Tình người ở quán cơm 2.000 đồng

Thứ Bảy, 30/01/2021, 11:06
Hơn một tháng qua, quán cơm Yên Vui (136, ngõ 88 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa) đã trở thành điểm đến ấm áp của những người lao động nghèo và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Thực khách đến quán chỉ phải bỏ ra số tiền 2.000 đồng nhưng có thể “mua” cho mình một suất cơm với đầy đủ chất dinh dưỡng...


Mong nhận về những nụ cười của khách

11h trưa, anh Nguyễn Cao Sơn (38 tuổi - người quản lý quán Yên Vui) đứng ra phía ngoài đường, tất bật đón khách. Với khách lần đầu tiên đến quán, anh vui vẻ chỉ cho họ xếp hàng để nhận phiếu. Với những khách quen, anh hỏi họ với giọng thân thiện: “Hôm trước bà ăn cơm có ngon không?”. Có lúc anh lại chạy đi xếp xe cho khách. Công việc thực sự bận rộn nhưng anh Sơn không hề thấy mệt, trái lại anh coi đó là hạnh phúc. Anh chia sẻ: “Quỹ Bông Sen của chúng tôi mở quán ra cũng chỉ mong “bán” được thật nhiều suất ăn đến với mọi người. Khi chứng kiến mọi người được ăn ngon, ăn no là chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Quán cơm 2.000 đồng dù mới mở được hơn một tháng nhưng đã đón rất nhiều thực khách. Quán sẽ được mở từ 10h30 vào mỗi Thứ hai, Thứ tư và Thứ sáu hằng tuần. Mỗi ngày, quán Yên Vui phục vụ từ 150-200 suất cơm. Tại đây, nếu ai ăn nhiều có thể xin thêm cơm hoặc thậm chí nếu ai ăn hết một suất vẫn thấy đói bụng thì có thể xếp hàng “mua” suất cơm thứ hai.

Những người đến quán Yên Vui xếp hàng mua cơm theo thứ tự.

Khi được hỏi vì sao không làm quán cơm miễn phí thay vì cơm 2.000 đồng thì anh Sơn cho biết: “Sở dĩ chúng tôi làm như vậy là để khách không có cảm giác mình đang được bố thí. Bởi nếu họ nghĩ như vậy họ sẽ dè dặt trước khi quyết định bước vào quán. Ở đây vẫn thực hiện việc mua bán, họ bỏ tiền ra còn chúng tôi thì bán. Như vậy sẽ không ai phải mắc nợ ai hết”.

Khi biết quỹ Bông Sen mở quán cơm 2.000 đồng, nhiều tấm lòng hảo tâm đã ngỏ ý muốn ủng hộ mặt bằng, nguồn thực phẩm sạch để quỹ có thể mở thêm nhiều cơ sở. Sơn chia sẻ, ngoài quán cơm Yên Vui mở tại Trần Quý Cáp thì vào các ngày Thứ ba, năm, bảy, quỹ Bông Sen còn mở một điểm bán di động tại phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Do chưa có mặt bằng nên cơm sẽ được đóng vào hộp và “bán” cho những người tới mua cũng với giá 2.000 đồng/suất. 

“Nhiều người họ ăn vào Thứ hai, tư, sáu ở Trần Quý Cáp sau đó, vào Thứ ba, năm, bảy, họ lại di chuyển qua phường Phúc Xá. Như vậy là họ có thể ăn cơm với giá rẻ gần trọn một tuần. Tính rẻ mỗi suất cơm thông thường có giá ít nhất cũng phải từ 20.000 đồng, 6 bữa sẽ mất 120.000 đồng. Vậy mỗi tuần nhiều người nghèo, nhiều bệnh nhân có thể tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng. Số tiền đó với nhiều người có thể không đáng gì nhưng với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì nó lại rất có ý nghĩa”.

Anh Sơn (đeo kính) đứng phía ngoài đón khách.

Anh Sơn cho biết, mọi hoạt động của quỹ Bông Sen đều được công khai trên fanpage hoặc website. Cụ thể, mỗi buổi “bán cơm” tại quán, sẽ được cập nhật lên mạng xã hội. Ví dụ, buổi hôm đó mua thực phẩm hết bao nhiêu, gạo hết bao nhiêu... và tiền của các nhà hảo tâm đóng góp chuyển qua tài khoản hay đến trực tiếp quán là bao nhiêu. Mọi thứ đều được công khai, minh bạch để mọi người có thể theo dõi. Mong muốn của các thành viên của quỹ Bông Sen là được đem đến sự an ủi dù là nhỏ bé tới những người có hoàn cảnh khó khăn, để họ hiểu rằng bên cạnh mình vẫn còn những tình cảm ấm áp của cộng đồng.

Những thực khách đặc biệt

10 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Lam, quê Phú Thọ bắt đầu đi bộ từ Bệnh viện K Trung ương đến phố Trần Quý Cáp để kịp mua suất cơm 2.000 đồng. Từ khi được một người nhà bệnh nhân nằm cùng phòng mách, bà đã đến đó ăn thử và rất ngon so với số tiền mà mình phải bỏ ra. Đã 2 năm nay, bà Lam “định cư” tại Bệnh viện K Trung ương để chăm sóc chồng. Hoàn cảnh của vợ chồng bà Lam rất éo le. Chồng bà bị nhiễm chất độc da cam, vì thế hai vợ chồng bà lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được người con nào. Khoảng chục năm trước, ông bà quyết định xin một đứa trẻ về làm con nuôi nhưng số phận lại trớ trêu vì đứa trẻ ấy bị bệnh tim bẩm sinh nên đã mất khi mới tròn 3 tuổi. 

“Vợ chồng tôi xin nó về cũng định sẽ chăm sóc nó thật tốt để dựa dẫm về sau vậy mà nó bị tim bẩm sinh nên mất. Giờ ông nhà tôi lại bị ung thư thế này cũng chả biết sống chết ra sao. Giờ chỉ có hai vợ chồng già, ông ấy mà đi chắc tôi cũng đi theo nốt”, bà Lam nói mà nước mắt lăn dài.

Hôm nay đi đến quán Yên Vui, bà Lam mang theo giấy chứng nhận ung thư của chồng để ngoài suất mình ăn tại quán thì còn được “mua” một suất mang về. Bà Lam bảo: “Chỉ những người mắc bệnh ung thư hay hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì mới được hưởng chế độ ưu ái đó”.

Một thực khách đang chuẩn bị tiền để “mua” cơm.

Bà Lê Thị Túc (78 tuổi, quê ở Hà Nam) cũng đến quán Yên Vui mua cơm. Từ Bệnh viện Bạch Mai, bà Túc đi xe bus đến phố Khâm Thiên rồi đi bộ từ đường chính vào. Tính tới thời điểm này, bà Túc đã có “thâm niên” 10 năm “đóng đô” ở nhà lưu trú Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Vốn sống cô quả, không có ai để dựa dẫm nên khi chẳng may mắc phải “căn bệnh nhà giàu” bà Túc đã phải bán cả mảnh đất được cha mẹ chia cho để có tiền chữa bệnh. Từ đó đến nay bà gần như không về quê nữa mà bám trụ lại cái bệnh viện này để duy trì sự sống. 

Bà Túc tâm sự: “Mấy năm trước chân tôi chưa đau quá tôi vẫn cố gắng đi nhặt chai lọ để bán lấy thêm tiền ăn, tiền chữa bệnh. Nhưng, bây giờ thì sức khỏe yếu quá rồi nên chẳng thể làm thêm việc gì nữa, ai cho gì ăn nấy thôi. Cách đây 2 tuần, tôi được người ta mách ở trên này có quán cơm 2.000 đồng rất ngon nên tôi đến thử. Quả đúng nó ngon thật, thức ăn thì tươi, vệ sinh sạch sẽ, ăn xong lại có cả hoa quả tráng miệng”.

Trong khi nhiều người ngại ngùng không muốn chia sẻ về hoàn cảnh gia đình khi đến ăn cơm tại quán ăn Yên Vui thì ngược lại ông Lê Văn Việt khá cởi mở nói chuyện với chúng tôi. Ông bảo, mình có ăn cắp ăn trộm gì đâu mà phải ngại. Ông Việt năm nay đã 77 tuổi, nhà cách quán ăn chỉ vài trăm mét, vì hoàn cảnh khó khăn mà từ khi quán ăn này mở, thỉnh thoảng ông lại đưa cậu cháu ngoại đang học lớp 6 ra ăn cơm cùng để tiết kiệm phần nào chi phí cho gia đình.

Vợ chồng ông Việt hiếm hoi, chỉ có một cô con gái nhưng hoàn cảnh bất hạnh, hai vợ chồng cô ly dị từ lâu. Con gái ông dắt đứa cháu ngoại về ở cùng bố mẹ già yếu trong căn nhà tập thể chỉ hơn 10m2 mà vợ chồng ông được cấp từ lâu. Hơn 4 năm trước, vợ ông mất do bị đột quỵ, ông Việt tuổi cũng cao, sức yếu nên chỉ ở nhà cơm nước dọn dẹp, đưa cháu đi học còn con gái đi làm công nhân ở xa từ sáng đến tối mịt mới về. Cuộc sống khó khăn, vất vả nên quán cơm Yên Vui đã giúp ông cháu ông Việt vừa được ăn ngon, ăn no, vừa giảm được phần nào gánh nặng kinh tế cho con gái.

Với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên bà Thu được “mua” thêm một suất cơm mang về.

Trước khi xách cặp lồng cơm chuẩn bị ra về, bà Nguyễn Thị Thu (70 tuổi, trú tại phố Khâm Thiên, Hà Nội) còn đứng ra hướng dẫn những người mới đến quán lần đầu chỗ để bát đũa sau khi ăn xong. Bà quay ra phía chúng tôi rồi cười bảo: “Tôi quen rồi, vì kể từ khi biết thì tuần nào tôi cũng đến quán 3 lần để giảm bớt chi phí sinh hoạt”. 

Theo lời bà Thu, chồng bà mất sớm, sinh được 2 người con trai thì người con út của bà lại mắc chứng bại não thể co cứng, hiện đang được gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội. Người con còn lại của bà hoàn cảnh kinh tế cũng chẳng dư dật gì. Bản thân bà suốt 10 năm qua phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp. 10 năm với 6 lần phẫu thuật khiến những gì có giá trị nhất trong gia đình bà cũng “đội nón ra đi”. Nhiều khi, vét hết các túi cũng chẳng có lấy nổi mấy đồng bạc lẻ. Cuộc đời cơ cực, bệnh tật triền miên nên đôi khi bà Thu chỉ muốn buông xuôi tất cả.

Thực khách đến quán cơm Yên Vui không chỉ là những người già neo đơn, khó khăn, mà còn có nhiều người lao động trẻ và những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến quán Yên Vui, họ được coi trọng như những người mang lại “lợi nhuận” thực thụ. “Lợi nhuận” ấy chính là những nụ cười hạnh phúc, sự hài lòng của họ - những thực khách đặc biệt.

Trâm Anh
.
.