Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà

Thứ Sáu, 01/04/2022, 12:56

Người dân sống ở vùng quê bên con sông Mã Đà từ bao đời nay cần mẫn, chăm chỉ với nương rẫy. Nhưng, từ ngày có thông tin xây dựng cầu Mã Đà, cuộc sống dường như đảo lộn. Họ bị cuốn theo cơn lốc xoáy của sốt đất cùng những chiêu trò, mánh khóe ma mãnh của tập đoàn “cò” đất đang vùng vẫy kiếm ăn trên những mảnh đất mà chỉ mới ngày hôm qua còn chưa được ai ngó tới...

Bát nháo lướt cọc

Ngày 20-3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị việc xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai để rút ngắn quãng đường 60km về sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông - Vận tải làm việc với hai tỉnh để đề xuất phương án cuối cùng.

Chỉ với bấy nhiêu thông tin, lập tức ngày hôm sau, khu vực đường ĐT.753 đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Mang (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) “chợ cò” đã được thành lập. Từ “cò” bản địa cho tới “cò” Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh nườm nượp về đây, dập dìu qua lại nghe ngóng, đánh tiếng, bắt đầu tạo ra một cơn sốt đất trên vùng Mã Đà.

Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà -0
Trục đường DT.753 bỗng lên cơn sốt đất dù dự án xây cầu Mã Đà vẫn đang nằm trên giấy.

 Dòng ôtô dừng lại bên những khu đất trống, vườn cao su... đang được cắm biển rao bán, chỉ trỏ, trò chuyện nghe có vẻ tình hình đang rất nóng và sốt.Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Bà Lê Thị Thanh M., người bán tạp hóa tại xã Tân Lợi cho biết, những bảng mua bán đất treo đầy cột điện, gốc cây ngoài đường không phải do người dân treo mà là môi giới. Để đánh lừa người mua, “cò” chịu khó ngồi viết tay bảng bán đất cho đúng phong cách nông dân. Những hàng xe ô tô đậu ngoài đường kia chỉ được một vài người đi xem đất, còn lại đều là đội quân môi giới.

Nhà bà M. có miếng đất bề ngang 6m, sâu 50m ngay trục đường DT.753 từ vài ngày nay, lúc nào cũng có “cò” tới đặt vấn đề mua với giá 250 triệu/m ngang. Chỉ cần bà gật đầu là xuống cọc ngay lập tức.Bà M. bảo gia đình chỉ có một mảnh đất để ở nên không bán.Bà M. giới thiệu cho môi giới đến xem miếng đất của bố mẹ cũng trên trục đường này. Nếu được giá thì ông bà cắt ra 5m để bán vì nhà có những 15m mặt tiền.Môi giới hứa với bà M. mua được sẽ chi hoa hồng giới thiệu cho bà, xem bà là “cò” F1.Sau khi xem xét rất chi tiết, hỏi thăm đủ thứ, môi giới chốt giá 210 triệu/m ngang.

Bà M. thắc mắc sao nhà bà trả 250 triệu/m thì môi giới bảo vị thế của nhà bà M. gần ngã ba, gần trục đường chính hơn. Gia đình bà M. bàn bạc với nhau, cuối cùng quyết bán 5m đất với giá 1 tỷ 50 triệu, “cò” lo sang tên, chi phí gia đình chịu. Vừa xuống cọc, bà M. cũng được cho 10 triệu hoa hồng.Đời bà, bán tạp hóa nhặt từng đồng bạc lẻ, nay chỉ dẫn đi có mấy bước chân đã có 10 triệu.

Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà -0
Giá đất trên đường DT.753 được quảng cáo trên mạng xã hội lên tới gần nửa tỷ đồng/mét ngang.

Buổi sáng xuống cọc thì buổi trưa bà M. thấy môi giới đã đăng miếng đất của bố mẹ đi quảng cáo khắp nơi, từ mạng xã hội cho tới gốc cây, cột điện, bờ tường... với giá chào 280 triệu/m. Bà M. vỡ lẽ, hóa ra người mua đất của gia đình là “cò” chính hiệu chứ không phải khách hàng đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh. Ngay chiều hôm đó, có một đôi khách giới thiệu từ Bình Dương tới mua đất, bà M. nói gia đình đã bán rồi.Khách hàng đập vai, vỗ đùi ra vẻ tiếc rẻ, họ nói nhà bà M. bán như thế thì rẻ quá. Giá đất ở khu vực này bây giờ phải 300 triệu/m. Họ gạ bà M. nói với gia đình hủy cọc, bồi thường gấp đôi vẫn được, sau đó thì bán lại cho họ với giá 300 triệu/m. Bà M. hoang mang không biết phải xử lý làm sao. Nếu đền cọc, gia đình bà phải bỏ ra 200 triệu, cộng với 100 triệu tiền cọc ban đầu.Nhưng, bù lại, miếng đất sẽ bán với giá cao hơn rất nhiều, tính đi tính lại thì vẫn lời đậm.

Bà M. hỏi đứa cháu làm việc ở huyện Đồng Phú vay 200 triệu, sau khi biết lý do, nó lập tức ngăn cản. Người cháu khuyên gia đình bà M. tốt nhất không làm gì thêm, vì đây có thể là chiêu trò của giới “cò” cố tình dàn dựng lên vở kịch. Có thể người mua trước và người tới mua sau chính là đồng bọn của nhau. Chúng mua với giá cao, dụ người dân bỏ cọc và nghiễm nhiên lấy được mấy trăm triệu. Sau khi dân đền cọc, người đến sau viện ra đủ lý do để từ chối mua với giá đã chào, mà chỉ mua đúng giá hoặc nhỉnh hơn một chút giá bán ban đầu. Lúc này, một là tiếp tục bán, hai là không bán nữa và tự nhiên mất 200 triệu đồng đền cọc.

Bà M. nghe xong tỉnh ngộ. Bà gọi cho khách hàng mua sau, yêu cầu xuống cọc 500 triệu với giá đã chào. Tuy nhiên, bên này nói, khi nào hủy cọc họ mới giao dịch. Và, mảnh đất hiện tại vẫn thế.

Cơn lốc “sốt” đất

Tuyến đường huyết mạch ĐT.753, cách cầu Mã Đà khoảng 10 km hướng về thành phố Đồng Xoài. Mỗi mét ngang đất mặt đường ĐT.753 trước khi có thông tin xây cầu Mã Đà chỉ dao động từ 80-100 triệu thì nay được rao bán với giá từ 250 đến 350 triệu đồng, tùy vị trí, tăng 30-50% so với cách đây một tuần.

Đất mặt tiền vẫn chưa ngừng đà tăng, “chợ cò” lại tiếp tục đẩy giá đất vườn, đất lô cao su, thậm chí là rẫy, ruộng, sình ao tăng chóng mặt. Ông Lê Văn Tính, xã Tân Hưng cho biết, gia đình ông có 1ha cao su, cách đường ĐT.753 khoảng 3km, trước Tết hô bán mà không có ai mua hoặc trả rất rẻ, chỉ 800 triệu. Bỗng dưng mấy ngày nay điện thoại của ông Tính liên tục nhận được cuộc gọi mua đất. Mỗi người trả một giá, người trả cao nhất lên tới 8 tỷ. Ông Tính ngẩn ngơ như người trúng số nhưng ông cũng nắm được tình hình, chưa vội trả lời mà đi tìm hiểu xem thông tin ra sao. Nếu bán với giá 8 tỷ, gia đình ông có thể chuyển đổi kinh doanh hoặc đi vùng khác mua đất làm ăn nhưng nếu cầu xây gần đây, kéo theo cơ cở hạ tầng, đường sá mọc lên thì gia đình ông sẽ có một khoản lớn hơn thế.

Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà -0
Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà -1
“Chợ cò” nhộn nhịp trên các đoạn đường hướng về cây cầu tương lai.

Ông Tính cho biết, mấy ngày đầu cơn sốt vùng lên, môi giới ồ ạt tràn vào, dân ở đây nhiều người vội vàng bán đất vì với họ, bỗng dưng có tiền tỷ trong tay khác nào giấc mơ đổi đời nông dân. Có gia đình bán luôn căn nhà đang ở, cầm được hơn 1 tỷ nhưng loay hoay mãi không mua được miếng đất nào quanh đây, cuối cùng phải dạt về huyện khác, cách nơi ở cũ cả trăm cây số. Mua đất, làm nhà xong là hết sạch tiền, cuộc sống khó khăn, tương lai mù mịt.

Sau khi “cò” đất đổ xô về Đồng Phú, dọc đường ĐT.753 nhiều vị trí đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm rộng hàng ha đã được san phẳng, cắm cọc phân thành các lô nhỏ rao bán.

Khu vực từ vị trí cầu Mã Đà hướng về TP. Đồng Xoài khoảng 15 km không còn các bảng “dự án đất sào”. Thay vào đó, khu vực này lại xuất hiện bảng bán đất 100 thổ cư, xen kẽ là những bảng hiệu được cắm sơ sài với dòng chữ “sổ hồng sẵn, đầu tư tốt 5x38x100 thổ cư/1 tỷ đồng” treo dọc mặt tiền đường ĐT.753. Chúng tôi bấm bất kỳ một số điện thoại nào trên các bảng quảng cáo treo ở cột điện, gốc cây đều nhận được lời mời gọi, giới thiệu “ngọt” như mía lùi từ đội ngũ môi giới vô cùng chuyên nghiệp. Một miếng đất ngang 5m, sâu 50m trên đường DT.753 quảng cáo giá 200 triệu/m nhưng khi chào hàng đã lên 400 triệu. Hỏi tại sao lại khác với giá quảng cáo thì “cò” nói rằng, giá đó là đất loại 2, đất hẻm. Môi giới sẵn sàng tư vấn từ A đến Z và gửi cho xem tất cả các loại sổ cũng như thông tin quy hoạch, thông tin về cơ cở hạ tầng và cuối cùng chốt một câu chắc như đinh đóng cột: Bao sang tên.

Người dân sống ở vùng quê bên con sông Mã Đà từ bao đời nay cần mẫn, chăm chỉ với nương rẫy. Nhưng, từ ngày có thông tin xây dựng cầu Mã Đà, cuộc sống dường như bị đảo lộn. Họ bị cuốn theo cơn lốc của “sốt” đất cùng những chiêu trò, mánh khóe ma mãnh của tập đoàn “cò” đất đang vùng vẫy kiếm ăn trên những mảnh đất mà chỉ mới ngày hôm qua thôi còn chưa được ai ngó ngàng tới. Như lời của ông Lê Văn Tính, nếu không có những cơn “sốt” đất dồn dập và chóng vánh như thế này, có lẽ người nông dân quê ông sẽ không bao giờ biết đến những từ như “lướt cọc, bỏ cọc, chốt đơn...”.

Bát nháo “cò” đất ở Mã Đà -0
Cảnh trao đổi, mua bán, lướt cọc, chốt đơn diễn ra huyên náo một phần do đội ngũ “cò” dựng lên để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

“Chợ cò” trong cơn “sốt” đất Mã Đà vẫn chưa có hồi hạ nhiệt. Bây giờ, người dân ở Đồng Phú hoặc xung quanh cây cầu... tương lai vẫn đang bị nhấn chìm trong vòng xoáy của đất. Cho dù có tiền tỷ đi chăng nữa nhưng với thời thế như hiện nay, người nông dân vẫn khó mà có cuộc sống ấm no, khi trong tay họ không còn đất sản xuất, không có công ăn việc làm.

Theo đề án, cầu Mã Đà dự kiến rộng 11 m, dài 90 m, bắc qua sông cùng tên, nối hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Công trình này nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT.753 có chiều dài 30 km, tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành, cầu sẽ rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước đến sân bay Long Thành hơn 60 km. Ông Mai Xuân Long, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết xã ghi nhận giá đất khu vực dọc hai bên tuyến đường ĐT.753 tăng hơn 30% với với cách vài ngày nhưng giá dường như đã bão hòa. Chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân và giới đầu tư hãy cẩn thận khi giao dịch, mua bán, sang nhượng đất, bởi đây mới là đề xuất của tỉnh.

Mặc dù mọi thứ vẫn đang nằm trên giấy nhưng bằng sự chuyên nghiệp của “cò” đất và giới kinh doanh bất động sản, mọi thứ được “tô son điểm phấn”, vẽ thêm để trở nên thật đẹp đẽ và hoàn hảo. Thực tế cho thấy, khi cơn sốt qua đi, “bong bóng” bất động sản vỡ tung thì đối tượng chịu thiệt hại chính là người dân và nhà đầu tư.

Trước tình hình náo nhiệt của cơn sốt đất Mã Đà, UBND huyện Đồng Phú đã có công văn gửi Công an huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn, yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản tại các xã. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các xã tăng cường kiểm tra sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản và hoạt động xây dựng trên địa bàn, nơi nào để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai thì chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm.

Ngọc Thiện -Phương Linh
.
.