Tai nạn xe khách - ám ảnh không nói hết bằng lời

Thứ Bảy, 27/03/2021, 10:22
Đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho mọi người, trong đó ATGT cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe khách luôn là ưu tiên của Bộ Công an vì đây là phương tiện liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhiều người...


Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm nhằm phòng ngừa tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn xảy ra các vụ TNGT đau lòng.

Liên tiếp trong 2 ngày 16 và 17-3 vừa qua, mặc dù lực lượng CSGT đang “làm rát” xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy nhưng vẫn xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, làm chết và bị thương nhiều người, gây lo lắng trong dư luận nhân dân.

Ngồi xe khách, giao tính mạng cho tài xế

Tôi còn nhớ như in cảm giác khi nhận điện thoại của bạn thân về việc vợ, con bạn bị tai nạn khi đi xe khách từ Hà Nội về Thanh Hóa. Hôm đó, vợ bạn đưa con trai đi khám bệnh ở Hà Nội, trên đường về bằng xe BKS 29B- 204.95 (nhà xe Vân Anh chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội) thì lái xe Nguyễn Văn Luân đã tông xe ô tô tải BKS 36C-064.11 đang dừng ở làn dừng đỗ khẩn cấp để sửa chữa.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Vụ tai nạn làm 4 người bị thương, vợ của bạn tôi bị nặng nhất với đa chấn thương vì cô ấy đã ôm trọn đứa con trai trong lòng che chở cho cháu. Mặc dù thoát lưỡi hái tử thần nhưng gia đình bạn tôi khốn đốn suốt mấy tháng nay vì vợ nằm viện Việt Đức, sau đó phải về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị tiếp. Một mình bạn vừa phải chăm vợ ở bệnh viện, vừa lo cho 2 đứa con trong đó con trai 18 tháng bị tai nạn cùng mẹ.

Thời gian đầu, bạn tôi gửi cả 2 đứa con cho ông bà nhưng hai cụ già yếu lại bệnh tật nhiều nên không thể kham nổi đứa cháu nhỏ khóc suốt đêm vì nhớ bố mẹ. Không còn cách nào khác, bạn tôi phải mang con lên bệnh viện, thuê nhà trọ vừa chăm vợ, vừa chăm con.

Suốt mấy tháng trời, cả hai vợ chồng không đi làm được, tiền bao nhiêu cũng hết, trong khi lái xe - người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn thì nhà nghèo, chấp nhận đi tù vì không có khả năng khắc phục hậu quả, không hỗ trợ được gì cho nạn nhân.

Gần đây nhất xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này, trong đó có vụ vừa xảy ra ngày 16-3 tại Km 468+300 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Hưng Thi, Lạc Thủy, Hòa Bình, xe ô tô khách đấu đầu xe tải, hậu quả 3 người chết, 1 người bị thương, 2 xe hư hỏng.

Vụ thứ hai xảy ra ngày 17-3, tại Km 447+600 quốc lộ 1A, xóm Bắc Kim Hòa, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, xe ô tô khách chở theo 22 người chạy  hướng Hà Nội - Vinh va chạm ô tô đầu kéo đang đỗ bên phải đường theo hướng Hà Nội - Vinh. Hậu quả: chết 1 người, 3 người bị thương nặng, 2 xe hư hỏng.

Là nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ tai nạn trên, chị Mai Thị Hiền ở phường Bắc Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa cho biết: “Lúc đó cả xe đang ngủ tự dưng tôi nghe rầm một cái, mọi thứ rơi xuống. Tôi là người đầu tiên bò ra khỏi xe, bị đất cát ở xe trút vào đầu. Tôi bị thương, máu và đất cát đầy mồm, đầy mặt”. Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, cũng ở phường Bắc Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa - người bị thương nặng cho biết “Khi tôi tỉnh dậy thấy trên đầu mình đang chảy rất nhiều máu, trên xe còn mấy người cũng đang bị thương nặng, được các chú công an đưa ra rồi đưa đi viện”.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT là do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định; vượt xe không đúng quy định...

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết ở Hòa Bình.

Những con số giật mình

Theo số liệu của Cục CSGT, trong quý I-2021 (từ 15-12-2020 đến 14-3-2021), xảy ra 3.251 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1.658 người, bị thương 2.437 người. Có 162 vụ TNGT (chiếm tỉ lệ 4,98%) liên quan đến các loại xe ô tô khách, làm chết 91 người (chiếm tỉ lệ 5,49% về số người chết); làm bị thương 93 người. Tỉ lệ này giảm so với năm 2020 (trong năm 2020, các vụ TNGT liên quan đến xe ô tô khách chiếm tỉ lệ 5,09% về số vụ và 6,42% về số người chết).

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, còn có nguyên nhân: Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu, phương tiện có thiết bị giám sát hành trình nhưng không phát huy được hiệu quả; không sử dụng thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để phản ánh hoạt động thực tế của phương tiện, thời gian điều khiển phương tiện của lái xe để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Công tác quản lý ATGT, quản lý lái xe, phương tiện kinh doanh vận tải chưa chặt chẽ, quản lý sức khỏe lái xe không tốt, quy trình an toàn trước khi giao xe bị buông lỏng; không theo dõi toàn bộ hành trình, chấp hành của lái xe. Trong khi đó lái xe do lo bị cắt lương, thưởng nếu không đi, đến đúng giờ, khoán doanh thu; hệ thống vận tải nhỏ lẻ, manh mún và có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh...

Công tác quản lý của chủ doanh nghiệp, chủ xe đối với lái xe chưa chặt chẽ (chủ phương tiện giao cho người không đủ điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện), thậm chí vì lợi nhuận, các chủ xe thường tạo áp lực cho lái xe yêu cầu di chuyển vào ban đêm, lái xe liên tục trong thời gian dài.

Đặc biệt, trên thực tế, công an các đơn vị, địa phương phát hiện rất nhiều điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, trong đó có nhiều điểm đen xảy ra nhiều vụ TNGT, nhiều bất hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra TNGT. Lực lượng đã kiến nghị khắc phục những điểm bất hợp lý trên nhưng ngành giao thông chỉ khắc phục được khoảng 15% kiến nghị.

Là người tâm huyết với công tác đảm bảo ATGT, Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh hiểu rõ từng điểm đen, từng vị trí hay xảy ra tai nạn; thuộc lòng những kiến nghị của Công an tỉnh gửi cho Ban ATGT tỉnh và các cơ quan chức năng đề nghị khắc phục. Tuy nhiên, công văn gửi đi nhiều lần nhưng việc khắc phục các bất cập hầu như chưa được ai quan tâm đến.

Đặc biệt, kiến nghị về việc xây dựng điểm đón trả khách trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhưng nhiều năm qua không được quan tâm. Cũng vì không có điểm đón trả khách nên các xe khách thường tạt vào lề đường đón khách gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Điển hình là tại đoạn qua KCN Tiên Sơn (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), một cô gái đang băng ngang đường chờ đón xe khách đúng lúc xe 16 chỗ BKS 29B-112.44 đang lưu thông trên quốc lộ 1 hướng đi Hà Nội chạy tới. Do không tránh kịp, chiếc xe khách đã va chạm với cô gái khiến nạn nhân ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.

Cũng trên tuyến cao tốc này, đoạn dưới chân cầu vượt Bồ Sơn (Bắc Ninh) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khi xe container BKS 34C-019.68 tránh một xe khách tạt vào lề đường bắt khách, lái xe đã đánh lái, phanh gấp khiến đầu xe container quay ngược lại theo quán tính, đâm vào 3 người đang đứng ven đường chờ bắt xe khách khiến cả 3 người bị thương.

Kiểm tra ma túy được lực lượng CSGT trên các tuyến đường thực hiện thường xuyên.

Thượng tá Đặng Thanh Phong cho biết, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa phận Bắc Ninh dài 20,5km; trên tuyến có 7 cầu vượt, 1 cầu đường sắt và 40 điểm đấu nối; chưa có điểm dừng, đỗ đón trả khách, trong khi ven tuyến có KCN với khoảng 300.000 công nhân sinh sống, làm việc, chưa kể người dân sinh sống, đi lại.

“Không có điểm dừng đỗ, đón, trả khách nên người dân buộc phải ra đường đón xe, bất chấp nguy hiểm. Công an tỉnh Bắc Ninh đã khảo sát, nhiều lần có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo xây dựng các điểm dừng đỗ đón, trả khách tại khu vực các cầu vượt Đại Phúc, Bồ Sơn và KCN Tiên Sơn trên tuyến nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được quan tâm” -  Thượng tá Đặng Thanh Phong nói.

Làm gì để xe khách không còn là những “cỗ quan tài bay”

Để phòng ngừa hạn chế TNGT liên quan đến xe chở khách và các phương tiện khác, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tập trung cao nhất lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng vào các khung giờ thường xuyên xảy ra TNGT; nhanh chóng, tập trung điều tra kết luận nguyên nhân, xác định lỗi của lái xe, chủ phương tiện và người liên quan trong vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, đặc biệt là những vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết TNGT đường bộ của Cơ quan công an, y tế, bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nhất là trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải).

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây TNGT (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), chỉ có quy định xử phạt vi phạm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải nói chung (không tách riêng trường hợp xảy ra tai nạn và không xảy ra tai nạn).

Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ TNGT liên quan đến các phương tiện kinh doanh vận tải; ngày 15-3-2021, Bộ Công an đã ban hành chiến lược, kế hoạch bảo đảm ATGT giai đoạn 2021-2025. Qua đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành và UBND cấp tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm.

Cụ thể là đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ do Chính phủ trình, trong đó: quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy đăng ký xe. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 theo hướng bổ sung xử phạt hành vi chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây ra vụ TNGT nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải...

Phương Thủy
.
.