Ấm áp hai tiếng “đồng bào”

Chủ Nhật, 15/09/2024, 18:42

Càng trong khó khăn, gian khổ, nghĩa tình đồng bào càng bừng sáng, ấm áp hơn bao giờ hết. Hàng chục năm rồi, miền Bắc mới phải hứng chịu một cơn lũ lịch sử. Trong muôn vàn đau thương, tang tóc mà cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, là lúc người dân tựa vai nhau đứng dậy.

Ngay trong đêm thông tin Thái Nguyên lụt nặng, trên khắp các diễn đàn, mọi người kêu gọi cùng nhau tiến về Thái Nguyên. Và, những ngày sau đó, từng đoàn cứu trợ, thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội... hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc thân yêu.

Những trái tim đập cùng một nhịp

Tính đến 22h ngày 11/9 đã có 326 người chết và mất tích, hàng nghìn căn nhà bị hư hỏng, hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu bị hư hại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Mức thiệt hại, sự đau thương là quá lớn và chưa từng có do bão lũ gây ra trong nhiều thập kỷ qua.

Ấm áp hai tiếng “đồng bào” -0
Đoàn ô tô chắn gió cho người đi xe máy di chuyển an toàn trên cầu Nhật Tân trong cơn gió giật

Một tuần qua, những người con đất Việt luôn sống trong tâm trạng lo âu và thương buốt ruột người dân vùng lũ đang chìm trong biển nước. Khoảnh khắc khi xem những hình ảnh đoàn xe ô tô che chắn cho người đi xe máy trên cầu Nhật Tân trong gió giật, mưa rơi, nhằm tránh cho họ bị hất văng xuống sông; những chiếc ô tô chở xuồng cứu hộ từ miền Trung, miền Nam hối hả ra Bắc, trên nóc xe tung bay lá cờ đỏ sao vàng, hay hình ảnh người cứu hộ đưa gói mỳ tôm cho một người cao tuổi khoét mái nhà kêu cứu nhưng bị tuột khỏi tay... tin rằng nhiều người đã khóc, thậm chí còn khóc rất nhiều nữa.

Tôi yêu đất nước tôi, người dân quê tôi những ngày này. Cho dù ngày thường, có thể tung nắm đấm dọa nhau vì một cú va chạm giao thông trên đường, nhung khi đất nước lâm nguy, thì dù từng cãi nhau, từng mâu thuẫn, từng thề không nhìn mặt vì một lý do nào đó, lại sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau.

Và rồi các mẹ, các chị người Nghệ An ngồi xuyên đêm gói bánh chưng, các cô gái Hà Nội vốn ngày thường váy áo điệu đà thì giờ cũng sẵn sàng gác lại mọi thú vui, tận tình ngồi gói bánh nếp, nấu xôi... chuyển đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Có những chuyến xe từ Huế ra, đeo dải băng ghi dòng chữ “Trả nợ ân tình người miền Bắc năm nào cũng cứu trợ miền Trung". Rồi cả thuyền nan, thuyền sắt của người dân Quảng Bình, Ninh Bình... cũng được chuyển ra hối hả, đi theo là rất nhiều người lái thuyền dày dạn kinh nghiệm sông nước, sẵn sàng cứu trợ người dân gặp nạn. Có cả những chuyến xe từ Móng Cái, từ Hạ Long - nơi vừa hứng bão quét qua cũng lên đường, mang theo biết bao tình cảm của người miền biển đối với người vùng cao. Và, mặc dù đang sống trong vùng ngập lụt nhưng một số người dân Hà Nội vẫn tình nguyện đi cứu trợ, vẫn gửi tiền, hàng tới đồng bào vùng sâu, vùng xa khốn khó hơn. Thấm thía vô cùng ý nghĩa của câu “lá rách ít đùm lá rách nhiều”!

Ấm áp hai tiếng “đồng bào” -0
Từng đoàn cứu nạn, cứu hộ, thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội... hướng lên phía Bắc

Trong lúc nước sôi lửa bỏng này sự tự nguyện của mỗi người dân dù ít dù nhiều đều đáng được trân trọng. Cả nước trong những ngày này là những đêm không ngủ, là những cuộc bàn thảo trong các group để lên kế hoạch hỗ trợ người dân vùng lũ được nhanh nhất, sớm nhất. Cho dù đã có trường hợp tử vong khi đi cứu hộ nhưng dù thế cũng không cản được bước chân những người tình nguyện chiến đấu lại với gió rét, mưa rơi, với nước sông dâng cao, gào thét, muốn  nhấn chìm tất cả.

Lũ quét vùi lấp cả một bản làng Nủ ở Bảo Yên, Lào Cai. Tờ giấy viết tay của Bí thư huyện Bảo Yên gửi lãnh đạo tỉnh Lào Cai gây biết bao xúc động như thể một bức thư thời chiến. Bí thư Huyện ủy Bảo Yên - ông Hoàng Quốc Bảo đã trực tiếp đến hiện trường ngay sau khi nhận tin. Do giao thông bị chia cắt, điện mất, sóng điện thoại cũng không còn, cả thôn hoàn toàn bị cô lập khiến công tác chỉ huy, thông tin ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn.

Không còn cách nào khác, ông Hoàng Quốc Bảo buộc phải viết thư tay báo cáo nhanh về tỉnh đồng thời báo cho cơ quan huyện chi viện, ứng cứu. Bức thư viết vội trên giấy học học sinh với nội dung: “Huyện ủy Bảo Yên kính gửi: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 6h ngày 10/9, tại làng Nủ, Phúc Khánh xảy ra lũ ống. 14h, huyện đã tiếp cận được hiện trường. Thiệt hại: Bản có 35 nhà, 128 nhân khẩu. Hiện tại đã phát hiện và sơ cứu 10 người, thi thể đã thấy 15 người, còn lại mất tích. Kính báo cáo và đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp”.

Những đồng tiền “mang mệnh giá của tình yêu thương”

Trên nhóm OFFB, tác giả có nick Q. Binh Nguyen chia sẻ: “Tuyên Quang đang rất cần lượng xuồng, thuyền, phao, lương thực và nhân lực cứu hộ có nghiệp vụ cùng lên ứng cứu người dân ở huyện Chiêm Hóa. Hiện, nước đang dâng cao và chưa dừng lại, vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt ở khu ngập nặng, có nơi đã ngập lên cả tầng 2. Điện, nước vùng ngập lụt không có nên nhiều người không liên lạc được. Nhân lực tại địa phương không đủ, rất mong các cá nhân, đoàn thể có khả năng đến hỗ trợ huyện Chiêm Hóa, Na Hang”.

Ấm áp hai tiếng “đồng bào” -0
GS.TS Lê Ngọc Thạch mang sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào mưa lũ phía Bắc

Bài đăng chỉ khoảng 5 phút, phía dưới phần bình luận là một loạt lời kêu cứu khác của người dân vùng lũ. Trong thế giới vốn ảo ấy, tình người là thật, nhiều người vào chia sẻ, động viên những người gặp nạn bình tĩnh, kiên trì chờ đợi. Hoặc, khuyên giải, đưa ra những phương án tốt nhất. Như một bình luận của bạn Tuấn Anh để lại “giờ này mọi thứ rất hỗn loạn và căng thẳng nên phải cố gắng giữ bình tĩnh, cố gắng cầm cự”.

Đằng sau những lời kêu cứu, là các bài viết hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Người hỗ trợ gạo, mỳ tôm, người lại hỗ trợ phương tiện vận chuyển, hỗ trợ nhân lực và thiết bị tìm kiếm cứu nạn, hay có những doanh nghiệp kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng hỗ trợ nông sản, tiền bạc giúp đỡ đồng bào vùng lũ, tất cả vì các nạn nhân của lũ lụt đang đối diện với bao nguy khốn. Trên trang cá nhân của mình, TS Nguyễn Ngọc Huy hay thường được gọi với cái tên “Huy thời tiết” đã đăng dòng trạng thái “Tôi mở status này để các nhóm hỗ trợ Yên Bái có thể trao đổi và phối hợp với nhau. Tránh chồng chéo”. Trong bài này, TS Nguyễn Ngọc Huy đã đăng tải đường link cập nhật danh sách những người dân đang kêu cứu và danh sách những người sẵn sàng cứu hộ tại Yên Bái để hai bên có thể nắm được tình hình, cứu trợ lúc cần thiết.

Trong lúc lũ ngày một dâng cao ở các tỉnh phía Bắc, những nhóm trên mạng xã hội đã tập hợp nhau, sẵn sàng hỗ trợ trong việc tìm kiếm cứu nạn dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trên Facebook của bạn Nguyễn Thanh Tâm đăng tải thông tin: “Bên mình có 2 đội bay UAV Enterprise (M300 + H20T, M350 + H30T, M30T, M3T) có loa đèn (Bay tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện khắc nghiệt mưa, bão với camera chất lượng cao và camera nhiệt) và máy bay nông nghiệp lớn (Có khả năng tải 50 kg) di chuyển khu vực Thái Nguyên và các tỉnh ngập nặng để hỗ trợ cứu hộ. Mong kết nối để anh em tập trung hỗ trợ hiệu quả”.

Ấm áp hai tiếng “đồng bào” -0
Tờ giấy viết tay của Bí thư huyện Bảo Yên gửi lãnh đạo tỉnh Lào Cai gây xúc động như thể một bức thư thời chiến. Ảnh: Báo Lào Cai

Xác nhận về thông tin đăng tải của bạn Nguyễn Thanh Tâm, chị Nguyễn Xuân Hương (Truyền thông Hội đồng hương Nghệ An) cho biết trên trang cá nhân:

"Chị đã kết nối với số điện thoại của bạn Phong (trưởng nhóm) và hiện bạn ấy đang quá tải cuộc gọi. Bởi họ đang di chuyển từ Huế đến Đà Nẵng, dự kiến mai có thể lên Thái Nguyên. Hiện chị đã có số điện thoại một bạn khác trong đoàn để kết nối tiện hơn. Nếu đội hỗ trợ nào cần liên lạc thì hãy liên lạc với chị, để chị kết nối đến đội hỗ trợ bay này nhé”, chị Hương cho biết trên trang cá nhân.

Hay, câu chuyện GS.TS Lê Ngọc Thạch, thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mang sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đi ủng hộ đồng bào mưa lũ phía Bắc đã khiến bao người xúc động. Đây là số tiền được ông tích cóp từ lương và việc giảng dạy, viết sách. Vị giáo sư già xúc động chia sẻ: "Có thể 1 tỉ là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu".

Là một giảng viên, ông đặc biệt xót xa trước cảnh bão lũ khiến nhiều ngôi trường bị chìm trong biển nước. Ông hy vọng, với sự ủng hộ của ông cũng như nhiều bạn đọc khác, đồng bào miền Bắc sẽ khắc phục được phần nào thiệt hại.

Qua câu chuyện mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mới thấm thía hai chữ “đồng bào”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Tình cảm và hành động của các chị các anh và các bạn đã nhóm lên ngọn lửa hy vọng của tình người đang bị tàn phá hơn cả cơn bão Yagi bởi lòng tham và sự vô cảm lâu nay. Có những bạn viết còn rất trẻ lấy những đồng tiền tiết kiệm của mình gửi cho những người đang gặp nạn bởi bão lũ. Các bạn ấy nhắn tin cho tôi đầy day dứt: "Chú ơi, cháu vẫn đang đi học và sống nhờ trợ giúp của gia đình. Cháu chỉ có một ít tiền tiết kiệm thôi. Cháu thấy buồn và bất lực vì không giúp được như lòng mình mong muốn, chú ạ". Tôi đã ứa nước mắt với những dòng tin nhắn đó”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mệnh giá những đồng tiền mà mọi người đóng góp chia sẻ với những con người, những gia đình mà chúng ta không hề quen biết trong những ngày mất mát đau thương này là một mệnh giá khác. Nó lớn hơn "mệnh giá ngân hàng". “Những đồng tiền ấy mang mệnh giá của tình yêu thương, của sự chia sẻ với đồng loại của mình. Những đồng tiền ấy không làm sống lại những người đã mất, có thể không đủ để dựng lại những ngôi nhà đã sụp đổ hay bị nước cuốn đi. Nhưng, những đồng tiền ấy đang giúp một phần làm sống lại những giá trị nhân văn đã và đang chết ở đâu đấy, đã dựng lại sự sụp đổ lòng tin về con người ở một lúc nào đấy”.

Cùng với sự lo lắng, đau xót, giữa khó khăn chồng chất khó khăn, càng thấy người dân mình thật tốt đẹp, thật yêu thương. Bởi vậy, cũng thật phẫn nộ với những ai lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi. Đã có những hành vi nâng giá áo phao, nhu yếu phẩm do có nhiều người muốn mua để gửi đi cứu trợ. Đã có việc lợi dụng từ thiện để lừa đảo... Chúng ta sẽ còn phải bàn nhiều đến cách tổ chức cứu trợ, nhưng vào giữa lúc khó khăn trăm bề, thêm một cánh tay giúp sức, thêm một miếng cơm manh áo cho người đang đói rét là cần thiết và đáng quý.

Sẽ vẫn còn đó những khó khăn chồng chất, lũ và sạt lở có thể còn diễn biến phức tạp. Vẫn còn người đang bị vùi lấp dưới lớp đất sâu. Nhiều ngôi nhà tan hoang, bản làng còn chia cắt. Các chiến sĩ bộ đội, công an và nhiều lực lượng khác đang trần mình chống chọi với lũ để cứu người dân. Những đoàn thiện nguyện vẫn lên đường đến với bà con khó khăn. Nghĩa tình đồng bào vẫn thấm đẫm trong từng gói xôi, từng ổ bánh mì, từng chai nước, từng thùng mì tôm, lương khô... Số tài khoản tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng phút từng giờ đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Chúng ta còn mất rất nhiều thời gian để xây lại những cây cầu, những con đường, những ngôi nhà và cả những bản làng. Còn mất nhiều thời gian hơn nữa để nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Rồi bão cũng sẽ qua, khó khăn rồi cũng sẽ đi qua. Nghĩa tình đồng bào thì ở lại, còn mãi, hai chữ đồng bào ấy luôn tiềm ẩn, chỉ cần một khoảnh khắc nào đó sẽ lại bừng lên, chói lòa.

Bảo Phương
.
.