"Thác loạn" cùng EDM - một trào lưu nguy hiểm

Thứ Hai, 24/09/2018, 15:55
Thời gian gần đây, một bộ phận giới trẻ ở các thành phố lớn rộ lên phong trào bay lắc cùng nhạc điện tử (EDM). Trên nền âm thanh chát chúa, cùng rượu mạnh, ma túy, “bóng cười”... những con thiêu thân thả sức “fly so high” (bay thật cao). mặc dù có không ít dân bay đã bị "gãy cánh" (tử vong do sốc thuốc), thì phong trào này dường như vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Và, dường như không dừng lại ở việc bay lắc trong quán bar, karaoke... nhiều đối tượng còn lợi dụng các sự kiện âm nhạc ngoài trời để sử dụng ma túy một cách công khai! Đây là một trào lưu cực kỳ nguy hiểm, cần phải kiểm soát ngay.

Nhạc điện tử và "dân quẩy"

Có thể nói, chưa bao giờ nhạc điện tử được giới trẻ ưa chuộng như vài năm trở lại đây.

Theo DJ (người chỉnh nhạc) Phương L. - một DJ khá nổi trong giới - thì EDM là viết tắt của cụm từ Electronic Dance Music, nghĩa là nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử, bắt nguồn từ nhạc disco những năm 1970. EDM được chia thành một số dòng như Trance, Techno, House...

EDM đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước, song mới vào Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, khoảng 2 năm nay có thể nói EDM thực sự bùng nổ ở Việt Nam. Hàng loạt sự kiện nhạc điện tử diễn ra dồn dập ở các thành phố lớn, cùng sự tham gia của các DJ nổi tiếng khiến dân cuồng nhạc điện tử không tiếc tiền mua vé để có mặt. Dấu mốc lớn nhất cho sự thành công của dòng nhạc EDM ở Việt Nam chính là chương trình “The Remix - Hòa âm ánh sáng”, nơi quy tụ nhiều nhà sản xuất nhạc và DJ trẻ, tài năng.

Mặc dù được xác định là nhạc sàn, nhạc nhảy, song một số ca sĩ V-pop vẫn đưa EDM vào nhạc của mình. EDM cũng luôn có sự tham gia của các DJ để biến những bản nhạc trở nên sôi động hơn, "phiêu" hơn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhạc điện tử thì số lượng những raver (thường được gọi là "dân quẩy") cũng bùng nổ theo. Raver được mặc định là những người (mà chủ yếu là giới trẻ như thanh niên, sinh viên) yêu thích nhạc điện tử và sẽ nhảy nhót thả hồn, phiêu theo những beat (nhịp đập) cuồng nhiệt từ các DJ. Họ không bao giờ được đứng yên như fan của những dòng nhạc khác.

Hà Nội tạm dừng cấp phép những đêm nhạc tương tự như “trip to the moon”.

Với một bộ phận "cậu ấm cô chiêu" ở Hà Nội, cập nhập những bản hit (bài nổi bật) của EDM, sau đó rủ nhau chơi ma túy tổng hợp, hít “bóng cười”, uống rượu mạnh... là chuyện không thể thiếu được trong những cuộc vui. Theo lời kể của Phương L., chúng tôi được nghe về một "raver party" (bữa tiệc của dân quẩy) vào một đêm gần đây.

Tại phòng karaoke rộng chừng 30m2, được thiết kế hết sức hiện đại. Ngoài những dãy ghế salon đắt tiền là một hệ thống đèn màu như trên các sân khấu lớn, nhiều màn hình ti vi và đặc biệt là mấy dàn loa khủng. Chỉ cần chỉnh volume lên nấc "5" là nhạc đã đánh cho tức ngực. Góc khác, mấy chục quả “bóng cười” nằm trọn một dãy ghế. Được biết, chi phí thuê trọn gói phòng này trong một ngày lên đến hàng chục triệu đồng.

Hôm nay là sinh nhật của cô nàng T.V., ái nữ của một tổng giám đốc. Có 10 khách mời là bạn thân của cô nàng. Để tăng độ phê, DJ Phương L. được nhóm khách thuê để phụ trách riêng phần nhạc.

Sau khi đã nốc cạn một cốc nước từ tay V., Phương L. nhảy lên bàn chỉnh âm. Nhạc nổi lên và đám thiêu thân bắt đầu cuộc vui. Những chai rượu ngoại được mở cùng những tiếng cụng ly, tiếng hò reo... đầy phấn khích. Ít phút sau, mấy bàn shisha được bê ra, rồi đám thanh niên kẻ hút shisha, người hít “bóng cười” tha hồ "quẩy" trong nền nhạc mạnh.

"Hôm đó em phải phục vụ đám thiếu gia từ chập tối đến tận rạng sáng. Thù lao của một đêm như thế là 5 triệu đồng. Mỗi tháng ít cũng có khoảng 5 cuộc như hôm ấy, nhiều thì đến cả chục. Dù rất mệt mỏi vì phải làm việc quá sức, song vì thù lao quá hậu nên em vẫn cố gắng” - Phương L. chia sẻ.

"Trong những buổi ấy, có lần nào xảy ra sự cố gì không?" - tôi hỏi.

"Có chứ anh. Thi thoảng lại có một đứa bị ngất xỉu, phải thuê taxi đưa đến bệnh viện. Nhiều đứa trong số này nghiện ma túy đá nặng, thường xuyên phải nhập viện thần kinh điều trị” - Phương L. nói.

Một “dân quẩy” bị ngất trong sự kiện EDM tại sân vận động Mỹ Đình.

Không để EDM trở thành cớ sử dụng ma túy công khai

Không chỉ bó ở khuôn khổ các quán bar, sàn nhảy nhạc EDM hiện đã và đang được phổ biến một cách rộng rãi, được tổ chức ở những địa điểm rộng, hoành tráng. Ở nước ta mỗi năm có hàng chục sự kiện trình diễn EDM, được gọi là "bữa tiệc của âm thanh và ánh sáng" và đều được tổ chức tại các thành phố lớn.

Công bằng mà nói, bản thân EDM không có lỗi. Cũng như các dòng nhạc khác như Rap, R'n'B... nhạc điện tử có những nét hấp dẫn riêng, tạo được sức hút đối với giới trẻ. Những lễ hội EDM trình diễn âm thanh, ánh sáng cũng là nguồn giải trí cần thiết cho giới trẻ đam mê nhạc điện tử.

Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện với số lượng người tham gia lớn, đồng thời công tác đảm bảo an ninh thiếu chặt chẽ dễ khiến cho các đêm nhạc EDM gặp thảm họa.

Đầu năm 2017, đêm nhạc BPM Festival diễn ra tại Mexico đã biến thành đêm chết chóc với 5 người tử vong và nhiều người bị thương. Theo quan chức địa phương, xuất phát từ những mâu thuẫn trong buôn bán ma túy, nhóm giang hồ đã xả súng khi mà những raver đang quay cuồng trong tiếng nhạc.

Tháng 5-2017, đại nhạc hội EDM diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã để lại nhiều hình ảnh phản cảm và một sự cố nghiêm trọng. Sau show diễn, nhiều người đã ghi lại được hình ảnh không ít nội y của các khán giả nữ vương vãi trên nền đất tại sân vận động. Ban tổ chức cũng không thể kiểm soát được hơn 20 nghìn khán giả trong số đó nhiều người dùng những đồ uống có cồn như rượu, bia “quẩy” tưng bừng đến nỗi ngất xỉu.

Đặc biệt, một dân quẩy tên Đỗ Anh N. (SN 1990, trú tại Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) được cho là đã sử dụng ma túy rồi ngất ngay tại chỗ. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu, song anh này đã tử vong.

Theo một số raver bật mí với chúng tôi, trong các sự kiện âm nhạc điện tử được tổ chức ngoài trời thì việc dân quẩy "găm" theo các chất kích thích, chất ma túy là rất "bình thường". Những viên thuốc lắc nhỏ xíu có thể giấu trong túi áo, túi quần, ví, đế giày... Và khó có lực lượng bảo vệ nào dám khẳng định có thể kiểm soát tất cả.

Trong "thảm họa" vừa xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây ngày 16-9-2018 vừa qua, cũng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy dân quẩy đã mang theo ma túy vào để sử dụng.

Vì vậy, để những sự kiện nhạc điện tử được diễn ra lành mạnh, cơ quan cấp phép, ban tổ chức cần có những phương án bảo đảm an ninh cụ thể, chặt chẽ. Tuyệt đối không để những sự kiện EDM trở thành nơi sử dụng ma túy công khai.

Điều tra việc bán “bóng cười” tại đêm nhạc “Trip to the moon”

Ngay sau khi vụ 7 thanh niên tử vong trong sự kiện âm nhạc "Trip to the moon" (Du hành lên mặt trăng) tại Công viên nước Hồ Tây vào đêm 16-9-2018, Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc.

Ngày 18-9-2018, Cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về các tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” định tại các Điều 256 và 258 Bộ Luật Hình sự.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, Cơ quan công an thu được khá nhiều vật chứng thể hiện các dân quẩy đã sử dụng chất kích thích, chất nguy hiểm và đặc biệt là cả ma túy trong khi tham gia sự kiện âm nhạc này. Tại 3 sân khấu và vị trí đứng của các khán giả, cơ quan điều tra thu được hàng chục túi nilon màu trắng đựng chất bột mà giám định là ma túy tổng hợp, hàng trăm vỏ bóng bay (bóng cười) đã được sử dụng, rất nhiều chai nước, rượu... đã qua sử dụng.

Thậm chí, Cơ quan công an còn thu được một chai nước cấu tạo như coóng để sử dụng ma túy đá. Trong người của một nạn nhân đã tử vong được xác định là do ma túy, cơ quan điều tra cũng thu giữ được một viên ma túy tổng hợp! Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ việc bán “bóng cười” tại đêm nhạc này.

Đêm nhạc “trip to the moon” đã trở thành thảm họa với 7 “dân quẩy” tử vong do sốc ma túy.

Theo thông tin ban đầu, trong số 12 nạn nhân bị sốc, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu xuất phát từ nhiều nhóm khác nhau. Có nhóm ở Hải Phòng lên, nhóm trên Cao Bằng xuống. Nhiều nhất là các nhóm tập hợp từ các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Long Biên...

Cơ quan công an cũng tổ chức điều tra về đơn vị tổ chức sự kiện và việc cấp phép cho công ty này. Được biết, Công ty TNHH kết nối Á Châu (công ty tổ chức sự kiện) được thành lập từ năm 2015, có địa chỉ tại phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Gíam đốc công ty là Lê Thái Sơn (26 tuổi, trú tại Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lĩnh vực hoạt động của công ty này là tổ chức sự kiện.

Ngày 31-8-2018, công ty này được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cấp phép tổ chức chương trình "Đại nhạc hội mùa thu 2018" diễn ra từ 19 đến 23 giờ ngày 16-9-2018. Nội dung là trình diễn nhạc điện tử với sự tham gia của một số DJ ngoại quốc. Trước khi sự kiện này diễn ra, công ty đã ký hợp đồng với một số công ty chuyên cung cấp thực phẩm đồ uống, công ty trang trí sân khấu và một công ty bảo vệ tư nhân có khoảng 80 người.

Hiện, vụ án đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội tích cực điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm những vi phạm trước pháp luật.

Nhóm PVĐT
.
.