Báo động “thuốc kê đơn” bán tràn lan
Vì không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám, cộng với việc người bán vì lợi nhuận khiến tình trạng bán thuốc không cần xem đơn của bác sĩ đang diễn ra tràn lan. Tình trạng này không chỉ phổ biến tại các nhà thuốc mà còn trên mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Thuốc kê đơn: Thích mua là có!
Các loại thuốc cần phải kê đơn thường có nhiều tác dụng phụ, có thể gây ra các phản ứng có hại, không mong muốn cho cơ thể; nếu sử dụng sai sẽ gây ra các tác hại nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, Bộ Y tế đã có thông tư số 07/2017/TT-BYT, quy định rất rõ 2 danh mục thuốc được bán tại nhà thuốc gồm thuốc bán phải có đơn của bác sĩ (thuốc kê đơn) và thuốc không cần đơn thuốc (thuốc không kê đơn).
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay vì lợi ích mà rất nhiều nhà thuốc vẫn công khai bán các loại thuốc kê đơn mà không cần đơn của bác sĩ. Để mục sở thị tình trạng này, ngày 12/6, trong vai là người đi mua thuốc, phóng viên đã đến nhà thuốc Pharmacity, có địa chỉ tại số 2 Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) để mua loại thuốc Augmentin 1g. Mặc dù không có đơn của bác sĩ nhưng nhân viên tại đây vẫn điềm nhiên bán thuốc cho khách hàng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Tưởng mua thuốc kháng sinh thì phải có đơn bác sĩ kê chứ?” thì nhân viên bán hàng hồn nhiên trả lời: “Ở đây vẫn bán thế, chỉ có bên nước ngoài mới cần đơn của bác sĩ thôi, chứ ở đây không cần. Khách chỉ cần biết loại thuốc mình cần mua là được”. Phóng viên tiếp tục nói rằng, nếu mua thuốc không theo đơn của bác sĩ có sợ bị nhờn thuốc không thì nhân viên nhà thuốc Pharmacity chỉ ậm ờ cho qua.
Một thông tin đáng chú ý, ngày 27/4/2023, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định số 201/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính số tiền 30 triệu đồng đối với cơ sở nhà thuốc Pharmacity số 566 trực thuộc chi nhánh Công ty CP Pharmacity. Đây là cơ sở có địa chỉ tại số 72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở đã có hành vi vi phạm bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc. Theo công bố thông tin, nhà thuốc Pharmacity số 566 thuộc hệ thống các cửa hàng thuốc của Công ty CP Dược phẩm Pharmacity. Người đại diện hợp pháp của cơ sở nhà thuốc Pharmacity số 566 là bà Nguyễn Thị Minh Trâm, trình độ chuyên môn dược sĩ đại học.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu tiên các cơ sở của hệ thống này bị xử phạt. Trước đó, ngày 16/05/2022, Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc GPP của một nhà thuốc Pharmacity khác tại Hà Nội.
Cụ thể, qua kiểm tra, nhà thuốc Pharmacity số 570 (Số 6-NV1 khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), thuộc Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Pharmacity tại Hà Nội do dược sĩ đại học Bạch Thúy Anh phụ trách chuyên môn đã không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Mục 2 Điều 40 của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 6/4/2016.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 03-7750/ĐKKDD-HNO do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020, Giấy chứng nhận GPP số 7750/GPP do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020 của nhà thuốc Pharmacity số 570 do dược sĩ đại học Bạch Thúy Anh chịu trách nhiệm chuyên môn. Kể từ ngày 16/5/2022, nhà thuốc Pharmacity số 570 không được phép kinh doanh thuốc tại địa điểm trên.
Trước đó, ngày 5/5/2022, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin đã ra quyết định xử phạt Công ty CP Dược phẩm Pharmacity (số 248A đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh) do đã tổ chức bán một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn cho khách hàng dù những người này không xuất trình đơn thuốc. Với hành vi này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xử phạt vi phạm hành chính Pharmacity số tiền 30 triệu đồng.
Tiếp tục tìm hiểu về thực trạng này, trong vai bà mẹ có con bị ho, sổ mũi nhiều ngày, phóng viên đã ra Siêu thị thuốc Việt, địa chỉ tầng 1, nhà B1, Làng quốc tế Thăng Long, đường Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, hỏi mua thuốc Cefixim cho trẻ hơn 4 tuổi thì được nhân viên bán hàng tư vấn nhiệt tình. Phóng viên cũng dễ dàng mua loại thuốc này mà không cần đơn thuốc, chỉ cần nêu tên thuốc, nói rõ triệu chứng của con. Khi được hỏi, loại Cefixim tốt hơn Augmentin cho trẻ hay không thì nhân viên trả lời, cả hai loại có hiệu quả như nhau, tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của trẻ. Để nhanh giảm triệu chứng ho, sổ mũi, nhân viên còn tư vấn cho phóng viên lấy thêm loại siro giảm ho, giảm sổ mũi vào buổi đêm cho trẻ với lời quảng cáo có tác dụng, hiệu quả rất nhanh. Bên ngoài quầy thuốc cũng treo biển quảng cáo rất lớn với dòng chữ “Bán đủ thuốc theo đơn bệnh viện”. Trên thực tế, hầu hết các nhà thuốc đều bán thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ.
Luật Dược năm 2016 đã quy định rõ thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay trên website https://www.muathuoc.vn/ của nhà thuốc Siêu thị thuốc Việt đăng tải bán online rất nhiều sản phẩm, bao gồm thuốc kê đơn... trái quy định.
Không chỉ tại các trang web mà trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... cũng bán tràn lan các loại thuốc kê đơn. Chỉ cần dùng một tài khoản cũng có thể đăng quảng cáo, rao bán và thực hiện việc mua bán với hàng nghìn tài khoản khác, thậm chí vài chục nghìn người khác thông qua các hội, nhóm. Không cần giấy phép, không cần phân biệt thuốc kê đơn hay không, các cửa hàng ảo cứ đua nhau chào bán nhưng người mua lại là thật.
Chẳng hạn như tài khoản “Thuốc kháng sinh” rao bán hàng chục loại thuốc kê đơn như: Befenxim, chuyên điều trị các nhiễm khuẩn vừa và nhẹ đường hô hấp trên, hô hấp dưới. Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ và vừa có biến chứng. Hay thuốc MYEROMAX 500, đây là thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp, viêm phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các nhiễm khuẩn da và mô mềm; thuốc HEPATYMO, loại kháng sinh này chỉ định điều trị viêm gan siêu B mạn tính ở người lớn có bệnh lý gan, có bằng chứng của việc sao chép virus và có bằng chứng mô học của tình trạng viêm hoạt động hoặc xơ hóa. Ngoài ra, tài khoản này còn bán rất nhiều loại thuốc bôi, thuốc uống khác nhau. Khi phóng viên nhắn tin muốn mua kháng sinh MYEROMAX 500, người bán hàng không hề hỏi có đơn thuốc của bác sĩ hay không. “Chỉ cần chị cần loại thuốc nào báo bọn em là có ngay. Không cần phải đơn thuốc của bác sĩ, cho chúng em địa chỉ, số điện thoại để nhân viên đóng hàng và gửi. Khi nhận hàng, chị mới phải thanh toán cho nhân viên”.
Theo các chuyên gia, bệnh trạng của mỗi người mỗi khác, không nên tự mua thuốc để chữa lấy mà không có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt những loại thuốc kê đơn thì người mua phải tuyệt đối tuân thủ. Khi mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần phải được bác sĩ thật sự trực tiếp khám và chẩn đoán mới hy vọng kê toa cho đúng bệnh dược. “Không thể loại trừ khả năng bác sĩ chẩn đoán qua mạng là bác sĩ ảo và kiêm luôn nghề... thầy bói. Bất cứ loại thuốc Tây nào cũng đều có phản ứng phụ, đó là chưa kể đến một số thuốc có thể tương tác lẫn nhau đôi khi cũng rất nguy hiểm. Mua thuốc trên Internet, không khác gì như mình tự ý... giao tiền và giao sinh mạng của mình vào tay của người khác vậy” - dược sĩ Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Tăng chế tài xử phạt để đủ sức răn đe
Trước tình trạng mua bán tràn lan các loại thuốc theo đơn, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hà Nội có khoảng 8.000 cơ sở dược bao gồm cả nhà thuốc và quầy thuốc. Hằng năm, Sở Y tế có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc này nhưng mỗi năm chỉ kiểm tra được khoảng 150 đến 200 cơ sở. Ngoài ra, có thêm các vụ việc đột xuất theo phản ánh của báo chí, người dân. Với bằng đấy cơ sở, Sở chỉ kiểm tra bằng văn bản đôn đốc các quận, huyện, đã phân cấp theo Chỉ thị 02 của thành phố. Sở Y tế thanh tra, kiểm tra không phải chỉ theo các chuyên đề bán thuốc kê đơn không có đơn như báo chí phản ánh.
Bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thì sẽ xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP nếu có đủ bằng chứng. Tuy nhiên, việc xử phạt sẽ không có thu hồi giấy phép mà chỉ là xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Cái này đã có chế tài xử phạt không chỉ áp dụng trên địa bàn Hà Nội mà áp dụng trên toàn quốc. Quận, huyện hoặc thanh tra y tế đều có thẩm quyền xử phạt. Bộ Y tế cũng nhận thấy đây là một thực trạng, một vấn đề cần phải điều chỉnh. Đã có hẳn đề án về bán thuốc kê đơn.
Do thói quen của người dân khi thấy có người nhà hoặc bản thân có bệnh là tự ra ngoài mua thuốc điều trị. Nếu không mua được, nhiều người còn tỏ ra khó chịu, thậm chí bức xúc chửi bới cơ sở thuốc nếu không bán. Vì thế, cần phải thay đổi cả thói quen của người dân. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý xử phạt thì cũng phải tăng cường tuyên truyền cho người dân, tuyên truyền cho người hành nghề” - ông Trung cho biết.
Ông Trung đề xuất, Bộ Y tế cũng cần có giải pháp để kiểm soát, đăng nhập dữ liệu thông tin cấp quốc gia các loại thuốc kê đơn cũng như chế tài xử phạt. Đánh dần vào tâm lý cũng như là quy định xử lý xử phạt bằng tiền, tăng thêm mức chế tài xử phạt thì sẽ tạo sức răn đe. Xử lý xử phạt ở mức độ lớn mà đủ sức răn đe thì người hành nghề sẽ từ bỏ được thói quen đó. Khi chế tài xử phạt ở mức bình thường thì họ vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh. Với các chuỗi cơ sở kinh doanh lớn, một cơ sở vi phạm thì sẽ rút kinh nghiệm cho cả hệ thống. Nhưng, vì chế tài xử phạt nhẹ nên vẫn tái diễn. Sở Y tế chỉ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.
“Quan trọng vẫn là thay đổi thói quen chứ không thể ngày một ngày hai giải quyết được bài toán này. Bản thân người dân khi đi mua thuốc phát hiện ra cơ sở bán thuốc kê đơn không có đơn cần có ý thức báo ngay về các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn là phòng y tế, sở y tế, UBND quận huyện. Cái này đã được phân cấp rất rõ trong Chỉ thị 02, ngay cả xã, phường cũng có quyền xử phạt” - ông Trung cho biết thêm.
Để phân biệt được đâu là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT. Cụ thể, tại điều 15: Đối với thuốc kê đơn, trên nhãn bao bì phải ký hiệu "Rx" tại góc bên trái của tên thuốc và dòng chữ "Thuốc kê đơn". Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng phải kèm ký hiệu "Rx" kèm theo dòng chữ "Thuốc này chỉ dùng theo đơn". Nghị định 124/2021/NĐ-CP hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với hành vi "bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc".