Tình người nơi rốn lũ

Thứ Hai, 09/11/2020, 10:20
Hà Nội những ngày nắng đẹp. Buổi sáng, ngồi cà phê thường nhật mà lòng chộn rộn. Tin lũ lụt miền trung liên tục dồn về. 12 giờ trưa, quyết định bám theo đoàn thiện nguyện vào rốn lũ Quảng Bình. Và, chỉ mấy ngày ngụp lặn trong lũ dữ, cái đằm sâu trong lòng, bên cạnh những mất mát của bà con vùng bị nạn là hình ảnh những con người cụ thể, vô tư đến độ trong sáng, đêm ngày quả cảm vật lộn trong biển nước, đem đến cho đồng bào mình nghĩa cử ‘lá lành đùm lá rách”.

Trong đêm, con đường 1 thân quen biến thành dòng xe cộ nối nhau sáng đèn tới sáng. Chiều xuôi vào, không ít phương tiện mang cờ, khẩu hiệu cứu trợ vùng lũ. Chập tối, qua Diễn Châu còn thấy những nồi bánh chưng ven đường đỏ lửa. Có cảm giác mình đang đi trong cao điểm của chiến dịch: Cả nước vì miền Trung ruột thịt!

Nhớ lại, trưa nay, khi xuất phát từ cổng trường Đại học Hà Nội, thấy các thành viên tổ chức “Nồi cháo yêu thương” tất bật chuẩn bị mọi việc để đoàn cứu trợ lên đường. Họ là những người không cùng ngành nghề, tập trung về đây vì mục đích chung, giảm bớt khó khăn cho bà con vùng lũ. Công việc kinh doanh của nhà hàng Bảo Hân ngưng trệ. Những ai lên đường được mời vào ăn miễn phí. Bánh chưng, lương khô, quần áo, dầu gió, giò chả, đèn pin, áo phao..., có cả những kiện băng vệ sinh phụ nữ được chất đầy trên hai chiếc xe của câu lạc bộ Xe bán tải Việt Nam. Được tin, một xe tải 7 tấn đã kịp lên đường trước đó với đồ cứu trợ quyên góp từ mạn Sơn Tây, Thạch Thất. Tùng, chàng thanh niên trẻ nhất đội cứu trợ, người vừa từ Sơn Tây về, lùa vội bát mỳ để kịp lên đường.

Một điểm tập kết hàng cứu trợ.

Sớm 23-10, đoàn cứu trợ đông lên gấp 3. Có thêm các thành viên của câu lạc bộ Thuyền hơi Việt Nam và 2 xe của Hội Xe bán tải vừa thực hiện công việc cứu hộ từ Hải Lăng, Quảng Trị ra, đợi sẵn ở khách sạn Mường Thanh tiếp ứng.

Đêm qua, trên đường vào, đoàn đã hạ tải, san gần một nửa vật tư cứu trợ cho điểm cầu Hà Tĩnh. Không có chuyện bàn giao, ký tá... mất thời gian. Hàng hóa cứ vô tư trao lại. Phía Nam thành phố Hà Tĩnh đường vẫn ngập sâu, đại diện Hà Tĩnh dẫn đoàn ngược lại đường tránh. Chia tay Hà Tĩnh lúc 21h30, đoàn có mặt tại khách sạn Mường Thanh Nhật Lệ, Quảng Bình khi kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới.

Khoảng 9h ngày 23-10, đoàn xe bán tải gồm 6 chiếc chở theo 5 thuyền hơi theo đường 15 qua cầu Long Đại vào tới Mai Thủy, Lệ Thủy. Một phần xã Mai Thủy là rốn lũ. Mấy cây số quốc lộ rải kín lớp thóc thâm màu vì ngâm nước. Việc phơi lúa làm chậm tốc độ xe cộ nhưng không vì thế mà lái xe phiền lòng. Ai qua đây cũng hiểu, nếu không phơi cho kịp, chỉ vài ngày sau thóc sẽ nhe nanh.

Quốc lộ nối Mai Thủy với thị trấn Kiến Giang mất hút trong làn nước đục. Có những chiếc thuyền chất đầy hàng cứu trợ tròng trành trên sóng nước. Có thông tin, trưa nay, hai chiếc thuyền Mai Thủy chìm cùng hàng trăm suất cơm cứu hộ. Vẫn chưa trục vớt được thuyền nhưng thật may, người trên thuyền được giải cứu kịp thời.  Nhìn đoàn xe nối nhau dừng lại trước con đường mất lối, nhìn hàng cứu trợ chất thành đống trước biển nước Mai Thủy với những ánh mắt toan lo dõi về phía xa thấy rưng rưng. Song cũng thấy rằng, cứu hộ vùng lũ mà không có phương tiện sông nước thì quả là hạn chế.

Theo khuyến cáo của bộ đội đảm bảo an ninh tại chỗ, đoàn chúng tôi lên lại đường 15 tìm đường vào Sơn Thủy. Sơn Thủy là vùng bán sơn địa. Xã Sơn Thủy nằm cạnh thị trấn nông trường Lệ Ninh có con sông Cẩm Lý chảy qua. Sơn Thủy có 8 thôn thì 6 thôn còn dầm sâu trong nước. Cầu Cẩm Lý, rác lũ vắt kín thành cầu. Chợ Mỹ Đức bùn lấp lối vào. Xe cộ tới đây ùn lại. Bây giờ là lúc những chiếc thuyền hơi phát huy tác dụng. Hàng hóa không kể đến từ đâu, của đoàn nào, được xếp xuống 5 chiếc thuyền hơi gắn máy có cán bộ xã ngồi trên thuyền đầu dẫn đường, nhằm mấy thôn đang bị chia cắt ào ào rẽ sóng.

Vận chuyển hàng hóa tới các làng bị lũ cô lập tại các xã Sơn Thủy, Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Và, hình ảnh thương tâm của vùng rốn lũ thắt lòng. Đã 2 ngày sau mưa, nước đã rút một phần. Những căn nhà của các thôn Vinh Quang, Ngô Bằng, Hoàng Đảm, Lai Xá... vẫn dập dờn trên sóng. Ngấn lũ vạch một vạch ngang lút cổng chào thôn Vinh Quang. Từ cửa sổ, từ khoảng trống trên nóc của những căn nhà nhô cao, thấy trẻ em, người lớn, có cả gia cầm tụm lại trong khoảng không chật hẹp. Ở những căn nhà thấp, nước vẫn chấp chới mái hiên.

Không hiểu những ngày đỉnh lũ bà con sống ra sao? Bởi đến những ngày này, thóc lúa, gia cầm, vật dụng... của phần lớn số hộ thuộc Sơn Thủy còn nằm nơi đáy nước. Bánh chưng được phát đến từng nhà, trên đường xuồng qua. Hàng hóa cứu hộ được chuyển đưa đến nhà cộng đồng hoặc nơi có đại diện thôn tiếp nhận. Nhìn cháu bé đứng trên hiên tây ngôi nhà cấp 4 đưa tay ôm chiếc bánh chưng của “Nồi cháo yêu thương” mà thấy nhói lòng. Ngoài kia, giờ này, trong nắng thu, nhiều đứa trẻ đang cùng cha mẹ, anh chị dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm nhân ngày nghỉ học.

Người dân sở tại cho biết, bà con Sơn Thủy đã quen với thiên tai địch họa. Vùng này xưa, từng là rốn bom thời chống Mỹ. Những bậc cao niên ở đây cho biết, chưa bao giờ lũ lụt lại xảy ra với mức độ như lần này. Tính từ đêm 8-10, hai đợt áp thấp và một trận bão đã đổ nước xuống Lệ Thủy. Nước từ trên trời xuống. Nước theo sông Long Đại tràn về, từ sông Nhật Lệ và sông Cẩm Lý dâng lên. Chỉ mấy ngày trong mưa, mấy xã thuộc Lệ Thủy chìm trong biển nước.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, cán bộ thống kê Sơn Thủy. Sơn Thủy có 2.125 hộ, có tới 1.716 hộ chìm trong lũ dữ. Mùa màng mất trắng. Lúa gặt chạy bão về nhà, giờ nằm trong nước lụt. Không có thiệt hại về người, điều kỳ diệu đó có được là do ngay từ những ngày đầu, công tác cứu hộ đã được tiến hành hết sức khẩn trương, bài bản. Trong mưa, xuồng máy của bộ đội, công an, ban phòng chống thiên tai đêm ngày len vào từng xóm nhỏ phát loa kêu gọi và hỗ trợ. Hằng trăm người dân bị đe dọa tính mạng được đưa đến nơi an toàn. Duy có một gia đình, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Lai Xá, do ở xa luồng lạch được phát hiện, cấp cứu sau 2 ngày đói lả.

Vượt biển nước đưa hàng đến đích.

Trạm xá, trường học, nhà công vụ thành nơi tránh lũ. Cán bộ trạm y tế, thầy giáo, cô giáo các cấp có mặt tại trạm, tại trường nấu cơm, chia suất ăn. Thuyền máy của công an, bộ đội, của lực lượng cứu hộ Sơn Thủy trực tiếp đưa cơm đến từng gia đình bị cô lập. Và, tất cả, ngay từ những ngày đầu đã diễn ra trong trật tự, với mục tiêu không để thiệt hại về người, không để người dân đói khát trong lũ dữ.

Dẫu đã quen có mặt ở nhiều điểm nóng... càng cảm động những tấm lòng thiện nguyện. Hội Xe bán tải Việt Nam mới chính thức trực thuộc Thành đoàn Hà Nội từ tháng 7-2020. Những thành viên Hội Xe bán tải trên khắp 3 miền coi nhau như ruột thịt. Trên mọi cung đường, gặp nhau là thân thiết. Mục tiêu thiện nguyện được đưa lên hàng đầu. Ngay từ 17-10, tốp 4 xe do tay lái Vũ Minh Hùng, Phó Chủ tịch câu lạc bộ Xe bán tải Việt Nam dẫn đầu đã có mặt tại miền Trung. Vũ Minh Hùng còn là thành viên của câu lạc bộ Thuyền hơi Việt Nam. 1 tuần quần thảo tại Hải Lăng, các anh đã đưa được 91 người dân bị đe dọa tính mạng đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại thị trấn Diên Sanh, xuồng hơi của Hùng còn cứu được cụ ông 71 tuổi, bị nạn gãy tay 2 ngày kẹt trong lũ, không phương tiện nào tiếp cận được.

Sự cố do thuyền hoạt động quá tải, bị rác lũ cản trở gây cháy máy. Các anh đưa một xe chạy qua đêm về Hà Nội mua máy mới, mua dầu nhớt chuyên dụng kịp có mặt để công việc không gián đoạn. Trong đoàn xe thiện nguyện, có một gia đình cả hai vợ chồng đều vào vùng lũ. Đó là gia đình Hà Cường, ngụ tại Time City, Hà Nội. Chị Hoàng Thị Hà theo đoàn đồng niên “Rồng 76” đem theo 157 triệu tiền mặt vào giúp đồng bào Hải Lăng. Nguyễn Quang Cường lái xe cùng đoàn vào Lệ Thủy. Con nhỏ 6 tuổi giao cho con lớn trông coi. Sáng nay thông tin báo về, lúc 2h đêm, xe của Hà đã đến Hải Lăng.

Việc kết hợp giữa Hội Xe bán tải với câu lạc bộ Thuyền hơi đảm bảo có một lực lượng tinh nhuệ trong cứu hộ lũ lụt. Các anh góp phần quan trọng vào việc giải tỏa hàng hóa dồn lại khi các đoàn tiếp cận vùng lũ. Tranh thủ lúc đoàn tác nghiệp tại Sơn Thủy, anh Trần Mạnh Cường, nhà ở Đội Cấn, Ba Đình còn kịp chuyên chở 1 thuyền hơi do một cán bộ Công an quận Hoàn kiếm gửi tặng một cán bộ Công an huyện Hải Lăng. Đó là chiếc thuyền hơi các anh mới đem vào từ Hà Nội. Vậy là từ nay, Hải Lăng có thuyền hơi chống lũ. Đoạn đường đi về gần 200km, được Cường vượt qua trong điều kiện mưa lũ không đến một buổi chiều. Và, theo kế hoạch của câu lạc bộ Thuyền hơi Việt Nam, các anh sẽ điều phối để lúc nào cũng có lực lượng của hội có mặt tại các trọng điểm cho đến khi hết lũ.

Hàng cứu trợ chờ đến với bà con.

Được biết, chiều nay, Hội Xe bán tải còn vận chuyển một cụm máy lọc nước đồng bộ, có thể biến nước lũ thành nước sạch của một nhóm cán bộ khoa học tại Hà Nội gửi cho bà con Lệ Thủy. Trong điều kiện không điện, không nước sạch, cụm máy lọc nước trên là cứu cánh cho bà con vùng lũ.

Chứng kiến việc làm của các anh các chị thuộc các tổ chức thiện nguyện tự nguyện trong mấy ngày qua, tại rốn lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh, thêm yêu những chàng trai ăn sóng nói gió của Hội Xe bán tải Việt Nam. Thấy yêu những chàng trai, cô gái của câu lạc bộ Thuyền hơi Việt Nam, của các anh các chị thuộc câu lạc bộ đồng niên “Rồng 76” và đặc biệt là các anh, các chị của “Nồi cháo yêu thương” Hà Nội. Những con người bình dị lấy mục tiêu giảm bớt khó khăn cho những phận đời cơ nhỡ làm mục đích hoạt động.

Công việc thiện nguyện được các anh các chị tiến hành 12 tháng trong năm. Có hàng ngàn xuất cháo yêu thương, hằng ngày được đưa đến cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện tại Hà Nội. Họ làm việc không kể đêm ngày. Họ vô tư góp công, góp của, bỏ lại phía sau sinh kế gia đình vì đồng bào cơ nhỡ. Không phải tất cả trong số họ đều là những gia đình khá giả. Và, chưa bao giờ và cũng có thể là không bao giờ họ có được một tấm giấy khen, thậm chí là cả đến một lời khen ngợi...

Từ điển Việt Nam có hai từ ĐỒNG BÀO. Hai từ mà trong ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi đọc “Tuyên ngôn” đã hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Người đã nghe đồng vọng tiếng nhân dân trả lời Người. Đồng bào? Những người con cùng một bọc! Người cùng một bọc thì phải thương yêu nhau. Như một lẽ thường. Như mặc nhiên phải vậy.

4 giờ sáng, về đến điểm Pháp Vân, không thấy cậu út Tùng. Biết Tùng đã lại bám xe vào Hải Lăng khi gặp mấy xe của câu lạc bộ ngược chiều. Mới chiều nay thôi, khi từ thôn Lai Xá về, út Tùng còn chui vào xe tôi, thò tay qua ô kính, vắt khô quần áo mặc lại cho đỡ rét. Bởi mỗi lần theo thuyền hơi đi trên lũ, là cả người dầm trong sóng nước.

Mai Văn Tý
.
.