Xóm ốc đảo giữa lòng thủ đô

Thứ Hai, 14/06/2021, 20:26
Được giao đất dịch vụ hơn 10 năm nhưng suốt 10 năm, các hộ dân khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội vẫn sống trong tình trạng không điện, nước, không hộ khẩu. Nhiều lần họ làm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng dường như lời kêu cứu của họ vẫn rơi vào vô vọng.


Bức xúc vì mua điện giá cao

Khu đất dịch vụ Đồng Mai, thuộc quận Hà Đông, Hà Nội khá rộng và thoáng. Được quy hoạch phân lô nên nhiều hộ dân nơi đây hiện đã xây nhà cửa khang trang và sinh sống ở đây từ vài năm đến cả chục năm trước. Thế nhưng, điều họ bức xúc là dù được giao đất cả chục năm, dù mang tiếng sống giữa Thủ đô nhưng điện, nước, hộ khẩu vẫn không có.

Anh Nguyễn Văn Thức, một hộ dân ở Đồng Mai cho biết, nhà anh ra khu đất này sinh sống từ 2018. Vì không có điện nên tất cả các hộ dân sinh sống trong khu vực phải đóng tiền mua công tơ, mua điện từ một hộ dân trong xóm kéo ra, cung cấp cho cả khu. “Tiền mua công tơ là 4,5 triệu đồng. Tiền điện 4.500 đồng/1 số. Một người dân trong xóm kéo dây điện ra bán cho mọi người ở khu này. Tiền dây phải mất mười mấy triệu đồng, tầm hơn 300m dây. Nếu không mua công tơ, không mua điện thì không có cái mà dùng. Mà mùa hè điện yếu, nhà tôi 4 người, chỉ dùng mấy cái quạt, 1 cái điều hòa mà có tháng hết 3-5 triệu đồng tiền điện. Mà điện yếu, điều hòa cũng chẳng chạy nổi. Quạt bật số mạnh nhất còn chạy rì rì nữa là điều hòa”, anh Thức cho biết.

Nhiều người dân khu đất dịch vụ Đồng Mai bức xúc phản ảnh với phóng viên.

Tương tự, nhà chị Hoàng Thị Kim Dung cũng vậy. Chị Dung bức xúc cho biết: “Điện đã phải mua giá cao, phải mua cả công tơ điện nhưng điện yếu không dám chạy mấy điều hòa một lúc. Cả nhà có 3 điều hòa thì chỉ bật một phòng rồi cả vợ chồng con cái, cả bà đều chui hết vào đấy. Mà nào có dám bật nhiều đâu. Chồng tôi đã ghi lại mở điều hòa trong vòng 2 ngày mà công tơ chạy đúng 50 số luôn. 50 số nhân với giá 4.500 đồng, chị nghĩ xem 2 ngày đã bằng đấy tiền thì làm sao mà dám bật điều hòa cho được”.

Vào những giờ cao điểm, các nhà không thể sử dụng nhiều thiết bị điện một lúc, mặc dù nhà nào cũng phải có một ổ Lioa công suất lớn để tăng áp nhưng vẫn không ăn thua. “Điện yếu, điện chập chờn, cắm cơm vừa lâu vừa không chín nổi. Nhà tôi có hai đứa cháu mới sinh nhưng trời nóng quá, điều hòa còn không bật nổi nên đợt nóng vừa rồi mẹ con nó phải sơ tán về ngoại”, ông Bùi Văn Chút cho hay.

Dù đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng người dân vẫn không nhận được câu trả lời chính đáng, lý do vì sao họ đang sinh sống hợp pháp trên chính mảnh đất của mình mà bao năm vẫn không có điện. “Thậm chí cả chính quyền, người của sở điện lực vào yêu cầu người bán điện cho chúng tôi phải dừng việc cấp điện sai phép nhưng bây giờ dừng thì phải cấp điện mới cho chúng tôi, không thì chúng tôi dùng bằng gì”, anh Đào Hữu Sơn cho hay. Cả một khu đất rộng rãi khang trang, với đường giao thông hoàn thiện, đèn cao áp đầy đủ nhưng tất cả chỉ để “làm cảnh” vì không có điện.

Dân khát nước sạch

Không chỉ không có điện mà ngay cả nước sạch các hộ dân đất dịch vụ Đồng Mai cũng không có để dùng. Nhà nào cũng phải sử dụng nước giếng khoan. Đi khắp các khu đất dịch vụ Đồng Mai, trước cửa nhà nào cũng ngổn ngang bể lọc, bình đựng nước đã ố vàng. Dù có nhà mới chuyển đây chỉ vài tháng nhưng nước đã bám vàng ố ngoài mặt bể.

Nhà nào cũng dùng nước giếng khoan với bể nước ố vàng.

“Ngày nào trước khi bơm nước vào bể, chồng em cũng phải khoắng bể lọc cho sạch bùn đất. Mỗi lần bơm nước lên xong là bùn đất lắng đầy, qua mất lần lọc mà nước vẫn tanh. Nước này chỉ dám tắm giặt, còn ăn uống đều phải mua nước lọc ở ngoài về, tốn kém lắm. Mà nước giếng khoan rất nhiều tạp chất, em tắm vào còn bị dị ứng ngứa khắp người”, nói rồi, Dung vén tay áo cho chúng tôi xem các vết dị ứng trên tay chân.

Nhà ông Chức trước đây mấy đứa cháu ngoại còn hay xuống chơi nhưng vì mùa hè không có điều hòa, nước thì bị dị ứng, tắm vào ngứa ngáy khắp người nên cả năm nay chúng nó chỉ tranh thủ xuống chơi với ông bà một tí rồi lại về chứ chẳng đứa nào chịu ở lại.

“2 cái nghĩa trang trong khu đất, thử hỏi làm sao nước không ô nhiễm. Vậy mà hằng ngày chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan. Mà phải khoan sâu 50m mới có nước. Nước thì ô nhiễm kinh khủng, chỉ cần đổ cốc nước chè vào nước giếng mới bơm lên lập tức chuyển màu đen luôn, thử hỏi không chết vì bệnh mới lạ. Khu này nhiều người bị ung thư lắm rồi”, ông Đào Huy Sương cho hay. Nói rồi ông thử nghiệm luôn cho chúng tôi xem tại chỗ. Mang 2 cốc nước vừa bơm từ giếng lên, ông đổ từ từ nước chè vào cốc thì lập tức nước chuyển màu đen sì.

Anh Thức thử độ tạp chất của nước.

“Cá còn không sống được nữa là người. Tôi đã thử lọc 3 lần, để lắng nước mấy ngày mới cho vào bể cá thì chỉ hôm sau là cá vàng chết hết. Lấy nước mới bơm lên, tôi thả con cá rô phi đồng vào chỉ 5 phút là chết”, ông Chức nói thêm.

Để minh chứng cho độ độc hại của nước giếng khoan, anh Thức lấy máy đo nồng độ tạp chất của nước và thử cho các nhà xung quanh. Nếu dưới 100 ppm (tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước TDS) thì đảm bảo nhưng tất cả các nhà đem đến đo hôm ấy thì nhà nào lọc qua 3-4 lần là 175ppm, còn lại có nhà gần 300ppm.

Khu đất dịch vụ Đồng Mai có tất cả 4 khu nhưng duy nhất chỉ khu 1 có đầy đủ điện, nước. Các khu còn lại vẫn sống trong cảnh thiếu điện, nước. Các hộ dân cho biết thêm, mọi khoản chi phí hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thuế được yêu cầu đóng đủ, các hộ dân đều đã đóng hết nhưng không hiểu lý do vì sao bây giờ vẫn chưa có điện. “Đường giao thông mới có vài năm trở lại đây thôi, chứ trước chúng tôi ra đây ở còn toàn phải đi dưới lòng ruộng, lòng mương ngập nước, đường đất như đường ra cánh đồng vậy”, anh Sơn cho biết thêm.

Chính quyền nói gì

Chúng tôi đem thắc mắc đến chính quyền UBND phường Đồng Mai, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai là đất đền bù cho những người dân bị thu hồi đất để làm dự án cụm công nghiệp Đồng Mai. UBND quận Hà Đông ra quyết định và cấp phép. UBND phường không có chức năng liên quan nhưng qua các buổi tiếp xúc cử tri thì đã tiếp nhận phản ánh của bà con, nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về việc cấp điện, nước cho người dân, hoàn thiện hệ thống thoát nước, đường giao thông... nhưng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, là đơn vị trực tiếp thực hiện hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ Đồng Mai vẫn chưa bàn giao xong.

Khu đất dịch vụ dù khá khang trang nhưng điện, nước vẫn chưa có.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 7-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc thu hồi 355.703 m² đất thuộc địa bàn phường Đồng Mai để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất phi nông nghiệp, giao cho UBND TP. Hà Đông (nay là quận Hà Đông) thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ việc xây dựng Cụm công nghiệp Đồng Mai. Đến tháng 11-2010, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu được khởi công và thực hiện các thủ tục giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện bàn giao theo quy định. Sau khi thực hiện phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, cấp đất dịch vụ cho người dân ra sinh sống thì mỗi hộ dân có đất phải nộp ngân sách nhà nước với số tiền là trên 82.000.000đ, tương ứng 1.657.500đ/m², được gọi là tiền tạm thu để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng không hiểu vì lý do gì hạ tầng tại dự án trên đến nay vẫn chưa được hoàn thiện đồng bộ để đi vào sử dụng?

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng dự án 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông thì việc chậm trễ trong thực hiện dự án là do việc bàn giao mặt bằng chậm được triển khai khiến mọi việc trở nên ách tắc. Ông Tuấn giải thích việc bàn giao mặt bằng kéo dài là do không phải bàn giao một lúc là hết dự án ngay. Những vị trí mặt bằng đã được bàn giao cơ bản đã thi công xong. Tuy nhiên, còn tồn tại các mặt bằng xôi đỗ, những công trình đường dây nổi vẫn còn ở trên. Trong quá trình đấy, Ban Quản lý dự án và đơn vị thi công vẫn túc tắc vừa chờ mặt bằng cũng như triển khai thi công.

Người dân khu đất dịch vụ Đồng Mai đang mong mỏi hệ thống cơ sở vật chất đi vào hoàn thiện. Người dân được quyền hưởng những thứ cơ bản nhất trên chính mảnh đất hợp pháp của mình.

Trâm Anh
.
.