Bẫy “việc nhẹ lương cao” lừa xuất khẩu lao động

Thứ Tư, 15/06/2022, 12:00

Nắm bắt nhu cầu muốn đi xuất khẩu lao động của nhiều người, nhiều đối tượng đã dụ dỗ lôi kéo bằng những lời mời chào hấp dẫn trên các diễn đàn, mạng xã hội như việc nhẹ, lương cao, dễ dàng sang làm việc ở nước ngoài trong thời gian ngắn… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Cuối tháng 2-2022, vợ chồng anh Cường, chị Nguyên cùng 6 người khác ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và một số người ở miền Nam được đưa sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Trước đó, một người quen của họ giới thiệu sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng là chỉ ngồi máy tính làm việc với mức lương hơn 1.000 USD/ tháng. 

Bẫy “việc nhẹ lương cao” lừa xuất khẩu lao động -0
Những nạn nhân bị lừa sang Campuchia trình báo với Công an huyện Lục Ngạn.

Qua biên giới, cả nhóm được đưa đến một khu nhà cao tầng ngay sát biên giới Campuchia - Việt Nam. Sau 1 tháng học việc, chị Nguyên được các đối tượng trả cho 200 USD, tương đương khoảng 4,6 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của anh chị không phải là làm hành chính đơn thuần, mà làm những công việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng như: Soạn thảo, gửi, phát tán tin nhắn trên mạng xã hội; tư vấn, dụ dỗ vay tiền trực tuyến, đánh bạc, chơi game qua mạng… nhắm vào người Việt Nam. Chưa kể, thời gian làm việc được các đối tượng giám sát gắt gao, không cho dùng điện thoại để liên lạc ra bên ngoài. Tất cả người làm phải ngồi 15 tiếng trong phòng máy để làm những việc gần như là lừa đảo.  

Nhận thấy những công việc ở đây có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng nên anh Cường, chị Nguyên và nhiều người đã xin thôi học việc. Tuy nhiên, ngay sau đó, vợ chồng chị cùng nhiều người khác bị nhốt một khu riêng biệt, bị đánh đập, đe dọa, và bỏ đói nhiều ngày. Các đối tượng còn yêu cầu phải nộp phạt 20.000 USD thì mới được về Việt Nam. Để con cái được trở về bình an, nhiều gia đình đã phải ngậm đắng nuốt cay chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Khi trở về quê hương, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo lên Công an huyện Lục Ngạn.

Trước đó, Công an xã Cảnh Thụy và Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương giải cứu an toàn 5 nữ học sinh bị dụ dỗ vào Nam làm việc cũng với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Trong đó có một cháu gái là người dân tộc Mông ở Yên Bái.

Theo lời kể của các nạn nhân, cuối tháng 5-2022, các cháu lên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm trong dịp hè, và thống nhất khi tìm được việc sẽ trốn gia đình đi làm. Trong thời gian đó, một đối tượng không quen biết, không rõ địa chỉ, lấy tên trên mạng xã hội là “Hoa” nhắn tin cho một cháu gái qua ứng dụng Messenger hứa tìm việc làm cho các cháu trong miền Nam. Điều kiện là chỉ cần biết sử dụng máy tính, đánh máy thành thạo với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt có thể cao hơn.

Bẫy “việc nhẹ lương cao” lừa xuất khẩu lao động -0
Hình ảnh các cháu bắt xe khách đi miền Nam tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).

Ngày 31-5-2022, cháu N.T.Q.A (trú tại xã Cảnh Thụy) xin phép gia đình đến Trường THCS Cảnh Thụy tổng kết năm học, nhưng thực tế trốn gia đình, cùng các bạn còn lại lên xe khách đi vào Bình Thuận. Khi thấy cháu N.T.Q.A đi tổng kết đến trưa không về, gia đình tá hỏa đi tìm. Một thầy giáo ở Trường THCS Cảnh Thụy cho biết có nhìn thấy một số cháu gái, trong đó có cháu Q.A, cuối giờ sáng lên một chiếc xe ô tô loại 5 chỗ sau đó đi đâu không rõ. Gia đình Q.A vội kiểm tra camera ở nhà thì phát hiện cháu Q.A có về nhà lấy quần áo nhưng đã chủ động rút nguồn điện của camera để tránh bị phát hiện. Các camera trên trục đường không ghi được rõ biển số xe đón các cháu nên gia đình càng hoảng hốt, vội trình báo lên công an xã Cảnh Thụy.

Công an xã Cảnh Thụy khẩn trương xác minh và báo cáo Công an huyện Yên Dũng. Khẩn trương lần theo dấu vết, các cán bộ Công an tìm ra người lái xe 5 chỗ đưa các cháu ra bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Trích xuất camera an ninh và kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các xe, phát hiện 5 cháu lên một chiếc xe khách chạy từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam. Lúc này chiếc xe khách đã đi đến địa bàn tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp tạm giữ chiếc xe và 5 cháu gái.

Ngay trong ngày 1-6-2022, tổ công tác của Công an xã Cảnh Thụy, Công an huyện Yên Dũng di chuyển vào đến nơi, xác minh chính xác các nạn nhân. Đến ngày 3-6-2022, 4 cháu được lực lượng công an đưa về gia đình, riêng cháu bé người dân tộc, Công an huyện Yên Dũng đã liên hệ, bàn giao cho Công an tỉnh Yên Bái.

Cần nâng cao ý thức cảnh giác

Chỉ cần lên mạng xã hội, vào các hội nhóm tuyển dụng việc làm, xuất khẩu lao động, không khó để nhận được lời mời chào có cánh của các môi giới. Những bài tuyển dụng thường có đặc điểm chung là: Việc nhẹ lương cao, chỉ cần biết đánh máy vi tính, chăm chỉ, làm việc trên app, rồi chỗ làm là hướng dẫn chơi bài, làm tại sòng bài, casino, hoặc liên quan xuất khẩu (nhưng không nói rõ chuyên môn làm gì), không yêu cầu kinh nghiệm, không biết sẽ được đào tạo, rồi đãi ngộ rất tốt, tiền lương tính bằng đô la với mức 25 - 40 triệu/tháng...

Bẫy “việc nhẹ lương cao” lừa xuất khẩu lao động -0
Cán bộ công an xã Cảnh Thụy trao đổi với 2 trong số 5 cháu gái bị lừa vào Nam.

Tuy nhiên, khi đưa được nạn nhân qua biên giới theo đường tiểu ngạch, các đối tượng dẫn dụ là người Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc giao công việc và hướng dẫn nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam, người Trung Quốc và người dân các nước khác.

Các đối tượng ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức phạt từ 1.000 USD/tháng, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Hoặc bị bán cho công ty khác. Mỗi 1 lần bán đi, giá bán sẽ cao hơn do mỗi đầu mối tính thêm cả tiền đào tạo + tiền sinh hoạt của nạn nhân. Nên càng đi sâu hơn thì tiền chuộc thân càng cao, các đối tượng sẽ tìm cách thu hết giấy tờ tùy thân của nạn nhân.

Đa số các nạn nhân bị lôi kéo sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành chỉ tiêu theo hợp đồng, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu liên hệ với gia đình trả tiền bồi thường hợp đồng và tiền phạt vi phạm hợp đồng mới cho về.

Chỉ tính từ tháng 4-2022 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 27 nạn nhân là người Thanh Hóa, trong đó có 19 trường hợp đã được giải cứu, 4 trường hợp gia đình nộp tiền chuộc theo yêu cầu của đối tượng và được thả về nước. Hiện nay vẫn còn 4 trường hợp đang bị khống chế, giam giữ trái phép tại Campuchia.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây cũng đã tiếp nhận nhiều tin báo tố giác một số đối tượng đã thông qua các ứng dụng mạng xã hội lôi kéo người dân đi lao động, làm việc tại Campuchia.

Bẫy “việc nhẹ lương cao” lừa xuất khẩu lao động -0
Những lời mời chào có cánh trên các diễn đàn.

Theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, giám đốc một công ty xuất khẩu lao động khu Cầu Giấy, thì không có chuyện “việc nhẹ lương cao” mà không đòi hỏi bất kì một chi phí, hay bằng, cấp chuyên môn gì. “Chúng tôi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, dù làm công nhân, quản lý hay phục vụ tại các nhà hàng khách sạn ở cũng phải trải qua nhiều vòng tuyển dụng rất khắt khe. Nhiều khi còn không tuyển được lao động phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài. Phải biết ngoại ngữ cơ bản, có ngoại hình, có sức khỏe, có trình độ, chuyên môn. Qua vòng sơ tuyển bằng hồ sơ mới được vào vòng phỏng vấn. Nhiều người qua vòng phỏng vấn còn phải đi đào tạo thêm tay nghề, hoặc học thêm ngoại ngữ theo nhu cầu công việc. Người lao động đạt được yêu cầu của đối tác sẽ có visa xuất cảnh đàng hoàng. Công việc lương cao nhưng đồng nghĩa với việc thời gian, công sức bỏ ra là khá vất vả. Thực tế, không phải ai cũng nắm được hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động... nên thường tìm người quen giới thiệu hoặc qua môi giới. Để tránh lừa đảo, tiền mất tật mang, tốt nhất là người lao động tìm đến những công ty uy tín đã được cấp phép hoạt động”, chị Nguyệt cho hay.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cảnh báo:

Thứ nhất, người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài phải chủ động, tìm hiểu nắm bắt thông tin về thị trường lao động, về công việc, ngành nghề phù hợp với trình độ, năng lực bản thân để lựa chọn thị trường cho phù hợp.

Thứ 2, là phải liên hệ với các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động. Phải liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở, để kiểm tra tính xác thực.

Thứ 3, hiện nay việc truy cập thông tin rất thuận lợi, người lao động có thể vào các trang chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước: dolab.gov.vn, của cơ quan quản lý lao động địa phương để nắm bắt cách thức đi, các doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận đi.

Nếu người lao động thấy có những cá nhân, tổ chức nào đến mời chào, kêu gọi đưa người đi xuất khẩu lao động thì phải kiểm tra lại thông tin về tổ chức cá nhân đó, xem có địa chỉ rõ ràng, liên hệ ra sao sau đó kiểm tra trên hệ thống Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu không có chức năng xuất khẩu lao động thì chắc chắn là lừa đảo, hoặc làm trái với quy định của Nhà nước, cần báo cho cơ quan chức năng địa phương, cần thiết thì báo cho cơ quan Công an để xử lý. Bởi những trường hợp lừa đảo này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tiền bạc của người lao động mà còn ảnh hưởng đến tính mạng người lao động. Khi người lao động nhập cảnh vào các nước sẽ thành cư trú bất hợp pháp, bị xử lý theo quy định pháp luật của nước sở tại. Việc xuất cảnh trái phép sẽ phải qua những con đường nguy hiểm còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn, người dân khi có ý định đi làm việc tại nước ngoài phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và chỉ đi xuất khẩu lao động qua các công ty, đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động nhằm tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mai Ngọc
.
.