Bác sĩ mũ nồi xanh với niềm tự hào về Tổ quốc
Nam Sudan, mảnh đất ở châu Phi xa xôi, quanh năm khắc nghiệt, nhà cửa tiêu điều bởi nội chiến, người dân đói nghèo, lạc hậu, bệnh dịch truyền nhiễm bao trùm. Nhưng ở nơi đó lại ánh lên màu xanh của những vườn rau mà các y, bác sĩ Việt Nam mang hạt giống từ Tổ quốc sang gieo trồng, chúng vươn lên kiên cường giữa thời tiết khắc nghiệt.
Mảnh đất ấy đã ghi dấu ấn sâu đậm và những trọng trách lớn lao của các y bác sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bentiu, Nam Sudan.
Trọng trách vinh quang
Tôi hẹn gặp Đại úy Trần Thị Mai Liên, điều dưỡng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) vào một buổi chiều tháng 8 và khá bất ngờ khi biết Liên là nữ quân nhân đầu tiên của Bệnh viện 108 làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Bentiu, Nam Sudan. Cô được giao trọng trách là Trưởng nhóm truyền thông Bệnh viện hai chấm ba (tức 2.3 – cách gọi tắt của Bệnh viện dã chiến Cấp 2 số 3 Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bentiu, Nam Sudan). Ngày 27/5 vừa qua, toàn bộ y, bác sĩ Bệnh viện 2.3 từ Nam Sudan trở về nước sau 14 tháng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Liên vẫn nhớ mãi vào giữa năm 2020, cô có tên trong danh sách tham gia thi bổ sung khu vực miền Bắc vào Bệnh viện 2.3 dù bệnh viện được thành lập trước đó nhiều tháng. Việc học thạc sĩ của Liên đang dang dở, hai con còn nhỏ, lại đi đến đất nước xa xôi, an ninh chưa ổn định, chồng cô không khỏi lo lắng. Nhưng được sự động viên của lãnh đạo khoa và Bệnh viện 108, nữ điều dưỡng nhỏ nhắn đã thi đỗ và trở thành một trong những “biên chế” cuối cùng của Bệnh viện 2.3.
Ngày xuất quân trong khí thế hừng hực và đầy tự hào, sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ là nỗi nhớ chồng con da diết, là những lo lắng cho người thân khi dịch COVID-19 đang bùng phát tại quê nhà.
Đặt chân đến mảnh đất Bentiu, dù đã được chuẩn bị trước, song nữ điều dưỡng tim mạch vẫn không khỏi hoang mang khi thấy những hình ảnh tiêu điều, xơ xác, không có màu xanh của cây cối, chỉ có những ngôi nhà vách đất lợp lá lụp xụp, hiếm hoi mới có nhà xây bằng xi măng nhưng lại bị đạn bắn chằng chịt, các thành viên của Bệnh viện dã chiến 2.3 tự nhủ sẽ có nhiều việc phải làm cho mảnh đất này. Từ nhiệt huyết và quyết tâm ấy, trong suốt nhiệm kỳ của mình, Liên cùng các đồng nghiệp đã làm được rất nhiều điều ý nghĩa cho người dân nơi đây: khám chữa bệnh, phát thuốc, khẩu trang, nước rửa tay cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trồng cây xanh ở trường học, đóng bàn ghế tặng trẻ em, dạy người dân cách canh tác, trồng rau…
Công tác tại Khoa Khám bệnh, đón tiếp khoảng 2.000 bệnh nhân trong suốt nhiệm kì, cô chia sẻ: “Một đơn vị tuy nhỏ chỉ 63 người thôi, nhưng mang trọng trách rất lớn, rất vinh quang, chúng tôi làm việc bằng tất cả niềm tự hào về Tổ quốc”. Bên cạnh nhiều ca phẫu thuật cấp cứu thành công, dấu ấn của Bệnh viện dã chiến 2.3 là lần đầu tiên triển khai kỹ thuật giảm đau sau mổ dưới hướng dẫn siêu âm tại một bệnh viện dã chiến của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Người triển khai kỹ thuật này là Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Duy (công tác tại Phòng mổ Bệnh viện 108). Kỹ thuật này không chỉ bảo toàn tính mạng cho người bệnh mà còn giúp bệnh nhân giảm đau, hạn chế các thuốc giảm đau gây nghiện, nhận được sự hài lòng của người bệnh.
Ca mổ đặc biệt
Từ Bentiu xa xôi, Thiếu tá, bác sĩ sản phụ khoa của Bệnh viện 108 Bùi Thị Thu Trang, hiện đang công tác tại Bệnh viện dã chiến 2.4 tại nước cộng hoà Nam Sudan, đã chia sẻ với phóng viên rằng, những khó khăn, vất vả của các y bác sĩ có thể viết thành sách. Song, là một người lính, chị coi đó là những trải nghiệm quý báu của bản thân.
Bác sĩ quân nhân nhớ lại, vào dịp 2/9 vừa qua, Bệnh viện dã chiến 2.4 tiếp nhận bệnh nhân người Ghana bị viêm phúc mạc ruột thừa trên nền bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là hen phế quản và dị ứng rất nhiều thuốc. Thời tiết hôm đó mưa to, gió giật mạnh, tất cả các máy bay quân sự ko thể cất cánh để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cao hơn. Với sự chỉ đạo chuyên môn từ Học viện Quân y tại Việt Nam, phân tích những thuận lợi và khó khăn khi tiến hành ca mổ tại bệnh viện dã chiến, với quyết tâm cứu sống bệnh nhân đến cùng, bệnh viện huy động các trang thiết bị y tế, thuốc men, nhân lực, mổ thành công cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân ra viện trong niềm vui của toàn thể y bác sĩ, đồng thời mang lại một sự nể phục của bạn bè quốc tế.
Khi đoàn y bác sĩ cuối cùng của Bệnh viện dã chiến 2.3 hoàn thành nhiệm vụ về nước cũng là đợt 2 của Bệnh viện dã chiến 2.4 sang làm nhiệm vụ ở Bentiu, Nam Sudan. Trước đó, đoàn 1 đã sang tiếp nhận cơ sở vật chất, bắt tay vào kiến thiết bệnh viện. Hồi tưởng lại hành trình đó, bác sĩ Trang kể: “Khi bạn được ngồi trên “con” C17 của không quân Hoàng gia Úc, bạn sẽ phải ngồi 18h trên chiếc ghế cứng, với những tiếng ồn lớn, với trang thiết bị áo giáp, súng đạn bao quanh, nhưng thay vào đó là sự làm việc rất chuyên nghiệp của nước bạn, một trải nghiệm không phải ai cũng có được và mãi mãi tôi không bao giờ quên”.
Khi đáp chân xuống đất nước Sudan, mặc dù đã được chuẩn bị tinh thần trước, nhưng nữ bác sĩ vẫn thực sự choáng bởi sự nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ của người dân. “Cả nước chắc chỉ có vài chục km đường nhựa, còn lại là đường đất, mỗi cơn mưa trút xuống đất sẽ sình lầy, chuyện ôtô bị sa lầy, lật ngược là điều bình thường”, nữ bác sĩ chia sẻ
Chính vì thế mà các bác sĩ và nhân viên y tế “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã làm tất cả khả năng của mình để giúp đỡ phần nào những mảnh đời không gặp may mắn; cũng như đem hết tâm huyết, tài năng để cứu sống người bệnh.
Ở Nam Sudan vào mùa mưa, côn trùng và rắn độc là một trở ngại lớn. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là sự thích nghi về văn hóa và ngôn ngữ. Khu vực bệnh viện đóng quân có sự đa dạng về nền văn hóa, tôn giáo, nhất là đạo Hồi, các bác sĩ phải học tập, nghiên cứu để tránh những điều cấm kỵ của nước bạn và dân địa phương.
Hoa nở trên vùng đất cằn
Ở Bentiu, Nam Sudan trước đây, rau xanh trồng được ở mảnh đất này là chuyện kỳ tích, nhưng cùng với hành trang lên đường của các nhân viên y tế “mũ nồi xanh” Việt Nam là rất nhiều hạt giống. Những bác sĩ, nhân viên y tế chưa bao giờ cầm cuốc xẻng, thì nay với nhiệt huyết của mình, sau giờ làm việc, họ đã dần dần phủ xanh căn cứ nơi bệnh viện dã chiến đóng quân. “Khi ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Tiến Duy như là “công tử”, nhưng sang đây, anh ấy rất đam mê trồng rau và “biến” thành người nông dân thực thụ. Chiều nào anh cũng ra vườn tưới rau, làm cỏ, cuốc đất, ngắm thành quả là những luống cải, mồng tơi, rau muống, từng quả mướp đắng”, điều dưỡng Trần Thị Mai Liên nhớ lại.
Nữ đại úy còn chia sẻ họ mang nhiều hạt giống hoa sang trồng, nhưng với thời tiết nắng nóng 50 độ C, hoa hướng dương là có sức sống mạnh mẽ nhất. Trong khung cảnh khắc nghiệt thiếu thốn của Bentiu, một góc bệnh viện dã chiến sáng bừng bởi màu vàng của hoa hướng dương, màu xanh của dàn bí, rau cải, dưa leo… “Chúng em rất nhớ nhà, cuộc sống càng thiếu thốn, càng gian khổ, mọi người lại càng đoàn kết hỗ trợ, yêu thương nhau như một gia đình lớn. Sinh nhật chỉ tặng nhau trái dưa chuột, quả bí… tự trồng đã là hạnh phúc”, Liên chia sẻ về những kỷ niệm khó quên.
Dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về Tổ quốc, gặp lại gia đình, người thân, nhưng các thành viên bệnh viện dã chiến ai nấy đều còn chút luyến tiếc, bởi còn nhiều điều họ muốn làm cho mảnh đất dẫu khổ cực, khắc nghiệt mà luôn khát khao hòa bình này. Với nữ điều dưỡng tim mạch cũng như các y bác sĩ “mũ nồi xanh” làm nhiệm vụ tại Nam Sudan thì đó là những tháng ngày thiếu thốn, ốm đau, anh chị em có nhau… nhưng lại là quãng thời gian đáng nhớ, đáng sống, đáng tự hào nhất trong cuộc đời nghề y của họ.