số lượng lớn cuộc đời của nhiều con người. 

Hiện, ở Bệnh viện Việt Đức đã có 1.100 người bệnh được ghép thận, 90 người bệnh được ghép gan, hơn 40 người bệnh được ghép tim và 5 người bệnh được ghép phổi. Tất cả những người bệnh đó đều đang sống khỏt mạnh, đấy là nhờ có nguồn tạng hiến của những người chết não mà người bệnh cùng với gia đình người bệnh có nghĩa cử hết sức cao đẹp đã hiến tặng những phần thân thể.

Và, cũng nhờ những nghĩa cử cao đẹp ấy mà các thầy thuốc và cán bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức có thể tiến hành được những kỹ thuật cao, trở thành trung tâm lớn nhất trong cả nước về ghép tạng, được người bệnh cũng như các đồng nghiệp ở các bệnh viện địa phương tin tưởng.

Chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành và sâu sắc của các thầy thuốc và cán bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức cũng như thay lời cho những người bệnh đã được nhận tạng hiến từ nghĩa cử cao đẹp này. Qua buổi lễ này, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới cộng đồng xã hội là khi một người thân của chúng ta mất đi, nếu có thể được thì chúng ta hãy hiến một phần cơ thể vì “cho đi là còn mãi”.

Trâm Anh
.
.