Trở lại Cha Lo

Thứ Hai, 31/08/2020, 14:04
Lần đầu tiên tôi biết đến Cha Lo là đầu tháng 5 năm 1974. Năm học đã kết thúc, bọn học trò chúng tôi sẽ được nghỉ hè. Và thế là một cuộc họp lớp vui vẻ diễn ra, cái chính và cũng là tiện thể lớp chúng tôi chia tay các cô giáo sinh của trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội về thực tập. Một cuộc họp chia tay 2 trong 1 diễn ra nhiều lưu luyến.

Bắt đầu từ câu hát

Trước lúc tan cuộc thì một cô giáo sinh đứng lên phát biểu, cô nói đại ý là cảám ơn các em và cô muốn tặng chúng tôi một bài hát. Cô bảo “Tặng các em nhưng là cô sẽ dạy các em một bài hát rất hay”. Cả lớp vỗ tay hưởng ứng. Thế là bài hát “Đêm trên Cha Lo”, sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, được cô giáo sinh say sưa hướng dẫn.

Dạo đó không khí giải phóng miền Nam đang rất cao trào nên ngay câu mở đầu “Đêm nay ta về bên nhau/ Nghe tin thắng trận miền Tây” đã được chúng tôi đón nhận với khí thế hào hứng. Quả tình, những câu hát trong bài “Đêm trên Cha Lo” thực sự cuốn hút chúng tôi. Tôi vừa hát vừa nhìn ra sân trường rực nắng mà mơ màng nghĩ đến địa danh “Cha Lo” xa tít tận đâu đó.

Đoàn xe chở quặng xếp hàng chờ nhập cảnh.

Lại nhớ đến câu “Đồn la nha lòng dân mến thương” tôi thấy phân vân. Hỏi cô thì được cô trả lời: “Đồn la nha là tên đồn La Nha”. Mãi sau này tôi hiểu ra nghĩa đúng của câu hát là “Đồn la nha tức là đồn là nhà” thì bật cười. Cũng chẳng trách cô giáo sinh dạy hát được bởi hồi đó mọi thứ đều hiếm. Các cô được học hát bài đó qua truyền khẩu, nghĩa là chính các cô cũng không có được bản nhạc giấy của bài hát đó.

Câu hát hơi bị “lạc” đi theo cách hát nên khi dạy lại cho chúng tôi, các cô cũng dạy như vậy. Tôi nhắc lại chuyện đó để thấy cái hồi thiếu thốn xưa ấy mà sao vô tư, mà sao hồn nhiên nhưng Cha Lo thì tôi nhớ. Nhớ đến sâu đậm và ao ước một dịp nào đó được đến tận nơi để được hát, được nghe đầy đủ bằng cảm nhận qua đôi mắt và qua những câu chuyện mới mình được nghe, được thấy.

Và một Cha Lo hiện hữu

Cho mãi vừa rồi tôi mới được đến Cha Lo. Mà đến từ một sự tình cờ. Tối trước, khi đang nằm dài trong nhà khách của Bộ Công an ở Lệ Thủy thì cậu Khánh lái xe gõ cửa bước vào. Cậu Khánh nói “Mai đi Cha Lo đấy. Xe còn rộng chỗ. Anh có đi cùng không?”. Ôi, thế thì còn gì bằng.

Xe vừa dừng lại ở khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tôi đã cảm nhận được không khí mát rượi (sáng nay, khi rời Đồng Hới nhiệt kế đã chỉ 39 độ). Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, lại cậu Khánh, lái xe của hải quan, nghĩa là chuyện đi cửa khẩu Cha Lo với Khánh như “cơm bữa”, Khánh cười cười rồi chỉ tay về phái dãy núi mây xám âm u trước mặt: “Anh có thấy dãy núi kia không?”. Dĩ nhiên là tôi thấy rồi, dãy núi cao sững sững ngay mắt.

Tôi hỏi: “Có can cớ gì đến khí hậu không?”. Cậu khánh lại cười cười: “Dãy núi đó người địa phương gọi là dãy núi Giăng Màn”. “Núi Giăng Màn?”, tôi thật thà hỏi lại. “Vâng. Đó là dãy núi Giăng Màn. Chính dãy núi này đã đem lại cho Cha Lo một không khí mát rười rượi”.

Đúng là người dân địa phương đặt tên cho dãy núi ấy tên là Giăng Màn cũng có cái lý của nó. Một dãy núi giăng ngang che chắn cho khu vực Cha Lo gần như quanh năm mây mù bao phủ, tựa như một bức màn không lồ. Sự bao phủ của mây mù kèm theo những hạt mưa bụi nhỏ đã “ban” cho khu vực này một kiểu thời tiết rất tuyệt vời. Mát và mát quanh năm cho dù những nơi khác cách đó chỉ vài cây số đến vài chục cây số nắng chang chang và nóng khô người.

Cửa khẩu Cha Lo với dáng hình cổng thành Việt.

Cha Lo thực ra là tên một bản. Hồi đầu thế kỷ 20, khi người Pháp mở tuyến quốc lộ 12A nối quốc lộ 1 - từ thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình hiện nay - vượt dải Trường Sơn để thông sang Lào thì cửa khẩu Cha Lo chính là điểm cuối trên đất Việt Nam của con đường ấy. Người Pháp đã đặt tên cho cửa khẩu ấy là Cha Lo. Việc đặt tên cũng rất lý thú, người Pháp dựa vào một địa danh gần đó để đặt tên và bản Cha Lo (thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) tuy cách cửa khẩu 5km nhưng lại là bản gần với cửa khẩu nhất nên người ta “tiện thể” gọi luôn cửa khẩu đó là cửa khẩu Cha Lo.

Đối diện với cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cửa khẩu quốc tế  Naphao thuộc huyện Bualapha, tỉnh Khammuane (Khăm Muộn) bên nước bạn Lào. Đồn biên phòng ở đây cũng được gọi là Đồn biên phòng Cha Lo. Được biết theo “thông lệ” thì các đồn biên phòng ngoài số hiệu quân đội ra còn được gọi tên đồn theo tên của xã sở tại, chỉ vài đồn được gọi tên theo địa danh lịch sử kháng chiến nhưng Đồn biên phòng Cha Lo lại mang tên một bản thì đúng là trường hợp hy hữu.

Vậy là cái tên Cha Lo mặc nhiên nổi tiếng, mặc nhiên được nhắc tới và mặc nhiên được sử dụng trong mọi quan hệ. Cứ nói tới Cha Lo là mọi người hiểu chẳng cần phải dài dòng nói đó là gì, to hay nhỏ, lớn hay bé. Cái tên Cha Lo đi vào tiềm thức, đi vào câu hát và dĩ nhiên đi vào đời sống.

Chuyện bên cửa khẩu

Cửa khẩu Cha Lo là cửa khẩu quốc tế trên bộ duy nhất của tỉnh Quảng Bình hiện nay (được công nhận năm 2001). Một cửa khẩu khá rộng rãi và đặc biệt là chiếc cổng lớn mang dáng hình cổng thành Việt đầy uy nghi. Hôm tôi tới thì cổng còn đang trong quá trình hoàn thiện nên độ hoành tráng còn “ẩn khuất” sau những giàn giáo và còn thô ráp nhưng đúng là chỉ nhìn hình thế thôi đã thấy tự hào rồi.

Nói chuyện “ra, vào” ở cửa khẩu quốc tế Cha Lo cái đã. Bữa nay còn đang trong mùa dịch giã nên không thấy nhộn nhịp. Ông Nguyễn Anh Tình, cán bộ Cục Hải quan Quảng Bình, cho biết: “Bình thường thì hằng ngày ở cửa khẩu này có hàng trăm người Việt Nam xếp hàng làm thủ tục qua biên giới. Đa số là sang Lào lao động, số ít là dân thương mại qua đó để tìm nguồn hàng làm ăn”.

Tôi hỏi thêm về tình hình xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Ông Tình thông tin nhanh “Lượng hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo trung bình mỗi năm có giá trị 2 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu chiếm 90%”. Tôi hỏi lại “Vì sao lượng nhập khẩu lại nhiều đến vậy?”.

Ngã ba Khe Ve với tấm bảng giới thiệu về Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo.

Thì ra hàng hóa nhập khẩu từ Lào sang Việt Nam ở đây chủ yếu là quặng sắt, quặng đồng và thạch cao. Đó là những thứ mà bên Lào rất sẵn. Có điều lượng quặng nhập khẩu đó lại là hàng quá cảnh, hàng tái xuất nên vào Việt Nam chỉ là hàng tạm nhập. Hàng tạm nhập sẽ được chuyển xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, qua cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh hay cảng Cửa Lò, Nghệ An để sang Trung Quốc. Nghe đến đó tôi thấy tiêng tiếc, giá mà chúng ta có cách gì để “chế biến” quặng thành thành phẩm nào đó thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn và sẽ có việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động tại chỗ. Sẽ hạn chế được số người xuất cảnh sang Lào lao động thủ công.

Cũng theo ông Tình thì hàng xuất khẩu đi chủ yếu là vật liệu xây dựng và nhu yếu phẩm. Nguồn hàng này cơ bản là từ các địa phương khác ngoài tỉnh, hàng hóa tỉnh nhà (Quảng Bình) khiêm tốn với đồ gia dụng và chút vật liệu xây dựng. Giá trị chỉ ước đạt 100 triệu USD. Thực là một nguồn thu quá khiêm tốn với những tiềm năng sẵn có.

Lúc dạo một vòng quanh khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tôi đã chứng kiến từng đoàn xe tải nặng, trùm bạt kín mít nối đuôi nhau chờ kiểm hàng để vào Việt Nam. Những chuyến xe nặng nề nhưng khá trật tự sau khi kiểm đếm xong thì lại nặng nề theo đường bộ xuôi về địa điểm đã định để lại chờ tái xuất.

Đến khu kinh tế cửa khẩu nhiều viễn cảnh

Khi chúng tôi đến ngã ba Khe Ve thì dừng lại chờ nhập đoàn. Từ ngã ba này, chúng tôi sẽ tách khỏi đường Hồ Chí Minh tiếp tục theo quốc lộ 12A để lên Cha Lo. Còn nhớ những năm tháng chống Mỹ, ngã ba Khe Ve là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ngã ba này không chỉ là điểm đầu của tuyến đường ống dẫn dầu vào Nam mà còn chứng kiến nhiều đoàn xe hối hả ra tiền tuyến và cũng chứng kiến nhiều tấm gương anh dũng, quả cảm của các chàng trai cô gái thanh niên xung phong Quảng Bình.

Đi thêm chừng 30km nữa sẽ gặp di tích Cổng Trời lẫm liệt, cách Cha Lo 8km. Chỗ đó có 2 hòn đá rất to chụm vào nhau tạo nên một vòm cổng. Đó là lối đi duy nhất nên cũng mau chóng Cổng Trời thành tọa độ lửa. Hiện nay, quốc lộ 12A mới đã vòng tránh qua Cổng Trời, lúc xe ngang qua, chúng tôi chỉ được ngắm “Cổng Trời” qua ô cửa xe nhưng những bí ẩn của đại ngàn Trường Sơn và năm tháng ác liệt dường như còn in đậm.

Di tích Cổng Trời trên đường 12A (cũ).

Dừng lại ở ngã ba Khe Ve, ánh mắt của tôi chợt bị thu hút bởi một tấm bảng khổ lớn dựng bên ngã ba. Tấm bảng cho thấy cả một sơ đồ quy hoạch về khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Vui thế đấy. Cái tên Cha Lo ấn tượng và nổi danh giờ lại được đặt cho một viễn cảnh của tỉnh Quảng Bình khi mà khu kinh tế này rộng tới 538 km2, bao trùm 6 xã là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa của huyện Minh Hóa, khu kinh tế này nằm dọc theo tuyến quốc lộ 12A. Theo định hướng đến năm 2030 thì khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo sẽ là một trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình.

Một ngày đến với Cha Lo qua nhanh. Tôi ngẩn ngơ tiếc thời gian sao quá ít nhưng giờ đây đã hiện hữu trong tôi một Cha Lo, mảnh đất rừng núi âm u từng vang lên câu hát “Biên giới sáng trong niềm vui mới, vang vọng tiếng đoàn xe qua/ Ơi gió núi hãy hát cùng ta, niềm hân hoan gửi vào tiếng ca/ Suối ngàn hãy ngân theo điệu khèn/ Nắng quê hương bừng lên”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.