Vụ 700 du khách bị bỏ rơi tại Thái Lan: Mặt trái của du lịch “giá rẻ”

Thứ Tư, 07/08/2013, 13:40

Vụ "vỡ tour" đình đám, khởi đầu là chuyện 700 du khách bị bỏ rơi tại Thái Lan, và hồi kết là lời hứa bồi thường có nguy cơ tan thành mây khói khi bà chủ Công ty du lịch TravelLife tắt máy điện thoại, nhân viên biến mất và trụ sở đóng cửa im ỉm… là hệ lụy tất yếu của một ngành công nghiệp du lịch "giá rẻ". Mổ xẻ loại hình du lịch "giá rẻ", chính xác hơn là du lịch "giá tiền rẻ" qua những công ty kiểu như TravelLife để thấy rằng, cuối cùng, người chịu thiệt, không ai khác chính là những khách hàng "chỉ chấp nhận thả săn sắt mà muốn bắt cá rô"…

1. Theo nhận định của một chuyên gia về thị trường du lịch nước ngoài (xin giấu tên vì ông nhận định vụ việc sẽ dính đến yếu tố pháp luật khi số người bị hại của TravelLife quá lớn), chưa xét đến yếu tố lừa đảo, việc "ôm sô" với số lượng khách lên tới 700 người, chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực về điều hành du lịch cho thị trường outbond của TravelLife tròn trĩnh ở… con số không.

Bình thường, một sản phẩm du lịch nước ngoài được cấu thành bởi 2 yếu tố chính: vé máy bay và du lịch ở phía nước ngoài (land tour). 2 yếu tố này chiếm tới 90% tổng chi phí của một tour du lịch.

Về chi phí vé máy bay, thông thường các hãng hàng không chỉ cắt ra khoảng 1/3 để bán cho các tour du lịch là khách đoàn, với giá rất rẻ, thường chỉ bằng 1/2 so với khách đi lẻ, với mục đích khuyến khích khách đi đầy chuyến. Nếu toàn bộ chuyến bay đều bán hết cho khách du lịch theo đoàn thì không đủ chi phí cho hãng hàng không. Chính vì vậy, với những đoàn khách nhỏ, từ 20-30 khách, công ty du lịch rất dễ lấy được vé rẻ trên các chuyến bay. Nhưng đối với các đoàn khách từ 40-50 khách trở lên, giá vé sẽ tăng rất cao.

Xét riêng yếu tố vé máy bay, chuyên gia này nhận định có vẻ TravelLife đã sai lầm ngay ở khâu tính toán giá thành tour cho đoàn khách lên tới 700 người với đơn giá giống của đoàn khách chỉ có 20-30 người. Họ không tính đến yếu tố đi máy bay mà đoàn khách càng lớn thì chi phí càng cao.

Và kết quả của việc tính toán sai này đã dẫn đến 700 hành khách sang Thái Lan đã không thể trở về nước bởi công ty bán vé không chịu xuất vé vì bị nợ tiền. Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc TravelLife khi đó đã giải thích chữa cháy rằng do giờ chót bị hủy vé, công ty này đã phải đặt mua vé máy bay từ một công ty khác với giá rất cao. Nhưng lời giải thích của Công ty Én Việt và đại lý cung cấp vé máy bay là Mỹ Úc Á tại thời điểm xảy ra vụ việc lại cho thấy TravelLife không thanh toán đủ tiền vé máy bay.

Vấn đề thứ 2 của TravelLife vấp phải là chi phí land tour trên đất Thái Lan. 20-40 khách trên đất Thái Lan thì giá land tour cũng bình thường. Nhưng khi càng nhiều khách thì chi phí lại tăng lên chứ không phải giảm đi.

Nguyên nhân là land tour được tách thành chi phí chung và chi phí riêng. Chi phí riêng bao gồm ăn uống của một người, vé tham quan của một người, phí ngủ cho từng người. Chi phí chung bao gồm xe ôtô và hướng dẫn viên chung cho cả đoàn.

Kinh nghiệm cho thấy chi phí chung cho cả một đoàn khách lớn sẽ đội lên rất nhiều so mới một đoàn khách dưới 40 người. Ví dụ như chỉ 200 khách thôi, công ty du lịch sẽ phải thuê hẳn 5 chiếc xe 45 chỗ. Để xử lý cho một đoàn khách như vậy, công ty du lịch sẽ phải thuê thêm người tiền trạm, người sắp xếp chỗ ăn ngủ trước. Nhiều khi với đoàn khách lớn còn đòi hỏi phải có xe dẫn đường hay xe cứu thương riêng đi theo đoàn… bởi có thể rất nhiều rủi ro phát sinh. Điều này dẫn đến giá land tour cũng sẽ tăng lên ghê gớm với những đoàn lớn. Và hệ quả là cho đến thời điểm hiện tại, TravelLife vẫn đang nợ đối tác phía Thái Lan số tiền lên tới 50.000 USD.

Trang web quảng cáo.

2. Theo nhận định chung của giới làm du lịch, phần lớn các công ty ra đời cũng đều có một mong muốn là làm ăn đàng hoàng. Nhưng trong lúc thực hiện, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, một là từ phía đạo đức kinh doanh của người chủ, hai là câu chuyện anh có kinh nghiệm để làm tốt những điều mình muốn hay không.

Vì du lịch là một sản phẩm vô hình, bán được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín của chính công ty đó, nên những công ty muốn có mục đích lừa đảo, bắt buộc họ phải là những doanh nghiệp đã ít nhiều tạo dựng được uy tín cho bản thân. Hoặc nếu chưa có uy tín, họ phải lấy một cái tên dễ nhập nhằng với một doanh nghiệp lớn nào đó. Đối với một doanh nghiệp mới ra đời từ tháng 9/2011 như TravelLife, dù có cái tên hao hao một doanh nghiệp cũng mới ra đời cùng năm khác là LifeTravel, thì khả năng có đủ uy tín để đi lừa đảo là rất khó.

Nếu lãnh đạo Công ty TravelLife muốn lừa đảo, có lẽ phải cân nhắc đến yếu tố họ đã "nằm vùng" được với các trưởng nhóm của Công ty bán hàng đa cấp Herbalife và nhắm tới sự lỏng lẻo về luật pháp trong việc ký kết hợp đồng du lịch.

Thông thường, với đoàn khách lớn, có pháp nhân đứng ra phụ trách việc lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ, các công ty du lịch sẽ phải "bỏ thầu" để chiến thắng. Trong hồ sơ thầu, Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ là một điều kiện bắt buộc trong hồ sơ chứng minh năng lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. TravelLife đã vượt qua được cửa ải quan trọng nhất là chứng minh Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế khi trực tiếp làm việc với các trưởng nhóm của mô hình đa cấp Herbalife.

Đã dành thời gian dài theo dõi mô hình công ty đa cấp đang có tốc độ phát triển chóng mặt tại Việt Nam này, PV Chuyên đề ANTG nhận thấy "uy lực" thuyết phục của các trưởng nhóm đối với thành viên rất cao. Trong khi đó, nguồn tin từ phía hướng dẫn viên của đoàn cho biết Giám đốc TravelLife (cũng là thành viên của Herbalife) đã đưa ra tỉ lệ hoa hồng ăn chia cao nên đã thuyết phục được các trưởng nhóm. Chính vì vậy, không khó để các thành viên khác của Herbalife răm rắp đóng lệ phí cho TravelLife.

Đại hội bán hàng đa cấp.

3. Vụ việc đáng tiếc mang tên TravelLife xảy ra, một phần lỗi cũng đến từ phía những du khách lựa chọn dịch vụ của TravelLife. Lòng tin tuyệt đối vào những vị trưởng nhóm, tâm lý muốn đi chung với "gia đình Herbalife", và việc không đắn đo lựa chọn tour du lịch với giá rẻ hơn so với mặt bằng chung… đã khiến chuyến đi của họ biến thành thảm họa.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm đối với khách du lịch hướng tới loại hình "giá tiền rẻ" là nên chọn những công ty có tên tuổi. Đặc trưng của sản phẩm du lịch là những sản phẩm vô hình, khách hàng giao cho công ty du lịch mấy triệu bạc chỉ để nhận được những tờ giấy trên đó có ghi hành trình dự tính. Nếu một công ty tồn tại đã 10 năm, 20 năm mà vẫn phát triển, chứng tỏ công ty ấy làm đúng những gì họ cam kết, khách hàng nên tin tưởng.

Khách hàng cũng nên thận trọng với những tour du lịch đột ngột hạ giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Ví dụ như đơn cử riêng thị trường ở Thái Lan, có những công ty chỉ ghi chung chung rằng "nghỉ tại khách sạn 3 sao", nhưng khách sạn 3 sao ở khu Bangkok cũ giá khác, khách sạn 3 sao ở khu Bangkok mới, xa các điểm du lịch và mua sắm trong trung tâm… lại có giá hoàn toàn khác.

Thông thường, những công ty lớn bao giờ cũng cố gắng tối đa để đảm bảo uy tín về chất lượng thông qua việc thực hiện đúng các cam kết đối với khách hàng. Các công ty này không ngại ngần cung cấp tất cả những thông tin mà khách hàng thắc mắc, thậm chí là thực đơn của từng bữa ăn, số lượng món ăn có trên bàn ăn… Khách hàng nên lấy thông tin cụ thể rồi kiểm tra lại qua mạng Internet hoặc tham vấn người có kinh nghiệm để tránh bị thiệt thòi.

Thứ hai, khi đặt tour, khách hàng nên hỏi rõ về tên khách sạn nơi mình sẽ ở và những dịch vụ mình sẽ được hưởng. Đơn cử như xe ôtô, khách du lịch nên cần làm rõ mình được đi xe Aero Space đời 1998 hay Universal 2012, bởi sự tiện nghi cho chuyến đi là hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần nhập nhằng giữa những điều này, công ty du lịch đã bỏ túi một khoản tiền không nhỏ.

Những khách hàng kỹ tính hơn sẽ quan tâm đến việc kiểm tra Giấy phép lữ hành quốc tế để tránh tình trạng bị "bán cái" sang một công ty khác. Giấy phép lữ hành quốc tế chính chủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng muốn có hóa đơn chứng từ rõ ràng để về thanh toán hoặc quyết toán.

Khách du lịch cũng cần lưu ý rằng tour du lịch "giá tiền rẻ" chủ yếu tập trung ở thị trường Thái Lan, nơi công nghệ dịch vụ, thương mại và du lịch đã được nâng lên một tầm chuyên nghiệp. Các phần chi phí của khách đã được các điểm mua sắm "gánh" hộ một phần cho các công ty du lịch, bù đắp vào những chi phí du lịch. Điều đó đã tạo nên một "kỳ tích" về giá tour rẻ, để nhiều người có thể tham gia hơn.

Điều đó dẫn đến hệ lụy là các công ty du lịch, các đơn vị tổ chức tour ở Thái Lan bắt buộc phải đưa khách vào những điểm mua sắm, cho dù khách không muốn. Hiển nhiên là thời gian dành cho việc tham quan, đi lại của khách bị hạn chế. Chưa kể đến việc hàng hóa trong những điểm mua sắm luôn cao hơn bên ngoài thị trường. Cá biệt, có những trường hợp hàng nhái hàng giả được bán cho khách du lịch để bù đắp đủ lợi nhuận cho các công ty du lịch.

Nếu có điều kiện, khách hàng nên chọn lựa những tour du lịch có cùng lịch trình nhưng có mức giá cao hơn trung bình gấp rưỡi đến gấp đôi. Với lựa chọn này, khách du lịch sẽ thực sự được hưởng thụ những dịch vụ hoàn hảo, từ khách sạn nằm ở khu trung tâm, cho tới những món ăn đặc sản địa phương đảm bảo an toàn thực phẩm nhất. Họ cũng sẽ không bị "nhốt" trong những khu mua sắm rẻ tiền bắt buộc phải vào, mà được tự do lang thang lựa chọn hàng hóa trong những khu thương mại sầm uất nhất. Du lịch luôn là nguồn gây cảm hứng lớn nhất, vì vậy, nếu không phải là những backpacker, bạn hãy chọn những tour du lịch giá cao hơn một chút, để những kỳ nghỉ trở nên thực sự đáng nhớ

Việt Đông
.
.