Vị Xuyên những ngày tháng 7
- Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ tại Hà Giang
- Tháng 7 - thức cùng Vị Xuyên
- Tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên
“Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngưng chiến trận…”. Tiếng hát đã có phần trầm đục, pha chút khàn rè hòa tiếng đàn ghita bập bùng của người nghệ sĩ – cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, nhạc sĩ Trương Quý Hải như lời triệu gọi đồng đội tha thiết. Không ai bảo ai, hàng trăm con người đang lao xao trước khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đều lặng phắc.
Lễ thắp nến tri ân và chương trình giao lưu nghệ thuật “Lũy đá bất tử” đêm 24-7 do Cục Truyền thông CAND, Công an tỉnh Hà Giang và một số đơn vị phối hợp tổ chức chính thức “khởi động”. Hàng ngàn ngọn nến lung linh tỏa sáng trên từng ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, như bầu trời sao đang sà xuống toàn khu vực này.
Lễ thắp nến tri ân và đêm giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Lũy đá bất tử” là hoạt động trọng tâm trong “Hành trình tri ân” do Cục Truyền thông CAND, Công an tỉnh Hà Giang, Bệnh viện mắt Hà Đông - Hà Nội, Ban liên lạc Công an hưu trí Nha Công an Trung ương và các cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên tổ chức từ ngày 23 đến 25-7 tại Hà Giang.
Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND tại lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên cho hay, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc 40 năm trước, đã có hơn 4.000 liệt sỹ, những người lính trẻ hy sinh. Hiện nay, mới chỉ có hơn 1.700 liệt sỹ được quy tập về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Một số lượng rất lớn người hy sinh còn lại vẫn còn nằm đâu đó trên những điểm cao và nhiều nơi khác trên mảnh đất biên cương này. Nhưng ông và đồng đội tự hào là trong 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ấy, họ đã giữ được từng tấc đất của quê hương…
Cách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên không xa, tại Đài hương 468 và Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, cựu chiến binh Nguyễn Công Phong cùng nhiều đồng đội cũ trong Sư đoàn 356 từ Hà Nội lặn lội về khá sớm. Đây là sư đoàn đã phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 đến 1988.
Ông Phong cho biết, điểm cao 468 là một trong những chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông và nhiều đồng đội là lính ở các đơn vị chiến đấu ở một số mặt trận khác được tập trung về, bổ sung cho mặt trận Vị Xuyên.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên lung linh trong đêm. |
Ngày ấy, người hy sinh nhiều, bổ sung quân liên tục, phần lớn là lính trẻ. Họ được tập trung từ nhiều đơn vị chiến đấu cơ động khác nhau. Lên mặt trận Vị Xuyên, vì yêu cầu công tác, đảm bảo bí mật chiến đấu, “danh tính” đơn vị cũ đều xóa hết. Những khác biệt quê quán, khoảng cách địa lý, đơn vị không khiến người lính Vị Xuyên xa cách. Họ gắn kết, đoàn kết, sát cánh chiến đấu trên từng chiến hào. Đến nay, cái tên “lính mặt trận Vị Xuyên” vẫn là mối gắn kết bền vững.
Hiện nay, người đến Đài hương có thể đi xe thẳng lên tận chân Đài nhưng trước đây, mỗi khi lên viếng thăm đồng đội, các cựu chiến binh phải lặn lội mất nửa ngày. Có nhiều người, thân thể không còn lành lặn, người mất chân, người cụt cả hai tay, nhưng, không ai bảo ai, gần như “đến hẹn lại lên” đúng dịp 12-7 hay 27-7, họ lại tụ hợp về thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Địa điểm làm Đài hương chính là nơi ông và các đồng đội bám trụ trong suốt một khoảng thời gian dài tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên.
Tưởng nhớ các đồng đội đã khuất, các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đã quyết tâm xây dựng Đài hương 468 thành ngôi nhà chung dành cho những đồng đội đã khuất, nhất là những người chưa tìm được hài cốt. Đây cũng là ngôi nhà chung để những người còn sống tập trung về tưởng nhớ đồng đội của mình. Từ một đài hương nhỏ theo ý tưởng của các cựu chiến binh, với sự đồng lòng, phối hợp với các nhà hảo tâm, cấp ủy chính quyền địa phương, đến nay Đài hương 468 đã khang trang, đẹp đẽ, thuận lợi cho công việc viếng thăm hơn rất nhiều.
Đối diện với Đài hương là Điểm cao 468. Những lúc mây tan, từ Đài hương, chúng tôi vẫn có thể thấy đỉnh 468. Chỉ mỏm núi xanh ngắt thấp thoáng giữa lớp lớp mây trắng vờn bay, nhiều cựu chiến binh Sư đoàn 356 thở dài nói rằng, rất nhiều đồng đội của họ, sống bám núi đá, ẩn mình trong đá, chết hóa đá, yên nghỉ giữa mây trắng ngàn năm, nhưng, họ cũng sẽ như lòng người dân đất Việt, là lũy đá bất tử, ngăn bước quân thù.
Cán bộ, chiến sĩ Cục Truyền thông CAND dâng hương, hoa trước mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. |
Thực tế, khách về Vị Xuyên nói riêng, Hà Giang nói chung những ngày tháng 7 này không chỉ có các cựu chiến binh trên các chiến trường xưa. Bởi, như ông Tạ Viết Trường, người trông coi chăm sóc Đài hương cho biết, thời điểm cuối tháng 7, lượng người về viếng đã ít hơn. Ngày cao điểm phải là ngày giỗ chung cho người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 12-7 và ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7.
Xe và người kín đặc từ chân núi lên đến đỉnh núi. Hầu hết khách hành hương đều là các cựu chiến binh và gia đình, thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã gửi thân mình trong lòng đất mẹ. Các đoàn thể, tổ chức, người dân cả nước thì về viếng rải rác suốt trong tháng. Người về đông nên những ngày này, nếu không chuẩn bị trước, khách sẽ khó khăn tìm nơi lưu trú. Các nhà nghỉ, khách sạn đều chật kín khách thuê phòng.
Hòa chung trong dòng người về Vị Xuyên, Hà Giang tháng 7 này có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Cục Truyền thông CAND. Trong nhà đón tiếp trước khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia huyện Vị Xuyên, cuốn sổ ghi chép trên bàn ngày một dày đặc các trang viết. Có những nét bút tròn trịa của các bạn trẻ ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Có những nét bút run run của các cựu chiến binh, người hưu trí đến từ chốn thị thành lẫn thôn quê. Nhiều trang viết của các bạn trẻ trong các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị địa phương. Nhưng, tất cả đều chung một điểm: Lòng biết ơn vô bờ đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và quyết tâm học tập, theo gương lớp lớp cha anh bảo vệ, dựng xây quê hương đất nước.
Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND xúc động viết: “Toàn thể cán bộ chiến sĩ Cục Truyền thông CAND kính cẩn nghiêng mình và đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Máu đào của các anh đã tô thắm trên màu cờ của Tổ quốc thân yêu. Các anh mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay học tập và noi theo. Cầu mong các anh được yên giấc ngàn thu”.
Xúc động, bồn chồn là tâm trạng chung của hầu hết các thành viên trong đoàn trong suốt “Hành trình tri ân”, đặc biệt là trước và trong lễ thắp nến tri ân và đêm giao lưu nghệ thuật “Lũy đá bất tử” tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên 24-7.
Đạo diễn, NSƯT Phạm Lê Nam, người trực tiếp viết kịch bản và đạo diễn chương trình còn cho biết, anh và êkip đã dày công tập luyện, chạy thử chương trình vài ngày nay tại đây. Ai cũng nỗ lực, mong muốn có một đêm tri ân hoàn hảo nhất, dâng tặng anh linh các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại vùng đất biên cương này.
Mặc dù thời tiết đôi lúc không thuận lợi, điều kiện cơ sở vật chất không đủ đầy khiến chương trình không liền mạch nhưng suốt nhiều giờ đồng hồ, hàng trăm thành viên trong đoàn và đông đảo người dân vẫn nán lại đến tận nửa đêm – khi tiết mục cuối của chương trình kết thúc. Hàng chục ca khúc, kịch mục được dàn dựng công phu đã được chuyển tải đến khán giả.
Chiến trường Vị Xuyên khốc liệt năm nào, cuộc chiến đấu bảo vệ mảnh đất biên cương đầy cam go với không ít những cống hiến hy sinh của người lính đã ngã xuống ngay giữa thời bình hiện nay đã được tái hiện trên sân khấu, qua cả các tiết mục biểu diễn lẫn chuyện kể, ký ức về người đã khuất của các khách mời giao lưu đặc biệt.
Người xem bật khóc khi chị Nông Thị Duyến, vợ liệt sĩ Lưu Minh Thức nghẹn ngào kể lại, hai vợ chồng lập nghiệp từ bàn tay trắng. Chị bỏ học từ lớp 9 để toàn tâm lo cho gia đình, giúp chồng yên tâm công tác. Cuộc sống khó khăn. Mái nhà tạm cha mẹ cho không đủ che mưa che nắng. Ngày vợ chồng ăn riêng chỉ có một chiếc nồi duy nhất để nấu ăn. Có những đêm, vợ chồng cùng thức trắng để làm lụng. 5 năm vất vả, gian khó, ngôi nhà tạm đã khang trang.
Nhưng, đúng mùng mùng 2 Tết năm 2018, người Trung úy công an ấy đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội truy bắt tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điều khiến chị đau đớn không chỉ vì vợ mất chồng, con mất cha mà còn quá xót xa khi anh ra đi mà chưa một ngày được hưởng cuộc sống đủ đầy, sung túc.
Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập báo CAND thăm hỏi, động viên các thầy cô ở Trường PTDT nội trú - THPT tỉnh Hà Giang. |
Biên cương tươi đẹp hôm nay không chỉ là nơi hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi trên mọi miền Tổ quốc gác lại tuổi thanh xuân để sống cho lý tưởng, cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Ngay cả khi thời bình thì tinh thần ấy vẫn bất diệt. 40 năm đã trôi qua, thế hệ trẻ ngày hôm nay lại tiếp tục sự nghiệp ấy. Trên mảnh đất này, những người lính trẻ hôm nay vẫn chắc tay súng chiến đấu với tinh thần “một tấc đất không lùi”.
Vẫn có những người lại tiếp tục ngã xuống cho sự bình yên của cuộc sống như liệt sỹ Phạm Đình Chiến, liệt sỹ Lưu Minh Thức của Công an tỉnh Hà Giang. Họ đã thắp tiếp ngọn lửa trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Lớp lớp những người dân đất Việt, trong đó có các cán bộ chiến sĩ công nhân viên của Cục Truyền thông CAND sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa ấy. “Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc, chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục noi gương các anh hùng, liệt sĩ, nguyện chung sức, chung lòng, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện lý tưởng cộng sản cao đẹp, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc và nhân dân cần đến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Đó cũng chính là thực hiện tiếp những ước nguyện của các anh, các chị trước lúc đi xa”, Trung tướng Mai Văn Hà khẳng định.
Trong khuôn khổ “Hành trình tri ân” từ ngày 23 đến 25-7, các đoàn công tác của Cục Truyền thông CAND đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên tại nhiều khu tưởng niệm tại Hà Giang và tỏa về nhiều địa phương, thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh cho hàng trăm gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, các gia đình còn khó khăn. Ít nhất, 200 phần quà đã được các cán bộ, chiến sĩ của Cục trao tận tay các gia đình. Dịp này, Cục Truyền thông CAND cũng đã phối hợp với Công ty TNHH sản xuất công nghiệp thương mại Trâm Anh trao tặng 100 triệu đồng xây dựng công trình nước sạch cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học Phổ thông tỉnh Hà Giang. |