Tà Xùa mùa săn mây

Thứ Ba, 19/03/2019, 07:39
Nằm ở trung tâm của vùng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300 km theo quốc lộ 6, Sơn La là vùng đất còn hoang sơ, thuần khiết bởi núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ và tấm lòng chân chất, hiếu khách của đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa xuân về, hoa ban, hoa đào nở khắp núi rừng càng tô thêm vẻ đẹp cho quê hương giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng.

Với hàng trăm điểm đến hấp dẫn, Sơn La đang là vùng đất có sức thu hút với khách du lịch. Nhắc đến Sơn La, không thể không nhắc tới Tà Xùa, một xã thuộc huyện Bắc Yên, có diện tích 44,97 km2, nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống.

“Thiên đường” hạ giới

Từ thị trấn Bắc Yên đến Tà Xùa khoảng 15 km, trải qua cung đường núi quanh co tuyệt đẹp. Tà Xùa dần hiện ra với những dãy núi hùng vĩ trập trùng ẩn hiện lơ lửng trong biển mây cuồn cuộn giữa đất trời. Nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhiếp ảnh gia và các bạn trẻ đam mê khám phá. Dưới thung lũng là các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại. Cũng như những nơi địa hình hiểm trở trên dải đất Tây Bắc, mây và gió mang đến một sức hấp dẫn khó lòng cưỡng nổi với những ai thích săn mây.

Thời điểm thích hợp nhất để đắm chìm trong biển mây phiêu bồng là từ tháng 11 đến tháng 3. Nếu như mây ở Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) lãng đãng dịu dàng như tấm khăn voan huyền ảo của tự nhiên hờ hững khoác lên những triền núi cao thì mây ở đây ào ạt dâng lên như những cánh sóng giữa biển khơi. Cả thung lũng hiện ra khi là một biển mây trắng xốp bồng bềnh, yên ả, nên thơ, khi lại như những cơn thủy triều mây gối nhau không dứt. Có khi những con gió hú dài hoang dại, gào thét xô đuổi mây dạt vào nhau, chồng lên lớp lớp như sóng bạc đầu.

Biển mây Tà Xùa nhìn từ trên cao.

Trên đỉnh Tà Xùa chỉ có gió và mây lồng lộng, vần vũ quanh năm, suốt ngàn đời trong thứ âm thanh hoang sơ, bí ẩn của tự nhiên. Ngụp lặn giữa cánh gió biển mây, vừa như chinh phục được đỉnh cao, vừa như bị rợn ngợp trước cái mênh mông vô cùng mà con người thấy mình trở nên nhỏ bé. Dù khi ánh bình minh ló rạng, những giọt sương vừa tan hay khi hoàng hôn, mặt trời dần khuất bóng thì ở đây, dường như thời gian ngừng trôi, từng khoảnh khắc trở nên lắng đọng và ta chợt nhận ra trước mắt là cả một thiên đường.

Tà Xùa còn được biết đến với “sống lưng khủng long”, một cung đường hiểm trở vào bậc nhất, nơi thử thách lòng gan dạ, bản lĩnh và tay lái lụa của các phượt thủ muốn chinh phục đỉnh cao. Đây là con đường mòn nối 3 đỉnh núi chính của Tà Xùa, rộng chỉ khoảng 1 m đầy đá sỏi, chênh vênh giữa hai bên là vực sâu hun hút gió. Đứng trên “sống lưng khủng long” mới thấy hết được cái kì vĩ mà nên thơ của khung cảnh mây ngàn. Nhìn từ trên cao, sống lưng khủng long cùng với những con đường mòn bên triền núi như những sợi dây mềm mại được ai thả xuống giữa lưng chừng trời.

Đến Tà Xùa, ta không chỉ được thử sức với những cảm giác mạnh khi chinh phục núi non hùng vĩ mà còn được thả hồn trong một khung cảnh diễm lệ của thiên nhiên đầy sắc màu với những loài hoa rực rỡ. Hoa đào ở đây nở từ trước tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch khiến không gian bừng lên ấm áp, xua đi cái lạnh giá, hoang vu. Khắp núi rừng, trên các con đường, bên những mái nhà trầm mặc, hoa đào thắp lên từng đốm lửa, bung nở những cánh hồng dịu ngọt, mỏng manh.

Cuối đông cũng là mùa đào rừng nở ở Tà Xùa.

Những thảm hoa cải nở vàng miên man trong cái se lạnh của đất trời. Từng mái nhà xinh xinh thấp thoáng bên triền núi, hòa vào giữa không gian mênh mông, kì vĩ của núi rừng như một nốt lặng bình yên. Những chiếc váy sặc sỡ được phơi trên sào hoặc các mỏm đá dập dờn như cánh bướm gọi mùa. Khung cảnh đẹp, trong trẻo như một bức tranh, vừa nên thơ vừa giản dị.

Ngồi giữa thiên đường mây, thả hồn vào gió núi, nghe như đâu đây văng vẳng tiếng kèn lá chan chứa yêu thương của những cô gái, chàng trai Mông đang tha thiết gọi bạn tình: “Hỏi rừng chiều có tiếng khèn ai đó/ Khèn hát lên những lời mong chờ/ Đường đi về rừng đường đi xuống núi/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/ Núi chỉ có hai người/ Hai người yêu nhau” (Tô Hoài)

Một cuộc sống giản dị, hồn nhiên

Ở Tà Xùa chủ yếu là người Mông sinh sống. Họ có một cuộc sống chất phác, hồn nhiên như cây cỏ với nếp sống và những nét văn hóa độc đáo. Nằm ở độ cao từ 1.500-2.000 m so với mực nước biển, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu lạnh về mùa đông và mát về mùa hè, nơi đây là một vùng đất lý tưởng cho cây chè phát triển, đặc biệt là chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là giống chè quý, mọc tự nhiên.

Những thân chè mốc thếch, địa y, dương xỉ bám đầy tỏa bóng trùm phủ các sườn đồi núi với một màu xanh mát. Vì chè cổ thụ Tà Xùa mọc ở nơi quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành, mát lạnh nên búp chè Tà Xùa phủ tuyết đậm và có vị đặc biệt hơn so với các vùng chè cổ khác...

Để có được những chén chè vàng óng, ngọt thanh, những người hái chè phải đi từ rất sớm. Đường lên những gốc chè cổ thụ phải vượt những con dốc lởm chởm, một bên là vách núi cao, một bên là thung sâu hun hút giữa sương giăng mù mịt. Họ phải trèo lên các cành cây cao và tỉ mỉ hái từng búp chè một tôm hai lá xanh non, mập mạp, tách mình từ những cành cây xù xì, già nua. Công việc hái chè rất vất vả, từ sáng tới tối mỗi người chỉ hái được một gùi.

Những em bé Tà Xùa trong màn sương buổi sáng.

Búp chè mới hái về được tãi ra rồi cho vào chiếc chảo gang lớn đặt trên bếp củi để sao. Nhất định phải là sao bằng tay, có như thế mới cảm nhận được độ nóng của lửa, độ mềm của búp chè non. Đợi đến khi cánh chè mềm tơi như sợi bún thì lại đổ ra nia và tiến hành vò chè. Khi cánh chè săn và bện lại với nhau thì lại tiếp tục sao. Cứ như thế cho đến khi cánh chè khô lại, day nhẹ thấy giòn và xốp.

Sau khi chế biến, từng cánh chè rời nhau chứ không bện lại với nhau như chè Thái Nguyên. Búp chè trắng như sương tuyết bởi có những lông mao khá dày và mượt bao phủ bên ngoài, cánh chè khá dài và mảnh, có màu nâu trắng chứ không phải xanh đậm như các loại chè mạn khác.

Vân vê chén chè Shan Tuyết trong tay mà như cảm nhận được hơi lạnh của vùng cao, lại có lúc như trải nghiệm cái cảm giác ngồi bên bếp lửa chứng kiến những bàn tay nhanh nhẹn thoăn thoắt đảo chè. Chè cổ thụ không chỉ có hương thơm nguyên thủy của cây cỏ, gió núi mây ngàn, sương giăng tuyết phủ, vị ngọt ngào, thanh mát mà còn có thêm hương vị đặc biệt: hương khói bếp - kết quả của việc chế biến thủ công truyền thống. Nó chẳng những là nét đặc trưng của chè cổ thụ mà còn gợi nhắc sự gần gũi, thân thuộc, đậm đà cái vị, cái tình của quê hương.

Cây chè Shan Tuyết ở nơi đây đã có một sức sống mãnh liệt tự bao đời. Ngay cả những đứa trẻ cũng lớn lên cùng kí ức tuổi thơ nơi gốc chè mốc mác, để từ đó, ta thấy một sự gắn bó máu thịt giữa con người và những cây chè cổ thụ chốn rẻo cao.

Người Mông không chỉ coi chè Shan Tuyết đơn thuần là một loại thức uống mà đó còn là bài thuốc quý, giúp họ xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Chị Giàng Thị Sồng, một người dân xã Tà Xùa chia sẻ: “Từ thời cha ông mình đã thấy cây chè lớn lên ở đây rồi. Bà con dân bản trước kia chưa biết giá trị của cây chè thì chỉ hái về để uống nước thôi. Bây giờ thì cây chè rất có giá trị nên bà con dân bản đã chia ra từng nhóm hộ để bảo vệ và thu hái. Nhờ có cây chè này, bà con có thêm thu nhập để mua quần áo, sách vở cho con cái đi học. Cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn”.

Ngôi nhà nhỏ cheo leo trên đường lên Tà Xùa.

Hằng ngày, chị hái những lá chè thơm đem về hãm cùng nước lấy từ khe suối Tà Xùa, hay sao khô rồi mang xuống chân núi bán lại cho người khác. Sống giữa thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, những người dân nơi đây đã biết khai thác thiên nhiên để làm giàu thêm cuộc sống của chính mình.

Không chỉ gìn giữ những cây chè cổ thụ như là một vốn quý của cha ông, ở Tà Xùa, những người Mông vẫn giữ được nghề thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống. Dưới những mái nhà đơn sơ nép mình bên triền núi, những người phụ nữ vẫn ngày ngày cần mẫn bên từng mảnh vải, từng cuộn chỉ rực rỡ để tạo nên những bộ trang phục mang bản sắc dân tộc mình.

Những thiếu nữ say mê với từng đường kim mũi chỉ, bằng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo, mong một ngày diện bộ váy sặc sỡ để đi hội mùa xuân: “Váy hoa xòe trên đá/ Như bướm gọi nắng vàng/ Con gái Mông má đỏ/ Phơi váy chờ xuân sang” (Hoàng Anh Tuấn)

Ngoài ra, người Mông ở Tà Xùa còn lưu giữ và phát triển nghề rèn từ xa xưa. Bên ánh lửa bập bùng, tiếng búa đe rộn ràng làm cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần no ấm.

Ươm mầm tương lai

Sống giữa gió núi, mây ngàn, những đứa trẻ ở đây lớn lên hồn nhiên và ngây thơ như cỏ. Nằm ngay trên đỉnh Tà Xùa là điểm trường mầm non xã Tà Xùa, một ngôi trường khang trang, nơi có gần 100 em nhỏ đang theo học. Các em ở đây đều tự đến trường rồi tự về nhà, còn em nào nhỏ quá thì anh chị học ở trường bên sẽ đưa đón các em. Những cô giáo ở vùng cao không chỉ gian nan mang cái chữ đến với bản làng mà còn trồng trọt tăng gia để các em nhỏ có bữa cơm thêm đầm ấm.

Xung quanh các lớp học là một màu xanh mát của rau quả và sắc vàng nhộm nắng của hoa cải đơm bông. Những khuôn mặt vui tươi với những nụ cười rạng rỡ làm bừng lên sức sống cho một vùng sơn cước lạnh giá. Tại đây, các em được yêu thương, được vui chơi, được học hành, được gieo những ước mơ để ươm mầm cho một tương lai tươi sáng.

Như thế, đến với Tà Xùa, ta không chỉ được hòa mình vào núi non hùng vĩ của một thiên đường mây huyền ảo hay một mê cung băng giá lấp lánh giữa mùa đông, một bức tranh thiên nhiên rực rỡ lúc xuân về mà còn được sống trọn vẹn những khoảnh khắc bình yên giữa cuộc sống giản dị của người dân Mông.

Khi những triền núi được bao phủ bởi màu hồng ấm áp của những cánh hoa đào, những chiếc váy sặc sỡ được mang ra phơi, tiếng sáo gọi bạn tình bên đầu núi thiết tha bổi hổi thì mùa xuân đã tới, mùa của những lễ hội, của tình yêu, với những đêm tình mùa xuân, với tiếng kèn lá réo rắt, với tiếng hát nồng nàn của trai gái tìm nhau: “Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi...”.

Nhật Minh
.
.