Gẫm thêm gien Việt trên đất Thái

Thứ Bảy, 21/02/2015, 10:15
Có lẽ trên cả chất Việt, phải dùng từ gien mới tạm chuẩn? Lẩn mẩn nghĩ thêm đến U Đon vốn xôm tụ người Việt, một trong 15 tỉnh Đông Bắc Thái Lan có nhiều người Việt sinh sống. Có cảm giác hơn 10 vạn người Việt mình đang mưu sinh trên đất Thái thì hàng trăm nhánh, ngả quần cư ấy đều xuất phát từ U Đon?

Ngược thời gian vời vợi từ tít tắp thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhất là thời Tự Đức nạn cấm đạo Gia Tô bùng phát khắp ba miền Trung Nam Bắc nặng nhất có lẽ là miền Trung.  An Nam thuở ấy trở nên ngột ngạt, chật chội đượm mùi tử khí bởi nạn cấm đạo. Hàng chục, hàng trăm những cuộc vượt biên lén lút để bảo toàn mạng sống qua các cuộc vây ráp tìm giết các cha cố người phương Tây và giáo dân. Chuyến thì có giáo sĩ cầm đầu, chuyến không. Cha xứ lẫn con chiên vợ chồng con cái và thân quyến lẵng nhẵng bìu díu bí mật lặng lẽ luồn rừng sang Lào rồi vượt Mê Công sang xứ U Đon đất Thái.

Một nhánh nữa của cuộc di dân Việt tức tưởi ấy là nghĩa quân của các bậc Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực… từng kiên cường theo chủ tướng đánh Pháp. Các cuộc khởi nghĩa chủ động lẫn bị động cầm cự rốt cuộc đều thất bại. Lớp tù đày lớp bị quân Pháp truy tầm ráo riết…

Chưa tầm thấy tài liệu nào chép nhưng thí thót nhiều đợt cộng lại có con số cả ngàn nghĩa quân cùng người thân đã xuyên qua Hạ Lào, vượt châu thổ Cửu Long Mê Công để sang đất Thái. Họ dần dà quy tụ ở U Đon đợi thời. May mắn thay khi đó, Vua Thái Fraochant thứ 6 là bậc minh quân rất đồng cảm với chí khí kháng Pháp và lòng yêu nước của người Việt đã rộng lòng che chở cho những đạo quân Cần Vương lẫn dân tránh nạn sát đạo tá túc tị nạn!

Lần ấy đến U Đon, tôi được chiêm quan một đôi câu đối lưu tại nhà một Việt kiều: Tại đức sinh huy thiên hữu sơn xuyên tằng mộng Tống/ Thử duy dự trạch địa vô Mân cảo diệc hưng Chu.  Dẹp sang một bên những điển, những tích lằng nhằng, rườm rà, tạm hiểu nội dung đại để: Còn có trời thì có ngày khôi phục lại cơ đồ nước Việt/ Xứ Thái không phải là miền đất hứa nhưng cũng dấy được cơ hội phục dựng nước Nam.

Câu đối không có lạc khoản. Có người bảo là của cụ Đặng Thúc Hứa? Tôi đồ không phải (Cụ Đặng Thúc Hứa, bạn với các chí sĩ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… Phong trào Đông Du bị bể, các cụ tạm lánh về U Đon về Thái Lan đây cùng cụ Đặng dạy chữ và tuyên truyền yêu nước cho Việt kiều) mà có lẽ câu đối đượm vẻ tiết tháo cùng u ẩn này phải có từ thời các nghĩa quân của Trương Định Thủ Khoa Huân… phải tạm dạt sang đây đợi thời?

Nhưng rồi thời vận của công cuộc phục hưng trở về nước tiếp tục sống mái với quân Phú Lãng Sa đã không tới. Những tráng binh, nghĩa quân nước Việt đành nuốt hận. Và bản tánh chưa quen việc binh nhung toan lo nghèo khó (Nguyễn Đình Chiểu) họ đã trở lại nếp sống chân chất của người nông phu Việt hiền thục, cần cù. Rồi dần dà với thời gian nơi xứ người, công cuộc dưỡng nhân loại chi công, kế tổ tông chi nghiệp đã dựng nên những nếp nhà Việt với thuần phong cung cách Việt cùng những tuần tự ông bà, cha mẹ, con cháu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện Việt kiều tiêu biểu (12/2014). Ảnh: Xuân Ba.

Nhiều nhà Việt đã liên kết nên những làng Việt, bản Việt hình thành một không gian Việt không những ở U Đon mà rộng ra nữa… Ngoài Đông Bắc Thái còn miền Nam Thái. Giao thông thông tin thời ấy là cách trở diệu vợi nhưng tin tức hiếm hoi rồi cũng tìm cách lọt đến tai người thân ở quê  Việt. Và rồi thêm nữa những người Việt những gia đình Việt nghèo khó quyết trốn nạn vua quan phong kiến áp bức đã tìm đường sang U Đon sang đất Thái.

Và tất nhiên, những thế hệ như cụ Đặng Thúc Hứa rồi sau này là Ông Thầu Chín (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến U Đon chưa phải là đầu tiên nhưng cũng không phải là cuối cùng?

U Đon như là nơi phát tích của cộng đồng người Việt. Nơi có Đền thờ Bác Hồ, Nhà lưu niệm Bác được tạo dựng ngay trên dấu tích Thầu Chín năm 1928 từng đến đây khơi tiếp ngọn lửa yêu nước của người Việt.

Tại nhà lưu niệm  Bác, bên  gốc  dừa, cây khế thuở Bác trồng, thứ đã cội thứ trồng mới, tôi đã có buổi ngồi với ông Trần Trọng Tài, người Thái gốc Việt, 68 tuổi. Dòng họ Trần của ông Tài đã có mặt ở  U Đon Thani là tròn 130 năm. Quê cha Nam Định. Bên ngoại là Cam Lộ.  

Hơn mười năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, ông Tài  phóng xe máy từ U Đon vào Khu lưu niệm Bác hơn 10 cây số để làm cái việc tình nguyện hướng dẫn du khách chiêm bái Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Khu lưu niệm như ngôi Đền thiêng của nơi phát tích. Khéo khen cho người thiết kế đã lưu tại đây bức hình đen trắng chụp các thiếu nữ Việt kiều xinh đẹp (có mái tóc bồng, của thời kỳ cuối những năm 50 thế kỷ XX) khuôn mặt thành kính trang trọng trong lễ đón nhà vua Thái Lan Phumi PhonAdunia Đêt đến viếng thăm khu lưu niệm thuở ấy còn nhà gianh vách đất. Đó là ngày 7/11/1955. Ảnh Công chúa Thái Lan Mahar Thon thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2010.

Khéo ở chỗ, hình ảnh Hoàng gia Thái mà cao nhất là nhà vua cùng hoàng tộc luôn choán vị trí trang trọng trong đời sống tâm linh lẫn trần thế của người dân Thái. Hình ảnh Bác Hồ, qua cung cách chiêm bái thờ cúng cùng  những câu chuyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt kiều, người dân Thái đã coi như một biểu tượng thiêng liêng như Nhà Vua như Hoàng gia Thái vậy!

Khuôn viên Sứ quán mà tôi đang được thoải mái sải bước đây nguyên là Sứ quán của chế độ cũ VNCH. Góp phần giữ gìn nguyên vẹn nội thất đến ngoại thất có được như bây giờ đều có bàn tay chăm chút thu vén khéo léo của Việt kiều. Như ông Hoàng Văn Toán. Năm 1946, ông Toán khi đó còn bé theo ông chú là Việt kiều ở  Lào chạy sang Thái lánh nạn.

Cuộc đời ông Toán như chất liệu cho một cuốn sách bắt mắt?  Phiêu bạt từ đất Nam Định sang Lào rồi Thái. Được học nghề điện và vô tuyến điện và là thợ giỏi. Từng được một ông tỉnh trưởng Thái Lan nhận làm con nuôi.

Tay nghề giỏi,  tại xưởng cuốn động cơ điện của ông, sản phẩm bán chạy, giá thành chỉ 30 bạt, bán được 120 bạt, phần lớn tiền lời được tích cóp lại để ủng hộ quê nhà những năm chống Mỹ.

Ông Trần Trọng Tài hướng dẫn du khách thăm dấu tích nhà lưu niệm Bác Hồ.

Đó chỉ là chi tiết nhỏ để cấu thành nên bề dày thành tích. Có lẽ đằng sau tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất ông được tặng thưởng có việc nói được và chưa tiện nói. Ông chẳng phải là một điệp viên hay tình báo nhưng đã làm được những việc lạ! Việc lạ ấy là ông cùng bạn hữu là thợ điện đã tìm cách vào được những sân bay lớn như U-ta-pao, Cò-rạt, Tắc-li làm việc.

Sân bay ấy cũng là những căn cứ không quân của Mỹ, là nơi xuất phát những chuyến bay gây tội ác xuống đầu dân lành quê hương Việt những năm ác liệt khó khăn của cuộc vệ quốc chống Mỹ. Với kiến thức chuyên môn vô tuyến điện, ông đã sáng chế ra những thiết bị độc đáo để phục vụ cho một phương tiện liên lạc cũng độc đáo trực tiếp với Hà Nội… Bên nhà đã kịp thời biết ngay được những chuyến bay tội ác, số lượng, thời gian cất cánh của Pháo đài bay B52 để có phương án đối phó…

Nhớ thêm một đoạn trong chính sử Thái. Những năm giữa thế kỷ XIX, trời xui đất khiến thế nào mà Thái may mắn hơn xứ An Nam là đã thoát khỏi một cuộc xâm lăng của ngoại bang bằng việc năm 1856 vua Thái chủ động ký hòa ước cả với Pháp và Anh!  Và sau đó cả hai cường quốc đều công nhận nền độc lập của Thái. Thái Lan khôn khéo trở thành quốc gia độc lập trong vòng ảnh hưởng Đông Dương (Pháp) và Miến Điện (Anh). Cả Anh lẫn Pháp đều cam kết không can thiệp vào Thái. Nhờ vào sự tranh giành giữa 2 đế quốc và cả hoàn cảnh địa lý nữa, Thái đã được yên và tọa hưởng độc lập đến tận… bây giờ!

Một đất nước bình yên. Ba  phần tư đất đai do nông dân làm chủ. Mức sống toàn dân không quá chênh lệch. Và cũng hiếm địa chủ tư bản kếch xù? Cũng không nhiều lắm hạng người nghèo cùng đinh mạt rệp.

Và người Việt mình, có lẽ cũng được hưởng lây sự bình yên ấy?

Bộn bề công việc với đích ngắm bất biến là lợi ích quốc gia và sự bình yên của an ninh khu vực đã khiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngồi với tới 6 vị Thủ tướng các nhiệm kỳ kế nhau của đất Thái. Bên lề chuyến GMS-5 (Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công 5) lần này, Thủ tướng Việt Nam có cuộc hội kiến vượt choán thời gian quy định. Sau này cánh báo chí tháp tùng mới biết, cả hai đang bàn soạn  hướng cho hai Bộ Lao động của hai quốc gia thu xếp một việc quan trọng. Đó là việc hợp pháp hóa cho hơn 50.000 lao động Việt đang đành phải coi là bất hợp pháp ở Thái Lan.

Nhiều, nhiều lắm công việc trên đất Thái đang thiếu, đang cần và rất thích hợp với lao động người mình. Nên từ nhiều năm trước,  không đợi các cơ quan trách nhiệm của hai nước cho phép mà cơ chế thị trường đã làm cái việc điều tiết chi phối. Anh chị em mình rủ nhau sang đất Thái làm ăn. Đầu tiên là visa du lịch. Là dựa vào giúp đỡ hướng dẫn của người nhà dòng họ người quen trong cộng đồng Việt đông đảo trên đất Thái. Chăm chỉ, chịu khó không nề hà bất cứ việc gì, tuân thủ luật pháp địa phương và nước sở tại. Đó là phẩm chất quý giá mà thị trường lao động Thái Lan rất cần. Chịu khó mỗi tháng ngoài ăn uống sinh hoạt bình quân họ gửi về cho người thân 5-7 triệu đồng. Vậy nên động thái hợp pháp hóa số lao động Việt này đã và đang được dư luận đồng tình hoan nghênh.

Và có lẽ đó cũng là một hình thái, một biểu hiện sinh động của lợi ích quốc gia không những của Việt mà của Thái nữa?

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, chất Việt, gien Việt đã dần dà bầu nên một cộng đồng Việt tự tin thành một dân tộc ít người ở Cộng hòa Sec. Còn ở Thái Lan thì bao xa?

Xuân Ba
.
.