Tấm lòng thơm thảo của những người mẹ

Thứ Sáu, 18/11/2016, 11:35
“Tôi chưa bao giờ ra Trường Sa, chỉ nhìn thấy được công việc cực nhọc của những người lính đảo qua ti vi. Ngày trước cũng có đứa cháu đi nghĩa vụ ở Trường Sa về nghe kể ngoài đó lạnh lắm. Rồi trong suy nghĩ tôi mường tượng ra được nỗi khổ cực thiếu thốn ở nơi bốn bề sóng nước nên có ý nghĩ đan áo gửi tặng các chiến sĩ, xem như tấm lòng người đất liền gửi ra đảo xa”, bà Bộ tâm sự.

1. Trong căn nhà lụp xụp, chắp vá, hướng mặt ra bờ biển, bà Mang Thị Bộ (67 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) ngồi trên ghế, tay kim tay chỉ miệt mài đan áo. Gần 2 năm qua, bà cần mẫn ngồi nhiều giờ bên những cuộn len để đan áo ấm gửi tặng các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa.

“Tôi chưa bao giờ ra Trường Sa, chỉ nhìn thấy được công việc cực nhọc của những người lính đảo qua ti vi. Ngày trước cũng có đứa cháu đi nghĩa vụ ở Trường Sa về nghe kể ngoài đó lạnh lắm. Rồi trong suy nghĩ tôi mường tượng ra được nỗi khổ cực thiếu thốn ở nơi bốn bề sóng nước nên có ý nghĩ đan áo gửi tặng các chiến sĩ, xem như tấm lòng người đất liền gửi ra đảo xa”, bà Bộ tâm sự.

Bà Bộ đan áo để gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa.

Ý nghĩ muốn tự tay đan áo gửi tặng chiến sĩ Trường Sa đã nung nấu từ lâu nhưng ngặt nỗi điều kiện kinh tế không cho phép. Dù vậy nhưng đầu năm 2015, bà Bộ tìm đến những gia đình khá giả trong xã vận động gom góp. Lần đó bà xin được 2 triệu đồng, bản thân bỏ thêm 1 triệu đồng rồi bắt xe đi lên chợ trung tâm thành phố mua len. Từ ngày đó, bà dành phần lớn thời gian cho việc đan áo. Đợt đó, bà đan được 30 chiếc áo, rồi gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

“Tôi đan cái áo lúc nhanh thì mất 7 ngày, lúc chậm thì 10 ngày. Công việc không nặng nhọc gì mấy, chỉ là tốn nhiều thời gian, ngồi lâu một chỗ là đau mỏi. Mình không làm được việc gì lớn, chỉ đóng góp trong khả năng của mình, những mong các chiến sĩ ấm lòng mà làm nhiệm vụ”, bà Bộ tâm sự.

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Bộ không lúc nào rời tay khỏi cây kim đan và cuộn len, đây là hai thứ luôn bên bà suốt từ đầu năm 2015 đến năm nay. “Mùa này trời trở lạnh, tôi già rồi nên thường bị đau các khớp, nhưng ở đây lạnh một thì ở Trường Sa chắc lạnh mười. Mình cố gắng đan, vì thêm một cái áo là thêm một chiến sĩ được ấm trong mùa đông này”, bà Bộ chia sẻ.

Theo bà Bộ, sau khi gửi 30 chiếc áo len tặng chiến sĩ Trường Sa vào tháng 9/2015, thì cuối năm 2015, bà gửi tặng 18 chiếc nữa. Hiện tại, bà đang chuẩn bị gửi tặng 40 chiếc vừa may xong ra cho các chiến sĩ. “Mỗi lần mường tượng đến hình ảnh các chiến sĩ hân hoan đón nhận áo len của mình là một hạnh phúc khó tả đối với tôi. Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn tiếp tục vận động sự hỗ trợ của bà con để mua len đan áo cho các chiến sĩ Trường Sa”, bà Bộ chia sẻ.

Chị Mang Thị Huyền Nga, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải, cho biết: “Việc làm của bà Bộ xuất phát từ tấm lòng của cá nhân. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài số tiền vận động, bà Bộ còn tự bỏ tiền túi và công sức của mình để mua len đan áo gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Đây là một việc làm rất đáng trân quý. Nguyện vọng của bà là được các tổ chức, cá nhân, đoàn thể cùng tham gia đóng góp về vật chất để có thêm nhiều hơn những tấm áo gửi ra Trường Sa, nơi những người con Tổ quốc ngày đêm làm nghĩa vụ thiêng liêng”.

Ngôi nhà lụp xụp, chắp vá của bà Bộ.

2. Trong căn phòng chật chội, mọi thứ được tối giản và sắp xếp gọn gàng, cụ Võ Thị Vân Khanh (86 tuổi, ở tổ 8, khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt) gò người may vá. Chốc chốc cụ lại ho sù sụ. Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt cụ sáng lên khi nói về những chiếc chăn hoa đủ màu sắc được ghép lại từ những mảnh vải vụn mà cụ xin của những tiệm vải, nhà may ở TP.Quy Nhơn.

“Cụ vốn là một thợ may, con gái cụ cũng là thợ may. Mỗi lần thấy con gái bỏ đi những miếng vải rẻo cụ thấy tiếc nên nghĩ mình con sức thì gom lại may cái gì đó. Rồi nghĩ đến những người nghèo, những đứa trẻ mồ côi nên cụ nghĩ đến việc may chăn, giúp đỡ họ trong khả năng của mình”, cụ Khanh cho biết.

Nghĩ là làm, đầu năm 2012, ngoài những miếng vải rẻo cụ Khanh xin vải rẻo về, chọn lựa, cắt thành miếng vuông cùng kích cỡ và tự tay may thành những chăn xinh xắn. Cụ bảo, nếu muốn chăn đẹp thì phải cắt vải thành hình lục giác, ngũ giác để ghép lại, như vậy tốn nhiều công. Vậy nên để có được nhiều chiếc chăn cho người nghèo (chiều ngang từ 1 - 1,2m, dài 1,9 - 2m), cụ cắt những tấm vải thành hình vuông, chữ nhật theo kích thước đều nhau và ráp chúng lại bằng máy may là ra thành phẩm. Sau đó, cụ may đường viền cẩn thận để chiếc chăn chắc, bền hơn. Tấm chăn được ghép nối bởi nhiều rẻo vải nhỏ, mang nhiều màu sắc, sinh động bất ngờ.

Mấy năm trước còn khỏe, mỗi năm cụ Khanh may được khoảng 40 cái chăn, nay sức khỏe giảm sút, mỗi năm cụ may khoảng 20 - 30 cái. “Một cái chăn giá có mấy chục ngàn đồng, đối với nhiều người chỉ bằng bữa ăn, nhưng với những người nghèo thì có khi vài ngày công dành dụm cũng chưa mua được. Tôi biết người nghèo họ vất vả trăm bề, từ miếng ăn đến giấc ngủ cũng thấy họ khổ”, cụ Khanh bộc bạch.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Khanh vẫn cặm cụi may chăn tặng người nghèo.

“Lúc đầu, tôi may chăn cho mấy người nghèo ở địa phương tôi sinh sống. Khoảng một năm trở lại đây, tôi tận dụng vải rẻo may thêm quần đùi, áo gối, rồi tôi nhờ các con chuyển lên cho bà con nghèo ở huyện miền núi Vân Canh. Tôi từng sống ở đó nên biết người đồng bào còn nghèo lắm. Mình giúp họ được cái gì thì giúp, cho đi cũng chính là nhận lại”, cụ Khanh tâm sự.

Nói rồi, cụ Khanh bảo: “Mình không có điều kiện để giúp đỡ nhiều về tiền bạc cho người nghèo nên giúp bằng việc may và tặng chăn, một công việc tương đối phù hợp sức mình. Hơn nữa, tận dụng phế phẩm là hàng vạn mảnh vải dư thừa và biến chúng thành vật hữu ích cũng là góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường là việc nên làm”.

Trong cuộc trò chuyện, cụ Khanh còn bảo, mới được biết ở Quy Nhơn có Làng trẻ em SOS, cụ mong sao có sức khỏe ổn định để may chăn, áo gối, quần đùi tặng cho các em nhỏ sống ở đây. “Nhiều lần thấy tôi ho, đứng lên ngồi xuống đi lại khó khăn vì vẹo cột sống những vẫn mải mê với đống vải vụn, con cái xót lòng muốn ngăn không cho tôi làm nữa. Tụi nó nói mãi nên tôi hứa với tụi nó là làm trong khả năng của mình, lúc nào mệt thì nghỉ, vẫn giữ gìn sức khỏe. Tôi còn nhiều dự định lắm, may cho người nghèo rồi các em nhỏ ở làng trẻ SOS nữa, sợ chết đi lại bỏ lỡ dở”, cụ Khanh tâm sự.

3. Mỗi chiếc áo len, chăn ấm, hay cả những chiếc quần đùi của những người mẹ nói trên khi đến với trẻ em nghèo, mảnh đời khốn khó, hay các chiến sĩ Trường Sa đều từng đi qua đôi tay chai sần nhưng vẫn thuần thục đưa mũi kim lên xuống một cách đều đặn và chính xác. Ở đó, chắc hẳn thấm giọt mồ hồi của các mẹ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cuộc đời của những người mẹ này cũng lắm nỗi truân chuyên.

Cụ Khanh kể, cuộc sống của cụ có nhiều thăng trầm. Thuở nhỏ ở quê xã Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), cụ được cho đi học chữ, sau đó làm giao liên, viết thư giúp cán bộ. Năm 19 tuổi, cụ Khanh lập gia đình, có chút vốn liếng về may, cụ mở tiệm may ngay tại quê nhà. Thời gian sau đó, vợ chồng cụ cùng 6 người con vào TP .Quy Nhơn sinh sống.

“Hồi mới vào đây, hai vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề nhưng vì con đông nên miếng ăn chẳng thấm thía vào đâu. Rồi chồng tôi đau bệnh liên miên, tôi vừa lo cho chồng vừa chạy vạy mưu sinh cho cả nhà. Nhưng rồi, có lẽ vì cái nghề may có duyên với mình nên cuối cùng tôi cũng quay lại nghề may, thêu để nuôi các con ăn học”, cụ Khanh cho biết.

Mùa đông này, những chiếc chăn ấm cụ Khanh may sẽ đến với những mảnh đời khốn khó.

Sau năm 1975, cụ Khanh tham gia xây dựng kinh tế mới tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh). Đó là những năm tháng cơ cực khốn khó trong cuộc đời. Phận nữ nhi nhưng cũng lại là trụ cột gia đình khi chồng mất sớm, cụ chẳng quản từ việc giữa đêm đi đuổi heo rừng đến trèo mít hái bán.

“Tôi đi kinh tế mới nhưng con cái ở lại Quy Nhơn, vì mấy đứa nhỏ còn học, mấy đứa lớn phải ở lại lo cho mấy đứa nhỏ. Nhớ hồi mới lên, những đêm mưa, cái bạt che tạm bị dột, cả đêm ngồi co ro, lạnh lẽo không sao chợp mắt được. Bao nhiêu công sức, tiền của, tôi dồn hết cho những khu vườn cây trái ở vùng miền núi này. Đến mùa thu hoạch thì heo rừng phá nên thất lên thất xuống, vất vả lắm”, cụ Khanh tâm sự.

Năm 1991, sức khỏe suy sụp, cụ Khanh bị bệnh dạ dày, khớp và cột sống nên được các con đưa về Quy Nhơn sống cho đến nay. “Các con cho tiền, tôi cứ bỏ heo đất dành dụm, khi đập heo thì nhờ Hội Người cao tuổi phường đến nhận rồi chia cho người nghèo. Đặc biệt, hàng năm, tôi đều dành tiền tặng cho các hộ nghèo ở xã Canh Hiển. Ngoài ra, tôi vẫn thường xuyên giúp đỡ gia đình của bà Cháu, bà Sáu Em và ông Tú ở cùng khu phố. Cách đây mấy năm, những người này lần lượt qua đời vì đau ốm, tôi buồn lắm, khóc rất nhiều vì họ quá khổ cực, lại bệnh tật”.

Bây giờ, bà Bộ đang là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hải, bà từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Năm 1985, khi đã ở tuổi 36, bà mới lập gia đình với một người đàn ông kém tuổi trong xã. “Hồi đó chồng kém tôi tới 7 tuổi. Ban đầu ổng thương tôi lắm, nhưng sau khi lấy nhau về, ổng nghe người ta nói ra nói vào chuyện chồng trẻ vợ già, lại thêm lấy nhau 2 năm mà không có con, ổng sinh chán nản, lạnh nhạt. Tôi thấy mình có lỗi nên quyết định ly hôn”, bà Bộ tâm sự.

Số bà đã khổ, người em của bà là Mang Thị Bích Hoa (65 tuổi) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà Hoa lấy chồng được vài năm thì đổ vỡ, thành phụ nữ đơn thân. Chị em dở dang ghép lại một nhà nương tựa vào nhau cho qua ngày đoạn tháng. Để tự lo cuộc sống qua ngày, hai chị em bà Bộ phải tảo tần bươn chải, trước thì buôn bán nhỏ, sau thì chuyển qua nuôi heo. Bây giờ, cuộc sống cứ êm đềm mỗi ngày, người em làm việc nhà, người chị ngồi đan áo.

Cuộc sống nghèo khó với lắm nỗi cơ cực nhưng hai chị em lại giàu lòng thương người, sống hết mình với mọi người xung quanh. Đã 10 năm qua, cứ trước mỗi dịp Tết Âm lịch hàng năm, bà Bộ cùng em gái lại trích ra số tiền vài triệu đồng để mua quà bánh tặng cho hơn trăm gia đình, trường hợp nghèo khó, hoạn nạn trong xã.

“Mình nghèo thì nghèo rồi, nhưng mà vẫn còn cơm ăn áo mặc. Trong khi quanh mình có nhiều trường hợp khốn khổ quá, thôi thì giúp ai được cái gì mừng cái đó. Những lúc rảnh rỗi, hai chị em lại đi xin quần áo cũ, mua từng con cá, can nước mắm để gửi tặng những người nghèo ở làng phong Quy Hoà. Trước Tết thì lại chuẩn bị bánh kẹo cho bà con nghèo, trẻ em mồ côi cơ nhỡ trong xã”, bà Bộ chia sẻ.

Trò chuyện, tận mắt chứng kiến đôi tay chai sần của các mẹ vẫn đều đặn đưa từng đường kim mũi chỉ, để những tấm chăn nhiều màu sắc, những chiếc áo len phủ lên mình, xua tan cái lạnh giá cho những phận nghèo, cho các chiến sĩ Trường Sa, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ánh mắt các mẹ lại long lanh hạnh phúc.

Phan Nhuận Phin
.
.