Bài 1: Anh hùng đất thép - thành đồng
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong cái nắng oi nồng của vùng tây bắc TP Hồ Chí Minh, chúng tôi trở lại miền đất thép Củ Chi, để thêm một lần hiểu về cội nguồn chiến thắng của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sức sống mãnh liệt trên vùng đất từng bị bom đạn, xe tăng, thiết giáp của Mỹ cày đi xới lại hàng trăm lần.
50 năm đã qua, nhưng khói lửa chiến tranh dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực. Câu chuyện về một cuộc chiến dưới lòng đất và công xưởng chế tạo vũ khí đánh Mỹ đã viết nên tên tuổi người anh hùng “mìn gạt” lừng lẫy thuở nào.
Vào xưởng chế tạo vũ khí
Anh hùng Tô Văn Đực sinh năm 1942 tại Ấp Xóm Bưng (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) trong gia đình có 10 người con. Vì là con út nên ông được bà con gọi bằng tên thân mật là Út Đực. Mới 3 tuổi, Út đã có phản xạ quen thuộc là mỗi lần có máy bay ném bom, dội pháo là cậu bé chui xuống gầm ván dưới nhà. Máy bay vừa quay đi, Út liền chạy ra, mặc cho người lớn can ngăn, để nhặt vỏ đạn đang bốc khói, nhiều khi khiến đôi tay bỏng rát. Út Đực từ đó bắt đầu biết đến chiến tranh là gì. Cảnh chạy Tây diễn ra trong một thời gian dài, nhà cửa ruộng vườn tan hoang, cây cối cháy sém, trồi gốc rễ nghênh ngang trên mặt đất.

Năm 1951, anh thứ 6 của Út Đực tên Tô Văn Tua trong một lần tham gia du kích xuyên rừng thì bất ngờ gặp phải ổ phục kích của giặc, anh Tua bị thương nặng rồi hy sinh. Cũng trong năm này, ba của Út do sợ phải đóng thuế thân cho người Pháp nên đã trốn biệt vào rừng, mắc bệnh rồi qua đời, để lại người vợ cùng đàn con nheo nhóc, đói rách sống giữa thời loạn.
Năm 1954, Hiệp định Geneve ký kết, đất nước có những ngày tháng ngắn ngủi bình yên. Mọi người từ ấp chiến lược trở về nhà, khôi phục lại ruộng vườn, nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu sau, hòa bình đã bị súng đạn của Mỹ - ngụy xé nát. Tình hình chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt. Quân Mỹ đổ vào đất Củ Chi càn quét, cây cối, nhà cửa trở thành đồng không nhà trống. Dân làng phải sơ tán ra khỏi vùng, chỉ còn một số thanh niên, trai tráng còn sức khỏe ở lại giữ nhà giữ đất và bám trụ địa bàn.
19 tuổi, Tô Văn Đực bắt đầu hiểu thế nào là cách mạng khi gặp được ông Tư Sưa, chủ xưởng chế tạo vũ khí của xã Nhuận Đức. Nghe ông Tư Sưa kể, làm cách mạng, được là bộ đội của Miền (Trung ương Cục miền Nam), được trực tiếp cầm súng chiến đấu bắn máy bay của giặc, chàng trai Út Đực đã hào hứng xin đi theo.
Lần đầu tiên, Tô Văn Đực được dạy làm quen với cách làm súng ngựa trời bồng. Đây là loại súng thường dùng của du kích địa phương, cứ 10 ngày làm xong một khẩu. Khẩu súng đầu tiên làm xong, Tô Văn Đực vui mừng khôn xiết, ông ngắm bắn thử thấy tiếng nổ lại càng phấn khởi hơn. Từ đó, đã quen tay, Út làm việc siêng năng, chăm chỉ với một tinh thần và quyết tâm cao.
Bây giờ thì Út hiểu được thế nào là bộ đội rồi. Lúc đầu Út hơi thất vọng khi ông Tư Sưa dẫn vào rừng, vì nó không như Út nghĩ, bộ đội là phải ở chiến khu, đi đánh giặc. Nhưng, bây giờ thì Út hiểu, bộ đội có ở khắp nơi và làm bất cứ việc gì giúp ích cho cách mạng.

Súng ngựa trời bồng có điểm hạn chế là không bắn được xa, chỉ dọa giặc là chính nên xưởng của ông Tư Sưa chuyển sang làm súng trường. Loại súng trường khó hơn, phức tạp hơn nhưng lại có khả năng bắn xa, tác dụng sát thương cao, được du kích ưa chuộng. Để làm ra được súng trường thì mỗi cây phải hết đúng một tháng. Ai làm nhanh thì cũng 25 ngày. Mỗi người chịu trách nhiệm toàn bộ một cây cho đến lúc bắn được chứ không làm theo công đoạn.
Xưởng chế tạo vũ khí trong rừng lúc nào cũng nóng tiếng đập đe, tiếng cưa sắt và mùi thuốc nổ khét lẹt. Những người nông dân áo vải của mảnh đất Củ Chi như ông Tư Sưa, ông Ba Ánh đã gác lại cuốc cày và mảnh ruộng quê hương để trở thành người chiến sĩ kiên trung, bước qua cuộc kháng chiến 9 năm trường kì chống Pháp nay lại sát cánh cùng lớp thanh niên như Tô Văn Đực tiếp tục chống Mỹ.
Ngay trong việc chế tạo vũ khí, chàng trai Tô Văn Đực đã thể hiện khả năng nhạy bén, khôn ngoan và rất sáng tạo. Có những chỗ, nhưng nơi, những thông số kỹ thuật, Út tự sáng chế ra, phát huy khả năng của súng hơn.
Một hôm, đang hí hoáy làm súng trường thì Út Đực nhìn thấy ông Tư Sưa có khẩu súng ngắn đeo bên hông. Vừa nhìn thấy là Út mê liền. Út nghĩ trong đầu, sao mình không làm súng ngắn nhỉ? Nó có gì khó không? Út lân la hỏi mượn thử cây súng ngắn của ông Tư Sưa, sau đó tranh thủ mang ra chỗ khuất tháo hết bên trong ra rồi cẩn thận lấy bút ghi chép những chi tiết kỹ thuật khó làm hoặc mới hơn so với súng trường.

“Vì phải đảm bảo cho công việc làm súng trường đúng thời gian và tiến độ nên tôi chỉ có thể thực hiện ý tưởng làm súng ngắn vào những giờ nghỉ. Buổi tối, tôi thức trắng đêm nghiên cứu về cách làm súng ngắn. Những ngày sau đó, một cây súng ngắn có cấu trúc gọn gàng được hoàn thành. Tôi hồi hộp xuống chiếc giếng bỏ hoang bắn thử. Một tiếng nổ, đùng... đạch... Tôi vui sướng reo lên một mình. Một niềm vui to lớn hơn ngay sau đó là sự kiện tôi được kết nạp vào Đảng năm 1963. Từ đó, tôi đã sống với lý tưởng cao quý của người cộng sản, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho ngày giải phóng quê hương”, Anh hùng Tô Văn Đực nhớ lại những ngày trong xưởng chế tạo vũ khí đánh giặc.
Chế mìn đánh tàu Mỹ
Khả năng chế tạo vũ khí đánh giặc của Tô Văn Đực nhanh chóng lan xa, đồng chí Tư Nhật - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quyết thắng Củ Chi đã tới xưởng chế tạo vũ khí thăm Tô Văn Đực. Khi vừa gặp mặt, Út Đực đã để ý khẩu súng ngắn rất lạ của ông Tư Nhật, liền ngỏ ý mượn cây súng của người tiểu đoàn trưởng. Vì từng nghe đến danh Út Đực trong xưởng chế tạo vũ khí của xã nên ông Tư Nhật sẵn sàng đưa cho mượn.
Người ta cũng không thể hình dung ra trong hoàn cảnh rừng rú như thế, công cụ thô sơ như thế mà một người chưa trải qua bất cứ một trường lớp nào kể cả văn hóa lẫn kỹ thuật mà chế ra vũ khí sánh cùng với máy móc tân tiến của Mỹ. Anh hùng Tô Văn Đực kể: “Trong quá trình làm súng thì khó khăn nhất là cái nòng, sau đến cái cò. Làm sao để nòng vừa đủ ngắm, chính xác mục tiêu. Cò khi bóp phải kêu đanh, gọn. Tôi đặt tên khẩu súng của mình là Cun Đun. Lấy theo tên gọi của khẩu súng ông Tư Nhật thu được của Mỹ. Bà con khu vực Củ Chi và cả ngoài vùng giải phóng đã vượt mọi nguy hiểm tìm đến tôi đặt làm súng để đánh giặc. Từ đó, phong trào đánh Mỹ của nhân dân Củ Chi sôi động và quả cảm chưa từng thấy”.
Năm 1965-1966, Mỹ lên kế hoạch càn quét sâu vào vùng dân ở, có ý định nhổ tận gốc những cơ sở Việt Cộng đang đóng ở Củ Chi. Lúc này, ông Tư Sưa được phân công làm Chính trị viên xã đội, còn ông Ba Ánh làm Xã đội trưởng Nhuận Đức. Tô Văn Đực được đề bạt lên làm trưởng xưởng, chỉ đạo và quản lý hơn 10 chiến sĩ, đa số đều còn rất trẻ, mới được giác ngộ cách mạng và được điều chuyển vào đây làm vũ khí. Là trưởng xưởng, ông Đực chỉ đạo anh em không ngừng lao động theo tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Công việc sản xuất vũ khí diễn ra đúng tiến độ, khẩn trương theo chỉ đạo của cấp trên.

Thời gian này, khu vực Nhuận Đức thường xuất hiện tàu Mỹ chạy qua, chở theo lương thực, thực phẩm và cả quân lính tiếp tế cho đồn của chúng đóng ở Dầu Tiếng (Tây Ninh). Một đoàn nối đuôi nhau thành hàng dài ngạo nghễ trên sông Sài Gòn, theo sau luôn có tàu chiến hộ vệ nên một thời gian dài, chúng gây không biết bao nhiêu tang thương cho dân lành. Xã đội trưởng Ba Ánh gọi Út Đực lên đưa ra chỉ thị phải nghiên cứu làm sao chế ra loại mìn có thể đánh đắm tàu chiến của Mỹ trên sông Sài Gòn.
Mang chỉ thị từ cấp trên về, tinh thần Út Đực vừa hồi hộp lo lắng, lại vừa mừng vui. Những suy nghĩ đan vào nhau, chảy đều trong dòng máu nóng của người chiến sĩ cách mạng. Đánh tàu phải dùng loại bom 50 kg mà Mỹ, Pháp ngày trước thả xuống thì sức công phá mới có thể làm tàu nổ tung được. Bom người Mỹ làm thường rất chú trọng đến độ an toàn nên chỉ khi nào tháo chốt an toàn xong, bộ máy khởi động một vòng mới nổ nên có nhiều trái, do chốt an toàn mắc lại, dẫn đến không nổ. Đó là nghiên cứu của Út Đực nhiều đêm liền. Lúc đầu người ta định đánh tàu bằng thủy lôi nhưng lúc ấy làm gì có thủy lôi để đánh nên bắt buộc phải nghiên cứu đánh bằng mìn. Không có ai làm cố vấn cho Út Đực để làm mìn, Út chỉ làm theo suy nghĩ rất giản đơn của mình. Cái đầu sáng kiến như thế nào thì làm thế đó.
“Công việc đầu tiên, tôi đi xuống sông lấy dây đo khoảng cách từ giữa sông vào đến bờ là bao nhiêu. Đo được 15m, tôi về chế ra loại bom chủ yếu chế lại hoàn toàn theo nguyên lý của Mỹ đã từng đánh mình. Quả bom 50 kg đầu tiên hoàn thành, tôi mang ra một cái hố bom sau rừng bỏ hoang đánh thử. Đầu dây điện vừa chấm vào nhau, một tiếng nổ “ục” thật to xoáy đất lên, hất tung mọi thứ trong lòng của nó. Thử nghiệm thành công, chúng tôi bắt đầu đánh tàu Mỹ”, Anh hùng Tô Văn Đực kể.
Dũng cảm, gan dạ đối mặt với kẻ thù chỉ bằng vũ khí thô sơ, có lần ông Đực tưởng như đã bỏ mạng trong lúc gỡ lựu đạn. “Lúc chống càn trong rừng thấp, trực thăng địch rà gần mặt đất, không có gì để chống càn nên tôi đã tháo 10 trái lựu đạn, đến trái thứ 10 thì bị nổ làm tôi bị thương, miệng cứ hộc máu, cái tay thì gần như lìa ra. Nhờ có cậu em đi cùng đưa tôi thẳng xuống xóm có trạm y tế để cấp cứu. Mất khoảng hơn tháng là tôi trở lại bình thường”, ông Út Đực kể.
Nhiều lần cận kề sinh tử và nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, người dân chết vì bom mìn mà lòng ông không khỏi đau xót. Ông trở thành “anh hùng phá tăng” của đất thép Củ Chi, từ ám ảnh của chiến tranh và lòng căm thù quân giặc giày xéo quê hương mình.