Thánh địa Mecca và những cuộc hành hương đẫm máu
- Iran cấm người dân hành hương tới thánh địa Mecca
- Thánh địa Mecca đang bị bêtông hóa?
- Thánh địa Mecca và những thảm họa giẫm đạp
Ngày thứ Sáu đen tối
Cách đây gần 3 thập niên, vào ngày 31-7-1987 lần đầu tiên một cuộc "tổng xô xát" đã xảy ra giữa những người hành hương. Đến tối 1-8-1987, trên Đài Truyền hình Quốc gia Arập Xêút cho biết con số nạn nhân chính thức là 402 người chết và 649 người khác bị thương; cũng như mức thiệt hại sơ bộ về "những cuộc xô xát lan truyền" xảy ra trong ngày hôm trước giữa những người hành hương Iran và lực lượng cảnh sát địa phương. Đa phần những người thiệt mạng là phụ nữ Iran, còn đội Vệ binh Arập Xêút có 85 người chết và 145 nhân viên khác bị thương.
Phụ nữ Iran hành hương giơ cao chân dung Giáo chủ Ayatollah Khomeini. |
Trong ngày bi thương này cũng có thêm 42 người hành hương mang các quốc tịch khác đã bỏ mạng. Nguồn tin của giới bác sĩ chăm sóc những người bị nạn cho biết, cảnh sát Arập Xêút đã trưng dụng cả các xe cứu thương để chở những xác chết. Nhiều người trong đó bị phỏng rộp, hậu quả của những làn roi điện, cũng như từ các vòi rồng phun nước sôi dẹp loạn - trấn áp của lực lượng Vệ binh Hồi giáo và cảnh sát chống bạo loạn từ thủ đô Riyadh được điều động tới.
Những cuộc xô xát bắt đầu lúc 15 giờ 30 phút ngày thứ sáu (31-7-1987) và kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ sau đó. Qua ngày thứ bảy, các kênh truyền hình Arập Xêút đưa những hình ảnh đầu tiên về "Ngày thứ sáu đen tối".
Đoạn phim được quay quanh Thánh đường Al-Masjid Al-Haram (Đền thờ Lớn) ở Mecca, cũng là đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới với sức chứa hơn 2 triệu người, cho thấy hàng chục nhóm người Iran đang giương cao những tấm chân dung của Giáo chủ Ayatollah Khomeini cùng các biểu ngữ ca ngợi cuộc "cách mạng Hồi giáo mới" ở Iran. Vào hôm thứ năm trước đó, đích thân vị "Thánh sống tối thượng" Khomeini đã có lời hiệu triệu tới 150.000 tín đồ Iran đang hành hương về Mecca: "Hãy thể hiện sự ủng hộ của mình với cách mạng Iran và chống lại bọn tà giáo quốc tế".
Theo các giới chức tại Riyadh, thì những cuộc xô xát đầu tiên đã xảy ra sau khi những người hành hương dùng gậy và đá tấn công lực lượng Vệ binh Arập Xêút. Hàng trăm cảnh sát lập tức được huy động tới nhằm can thiệp và vãn hồi trật tự.
Còn theo bình luận của Đài Truyền hình Quốc gia Arập Xêút, thì "công cuộc dẹp loạn được bắt đầu sau khi người Iran lật và châm đốt những chiếc xe hơi nhưng không một viên cảnh sát nào, một công dân Arập Xêút nào sử dụng vũ khí cả! - người bình luận khẳng định - Trong khi những người hành hương tấn công họ bằng dao nhọn. Đa phần các nạn nhân chết vì xô đẩy giẫm đạp lên nhau…".
Khu lều trại bạt ngàn mới dựng dành cho hơn 2,5 triệu người hành hương. |
Nhưng cách giải thích trên không được Ban lãnh đạo Iran chấp nhận. Tehran đưa ra những tổn thất lớn hơn nhiều bao gồm 650 người mất tích và 700 người khác bị thương trong các bệnh viện. Con số này do những người lãnh đạo đoàn Iran cho biết - dựa trên danh sách hành hương chính thức. Còn theo Đài Phát thanh Tehran thì những vụ lộn xộn tại Mecca là một sự "tàn sát có chủ ý".
Dựa trên thông tin từ một phóng viên của mình có mặt tại khu Thánh địa, Đài này khẳng định: "Lực lượng an ninh Arập Xêút không chỉ thỏa mãn với việc đàn áp những người hành hương bằng các tảng đá to, mà còn tấn công họ với hơi độc làm nghẽn đường hô hấp nữa… Sau khi bao vây họ, người ta đã xả súng vào họ, giết chết rất nhiều phụ nữ… Thậm chí những người bị thương đã ngã xuống đất vẫn còn bị tấn công thêm một lần nữa bằng những ngọn roi dẫn hiệu điện thế cao, tất yếu cái chết sẽ đến với họ". Tehran phản ứng tức thời. Chính phủ Iran tuyên bố quốc tang tưởng nhớ những người hành hương thiệt mạng.
Người Shiite và người Sunni - "xô xát" tín ngưỡng và quyền lợi
Phải chăng vấn đề "quyền kế thừa" các tư tưởng của nhà hiền triết Muhammad (570-632), từng nảy sinh từ thế kỷ VII đã biến thành nguyên nhân của vụ lộn xộn đẫm máu nói trên?
Một thực tế là - cũng như trước đây 14 thế kỷ - sự tranh cãi giữa những người Shiite thiểu số Hồi giáo (chỉ chiếm độ 10%) với nhóm người Sunni đa số không chỉ thuần túy về mặt tín ngưỡng, mà còn bao gồm cả các khía cạnh về chính trị và kinh tế, luôn đe dọa sự công nhận các thể chế kế thừa hợp pháp. Dân Shiite có quan điểm khác với dân Sunni về quyền thừa kế chính trị, và đương nhiên cả với các chính thể tôn giáo được tạo dựng từ những hậu duệ của Đấng tiên tri Muhammad.
Khối Đá đen hay "hòn đá tiên tri" trong khuôn viên Đền thờ Lớn. |
Từ thế kỷ XVIII tại vùng Vịnh Persian, khi chủ nghĩa Hồi giáo ngày một bành trướng, người ta thiết lập thứ chủ nghĩa Shiite mới và công khai phản bác dòng tín ngưỡng chính thức của người Arập Xêút. Cũng chính tại khu vực Vịnh Persian, chủ nghĩa Shiite mới đã được phổ biến sâu rộng nhất và được thể hiện trong giới tín đồ như là thứ "tín ngưỡng của những người bị áp bức". Tại Iran có tới 80% dân số là người Shiite, ở Iraq là 55%, còn tại Lebanon đó là dạng tôn giáo lớn nhất trong xã hội. Ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và thậm chí ngay cả tại Arập Xêút, người Shiite sống chủ yếu nhờ vào sự giàu có về dầu mỏ ở các miền duyên hải phía đông kề cận Vịnh Persian.
Khu vực Mecca cách đây 15 thế kỷ, vào lúc nhà Đại tiên tri Muhammad chào đời là một địa danh bị quên lãng giữa sa mạc. Bây giờ là một thành phố hiện đại, nơi người ta cử hành lễ Haji thường niên. Dịp lễ này thường được tiến hành 2 tháng sau lễ Ramadan. Hơn 2 triệu người hành hương mỗi năm đổ đến Thánh địa Mecca làm lễ Haji, dưới sự bảo vệ của lực lượng Vệ binh Hồi giáo đặc biệt.
Ngay bản thân Thánh Muhammad, sau khi đã đánh đuổi mọi thế lực thù địch ra khỏi Mecca, cũng phải đi tới quyết định thiết lập thủ đô Hồi giáo đầu tiên ở Medina, không xa Mecca mấy để tạo ra "một thể chế Hồi giáo độc lập đầu tiên trong lịch sử", nhằm loại trừ những tranh chấp tiềm ẩn tại chốn "Thánh địa thiêng liêng nhất" ấy.
Mục tiêu của giới hành hương là Kaaba (Khối Đá đen), tọa lạc trong khuôn viên Đền thờ Lớn. Tại đây khối đá lập phương Kaaba - một mảnh của thiên thạch theo truyền thuyết, lên nước bóng nhoáng bởi những ngón tay của hàng trăm triệu tín đồ đã chạm vào. Họ thường mặc đồ hành lễ màu trắng và nối đuôi nhau suốt cả kỳ lễ hội tiến đến sờ lên "hòn đá tiên tri". Còn ngôi nhà mà Đấng tiên tri Muhammad đã sinh ra nằm đối diện với Đền thờ Lớn, giờ đây đã biến thành tòa thư viện cao 7 tầng lầu, nơi bảo quản hàng chục nghìn bộ sách tín ngưỡng và khoa học đồ sộ.
Sau khi đã được chạm vào và ôm hôn "hòn đá tiên tri", những người hành hương phải quy tụ trước buổi tối đêm lễ hội Haji tại nơi hiến sinh - "xả thân tự nguyện" trên núi Arafat, cách Mecca 25km. Theo truyền thuyết thì đây chính là nơi Thánh Muhammad phán những lời răn cuối cùng.
Hàng trăm tín đồ thiệt mạng mỗi năm
Hầu như bất cứ năm nào cũng đều có những cuộc lộn xộn - ẩu đả giữa giới hành hương đổ về Mecca. Vụ đầu tiên bi đát nhất là vào hôm 20-11-1979 có 500 kẻ có vũ trang đã bao vây Đền thờ Lớn. Chúng bắt vài chục người hành hương làm con tin và đưa ra những đề xuất tín ngưỡng vô lý. Tới ngày 4-12-1979 chính quyền Arập Xêút quyết định công phá khu Đền thờ Lớn. Con số thiệt hại chính thức là 153 người bị giết và 560 người bị thương.
Bên phía bọn khủng bố: 117 tên chết tại trận, còn 63 kẻ bị bắt đều bị hành quyết bằng hình thức chặt đầu công khai vào ngày 9-1-1980, diễn ra đồng thời tại các địa danh tín ngưỡng đông đảo trên toàn xứ Arập Xêút. Còn theo nhận định của viên Bộ trưởng Nội vụ A. Fahd, thì "đa phần những kẻ nổi loạn là dân Arập Xêút". Đến tháng 10-1980, nhà cầm quyền Riyadh đã khám phá ra một tổ chức chính trị cực đoan là thủ phạm của vụ này.
Xác những nạn nhân của vụ lộn xộn tại lễ Haji cuối tháng 9-2015. |
Tháng 10-1981 "bùng nổ" những cuộc xô xát giữa lực lượng an ninh giữ gìn trật tự lễ Haji với nhóm hành hương Iran - những người cương quyết không tuân thủ quy định cấm reo hò làm ồn bằng câu "Chúa là vĩ đại nhất" tại đền thờ ở Medina, tụ điểm tín ngưỡng linh thiêng lớn thứ 2 sau Mecca trong đạo Hồi.
Rồi đến ngày 8-10-1982 của kỳ hành hương kế tiếp, một nhóm lãnh đạo hành hương Iran cùng với 140 đệ tử khác bị trục xuất khỏi Arập Xêút vì những cuộc biểu tình quá khích bài Do Thái. Đến tháng 9-1983 theo nguồn tin của báo giới Iran, có từ 25.000 đến 30.000 người Iran hành hương đã bị thương trong những cuộc tuần hành chống Mỹ tại Mecca.
Tháng 9-1984, một người hành hương Iran bị giết chết trong vụ xô xát bằng chai lọ giữa người Iran và người Iraq ở Medina. Hôm 22-8-1985, 150.000 người hành hương Iran tổ chức tại Thánh địa Mecca những cuộc biểu tình khổng lồ, hô vang những lời hiệu triệu của Giáo chủ Ayatollah Khomeini với thế giới Hồi giáo. Cảnh sát đã can thiệp và "tạm giữ những kẻ hành hương bằng vũ lực" - giới truyền thông ở Tehran nhấn mạnh như thế nhưng không cho biết con số những người bị tạm giữ và nguyên nhân khiến người ta phải bắt giữ họ.
Ngày 8-8-1986 có 103 người hành hương Iran đã bị bắt khi vừa đặt chân tới phi cảng Jeddah, bởi "đã mang theo ảnh của "Thánh sống" Khomeini - theo nhận định của Tehran - cùng những băng cờ khẩu hiệu cổ vũ cho luồng gió Hồi giáo mới". Còn hãng thông tấn chính thức từ phía Arập Xêút lý giải "vì lý do an ninh". Những người bị bắt được trả tự do 20 ngày sau đó cùng lời cam đoan "chỉ hành lễ trong trật tự quy định"…
Từ đó đến nay hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ rắc rối - lộn xộn tương tự, đi kèm là sinh mạng của những người hành hương luôn sẵn lòng… "tử vì đạo"(!). Tiêu biểu là dịp lễ Haji của năm 2015 vừa qua, theo nguồn tin của chính quyền Riyadh đã có 769 người hành hương tử vong trong vụ giẫm đạp thuộc nghi lễ ném đá tượng trưng ở Mecca; còn Tehran lại khẳng định gần 2.000 nạn nhân vô tội đã thiệt mạng.