Ấm áp tình người trong “Mơ phố”
“Mơ phố” không phải là quán cà phê thông thường như bao quán cà phê khác. Đến đây, bạn sẽ được nghe những bản nhạc Trịnh du dương do ban nhạc “Mơ phố”, gồm các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn miễn phí. Đến đây, nhiều người nghèo sẽ được khám, chữa bệnh miễn phí. Điều đặc biệt là, tất cả lợi nhuận từ “Mơ phố” sẽ được dùng cho hoạt động thiện nguyện của “Hội bác sĩ tình nguyện”, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.
Phòng khám mini tại “Mơ phố”
4 năm qua, những khách hàng “ruột” của quán cà phê “Mơ phố” đã quá quen với việc cứ sáng Thứ bảy, Chủ nhật hằng tuần, quán lại biến thành “phòng khám mini” để các bác sĩ, tình nguyện viên từ các bệnh viện của Hà Nội khám và tư vấn miễn phí cho những người nghèo. Đây là hoạt động thường niên của “Hội bác sĩ tình nguyện”. Người đứng đầu và sáng lập ra hội này là bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện.
Nếu có dịp đến “Mơ phố” vào hai ngày cuối tuần, bạn sẽ được chứng kiến không khí ấm áp và đầy tình người nơi đây. Những bệnh nhân đến “Mơ phố” chủ yếu là người già và người có hoàn cảnh khó khăn. “Thời gian gần đây tôi thường bị tức ngực, khó thở nhưng vì nhà nghèo quá, đến tiền ăn còn chẳng có, nói gì đến tiền chữa bệnh nên đành phải chịu đau. Một hôm, tôi được người cháu họ giới thiệu rằng ở Yên Lãng có một quán cà phê khám, chữa bệnh miễn phí vào cuối tuần. Tôi đạp xe đến thì được các y, bác sĩ ở đây đón tiếp nhiệt tình lắm. Họ khám rồi còn cho tôi thuốc miễn phí. Từ đó tới giờ tôi gần như khỏi luôn tức ngực rồi”, ông Lê Văn Hảo (74 tuổi, trú tại bãi giữa sông Hồng) chia sẻ. Khoảng gần 1 năm trở lại đây, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí tại “Mơ phố” phải tạm thời gián đoạn.
“Hội Bác sĩ tình nguyện” thành lập từ năm 2016. Đây là nơi tập hợp những bác sĩ, dược sĩ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng thu hút được sự tham gia của lực lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên đại học y, dược và nhiều người công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Vì thế, các chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội Bác sĩ tình nguyện thường nhận được sự tham gia nhiệt tình của các thành viên cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, vì một mục đích chung là đem đến sự chăm sóc ban đầu về mặt y tế đến với những địa phương còn khó khăn. Các chương trình của Hội còn giúp lan tỏa lòng tương thân tương ái trong cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Bác sĩ tình nguyện đã tổ chức khám bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách với tổng kinh phí lên tới vài tỉ đồng. Một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh tim, còn được Hội, trực tiếp là bác sĩ Ngô Tuấn Anh đứng ra bảo trợ, phẫu thuật và chữa trị. Hoạt động của Hội Bác sĩ tình nguyện không chỉ giúp đỡ người dân mà còn góp phần giảm nhẹ gánh nặng và hỗ trợ chuyên môn y tế cho địa phương.
Không chỉ là các hoạt động khám, chữa bệnh mà Hội Bác sĩ tình nguyện còn triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện khác như: xây trường cho các học sinh vùng sâu, vùng xa; chương trình sách cho em; giáo dục sức khỏe...
Những nghệ sĩ đặc biệt
Nằm kín đáo trong một con ngõ nhỏ của phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội), quán cà phê “Mơ phố” chỉ rộng chừng 40m2 nhưng lại là điểm đến yêu thích của nhiều khách hàng thân thuộc. Bởi họ đến đây không chỉ để nhâm nhi cốc cà phê nóng hay để uống một cốc sinh tố mát lạnh mà phần nhiều là để có cơ hội được nghe nhạc Trịnh, do ban nhạc “Mơ phố” biểu diễn. Ban nhạc ấy đặc biệt là vì ngoài thành viên duy nhất mắt sáng thì 4 thành viên còn lại đều là những người khiếm thị. Và, họ biểu diễn thiện nguyện với mong muốn, số tiền mà các nhà hảo tâm gửi gắm sẽ được trao đến những đứa trẻ nghèo vùng cao. Đấy chính là “mơ phố”, mơ cho những trẻ nhỏ vùng cao được ấm no như trẻ em thành phố. Đồng thời cũng là giấc mơ của những người phố thị gửi đến vùng cao xa xôi.
Với thông điệp ấy, những vị khách đến đây có lẽ đều có chung một ước mong như thế. Ai cũng hiểu, mình uống một ly nước, mua một món đồ ở quán chính là cách để đóng góp chút kinh phí vào những chuyến đi tình nguyện mà tập thể y, bác sĩ tình nguyện thực hiện ở một nơi xa xôi nào đó. Không gian “Mơ phố” giản dị và bình yên, nó được trang trí bởi những bức ảnh của những đứa trẻ vùng cao. Đó không phải là những bức ảnh lấy trên mạng mà chính là những khoảnh khắc được chính các thành viên của Hội Bác sĩ tình nguyện ghi lại trong những chuyến đi thiện nguyện. Ban nhạc “Mơ phố” cũng là một trong số các dự án của Hội.
Khách đến quán không chỉ được chìm đắm vào không gian âm nhạc mà còn được thưởng thức đồ uống theo phương thức “thanh toán tự nguyện”. Nghĩa là, sẽ có một hòm từ thiện đặt ngay ở cửa quán, đóng góp bao nhiêu là tùy tâm của mỗi người.
Nghệ sĩ Trần Thương sinh năm 1990, quê ở Bắc Ninh, Trưởng ban nhạc “Mơ phố” chia sẻ: “Được đồng hành cùng Hội Bác sĩ tình nguyện giúp đỡ bà con và trẻ nhỏ vùng cao và những người có hoàn cảnh khó khăn khiến bọn mình rất vui và cảm thấy cuộc đời này thật ý nghĩa”.
Không chỉ biểu diễn thường kỳ vào mỗi tối Thứ sáu hằng tuần ở quán cà phê mà ban nhạc “Mơ phố” còn đồng hành cùng Hội Bác sĩ tình nguyện đến những bản làng xa xôi. Họ sẽ đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ bà con.
Nhớ lại lần đầu tiên lên núi biểu diễn, nghệ sĩ Trần Thương kể rằng mình đã rất hồi hộp. Anh tâm sự: “Ở phố bọn mình chủ yếu biểu diễn nhạc Trịnh nhưng lên đây thì không thể mang nhạc Trịnh theo được. Phải nghĩ xem loại nhạc nào gần gũi, phù hợp với bà con. Hơn nữa, cả ngày hôm đó bà con đã phải vất vả leo núi để đến địa điểm khám, chữa bệnh miễn phí rồi, liệu tối còn đủ sức đi nghe ca nhạc nữa không? Cứ nghĩ như vậy khiến mình vừa lo lắng, vừa hồi hộp. Lúc chuẩn bị lên biểu diễn, mình có hỏi mấy anh chị bác sĩ là có nhiều người đến xem không thì các anh chị nói rằng nhiều lắm. Nhưng, mình nghe thì cũng chỉ biết vậy thôi, chỉ đến khi biểu diễn xong bài đầu tiên nghe tiếng vỗ tay vang cả hội trường mới khiến mình xóa tan lo âu và tin rằng mọi người đã đến rất đông”.
Cũng giống như nghệ sĩ Trần Thương, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàn, sinh năm 1981, quê gốc Hà Tĩnh, cây guitar và đàn bầu của ban nhạc cũng không giấu được niềm vui khi kể về những chuyến lưu diễn cùng Hội Bác sĩ tình nguyện. Anh chia sẻ: “Cách đây khoảng 2 năm, ban nhạc “Mơ phố” biểu diễn và giao lưu văn nghệ ở tỉnh Yên Bái. Hôm đó, anh chủ tịch xã cũng lên biểu diễn rất hăng say. Sau buổi giao lưu, anh có nói với các thành viên trong ban nhạc mình rằng, “anh có em gái cũng là người khiếm thị nhưng từ trước đến nay em gái anh mặc cảm và luôn có suy nghĩ mình không làm được gì cho đời. Hôm nay chứng kiến việc các em đã và đang làm, anh đủ tự tin để về động viên em gái mình thay đổi suy nghĩ và sống tích cực hơn”. Chỉ một câu nói ấy của anh chủ tịch xã cũng khiến anh em ban nhạc cảm thấy phấn chấn hơn rất nhiều. Đó chính là động lực giúp bọn mình cố gắng làm được nhiều điều tốt đẹp hơn”.
Dù tham gia ban nhạc “Mơ phố” đã 3 năm nay nhưng nghệ sĩ Nguyễn Văn Linh sinh năm 1990, quê ở Thanh Hóa lại chưa một lần được cùng anh em đi biểu diễn ở các vùng cao xa xôi. Lý do là bởi anh Linh không chỉ bị khiếm thị mà còn đang mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Từ khi bị bệnh, mỗi tuần anh Linh phải vào bệnh viện chạy thận 3 lần. Đây là lý do anh không thể rời thành phố.
Năm nay, do dịch COVID-19 nên việc biểu diễn của ban nhạc “Mơ phố” nhiều lần bị gián đoạn. Bù lại, ban nhạc đã cho ra mắt album thứ hai vào ngày 27-11 vừa qua với những bản hòa tấu sáo trúc và đàn bầu chọn lọc các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nếu như album trước là để đánh dấu chặng đường đồng hành cùng “Mơ phố” thì album số 2 với tựa đề “Vết dấu thời gian” lần này sẽ được bán lấy tiền đóng góp vào quỹ Hội Bác sĩ tình nguyện.
Để ra được album với một nghệ sĩ bình thường đã khó, đối với nghệ sĩ khiếm thị lại khó hơn bội phần. Do dịch bệnh nên các thành viên của ban nhạc “Mơ phố” không thể gặp nhau để làm việc trực tiếp. Album lần này cũng chỉ có sự góp mặt của hai nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàn và Nguyễn Văn Linh. Anh Hoàn cho biết: “Hai anh em đã cùng nhau tập luyện online suốt một thời gian rất dài. Phòng thu cũng chỉ là một chiếc micro và một chiếc laptop cũ nhưng chúng mình đã chơi nhạc bằng cả trái tim. Có thể về âm thanh và kỹ thuật còn nhiều chỗ chưa chuẩn nhưng cảm xúc thì có lẽ những ai thật sự yêu nhạc Trịnh đều có thể cảm nhận được”.
Album sẽ được phát hành bằng hình thức rất đặc biệt, đó là một chiếc USB nhỏ gọn, xinh xắn. Bằng cách này người nghe có thể dễ dàng mang theo mình cắm vào laptop hay trên xe ô tô. Album “Vết dấu thời gian” cũng được bán rất phải chăng để bất kể ai yêu thương “Mơ phố”, yêu nhạc Trịnh đều có thể sở hữu.
Nếu có thể, bạn hãy đến “Mơ phố” một lần để cảm nhận sự ấm áp của tình người lan tỏa. “Mơ phố” chỉ đơn giản là mơ cho những người nghèo, những đồng bào nơi xa xôi có một cuộc sống tốt đẹp như những người phố thị.