”Anh ở đó giữa cuộc đời rất thật…”
Mỗi lần đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, những người bạn trong cùng đơn vị ngày ấy lại ngồi quây quần để nhớ về người đồng chí, đồng đội - Thiếu tá Hà Khắc Lâm, Đội Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh quận Long Biên đã hy sinh vào dịp Tết Nguyên đán 2006.
16 năm trôi qua sau ngày Thiếu tá Lâm hy sinh, nhưng những kỉ niệm về anh vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Khi Thiếu tá Hà Khắc Lâm mất, lúc ấy hai con trai của anh là Hà Minh Đức vừa tròn 20 tuổi và Hà Xuân Vĩnh mới 14 tuổi. Giờ đây cả hai người con đều đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang nhân dân, giống như mong muốn của anh lúc sinh thời.
Ấn tượng màu áo lam
Trong căn phòng làm việc của Trung tá Nguyễn Tiến Thành, Đội trưởng Đội Công tác chính trị Công an quận Long Biên hôm nay còn có cả Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội CSGT trật tự, Công an quận Long Biên, người được phân công trong kíp trực cùng với Thiếu tá Hà Khắc Lâm ngày đó. Họ cùng nhau nhớ về kỷ niệm xưa.
Thiếu tá Hà Khắc Lâm sinh năm 1956, là con thứ tư trong một gia đình thuần nông quê ở Chí Tiên, Thanh Ba, Phú Thọ. Năm 1974, anh học Sơ cấp Công an Hà Nội, ra trường anh về công tác tại Trại giam Hỏa Lò. Năm 1978 anh được điều về Công an huyện Gia Lâm, rồi thuyên chuyển nhiều vị trí công tác. Năm 1989 đến năm 1999 anh làm Đội trưởng Giao thông trật tự Công an huyện Gia Lâm. Đến năm 2000 anh làm Phó Công an thị trấn Đức Giang. Rồi sau này anh làm ở Đội Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh quận Long Biên. Và, ở cương vị nào, anh cũng luôn là một cán bộ mẫn cán, vui vẻ, hòa nhã thân thiện với mọi người.
Chị Đoàn Thị Huệ, vợ anh kể: Chồng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đang thời kì chiến tranh, chứng kiến những giây phút trọng đại của dân tộc. Trong gia đình cũng có chú, bác là người lính cầm súng và chiến đấu hy sinh ở chiến trường miền Nam. Tiếp nối truyền thống cách mạng quý báu đó, anh luôn mang trong mình lòng tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của những lớp người đi trước, các thế hệ cha ông đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất đất nước. Anh đã từng cùng anh trai cả vào nghĩa trang Đường 9 để đưa hài cốt người chú mang về quê mai táng.
Chứng kiến đất nước trong những ngày khói lửa đạn bom đến khi hòa bình lập lại, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, công tác trong lực lượng từ những năm tháng tuổi trẻ, anh và những người đồng đội sẵn sàng chia nhau từng bát cơm độn ngô, độn sắn, từng mẩu thuốc lào... Tình đồng chí, đồng đội gắn bó thân thiết cùng nhau giữ gìn sự bình yên cho mỗi ngôi nhà, con phố.
Năm 1984, anh lấy chị, một cô gái bán hàng ngay đối diện với trụ sở Công anh huyện Gia Lâm, nơi anh công tác. Tổ chức bố trí cho anh chị một ngôi nhà chừng 20m2, khu vệ sinh chung cùng với nhiều hộ gia đình. Năm 1988 anh xin cơ quan được mảnh đất nhỏ xây ngôi nhà cấp 4 để vợ chồng con cái có chỗ sinh hoạt tươm tất hơn.
Đại úy Hà Minh Đức hiện đang công tác tại Công an phường Giang Biên, là con trai đầu của liệt sĩ Hà Khắc Lâm kể: “Ngày bé tôi thường được bố đưa đến chỗ bố làm rồi lang thang chơi ở công an huyện. Hằng ngày tiếp xúc với các chú, các bác trong đơn vị của bố nên hình ảnh về người chiến sĩ công an đã ăn sâu trong tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Màu áo vải quân phục của bố và các chú mặc rất đặc trưng, màu xanh lá mạ, cùng với cầu vai đỏ. Thỉnh thoảng tôi lại thấy các chú, các bác trong trang phục màu vàng hay xanh khác nhau. Khi tôi thắc mắc hỏi, bố bảo: “Mỗi đơn vị có màu sắc khác nhau. Công an là ngành quan trọng, là những người có sự nghiệp, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Đảm bảo cho mọi người dân có được cuộc sống an toàn về thể chất và tinh thần...”. Những tên tội phạm nhìn thấy màu áo này phải sợ, còn với tôi màu áo này đại diện cho công lý, cho lẽ phải, cho chính nghĩa. Ngay từ nhỏ, tôi luôn mong ước lớn lên sẽ nối nghiệp cha. Khi mẹ sinh em trai tôi, cuộc sống khó khăn nên mẹ bán hàng bận bịu cả ngày ngoài chợ đến tối muộn mới về. Bố tôi ngoài công việc ở nhiệm sở khi về đến nhà lại thay bộ quân phục dọn dẹp nấu nướng phụ mẹ. Vào những buổi tối khi bố không phải trực, bố kèm hai anh em tôi học. Gia đình nhỏ của chúng tôi quây quần và đầm ấm bên nhau, cho đến một ngày...”.
Tết Nguyên đán năm 2006 là cái Tết buồn nhất của gia đình Thiếu tá Hà Khắc Lâm. Năm đó, họ hàng bên ngoại từ trong Nam ra ăn Tết với gia đình. Mồng 2 Tết, anh thuê xe đưa cả gia đình và họ hàng bên ngoại lên phủ Tây Hồ. Trời lạnh, mặt hồ Tây mịt mờ sương khói, Thiếu tá Lâm nhẹ nhàng phủ chiếc khăn len cho vợ, đã lâu cả gia đình mới có cuộc du xuân đầm ấm và đông đủ thế này. Bao nhiêu năm chưa có đêm giao thừa nào anh ở nhà, mà toàn phải 1h30’ đến 2 giờ sáng mồng 1 anh mới về tới nhà. Anh là người năng nổ nhiệt huyết trong công việc, thường xuyên trực thay anh em vào giờ phút quan trọng. Sự tận tâm ấy cũng là một tính cách tốt đẹp của anh - một người chiến sĩ CAND.
Nhìn mọi người đông vui, anh bảo mồng 4 Tết sẽ đưa họ hàng bên ngoại và cả gia đình về quê anh ở Lâm Thao, Phú Thọ, rất gần khu du lịch quốc gia đền Hùng để thăm quan. Tiếc rằng, chuyến đi đấy vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được. Trong bữa cơm đầm ấm với gia đình chiều mồng 3 Tết, tại thời điểm này, con trai cả của anh là Hà Minh Đức, 20 tuổi, đang đi chiến sĩ nghĩa vụ tại Trại tạm giam Công an thành phố, còn em trai Hà Xuân Vĩnh mới 14 tuổi.
Tiếp bước cha anh
Trong bữa ăn, anh nói với hai con: “Bố chỉ mong nhà hai anh em con, một vào an ninh, một vào cảnh sát...”. Sau bữa cơm chiều, Hà Minh Đức chào tạm biệt bố để về đơn vị. 9 giờ tối hôm đó, ngày 31-1-2006 anh nhận được cuộc điện thoại đến trụ sở công an quận họp khẩn. Số là, đồng chí Đinh Văn Toản (Thiếu tướng, nguyên Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, lúc đấy là Thượng tá - Trưởng Công an quận Long Biên) chỉ huy tất cả các đơn vị trực tại địa bàn quận lên hội trường họp vì có thông tin có một số đối tượng phản động rải tờ rơi sẽ xuất hiện tại địa bàn, đề nghị lực lượng an ninh chia ra các mũi nhọn để kiểm tra phát hiện ngăn chặn. Ngay sau khi hội ý, lập phương án, anh em trong đơn vị chia ra 4 tổ tuần tra liên tục. 2 tổ tuần tra tối, 2 tổ tuần tra đêm. Tổ buổi tối từ 9 giờ 30’ đến 12 giờ. Tổ thứ hai tiếp quản từ 0 giờ đến 3 giờ sáng. Tổ tuần tra lấy trục thẳng là phố Nguyễn Văn Cừ và Ngô Gia Tự chia ra hai tuyến đường vòng cung. Tổ thứ nhất đi tuyến Bồ Đề - Long Biên - Thạch Bàn. Tổ thứ hai đi tuyến: Ngọc Lâm - Thượng Thanh - Giang Biên - Phúc Lợi.
Đêm đó, không phải là ca trực của Thiếu tá Hà Khắc Lâm nhưng với bản tính năng nổ, nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, anh xung phong đi. Tổ của anh sử dụng xe 113 để tuần tra có 3 người gồm Thiếu tá Hà Khắc Lâm làm tổ trưởng và chiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, cùng với hai đồng chí cảnh sát trật tự và chiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường là lực lượng tự quản. Tổ đã tuần tra trên các tuyến đường đến 2 giờ sáng khi về đến Ngọc Lâm, tổ tuần tra phát hiện 2 đối tượng có biểu hiện khả nghi đang đứng cạnh chiếc xe máy không biển số ôm một bọc nilon màu đen. Thấy nghi vấn, đồng chí Lâm yêu cầu lái xe (chiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn) dừng lại để kiểm tra, khi thấy xe 113 dừng lại, 2 đối tượng hoảng hốt lên xe máy bỏ chạy. Khi đuổi theo xe đối tượng, xe 113 bị đâm vào mảnh kim loại làm thủng lốp, mất lái, đâm vào gốc cây làm 3 đồng chí bị thương. Thiếu tá Hà Khắc Lâm sờ tay trên ngực thấy máu túa ra. Ngay sau đấy anh được đồng đội đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Sáng hôm sau, con trai anh là Hà Minh Đức ở đơn vị thấy nóng ruột liền gọi điện cho bố mấy cuộc nhưng không thấy bố bắt máy, Đức lại gọi cho mẹ nhưng không thấy trả lời. Đến 10 giờ sáng, Đức nói với chỉ huy: “Chú ơi, chú cho cháu về nhà. Cháu sốt ruột quá, gọi điện cho bố mẹ, không ai nhấc máy”. Trên đường về nhà, Đức nhận được điện thoại, giọng mẹ run run: “Bố con bị tai nạn, giờ đang nằm viện”. Đức lao đến viện, thấy trước cửa phòng của bố là Thượng tá Đinh Văn Toản, Trưởng công an quận, chú Tuấn và chú Thái (là hai Phó công an quận Long Biên), cả chú Việt... Các chú thấy Đức liền nói: “Bố cháu hôm qua đi làm đêm, bị tai nạn ô tô trong lúc đang làm nhiệm vụ”. Chỉ cần nhìn sắc mặt các chú, Đức đã linh cảm điều chẳng lành. Đức chạy vào phòng. Bố nằm đó, không nói được. Ngay giờ phút ấy, Đức thấy thương bố vô cùng, mới chiều qua bố còn cười nói, mà giờ đây đã bất động thế này rồi.
Đức đến bên giường bệnh, bố cầm tay Đức lay lay dường như muốn nói điều gì. Đức hai hàng nước mắt nghẹn ngào: “Để con pha cho bố cốc sữa”. Trước đó, anh Lâm chẳng bao giờ uống sữa. Đó là cốc sữa đầu tiên và cũng là cốc sữa cuối cùng Đức pha cho bố. 15h30’ phút ngày 31-1-2006, Thiếu tá Hà Khắc Lâm trút hơi thở cuối cùng bên gia đình và những người đồng chí, đồng đội của mình. Hà Minh Đức nước mắt giàn giụa bảo với em trai: “Bố mất rồi”. Hà Vĩnh Xuân lúc đấy 14 tuổi òa khóc. Cậu bé nói trong tiếng khóc nức nở với anh: “Em ghét bọn tội phạm lắm, lớn lên nhất định phải bắt hết bọn chúng...”. Và rồi, sau khi bố mất, Vĩnh Xuân rất tự giác học, điểm của cậu luôn xuất sắc. Khi Thiếu tá Hà Khắc Lâm mất, mọi người phải giấu không để cho mẹ anh biết vì bà tuổi cao sức yếu, sợ bà không chịu nỗi mất mát quá lớn này. Thỉnh thoảng hai anh em về quê thăm, bà lại hỏi: “Lâu rồi, bà không thấy bố các cháu...”. Hai anh em bất đắc dĩ nói dối bà: “Bố cháu đi công tác xa rồi ạ”.
Sau sự ra đi của người cha, người chồng, trụ cột chính của cả gia đình, bao nhiêu khó khăn lại dồn lên vai người vợ tảo tần. Một năm sau, 2007, Thiếu tá Hà Khắc Lâm được truy tặng liệt sĩ. Khi mất, anh được gia đình và đơn vị mai táng ở nghĩa trang Bồ Đề. Năm 2014 anh được đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở Yên Viên (Gia Lâm).
Sau ngày bố mất được một năm, Hà Minh Đức thi đỗ vào Trường Trung cấp Cảnh sát. Ra trường, thể theo nguyện vọng của Đức, các chú đã tạo điều kiện để Đức về làm ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an quận Long Biên. Nhiều năm liền làm lính trinh sát, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm ma túy, Đức luôn tự hào là hai anh em đã thực hiện được theo đúng nguyện vọng của bố lúc còn sống.
16 năm trôi qua, nối tiếp truyền thống gia đình, hai người con trai của Thiếu tá Hà Khắc Lâm đều gia nhập lực lượng CAND. Hiện nay, Đại úy Hà Minh Đức công tác tại Công an phường Giang Biên. Hà Vĩnh Xuân sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh về công tác tại Phòng Tổ chức Công an thành phố Hồ Chí Minh, đang mang quân hàm Đại úy. Liệt sĩ Hà Khắc Lâm đã đi xa nhưng anh vẫn sống mãi trong lòng những người ở lại. “Chiến sĩ công an đang làm theo lời Bác/ Mỗi thôn làng đều in dấu chân quen/ Thắp sáng trong đêm ngọn lửa niềm tin/ Các anh đó giữa cuộc đời rất thật”.