Trào lưu “đi mây về gió” của giới trẻ Sài thành: Cơn ác mộng… bóng cười

Thứ Hai, 09/12/2013, 11:30

Cùng với thuốc lào Arập mà giới dân chơi tuổi teen quen gọi là shisha, hít khí cười hay bóng cười đang khiến nhiều môn đồ choai choai quen thú tiêu khiển đi mây về gió… điêu đứng. Đến với màn hút hít quái dị này, dân chơi sẽ được thỏa cảm giác lạ là cười rũ rượi và múa may quay cuồng trong tiếng nhạc chát chúa. Phía sau những quả bóng cười mà các chàng trai cô gái đã và đang lao đầu vào, các chuyên gia cảnh báo có bóng hình của chứng rối loạn thần kinh, bệnh ung thư và có cả cầu nối đưa dân chơi đến các loại thuốc gây nghiện….  thứ thiệt!

Thú vui thời thượng

"Tôi theo nhóm dân chơi của T., 19 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, đến thiên đường đập bóng theo như tiết lộ của nó là khu phố Tây ở quận 1. Đêm nay sinh nhật T. nên nó muốn có bữa tiệc vui để đời, một bữa tiệc mà theo nó nhất nhất không thể thiếu shisha, hơi men, nhạc dập và những quả bóng ma quái hít vào đầu óc quay cuồng, phê tới bến.

Đến một quán bar khiêm tốn nằm trong một con hẻm nhỏ, sau khi nốc rượu như uống nước lã, khi đã chếnh choáng hơi men, đây là lúc T. cùng nhóm bạn toàn "cậu ấm cô chiêu", trong đó có em tôi bắt đầu… "xuống xác". Thằng T. mở hàng trước, nó lấy một quả bóng xanh kê miệng hút khí xả ra từ quả bóng một hơi dài rồi thổi ngược trở lại. Sau vài bận hít-thổi như thế, khoảng 2 phút sau nó bắt đầu có biểu hiện "điên", lảo đảo, loạng choạng, ngả nghiêng. Lúc này trong tiếng nhạc ầm ĩ, đầu nó lắc lư vô hồi và cười như điên dại.

Trên đây là chia sẻ về những gì chứng kiến của anh Trần V.Q, 26 tuổi, người đã bí mật bám theo đứa em trai út của mình khi nghi ngờ cậu ta  là nô lệ của trò mua vui hít bóng cười. Q. cho biết, những gì anh chứng kiến thật hãi hùng, chỉ hít khí từ trong quả bóng mà đứa em trai anh cùng đám bạn của nó có những biểu hiện như cắn thuốc lắc hay phê ma túy đá: "Qua mấy bận đeo bám tôi có thể nói thú hít bóng cười đã bắt đầu len lỏi vào những bữa tiệc đêm của giới trẻ khoái ăn chơi. Nhiều đứa chỉ mong ngày chóng tàn, đặng alô rủ nhau đi hít bóng để cười vật vã" - anh Q. lo ngại

Gia nhập hội những người "mê khí cười" gồm những cậu ấm cô chiêu sành sỏi chuyện ăn chơi hơn chuyện học hành, PV Chuyên đề ANTG được Minh Tùng, 23 tuổi, một du học sinh từng có gần 4 năm du học tại Mỹ và Canada, chia sẻ nhiều điều về thú vui hít bóng cười của mình.

Cậu ấm có "nhà mặt phố-bố làm to-mẹ ho ra lửa" giải thích sau các cơn sốt nhạc ma túy, thuốc lào Arập, thời điểm hiện tại là cột mốc vàng son của bóng cười hay khí cười: "Có người bảo khí cười trong những quả bóng cười là ma túy nhưng sự thật không phải vậy. Ma túy là có nghiện ngập, có tăng liều tăng đô, có lên cơn và có những chuyện quan hệ tình dục bầy đàn, có cướp của giết người để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Còn khí cười thì không có những chuyện đó. Mình buồn, mình hít vào thì sẽ cười vui. Còn khí thì còn cười, hết khí thì thôi chứ làm gì có cái vụ nghiện ngập".

Cận cảnh những bình khí N2O được rao bán (ảnh trái). Tấm ảnh nổi tiếng trên cộng đồng mạng - chú chó bị chủ cho hít khí cười đã… "cười" trong điên loạn.

Huy Hoàng, cùng tuổi với "bang trưởng" Minh Tùng, cũng từng là du học sinh nhưng vì "sang bên bển" ăn chơi đập phá còn hơn cái thuở ở quê nhà nên "ông bà bô" (cách nói của dân chơi tuổi teen nói về cha mẹ - PV) chịu không xiết đành rút về nước, cũng tỏ ra rất sành sỏi thú vui… bóng cười. Hoàng khoe các "món" ăn chơi liên quan đến cái gọi là kích thích như thuốc lắc, ma túy đá, nhạc ma túy iDosing hay shisha nó đều đã kinh qua nhưng không nghiện ngập.

Và giờ các "món" ấy đang dần trở nên lỗi thời trong thú vui của giới trẻ và chính nó: "Cái vụ cắn thuốc rồi giật như điên dại mệt xác lắm. Còn bật nhạc hết cỡ với âm thanh ma quái của iDosing nghe dễ bị loạn thần. Hút shisha là nuốt hương thảo dược vào buồng phổi cho nó xông lên não bộ để tận hưởng cảm giác đê mê nhưng do nhiều nơi người ta hám lợi, trộn toàn hương liệu tổng hợp nên hít vào dễ bị ép phổi với lại bị thần kinh… Còn với khí cười, huynh hít bao nhiêu cũng được, càng hít càng vui".

Có chứng kiến các dân chơi choai choai hít khí cười rồi quay phim tung lên các trang mạng chuyên về ăn chơi mới hiểu rõ vì sao trào lưu này lại nổi đình đám trong giới trẻ. Trong tiếng nhạc dậm dật và tiếng bass dập muốn xé nát lồng ngực, sau khi ngấm men rượu bia, khi đã bắt đầu phê, nhóm dân chơi 6 đứa gồm 4 nam 2 nữ bắt đầu phê khí cười.

Chúng cầm những quả bóng xanh xanh đỏ đỏ xả hơi hít khí rồi bất thần lăn ra cười rũ rượi một cách không tự chủ: "Cảm giác lạ và đã lắm, nó có vị ngọt, nó lâng lâng, nó giúp mình phấn chấn, yêu đời, giúp mình quên đi nỗi buồn, sự cô độc, nó làm mình hăng hái, tràn đầy năng lượng, nói chung hít vào cứ ngỡ mình như ở chốn thiên đường…" - gắn với đoạn video clip quay mình cùng đám bạn đang cười nắc nẻ với những quả bóng cười, Huyền C., nghe đâu là ái nữ của một chủ tiệm vàng tại quận 5, tiết lộ.

"Càng hít sâu càng tiêu sầu và phê cực độ"

Tôi ghé phố Tây trên đường Phạm Ngũ Lão hỏi thăm Q. bảo vệ của bar M.B. và được biết tiền thân của thú chơi "bóng cười" do một nhóm du khách phương Tây sang chào mời và bây giờ thì thú vui lạ này đã quá phổ biến khi có nhiều chủ hàng nhập về trực tiếp rồi chẻ lẻ phân phối khí cười đi khắp nơi: "Khí đó nó đựng trong cái bình sắt, khi khách có nhu cầu thì chủ hàng sẽ xả khí vào quả bóng. Khách cần cười thì xả bong bóng hít khí đó vào, một cữ như vậy chỉ vài ba chục ngàn, giá rẻ mà lại vui tới bến nên đám nhóc kết lắm".

Cũng theo Q., thị trường hiện tồn tại 2 loại khí cười của phương Tây (vỏ màu bạc của Ý và màu xanh nhập từ Mỹ) và Trung Quốc. Nếu chẳng may dùng loại Trung Quốc hay hàng Mỹ - Ý nhái thì người sử dụng sau cuộc vui sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt kéo dài… --PageBreak--

M.Huyền, 20 tuổi, vũ nữ làm chung quán bar với Q. đã từng mấy bận hít khí cười do khách Tây rủ rê, tả lại cảm giác: "Lúc đầu hít vào có cảm giác hơi khó chịu nhưng đến lần thứ 2 thứ 3 thì quen ngay. Khi thần kinh mình thích nghi là lúc khí cười phát huy tác dụng. Cái khí cười này muốn lên tới đỉnh thì không thể thiếu nhạc dập và rượu mạnh. Lúc đó đầu óc mình lâng lâng tưởng như bay khỏi mặt đất, cười ngả nghiêng, cười nắc nẻ đến đau cả bụng". 

Huyền bật mí nhiều vũ nữ như cô rất khoái hít khí cười vì mỗi bận cười như vậy cơ bụng hoạt động hết cỡ, nhờ cười đau cả bụng kéo dài mấy ngày nên mỡ bị thiêu đốt tối đa: "Nói chung hít khí cười vừa vui vừa giúp mình giữ eo, giảm mỡ bụng hiệu quả".

Mới rộ lên trong thời gian gần đây, như cái lần sốt nhạc ma túy iDosing hay thuốc lào Arập shisha, hội chứng hít khí cười đang nở rộ trong giới trẻ Sài thành, thu hút dân chơi thi nhau hít - thổi từ trong quán bar đến khách sạn, phòng trọ hay ở tụ điểm ăn chơi nào đó. Nhận thấy sau thời gian đắm chìm trong làn khói shisha các "thượng đế" của mình có phần chán, nên một bộ phận chủ quán bar nhanh nhạy "đẩy" khí cười trong bóng cười lên thành tâm điểm vui vẻ tới bến để thu hút khách.

Qua quá trình tiếp cận, chúng tôi được biết dân chơi gọi trào lưu hít khí - thổi bong bóng để cười bằng nhiều "mật mã" như "lau ball" (laugh ball - tạm gọi bóng cười - PV) hay funky ball (bóng vui)… 

Để rõ hơn về những quả bóng cười cũng như cái thứ khí trong quả bóng mà khi hít vào bọn trẻ trở thành những người vui tính thái quá, cười liền tù tì, cười không tự chủ, càng hít càng cười, chúng tôi khi vào vai dân chơi, khi lột xác thành người có nhu cầu kinh doanh loại hình "giải trí" mới lạ này và qua đó được Hải, một con buôn chuyên cung cấp khí cười cho bất kỳ ai có nhu cầu tiết lộ, khí cười thực chất là khí Nitrous Oxide, có công thức hóa học là N2O: "Khí này an toàn lắm, muốn hít nó thì ông lấy một bình về, bơm vô mấy quả bóng rồi cột lại, khi nào cần phê thì xả van bóng hít lấy hơi rồi thổi vào, hít vào thổi ra vài bận thì cười vui thôi".

Hải chỉ dẫn như thế và đoán chắc khí cười N2O được y học dùng trong liệu pháp gây tê, giảm đau khi tiến hành các phẫu thuật cho người bệnh.

Xuất phát từ phương Tây - thú hít bóng cười qua khí N2O được bơm trong bóng lan rộng ở Việt Nam.

Cái chết được báo trước

Theo tìm hiểu của người viết, gọi N2O là khí cười bởi loại khí này có tính chất gây cảm giác phấn chấn, muốn cười. Chuyện rằng vào năm 1794, khi được chế tạo dùng để chữa bệnh cho người bị bệnh về phổi, phát hiện tính chất đặc biệt này của N2O nên các nhà khoa học gọi nó là Laughing Gas (khí cười). 5 năm sau (1799), Laughing Gas đã được  giới quý tộc ở Anh sử dụng cho mục đích vui chơi giải trí bằng việc tụ hợp đám đông rồi cùng nhau hít khí cười để bữa tiệc thêm phần sôi động.

Về sau khí cười được giới trẻ ở một số quốc gia như Thái Lan, Singapore… xem như "bạn đồng hành" không thể thiếu được trong các cuộc vui nhưng sau vì nhiều lý do, cái chính là do độc hại mà loại hình tiêu khiển này bị tẩy chay. Điều bất ngờ là giờ đây nó có dấu hiệu gây loạn ở Sài thành, làm chủ các cuộc vui tới bến của giới trẻ với những tiếng cười ma quái.  

"Vấn đề ở đây là N2O nếu sử dụng bừa bãi, sử dụng quá mức hay tự ý sử dụng mà không có sự kiểm soát của chuyên gia sẽ gây nên những biến chứng khôn lường như làm suy giảm thính giác, giảm thị giác (giảm tầm nhìn), làm ảnh hưởng đến nhận thức… Nhiều tài liệu y tế của phương Tây cảnh báo bên cạnh những tác dụng trong điều trị y học, N2O cũng gắn với nhiều tác hại như gây trầm cảm, ngất, mất kiểm soát, co giật. Khí này sẽ gây trụy hô hấp, ngừng thở nếu người sử dụng mắc các chứng tim mạch, hen suyễn hay những bệnh liên quan đến đường hô hấp".

Trong khi các dân chơi và người bán khẳng định thú vui hít khí cười không gây nghiện hay để lại tác dụng phụ, thì ông Bùi Văn Cứ (Hội Hóa học TP HCM) lưu ý điều ngược lại như thế. Một chuyên gia hóa học khác khẳng định N2O tựa như một ma túy dạng nhẹ nên việc sử dụng cũng sẽ gây nghiện như các loại côcain, ma túy khác.

Trong một trả lời gần đây, PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) cũng có chung khẳng định như thế với mối quan ngại khi đã quen phê với những ảo giác do khí cười mang lại, giới trẻ sẽ rất dễ tìm đến những chất gây nghiện phê hơn như thuốc lắc, bồ đà, ma túy đá…

Theo các chuyên gia, khí cười hay N2O tạo sự hưng phấn - ảo giác dựa vào cơ chế tác động mạnh lên hệ thần kinh trung ương. Trong khi tại các bệnh viện, khí cười được sử dụng với chỉ định nghiêm ngặt của chuyên gia và được giám sát kỹ thì ngoài đời thực, trong những chốn ăn chơi rực rỡ ánh đèn màu, khi đến với khí cười, giới trẻ sẽ hít vô tội vạ, hít quá liều mà không kiểm soát được lượng khí, điều này sẽ mở ra nhiều mối nguy hại khôn lường. Bởi ngoài các biến chứng được kể trên, khí cười còn gây ngộ độc thần kinh, hôn mê sâu, mất trí nhớ, gây các rối loạn trong cơ thể và nguy hiểm hơn sẽ mở đường dẫn lối cho các chứng ung thư nguy hại

N.Thành Dũng
.
.