Lính An ninh miền biên viễn

Thứ Bảy, 21/02/2015, 10:35
Lại một mùa xuân mới yên bình đang về với những bản làng nơi mảnh đất Tây Bắc địa đầu Tổ quốc. Mùa xuân là mùa của đào, mận, của tiếng khèn Mông mê hoặc và của cả những bình rượu ngô say quện lòng người. Thời khắc giao hòa, khi mọi vật bắt đầu bước sang một khởi đầu mới thì cũng là lúc, những người lính an ninh Tây Bắc tiếp tục lặng lẽ công việc, cần mẫn như loài chim nhỏ bắt sâu cho lá, như con ong mật chăm hoa về đẹp khắp bản làng.

Đường Điện Biên đi Mường Nhé, qua đèo Cò Chạy đến ngã ba Mường Chà có thể coi như một chặng nghỉ chân. Từ ngã ba thị trấn, đi đúng đến Km số 8 thì dừng lại, phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ thung lũng Mường Chà bên dưới, đẹp như một bức tranh. Đứng tại điểm dừng chân ấy, nếu biết “bay” thì xuống ngã ba Mường Chà chỉ chừng 500 mét, nhưng muốn đến nơi phải đi đường bộ vòng vèo 8 cây số. Núi rừng Tây Bắc quả không phải chốn dành cho những người ngại việc, ngại đi.

Đại úy Đặng Đình Phương, Phó Trưởng phòng Trinh sát 2, Cục An ninh Tây Bắc cười nói với tôi mỗi lần đi qua đây lại nhớ hồi đầu mới lên trên này. Lần ấy đi cùng Thượng tá Đoàn Quang Sung, khi ấy là Phó Trưởng phòng. Hai anh em đèo nhau bằng xe Win100 từ Mường Nhé ra, đúng đến đỉnh đèo thì hết xăng, đành liều bóp côn thả trôi từ đỉnh dốc xuống tận ngã ba Mường Chà mới có xăng chạy tiếp. May mà không làm sao!

Ngồi mà nghe lính an ninh Tây Bắc kháo chuyện thì cứ gọi là cười bò ra. Nhưng cười xong lại thương. Sau vụ Huổi Khon, căng thẳng liên tục trước sau mấy tháng trời, Trưởng phòng Đoàn Quang Sung cùng Phó phòng Đặng Đình Phương mới về Hà Nội, tiện thể thăm nhà luôn. Ở trên bản, dân quý mến gọi anh là A Sung.

Về Hà Nội cứ quen mồm thế, chẳng để ý. Cậu lái taxi tưởng thật, xuýt xoa khen các bác ở trên ấy mà có “cơ sở” Hà Nội là oách lắm đây! A Sung cũng ậm ừ chẳng buồn nói lại. Nhưng đến lúc từ bến xe về nhà ở Yên Hòa, Cầu Giấy, một là đầu óc vẫn luẩn quẩn công việc, thứ nữa là xa nhà lâu ngày, đường sá Hà Nội khác quá, người xe nườm nượp thế là nhầm đường lung tung. Đường về nhà mình mà còn không nhớ, làm cậu lái taxi loay hoay toát mồ hôi, lại càng tin là mấy ông này trên ngược về Hà Nội “đánh quả” thật! Anh em xuống xe cứ bấm bụng cười.

 Người có thâm niên cao nhất trong phòng là Phó Trưởng phòng Lê Công Hưng, nhà ở Thường Tín. Anh Hưng lấy vợ muộn, lại gặp khó khăn về đường con cái nên sắp đến tuổi nghỉ mà con mới học cấp 2. Tết năm kia bám địa bàn Sơn La thông tầm từ trước Noel đến ra Giêng mới được về nhà. Thôi thì có còn hơn không, về ăn Tết muộn cũng mong chút ấm áp. Ai dè vừa bước vào nhà, bà xã đã dội ngay cho “gáo nước” nửa giận nửa thương: “Anh vẫn còn nhớ đường về nhà cơ đấy!”.

Lãnh đạo Phòng Trinh sát 2 làm việc với xã Nậm Kè.

Phòng Trinh sát 2, tên đầy đủ là Phòng Trinh sát đấu tranh với địch lợi dụng dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Điện Biên và Sơn La, có tới 3/4 là cán bộ trẻ, đủ thành phần các dân tộc: Dao, Mường, Tày, Thái, Mông, Kinh. Người không nhiều, địa bàn rộng nên anh em thường xuyên phải bao quát, phụ trách cùng lúc địa bàn vài xã là chuyện thường.

Mà xã miền núi thì khác với xã đồng bằng nhiều lắm. Một cách đơn giản dễ hình dung: Quãng đường từ Điện Biên Phủ đi vào xã Mường Nhé, trung tâm của huyện Mường Nhé là hơn 200 cây số, tương đương với đường từ Hà Nội vào đến cuối tỉnh Thanh Hóa. Nếu từ trung tâm huyện Mường Nhé đi lên xã xa nhất về phía bắc là Sen Thượng gần 80 cây số, còn xa hơn đường từ Hà Nội lên Bắc Giang. Nói như thế để thấy, nội chuyện di chuyển anh em đã vất vả vô cùng, chưa nói đến công tác khác.

Phó Trưởng phòng Đặng Đình Phương người Hà Nam, lên Điện Biên từ những ngày đầu. Hôm đầu mới gặp trông mặt mày hốc hác, râu ria xồm xoàm lại tưởng tay này chắc bị “làm sao” nên già thế mà giờ mới đeo đại úy? Nhưng mà không phải. Tốt nghiệp Học viện An ninh, về Cục An ninh Tây Bắc, Phương là người trẻ nhất trong số các lãnh đạo Phòng 2 hiện giờ. Lên công tác Điện Biên, gặp và lấy vợ cùng quê, hai vợ chồng phải thuê nhà để ở, con cái nhờ bà ngoại lên trông.

Mà cũng chẳng riêng gì Phương, cán bộ trẻ của Phòng 2 xây dựng gia đình trên này đều chung cảnh đi thuê nhà như thế cả. Ngồi với Phương mà bàn về đạo, về tôn giáo, giáo lý giáo luật, về sự khác biệt giữa các đức tin thì có mà cả ngày không hết. Tôi hỏi Phương, bảo có phải vì công việc mà phải tìm hiểu kỹ thế không? Phương bảo cũng một phần thôi, mà đó còn là sở thích nữa. Gốc của mọi tôn giáo đều tốt, đều hướng con người ta tới cái thiện cả. Tôn giáo chỉ xấu khi bị lợi dụng.

Hôm lên đến chốt “liên quân” ngay ngã ba Chung Chải đúng đang giờ nghỉ trưa. Nói là nhà cho oai, thực ra là một bộ khung cột bằng gỗ, còn tường và mái ốp tôn. Chỉ có mỗi mặt tiền là gỗ tấm. Tôi đếm được khoảng hơn 20 cái giường, một cái bàn uống nước và một cái… điếu ục. Gọi chốt liên quân là bởi hiện có đủ cả cán bộ của Đội Cảnh sát quản lý hành chính, Đội An ninh huyện Mường Nhé; cán bộ Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Điện Biên và Phòng 2 Cục An ninh Tây Bắc.

Thiếu tá Hờ A Tỉnh, người Mông, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Mường Nhé liên tục bám chốt đã 3 năm. Thượng úy Đặng Tất Thắng, cán bộ Phòng An ninh xã hội cùng mấy anh em nữa, đóng ở chốt này đã 2 tháng theo chương trình của Đề án 79. Đợt này anh em đang đi vận động 34 hộ dân ở nhóm bản Húi To của xã Chung Chải về bản Nậm Kè 2 của xã Nậm Kè. Hai tháng trời mới vận động được 12 hộ, chẳng biết bao giờ mới được về?

Đề án 79 có tên là Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015. Có đi mới biết. Phải nói rằng sắp xếp, ổn định dân cư đối với các xã miền núi này là chủ trương đúng, vừa là để giảm bớt những tác động có hại tới rừng phòng hộ đầu nguồn từ các hoạt động làm nương rẫy của bà con, lại tạo điều kiện phát triển, đầu tư đồng bộ hệ thống điện – đường – trường – trạm, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đưa đời sống đi lên. Và cũng có đi mới biết, vận động khó khăn vô cùng. Có những điểm bản mà muốn đến tận nơi chỉ có nước đi bộ, không có loại xe nào đi được đến đấy.

Chưa kể có những đoạn chỉ đi được ban ngày, không thể đi khi trời tối vì quá cheo leo, nguy hiểm. Mà vận động thuyết phục là gì? Là nói một lần chưa nghe thì nói lần 2, lần 3… cho tới khi nào kỳ nghe thì thôi! Nghe rồi, ưng cái bụng rồi mà lúa chưa chín, ngô chưa trổ bắp thì “phải chờ tao cắt lúa bẻ ngô” đã.

Phòng Trinh sát 2 Cục An ninh Tây Bắc có 3/4 là cán bộ trẻ.

Trong lúc chờ lúa chín còn phải “chăm sóc” thường xuyên, kẻo người ta nghe cái mồm xấu xui dại, lại nghĩ khác đi thì coi như làm lại từ đầu. Hoa màu được rồi phải đến giúp thu hoạch, dỡ nhà thì bà con mới chịu đi… Lên vùng cao biên giới để hiểu thêm một điều, khi đã khoác lên mình bộ sắc phục, trách nhiệm và nghĩa vụ của các anh thật lớn lao, cao cả. Toàn những việc khó nhất, vất vả nhất, không phải Công an thì cũng là Biên phòng. Chẳng có bộ, ban, ngành nào khác đủ sức gánh vác.

Trước hôm chuẩn bị vào dịp Tết của người Hà Nhì, lãnh đạo Phòng 2 có buổi làm việc với chính quyền xã Nậm Kè của huyện Mường Nhé và Na Cô Sa của huyện Nậm Pồ. Văn phòng xã Na Cô Sa nằm ngay trung tâm của bản Huổi Thủng 1. Ba cán bộ Phòng 2 đang triển khai ở đây. Thêm Phó Trưởng phòng Đặng Đình Phương tăng cường chuẩn bị cho lễ Noel 2014 nữa là 4. Na Cô Sa theo nghĩa Thái là Ruộng cây dưỡng. Là huyện mới thành lập năm 2012 trên cơ sở tách ra từ các xã của Mường Chà và Mường Nhé, Nậm Pồ còn khó khăn lắm lắm…

Đến bản Huổi Hốc thuộc xã Nậm Kè của huyện Mường Nhé, A Sung dẫn tôi vào thăm nhà Lý A Hàng. Chờ đến nửa tiếng đồng hồ mới gặp được. A Hàng theo đạo Tin Lành, là người truyền đạo, thường xuyên về Tổng hội số 2 Ngõ Trạm mang sách về phát cho bà con. Thế nào mà hôm trước mang sách ở đâu về lại bị cơ quan chức năng thu giữ. Thì ra là sách không có nguồn gốc, không có tên nhà xuất bản, không đăng ký, không nộp lưu chiểu... Như thế là sách lậu rồi còn gì. Bị tịch thu là phải. Dù gì thì sống trên đất nước Việt Nam, phải tuân theo pháp luật Việt Nam, thì mới “tốt đời đẹp đạo” được chứ? Sách, báo, văn hóa phẩm có Luật Xuất bản điều chỉnh cả rồi, phải chấp hành thôi… Ngồi nghe A Sung phân tích, A Hàng cứ rạng dần, hớn hở ra mặt.

Trên đường ra, chúng tôi rẽ vào bản trung tâm Nậm Chim 1 của xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ để thăm gia đình thương binh Lò Văn Thành. Anh Thành là cán bộ của Phòng 2, bị thương trong vụ nổ súng ở mốc 10 Sen Thượng năm 2012. Trong cuộc đấu súng với toán phá rối an ninh lần ấy, Trung úy Biên phòng Lương Minh Năm của Đồn Biên phòng Sen Thượng đã anh dũng hy sinh. Trung úy Lò Văn Thành bị thương nặng, dập vỡ khuỷu tay trái. Hạ sĩ Thào A Sấu, Công an huyện Mường Nhé bị đạn bắn trúng hông xuyên ra lưng và 1 viên vào cẳng chân. Hạ sĩ Giàng A Chầu, Công an huyện Mường Nhé cũng bị thương…

Hôm lên nhà, anh Sung thông báo với gia đình rằng Lò Văn Thành đã có chứng nhận thương binh và được thăng vượt cấp trước niên hạn quân hàm Thượng úy nghiệp vụ An ninh nhân dân. Thấy bảo sau chuyến công tác lần ấy, được anh em đơn vị ủng hộ, động viên mãi Thành mới chịu lấy vợ và nghe đâu sắp có tin vui. Đàn ông dân tộc Thái ngoài 30 tuổi mới lấy vợ là muộn lắm, bởi cũng tại cái số vất vả nay địa bàn này, mai địa bàn khác, có mấy ai dễ mà thông cảm cho...

Để có được bình yên như ngày hôm nay, có phần công sức, cống hiến và cả máu của người chiến sĩ an ninh thầm lặng đổ xuống mảnh đất Tây Bắc heo hút và tuyệt đẹp này.

Việt Ba
.
.