Xuân trên thung lũng mưa Pò Hèn

Chủ Nhật, 17/02/2019, 12:24
Hương hồi thơm bay tỏa lan trên vách núi/ Có cánh đào tươi đẹp trời Xuân mới trên đỉnh núi Pò Hèn/ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy/ Đã vào trang sách, đã thành bài ca...” - lời ca tha thiết hào hùng trong bài ca “Người con gái trên đỉnh Pò Hèn” đã đưa chúng tôi đi dọc theo dòng sông Ka Long (biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc) để đến thôn Pò Hèn, trung tâm xã Hải Sơn, một xã biên giới vùng sâu vùng xa của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh...

Đất thiêng Pò Hèn

Từ cửa khẩu Bắc Phó Sinh trên tỉnh lộ 340, chúng tôi rẽ vào còn đường nhỏ đèo, dốc quanh co uốn lượn chìm ẩn trong sương mù và mưa bụi để đến Pò Hèn. “Gần 1 năm nay tiết trời như vậy rồi. Suốt ngày đêm mưa cứ xầm xì. Quần áo mặc lúc nào cũng ẩm ẩm khó chịu lắm!”, anh Vi Tiến Hanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn - bạn đồng hành trên xe cất tiếng than thở.

Anh Hanh đã cho chúng tôi ấn tượng đầu tiên là mưa ở Pò Hèn. Pò Hèn như một thung lũng bằng phẳng được bao bọc bởi những dãy núi cao mờ sương. Mưa ở Pò Hèn không ào ào như trút mà cứ lất phất, tí tách rơi để nhẹ nhàng thấm sâu vào đất mẹ. Mưa không to nên không tạo dòng nước lớn nhưng vẫn làm các cây rau úng rễ hay quật đổ các bức tường, thậm chí còn bạt sạt cả góc đồi đất.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn năm 1978.

Vậy mà, khi chiếc xe rẽ vào khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên đỉnh Pò Hèn, mưa lại ngưng. Giữa mênh mông màu xanh cây rừng, tượng đài liệt sĩ cao 16m bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng; Biểu tượng là khối hình 6 lưỡi lê xếp thành 2 hàng, trên mỗi lưỡi lê là biểu tượng các bàn tay (2 hàng, mỗi hàng 3 bàn tay tượng trưng cho 3 dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ) úp tạo thành hình ngôi sao vàng ở giữa, biểu tượng của tư thế sẵn sàng chiến đấu và của sự đoàn kết trong chiến đấu, sừng sững vươn cao như tinh thần bất khuất trước quân thù của 86 liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 2 bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá xanh khắc ghi tên 86 liệt sĩ đã hy sinh tại nơi này từ ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới cho đến nay.

Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh tại đồn sáng 17-2-1979, tấm bia thứ hai ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15-2-1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25-6-1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân lâm trường cùng hy sinh ngày 17-2-1979.

“Anh hùng tuy khuất, mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/ Dân tộc dõi theo truyền bia miệng công ơn khôn kể xiết”, lặng thầm và thành kính, chúng tôi thắp nén tâm nhang tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ.

Di ảnh liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Mối tình bi hùng nơi thung lũng mưa

Bọn giặc thù tàn ác đến giày xéo quê hương/ Bao hờn căm rực cháy trong tim/ Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu hiên ngang.../ Mang dòng máu Bà Trưng oai phong/ Muôn đời còn ghi mãi chiến công/ Đây người con gái trên đỉnh Pò Hèn...”. Trong khói hương trầm nghi ngút, chúng tôi thoáng thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của cựu chiến binh Hoàng Văn Lý - chiến sĩ bộ đội biên phòng (ngày ấy là cán bộ công an vũ trang) duy nhất còn sống, sau trận đánh địch ngày 17-2-1979. Đã 40 năm trôi qua nhưng từng cái tên đồng đội vẫn in đậm trong lòng người cựu binh này.

Anh Hoàng Văn Lý thoáng trầm ngâm: “Mùng một, ngày rằm hay các ngày lễ, giỗ nào, tôi cũng đến đây thắp nén tâm nhang cho các đồng đội. Năm 2017, tôi cùng gia đình 2 liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm đã tổ chức lễ kết duyên âm cho hai anh, chị. Ước nguyện trọn đời sống bên nhau của anh Lượng, chị Chiêm giờ đã được người thân và đồng đội thực hiện”.

Tháng 5 năm 1975, cô mậu dịch viên Hồng Chiêm đi bộ vượt núi, băng rừng đến Pò Hèn nhận nhiệm vụ tại cửa hàng hợp tác xã mua bán ở Pò Hèn. Ở nơi đất rừng heo hút, quân, dân và đồng bào các dân tộc cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng vui chơi... thân thiết như người nhà. Chị Chiêm có tiếng hát trong vắt như họa mi, ngân dài du dương như tiếng chảy dòng Ka Long, thơm ngọt như nếp nương chín ngày chính vụ. Giọng ca ấy đã nâng đỡ và gắn kết tinh thần, trái tim của Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượng với mảnh đất và con người ở Pò Hèn khi anh về đồn nhận nhiệm vụ vào đầu năm 1976.

Tình yêu của Văn Lượng và Hồng Chiêm đến nhẹ nhàng như mưa ở Pò Hèn rả rích mà sâu lắng. Những đêm văn nghệ giao lưu dường như trở nên vui hơn, đậm tình hơn với lời song ca quyện tình yêu đối lứa Văn Lượng - Hồng Chiêm. Đầu năm 1979, Văn Lượng đã báo cáo với chi bộ, với tổ chức: “Chiêm sống chân thật và giàu tình cảm, có nghị lực, hai chúng tôi hiểu và thương mến nhau”.

Anh Hoàng Văn Lý trầm ngâm kể tiếp: Tình yêu của đôi bạn trẻ đang đợi ngày pháo nổ, rượu nồng trong sắc xuân Pò Hèn thì 5 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tấn công đồn biên phòng Pò Hèn. Cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Hèn cương quyết nổ súng đánh trả.

Trước đó, chiều 16-2, Hồng Chiêm cùng cán bộ thương nghiệp đã vận chuyển một số mặt hàng về tuyến sau rồi chị về lại cửa hàng Pò Hèn để bảo vệ số hàng hóa còn lại. Sáng sớm, nghe tiếng súng rền vang từ phía đồn biên phòng đưa lại, “đối phương đông quá! Mà các anh thì ít người. Mình đã từng đi bộ đội. Mình biết cách sử dụng trang bị vũ khí. Còn Lượng, không biết anh có sao không?” tay cầm súng K44, lưng giắt 2 quả lựu đạn, vừa nghĩ, đôi bàn chân của Hồng Chiêm vừa đưa chị lướt đi về phía đồn biên phòng Pò Hèn trong bóng tối lờ nhờ.

Bộ đội Biên phòng đồn Pò Hèn học tập truyền thống ở đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.

Đến đồn, cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt. Dựa vào hầm hào công sự chiến đấu, ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công trực diện của chúng. Dưới mưa đạn đang cày nát không gian đồn, không quản ngại hiểm nguy, Hồng Chiêm vừa chiến đấu, vừa băng bó, cứu giúp thương binh. Thế nhưng, tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, chỉ có 45 cán bộ, chiến sĩ đối đầu với khoảng 2.000 tên phía đối phương. Lớp này vừa bị đẩy lui, lớp sau đã hung hãn lao tới.

Đến gần 12 giờ trưa, quân bành trướng Trung Quốc vượt cửa mở, ào ạt xông vào đồn. Hồng Chiêm, Văn Lượng cùng 45 cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã anh dũng hi sinh khi đã kiên cường bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

“Thác là thể phách, còn là tinh anh”, Văn Lượng và Hồng Chiêm tuy rời xa cuộc sống nơi Pò Hèn nhưng tình yêu của anh chị luôn được văn bia truyền mãi. Lời hẹn ước kết tóc xe tơ chưa đạt được trên nhân gian giờ đây đã được xe duyên nơi cửu tuyền trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội về những người con trọn vẹn trung hiếu.

Khởi sắc Pò Hèn

Xuân đến, những loài hoa đang đua nhau khoe sắc làm đất trời Pò Hèn như khoác chiếc áo mới. Ông Phùn Phú Quyền, nguyên Chủ tịch xã Hải Sơn, cho biết, trước trung tâm xã ở thôn Vàng Khay, năm 1996 mới chuyển đến thôn Pò Hèn. Ngày ấy chỉ có vài chục hộ dân thôi, đường chưa có, cuộc sống nhân dân còn khổ lắm.

Cuộc sống ở Pò Hèn giờ đây đã có nhiều đổi mới, khó khăn của đồng bào đã giảm bớt nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn. Để đồng bào yên tâm bám trụ, bộ đội biên phòng đã cử lực lượng đến từng nhà, ra từng thửa ruộng vừa tuyên truyền, vận động vừa cầm tay chỉ dạy đồng bào cách trồng lúa nước, cách làm chuồng nuôi lợn, gà hay chăm sóc trâu bò.

Mới đầu, những điều bộ đội biên phòng nói sao mà đồng bào thấy khó nghe vì cách làm gì cũng thấy khác so với cách làm của đồng bào. Nhưng, khi được các anh đưa vào đơn vị cho xem đàn bò, dê, lợn béo núc ních hay đàn vịt, gà khỏe mạnh dẫn đàn đi bới tìm thức ăn thì đồng bào tin. Tin rồi đồng bào làm theo. Thế rồi, thóc lúa cứ ùn ùn chảy về đầy bồ, heo bò phát triển tốt không bị ốm chết, đồng bào đã có gạo ăn quanh năm không phải lên núi đào củ, săn thú kiếm cái ăn. Dần dần, tiếng lành đồn xa, người dân nhiều nơi cũng đến đây định cư, thôn Pò Hèn ngày càng đông vui. Các hủ tục lạc hậu trong văn hóa đời sống cũng vì thế dần được đẩy lùi.

Sự xa xôi cách trở của Pò Hèn ngày càng được xóa mờ. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, điện lưới được kéo đến từng hộ, con đường mòn ngoằn ngoèo ven sườn núi từ Bắc Phong Sinh được nhựa hóa. Dưới sự đồng lòng, chung sức của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng, chính quyền và nhân dân, hơn 70% tuyến đường đất nhão nhoẹt liên thôn, xóm đã được bê tông hóa sạch đẹp. Qua trao đổi, chúng tôi được biết thêm, năm 2018, xã Hải Sơn đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới và đang thực hiện lộ trình đề nghị công nhận xã nông thôn mới.

Một góc khu dân cư xanh, sạch, đẹp ở thôn Pò Hèn.

Anh Hanh tự hào trao đổi: Hiện nay, Đảng ủy, UBND xã chọn hướng tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với phát triển dịch vụ - du lịch, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh hướng tới sản xuất hàng hóa lớn và bền vững, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó, chú trọng tới khuyến khích người dân sản xuất sản phẩm đặc sản của xã để phục vụ khách du lịch: sản phẩm nông - lâm nghiệp: Ngan đen, lợn bản, chè Hoa Vàng, thuốc tắm, rượu sim và các loại nông - lâm sản khác nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế chính sách của thành phố vào điều kiện cụ thể của xã để xây dựng, hướng dẫn các thôn và nhân dân tổ chức triển khai thực hiện, như: Chính sách ưu đãi tín dụng; Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; Chính sách hỗ trợ vùng sản xuất tập trung; Chính sách ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Đến thăm nhà một số đồng bào đang sinh sống ở Pò Hèn, chúng tôi nhận thấy một điểm chung là bếp hồng đang đỏ lửa nấu bánh chưng và thơm nồng hương rượu đang chưng cất. Đồng bào ở Pò Hèn dù là dân tộc nào cũng có chung một điểm là có cặp bánh chưng, chai rượu cắp nách đi chúc tết, vui xuân. Món quà tuy nhỏ nhưng thấm nghĩa đậm tình của mảnh đất và con người nơi thung lũng mưa.

Ngọc Giang
.
.