Thao thức một vùng biên

Thứ Ba, 09/06/2020, 14:38
Đêm đã về khuya nhưng nhiệt độ ngoài trời giảm đi không đáng kể, cái nóng hầm hập vẫn bốc lên từ tường, từ mặt đất... khiến tôi trằn trọc không thể chợp mắt. Bất giác tôi nhớ về cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nơi được thiên nhiên ưu đãi cho tiết trời mát mẻ, dễ chịu; nơi có những con người hồn hậu, chân chất, dễ mến; nơi có những công trình kỳ vĩ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Một Đồng Văn chiến thắng

Tôi lại nhớ dịp đến với Đồng Văn gần đây và được anh Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn giới thiệu về tình hình phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, trong đó anh đặc biệt nhấn mạnh đến “ngành công nghiệp không khói”. Anh bảo Đồng Văn quê hương anh đang tiếp tục nhân thêm những chiến thắng. Đó là vùng đất từng chiến thắng trong chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến thắng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chiến thắng trong việc khắc phục, tiến tới chinh phục địa hình vô cùng khắc nghiệt để hòa cùng dòng chảy phát triển của kinh tế cả nước.

Đặc biệt, du lịch luôn là thế mạnh, là “hòn ngọc” quý báu mà những nhà chức trách địa phương đặc biệt quan tâm. Biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội, Đồng Văn hôm nay đã không ngừng đổi mới. Đặc biệt, gần đây UNESCO đã công nhận cao nguyên đá Đồng Văn chính thức là Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng chính là “thanh nam châm” thu hút khách du lịch từ mọi miền đến với mảnh đất này, từ đó kích cầu kinh tế cho địa phương.

Đồng Văn là mảnh đất mang nhiều dấu ấn lịch sử mà thể hiện đậm nét nhất chính là khu di tích Dinh thự họ Vương. Đây là công trình được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, là biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần và trí tuệ của tộc người Mông trên rẻo cao Sà Phìn. Trong đêm vắng, đôi tai tôi lại văng vẳng giọng nói ấm áp, truyền cảm của chị Vương Thị Chở, người cháu “Vua Mèo” và cũng là hướng dẫn viên khu di tích Dinh thự họ Vương.

Chị Vàng Thị Cầu (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, cũng là người sáng lập, là Tổ trưởng Tổ sản xuất của hợp tác xã Lanh Trắng xã Sà Phìn giới thiệu công đoạn làm ra sản phẩm lanh.

Chị kể: “Cụ Vương Chính Đức tên dân tộc người ta gọi là Vàng Giống Lùng. Cụ là người đứng đầu, là thủ lĩnh ở vùng đất này. Cụ sinh năm 1865, mất năm 1947, thọ 82 tuổi. Hiện nay, mộ cụ đặt ở sau khe núi này, từ Dinh lên khe núi chỗ mộ cụ mất khoảng 3 km. Tuy nhiên, sau này người được biết đến nhiều hơn là con trai thứ hai của cụ, ông Vương Chí Sình. Ông Vương Chí Sình là anh em kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Vương Chí Sình tham gia Đại biểu Quốc hội khóa 1, khóa 2 và sau này là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đầu tiên ở đây...”.

Chính vì ngưỡng mộ gia tộc họ Vương, một dòng họ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cũng như mong muốn khám phá kiến trúc cổ của Dinh mà kể từ năm 2004 đến nay, khi gia đình trao tặng Dinh cho Nhà nước bảo tồn thì nơi đây trở thành địa điểm thăm quan cho hàng triệu du khách mỗi năm.

Ngay dưới công trình này là hợp tác xã Lanh Trắng do chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đồng Văn sáng lập gần 10 năm nay. Hợp tác xã đã đem lại thu nhập ổn định cho phụ nữ Mông, đồng thời để họ yên tâm an cư lập nghiệp tại chính mảnh đất quê hương, thay vì phải bước qua bên kia biên giới với đầy rẫy hiểm nguy rình rập.

Quan trọng hơn hết, phát triển hàng thủ công làm chất liệu lanh trắng đã gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Mông nói riêng, của huyện Đồng Văn nói chung, góp phần vào là một điểm du lịch lý tưởng hòa cùng với không gian du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn rộng lớn.

Đến Đồng Văn ai cũng muốn được một lần chạm tay vào lá cờ trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú.

Dáng hình Tổ quốc

Có một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đặt đến Đồng Văn, đó chính là cột mốc biên giới tại xã cực Bắc Lũng Cú. Có lẽ với mỗi người dân Việt Nam dù đã hoặc chưa từng đặt chân đến nơi này, thì không ai là không xúc động với hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay đầy kiêu hãnh trên cột cờ Lũng Cú cùng đoàn người kính cẩn, nghiêng mình xếp thành những hàng dài và hát vang ca khúc “Tiến quân ca” (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Trong cái nắng chiều biên giới tháng 5, tôi đã may mắn được đặt chân đến đất Mẹ thiêng liêng này. Và đây rồi hình ảnh xúc động ấy đã hiện ra trước mắt tôi, đó là lá cờ đỏ năm cánh sao vàng với diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S căng tràn gió tung bay như khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Trong phút giây nghẹn ngào ấy, tôi hình dung đó chính là “dáng hình” của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu và tự trong trái tim mình, tôi mới thấy thấm thía hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc. Những ngày thơ bé, khi ngồi trên ghế nhà trường chắc hẳn ai cũng đã từng biết đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!” nhưng không phải ai cũng hiểu được một cách cặn kẽ, tỉ mỉ. Hôm nay, khi đã trưởng thành và đủ sự chín chắn, tôi mới thấu hiểu Tổ quốc ta đâu chỉ đẹp ở những tòa nhà cao tầng nguy nga, lộng lẫy, đẹp ở những con đường rộng rãi, khang trang, đẹp ở những công trình mang tầm vóc thế kỷ mà Tổ quốc ta còn đẹp ở những điều giản dị, đời thường và gần gũi nhất.

Bảo tàng Hạnh Phúc và Tượng đài thanh niên xung phong làm đường thu hút đông đảo khách du lịch.

Đó chính là khung cảnh biên giới lúc chiều tà, nơi có những người chiến sĩ ngày đêm cầm chắc cây súng bảo vệ biên cương Tổ quốc. Biên giới hôm nay đã bình yên nhưng vẫn còn ở đó những mối lo lắng đòi hỏi mỗi người chiến sĩ biên phòng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình - nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng, một người nhiều năm lăn lộn trên mọi miền biên giới và cũng là tác giả của bài hát “Chiều biên giới” nổi tiếng đã viết “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”. Đó như lời khẳng định mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa những người chiến sĩ mang “quân hàm xanh” với cột mốc biên giới. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã có hàng nghìn cột mốc biên giới, mỗi cột mốc đều được đánh đổi bằng biết bao máu xương của thế hệ cha anh.

Chính vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm và nghĩa vụ của không chỉ lực lượng Bộ đội Biên phòng mà của mọi người dân nước Việt như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã viết: “Mỗi chúng ta đều mang cột mốc trong người”. Còn riêng cái tên “Chiều biên giới” đã có 4 nhạc sĩ lấy làm nhan đề cho những “đứa con tinh thần” của mình, tất nhiên mỗi bài hát đều mang nỗi niềm riêng của tác giả nhưng nó đều đã “chạm” được vào trái tim công chúng.

Ngoài nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình, còn các nhạc sĩ khác là Trần Chung (phổ từ thơ Lò Ngân Sủn), Đức Miêng (từ điệu “Mười nhớ” của dân ca quan họ Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Hiên. Điều đó cho thấy “Chiều biên giới” là hình ảnh có sức lay động mãnh liệt nhường nào.

Con đường hạnh phúc, máu và hoa

Nhưng để đi đến được những địa điểm này, chúng ta cũng không thể quên được con đường dài gần 200 km được xây dựng từ cách đây hơn 60 năm, mang tên con đường Hạnh Phúc. Hiện nay bước chân vào Bảo tàng con đường Hạnh Phúc, du khách có thể đọc được những dòng lưu bút vô cùng xúc động: “Chưa bao giờ người ta tin con đường sẽ hoàn thành. Đôi lúc trong chính những con người đó cũng không thể tin con đường đã hoàn thành.

Câu chuyện là vậy đó, ngày của cờ hoa, ngày của những đoàn xe Chính phủ Việt Nam đã lên tới mảnh đất Đồng Văn - Mèo Vạc trong sự ngỡ ngàng của đồng bào khi mà bấy lâu nay họ chỉ thấy con bò, con ngựa. Mọi khó khăn, thử thách, mọi hy sinh đã trở thành một biểu tượng cho một thế hệ của đất nước, một thế hệ dâng hiến tuổi thanh xuân cho vùng cao, cho Hà Giang, cho đồng bào dân tộc nơi cực Bắc Tổ quốc”.

Có thể thấy con đường Hạnh Phúc là một công trình lịch sử, một chiến công hiển hách thể hiện ý chí quật cường và sức mạnh của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Con đường mang hạnh phúc đến vùng cao nguyên đá được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh. Con đường Hạnh Phúc hoàn thành đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Chị Vương Thị Chở - hướng dẫn viên Khu di tích Dinh thự họ Vương say sưa giới thiệu với du khách về những nét độc đáo của Dinh.

Từ một vùng núi đá gần như tách biệt, nhờ con đường mà giờ đây người dân có thể thuận lợi giao thông với nhau giúp thúc đẩy kinh tế cả tỉnh Hà Giang, an ninh quốc gia cũng trở lên vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc. Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhưng những con người đó đã trở thành những tượng đài bất tử trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau. Và con đường Hạnh Phúc chính là trầm tích và minh chứng về một thời tuổi trẻ của một thế hệ đã đi qua.

Để có được con đường Hạnh Phúc hôm nay, đã có 14 thanh niên xung phong vĩnh viễn nằm lại nơi này. Họ, mỗi người một xuất thân, một vùng quê nhưng tựu trung lại, họ đã hy sinh khi Tổ quốc cần. Đau đớn thay, họ ra đi khi tuổi đời mới ở lứa tuổi thanh niên, nhiều người thậm chí còn chưa có gia đình riêng, chưa có hạnh phúc riêng. Đó có thể kể đến liệt sĩ Lương Quốc Chanh (Gia Lộc, Chi Lăng, Lạng Sơn). Sinh thời, làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, anh mắc nhiều bệnh, nhiều người vào các bản xa xôi kiếm thuốc nhưng không cứu được anh.

Trước khi nhắm mắt, anh Chanh đã khóc và thổn thức với đồng đội của mình rằng: “Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy!”.

Vâng, thế hệ trẻ Đồng Văn nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung sẽ không bao giờ quên anh, chúng tôi luôn khắc ghi những chiến công hào hùng, oanh liệt của anh và những thanh niên xung phong mở đường năm ấy. Khi viết những dòng cuối này, trong đầu tôi hiện lên hai hình ảnh, đó là một Đồng Văn anh hùng, bất khuất, kiên cường trong thời kỳ kháng chiến ác liệt cũng như trong thời kỳ mở đường Hạnh Phúc đầy gian khó và một Đồng Văn năng động, sáng tạo, chiến thắng trong thời đại hôm nay.

Ngô Khiêm
.
.