Bát nháo văn bằng, chứng chỉ giả

Chủ Nhật, 01/09/2024, 12:06

Khả năng làm được tất cả giấy tờ, chứng chỉ với “đẳng cấp” như thật, không cần đặt cọc, bao soi rọi, bao kiểm tra bản gốc..., Đó là những lời quảng cáo, chào hàng nhộn nhịp trên “chợ” văn bằng giả...

2 triệu đồng một tấm căn cước công dân

“Chợ” bằng cấp, chứng chỉ giả trên các nền tảng mạng xã hội đang nở rộ và xuất hiện kín kẽ trong các hội, nhóm. Để mua được tấm bằng hoặc chứng chỉ, giấy tờ giả không hề khó nếu như kết nối thành công với chủ shop trên các nhóm kín. Tuy nhiên, để lọt được vào nhóm này, phóng viên phải trải qua nhiều bước kiểm tra, xác minh rất chặt chẽ. Lập một tài khoản mới đăng ký vào nhóm, chúng tôi bị truy vấn: “Sao tài khoản không có lịch sử hoạt động? Cần mua CCCD (căn cước công dân) làm gì? Vì sao đến giờ vẫn chưa có CCCD...?”. Mọi câu hỏi đều chứa đầy nghi hoặc và dò xét. Cuối cùng, chủ shop đã kéo chúng tôi sang một trang khác và bán cái cho một chủ mới.

h1.png -0
Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ tang vật của đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả

Chủ mới tên Hà Nguyễn tiếp tục hỏi chúng tôi về tuổi tác, công việc hiện tại, lý do cần CCCD giả. Chúng tôi trả lời, do cần phải nộp hồ sơ vào công ty gấp trong khi chưa có thời gian về quê làm lại CCCD đã bị mất cách đây vài ngày. Hà Nguyễn báo giá, nếu làm CCCD bình thường giá 2 triệu, 3 ngày sau nhận hàng. Nếu CCCD gắn chip thì 3,5 triệu, 3 ngày hoàn thành. “CCCD gắn chip có quét mã QR được không?” - chúng tôi hỏi. Hà Nguyễn nhanh nhảu đáp: “Cái này không quét được, vì chưa làm được định danh điện tử. Chỉ dùng để nộp hồ sơ xin việc hoặc vay ngân hàng thôi”.

Đồng ý làm, khách hàng sẽ cung cấp thông tin, lý lịch, số chứng minh nhân dân cũ (nếu có) và địa chỉ hiện tại để nhân viên giao hàng. Chuyển sang hỏi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), Hà Nguyễn nhiệt tình tư vấn: “Nên làm sổ đỏ đi kèm với hộ khẩu thường trú để hợp nhất hồ sơ. Sổ đỏ cũng phải phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình. Nếu làm công nhân thì chỉ làm sổ đỏ giá trị dưới 2 tỷ đồng thôi. Sổ này làm bằng phôi thật, mang đi cầm cắm, thế chấp ngon lành”.

Trước khi chờ chúng tôi chốt hạ, Hà Nguyễn đề nghị lấy số điện thoại để nhân viên kết bạn Zalo để tiện trao đổi, quay clip cho xem sản phẩm trực tiếp. Đây là một hình thức xác minh khách hàng xem có phải người cần giấy tờ giả hay không, vì đối tượng thừa hiểu, người có tài khoản Zalo tức là có thông tin truy cập và có lý lịch cá nhân. Trong thời gian chờ đợi thông tin của khách hàng, Hà Nguyễn khoe: “Bên này ngày nào cũng có hơn chục đơn hàng, làm vì cái tâm muốn giúp đỡ những trường hợp khó khăn chứ không phải lừa đảo gì”.

Trong trang thông tin của nhóm Hà Nguyễn cũng đăng liên tục lời quảng cáo, cùng hình ảnh bằng cấp, giấy tờ giả, các đơn hàng giao đi tỉnh lẻ... thành công. Những lời bình luận hoặc đặt hàng trên nhóm đều ở chế độ kiểm duyệt, ẩn thành viên nên không thể phát hiện các nội dung trao đổi trên nhóm.

Chúng tôi tiếp tục tham gia nhóm “Hỗ trợ giấy tờ gốc, làm căn cước công dân gắn chip” nhưng bị quản trị viên treo ở chế độ phải trả lời các câu hỏi của nhóm thì mới được duyệt. Các câu hỏi có yếu tố thăm dò, điều tra như: Bạn bao nhiêu tuổi, làm nghề gì; bạn cung cấp hình ảnh cá nhân của mình và cuối cùng là câu hỏi hóc búa “kể tên thành viên giới thiệu bạn vào nhóm”.

Nếu như không trả lời được câu hỏi đó, đồng nghĩa việc bị từ chối hội viên. Do có sự liên kết với nhóm Hà Nguyễn, chúng tôi đã cung cấp tên người giới thiệu và ít phút sau được quản trị viên đồng ý. Nhóm kín này có tới 4.000 thành viên, mỗi bài quảng cáo đưa lên nhóm thành viên đó đều bí mật, không lộ danh tính. Thành viên nhắn tin trao đổi với chúng tôi cũng ở trạng thái ẩn danh. Khi câu chuyện đã đi một đoạn xa, sắp đến phần chốt đơn thì thành viên ẩn danh mới tiết lộ tên của mình là Hoàng, làm kỹ thuật viên in sao giấy tờ. Hoàng cho biết, công nghệ in sao theo tiêu chuẩn Mỹ, rõ nét và y chang bản gốc. “Khách hàng nhiều đối tượng lắm, làm nghề gì cũng có. Vì sự cố nên họ mới cần tìm đến chúng tôi. Có người chỉ dùng một thời gian sau khi hoàn thiện giấy tờ chính, cũng có người dùng đi xin việc làm, đi học...”, Hoàng tiết lộ. Ngoài làm lẻ, Hoàng còn cung cấp hàng sỉ cho các đối tượng cần mua bán.

Giống như các nhóm khác, hoạt động bên Hoàng rất kín kẽ, từ khâu xác minh ban đầu cho tới khâu cuối cùng khách hàng chốt đơn. Sau khi trao đổi với Hoàng, chúng tôi được hướng dẫn qua nền tảng Telegram để cung cấp thông tin cho nhân viên phụ trách hồ sơ. Mỗi tin nhắn trên Telegram vừa xong, lập tức bị ẩn ngay. Theo yêu cầu của nhân viên, chúng tôi muốn làm sổ đỏ và CCCD gắn chip thì bắt buộc phải có số điện thoại chính chủ. Ngay cả việc mất điện thoại thì vẫn còn số, nên khách hàng không thể nào thoái thác được. Cách xác minh này là sàng lọc khâu cuối cùng xem có đúng người, đúng việc không. Khi chưa nhận được yêu cầu này, chúng tôi đã bị tài khoản Telegram đẩy ra ngoài. Đồng thời, quay lại nhóm chat, tài khoản của chúng tôi cũng bị chặn khóa ngay.

Mua gì cũng có...

Dù là nhộn nhịp trên các nhóm nhưng các đối tượng đều là thành phần có nhiều kinh nghiệm, trải đời, am hiểu pháp luật và biết cách luồn lách khôn khéo nên không dễ để người có ý đồ trà trộn vào. “Bất kỳ ai muốn tham gia cũng phải qua xác minh để tránh bị theo dõi, điều tra, đồng thời hạn chế các tài khoản ảo, không có nhu cầu thật vào nhóm làm loãng thông tin”, L.Đ, cựu kỹ thuật viên từng có thời gian cộng tác in ấn văn bằng, chứng chỉ giả cho nhóm tiết lộ.

h2.png -0
Các đối tượng làm văn bằng, chứng chỉ giả tại cơ quan công an

Đ. cho biết, việc in ấn các loại giấy tờ giả rất đơn giản, giống như là Photoshop ở trình độ cao hơn. Việc chủ shop quảng cáo là phôi thật hoặc CCCD gắn chip hoàn toàn là “nổ” để mê dụ khách hàng. “Thực tế không thể làm được CCCD gắn chip có quét mã QR, cũng không có phôi thật để in văn bằng. Việc các giấy tờ giống như thật sẽ có thêm phần trộn màu, vẽ họa tiết của họa sĩ sau khi máy in ra”, L. Đ tiết lộ bí kíp sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả.

Theo Đ., các nhóm này hoạt động rộng rãi, kết nối thành viên theo tiêu chí giới thiệu từ người cũ chứ không tùy ý nhận vì sợ bị lộ. Trong quá trình làm giấy tờ giả, nhóm sử dụng các thuê bao sim rác và các tài khoản ảo trên mạng để đăng tải thông tin quảng cáo và tìm kiếm khách hàng. Sau mỗi lần kết nối và thực hiện giao dịch với khách hàng, nhóm vứt bỏ sim, xóa tài khoản để tránh bị phát hiện.

Nhu cầu người cần lớn, lợi nhuận từ việc làm giả văn bằng, chứng chỉ cao nên các nhóm sẽ tích cực nhận trọn bộ giấy tờ gồm: Bằng lái và cà vẹt xe mẫu mới, tem - sổ đăng kiểm, bảo hiểm tự nguyện với giá trọn bộ là 3,5-5 triệu đồng. Riêng các mẫu bằng lái thẻ PET, CCCD mẫu mới có giá cao gấp đôi vì khó làm. Ngoài ra, “công ty” còn nhận làm thẻ nhà báo, giấy đi đường... với giá không dưới 5 triệu đồng. “Thỉnh thoảng công an vẫn bắt vài vụ nhà báo rởm hoặc cán bộ rởm dùng giấy tờ giả, họ đều đặt hàng từ các nhóm này cả”, Đ. cho biết.

Trước thực trạng nở rộ các dịch vụ làm bằng cấp, giấy tờ giả, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá một số vụ việc liên quan. Vừa qua, Công an huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố Trần Chu Thiên (sinh năm 1998) và Điền Anh Tuấn (sinh năm 2000) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo thông tin ban đầu, đây là đường dây làm giả giấy tờ, bằng cấp với quy mô lớn, giao nhận tại các bến xe.

Trong quá trình theo dõi, Công an huyện Hóc Môn đã bắt quả tang Trần Chu Thiên đang chở 46 hộp carton có 256 loại giấy tờ giả, gồm CCCD, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, đăng ký xe, giấy phép lái xe, bản sao có chứng thực... Cơ quan công an xác định Trần Chu Thiên là nhân viên giao nhận của một bưu cục giao hàng nhanh và là người tiếp nhận, phân loại, chia nhỏ giao cho đơn vị vận chuyển.

Điền Anh Tuấn khai quen biết với một người đàn ông tên Michael (không rõ lai lịch) trên mạng xã hội. Michael thuê Tuấn đến chợ Bavet tại Campuchia để nhận tài liệu giả về giao lại đầu mối ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần vận chuyển một túi hồ sơ khoảng 50-100 tài liệu giả, Tuấn được trả công 600.000 đồng. Mỗi ngày, Tuấn gửi 100-200 loại giấy tờ giả khác nhau về bến xe An Sương (quận 12) để phân phối cho những người môi giới tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

h3.jpg -0
Hình ảnh giấy tờ, văn bằng rao bán trên nhóm kín

Trước đó, tổ tuần tra 363 Công an quận 3, phát hiện Châu Tiến Dũng điều khiển xe gắn máy có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra hành chính, tổ công tác phát hiện trong người Dũng có một CCCD không có hình chụp, không có mã QR; một CCCD có hình ảnh của Dũng nhưng thông tin tên tuổi, địa chỉ của người khác, đồng thời trong điện thoại Dũng có nhiều tin nhắn, hình ảnh liên quan đến việc mua bán và làm giả CCCD. Xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tính chất rất nghiêm trọng, tổ công tác nhanh chóng báo cáo vụ việc về Ban Chỉ huy Công an quận 3 để chỉ đạo truy xét, xác minh làm rõ. Qua đấu tranh, Dũng khai nhận do thiếu tiền tiêu xài nên lên mạng xã hội học cách sửa đổi thông tin cá nhân trên các giấy tờ để sử dụng vay tiền của các ứng dụng trên mạng. Tại đây, Dũng quen biết Nguyễn Tuấn Tài và Nguyễn Năng Tiến. Tiến đã bán cho Dũng 11 thẻ CCCD gắn chip với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng/CCCD. Sau khi mua về, Dũng cùng Tài cạo xóa, chỉnh sửa làm thông tin giả. Bằng thủ đoạn này, Dũng đã dùng CCCD giả vay của 2 ngân hàng với số tiền 52 triệu đồng. Ngoài ra, Tài cũng đã bán được 3 CCCD giả với tổng số tiền 4,5 triệu đồng.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Dũng và Tài, Cơ quan công an phát hiện, thu giữ nhiều máy móc, thiết bị phục vụ việc làm giả giấy tờ. Còn tại nơi ở của Tiến, Cơ quan công an thu giữ 60 giấy tờ các loại (thẻ CCCD loại không có chip, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe mô tô loại giấy và thẻ nhựa, chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy). Tiến khai các giấy tờ cá nhân của nhiều người khác do Tiến mua và được cho từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng xã hội để về bán lại kiếm lời.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), để ngăn chặn tình trạng làm, mua bán và sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả trong các ngành, lĩnh vực xã hội, trước hết các cơ quan chức năng, công ty, doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ ở khâu tuyển dụng, phải có một cơ chế tuyển dụng chặt chẽ để tránh việc lọt lưới các loại bằng cấp giả khi tuyển dụng cán bộ, công chức, người lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý người lao động, cơ quan, doanh nghiệp cũng phải kiểm soát chặt các loại bằng cấp liên quan. Theo luật sư Biên, chính việc buông lỏng quản lý đã làm nảy sinh ý định mua bằng cấp giả của người lao động. Từ đó, tạo nên “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm hoạt động.

Ngọc Thiện
.
.