Bên trong những thùng xe cơi nới
T. dẫn tôi vào khu mỏ, một vùng khai thác đá xây dựng đang bụi mù mịt, ầm ầm tiếng máy. 2 cỗ máy nghiền đá cao sừng sững đang “nhai” vỡ rôm rốp từng tảng đá lớn. Đá thành phẩm được đùn ra từ phễu nhai, chuyển sang hệ thống băng tải rồi đổ xuống thùng xe chở đi. Trên cung đường ra vào mỏ, kìn kìn từng tốp xe tải “hổ vồ” với thùng sau đã được gia cố để tăng thể tích, đang lặc lè chở hàng ra máng rót bên bờ sông cách đó chừng 2 km để đổ xuống sà lan đang chờ sẵn. T. bảo việc cơi nới thùng xe ở đây là “chuyện đương nhiên”, vì nếu chở theo đúng cấu hình xuất xưởng, sẽ không đủ tiền dầu (!?).
Ngọn ngành chuyện cơi nới
Là chủ của đoàn xe tải chuyên chạy hàng cho các mỏ khai thác đá, T. am tường đến từng chi tiết trong nghề vận chuyển. Chỗ thân tình nên anh chia sẻ chẳng giấu giếm những chuyện “bếp núc” của nghề. T. bảo, gần như 100% nhà xe vận tải hàng hóa đều nâng thể tích thùng xe để tăng khối lượng hàng hóa có thể chuyên chở.
“Một chiếc xe nguyên bản, theo đúng thiết kế ban đầu thì thùng chứa hàng cao khoảng 60cm và trọng tải hàng hóa theo quy chuẩn chỉ khoảng 15 tấn. Nếu vận chuyển hàng trên cung đường khoảng 30km, hạch toán tất cả các chi phí từ tiền dầu, tiền công lái xe, tiền phí đường bộ, tiền khấu hao lốp và máy móc, tiền “luật lá” dọc đường, chưa kể tiền lãi trả ngân hàng khi vay mua xe... thì giá cước vận chuyển không đủ bù chi. Bọn em chỉ còn cách gia cố, cơi nới thành thùng để tăng chiều cao, chiều dài thùng xe nhằm tăng thể tích, nâng khối lượng hàng hóa chuyên chở. Đa số xe tải được gia cố là loại xe “hổ vồ” (Howo - PV) nhập từ Trung Quốc, gồm loại 3 “chân” và loại 4 “chân”, với loại thùng đúc và loại thùng vuông. So với cấu hình thiết kế, sau khi gia cố thành thùng xe cao hơn 1 mét, nâng khối lượng hàng hóa chuyên chở tăng lên 2-3 lần. Như vậy mới đảm bảo nhà xe có lãi sau khi trừ các chi phí”.
Nói về việc cơi thùng, nâng tải, T. cho biết, các cơ sở bán xe “hổ vồ” chính là nơi liên hệ gia cố thùng xe theo yêu cầu của khách. Nơi gia cố là những xưởng cơ khí có quan hệ “bạn hàng” thân thuộc với điểm bán xe. Giá vật tư, công xá cho mỗi thùng xe gia cố kiểu có thành thủy lực nâng hạ quãng 40-50 triệu đồng/thùng. Thùng gia cố kiểu này khá cơ động. Khi không chở hàng, thành xe được hạ xuống như nguyên trạng nên qua mắt được cơ quan chức năng.
Điều T nói là có lý, như chiếc xe tải trong vụ lật đè xe con khiến 3 người tử vong ở tỉnh Hòa Bình mới đây, kích thước thực tế của lòng thùng xe tải cao so với thông số kỹ thuật ban đầu 1,13m, dài hơn 28 cm. Cụ thể, theo đo thực tế tại hiện trường sau tai nạn, thùng xe tải BKS 29H-770.16 có chiều dài 6,78 m; rộng 2,31 m và cao 1,85 m. Trong khi theo giấy chứng nhận đăng kiểm, xe tải này mang nhãn hiệu CNHTC, sản xuất năm 2021 tại Trung Quốc, được phép chở 2 người (kể cả người lái), được chuyên chở 13,1 tấn; lòng thùng xe có kích thước (chiều dài) 6,5 m x (rộng) 2,3 m x (cao) 72 cm. Có thể thấy, thùng xe thực tế có chiều cao cơi nới gấp 2 lần so với chứng nhận đăng kiểm.
Những chiếc xe quá khổ, quá tải như thế vẫn đang ngày đêm tung hoành, bằm nát các tuyến đường, đồng thời là nguy cơ hiện hữu đối với người tham gia giao thông. Vụ xe quá tải lật đè ô tô 4 chỗ bẹp rúm khiến 3 người tử vong tại Hòa Bình ngày 4-6 mới đây là một điển hình về hiểm họa do loại “hung thần xa lộ” này gây ra.
Vấn đề bấy lâu dư luận quan tâm là làm thế nào mà tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn “lọt lưới” đăng kiểm cùng lực lượng chức năng trên đường? Lời giải thích của T. đã hé lộ những “bí ẩn” xung quanh hiện tượng này.
Vì đâu “hung thần” lọt lưới?
T. bảo, các nhà xe không thiếu gì cách để xe cơi nới vượt qua vòng đăng kiểm định kỳ. Có thể trước khi đưa xe đi đăng kiểm, họ tháo dỡ phần cơi nới ra, đăng kiểm xong thì hàn lắp lại. Tiền công hạ dỡ và lắp đặt lại phần cơi khoảng 4-5 triệu/lần. Một cách khác là thuê thùng xe theo đúng cấu hình kiểm định lần đầu (nguyên trạng) để lắp vào xe rồi mang đi đăng kiểm. Ngoài ra, nếu có “quan hệ” tốt với nhân viên đăng kiểm thì khi đi đăng kiểm định kỳ vẫn đánh xe đã gia cố đến cũng “chẳng làm sao”. Tất nhiên, trong trường hợp này, số tiền “để quên” trên ghế lái từ khoảng 1,5 triệu trở lên, tùy thuộc vào “chất lượng của quan hệ”. Nếu mà xảy ra chuyện gì dẫn đến bị thanh tra, kiểm tra, bên đăng kiểm vẫn “cãi” được bằng việc trưng ra hình ảnh chụp chiếc xe hồi còn nguyên trạng, rồi lập luận việc cơi nới là do nhà xe tự làm sau khi đăng kiểm. T. còn thì thào về việc có những chỗ bán xe “bao trọn gói” từ cơi thùng đến đăng kiểm, khách hàng chỉ việc trả tiền.
Thông qua cửa đăng kiểm rồi nhưng để những chiếc xe quá khổ, quá tải chạy được trên đường thì nhà xe phải tuân theo những “luật bất thành văn” nữa. “Luật” này mỗi nơi thu một kiểu chứ không thống nhất. Tôi gặng hỏi về những khoản “phí” ngoài quy định của Nhà nước thường phải đóng cho ai, nhưng T. chỉ trả lời bằng nụ cười ranh mãnh. Rồi anh kể từ rất lâu rồi có đoàn xe tải dán lô gô có 3 chữ cái in hoa ở đầu xe, chở cả trăm tấn hàng mỗi chuyến mà vẫn nghễu nghện trên các cung đường. “Hẳn là phải có tay to chống lưng thì mới ngang nhiên thế” - T nhận định.
Một chiêu trò để tránh việc bị xử lý xe quá khổ, quá tải hiện đang được các nhà xe áp dụng, đó là thuê đội ngũ “chim lợn” để đi trước dò đường, “tăm tia” xem có bóng dáng CSGT, thanh tra giao thông hay không. Nếu trên cung đường vận tải không có bóng dáng lực lượng chức năng thì xe mới xuất phát, còn có bóng dáng của họ thì lái xe “nằm im, thở khẽ”. Tiền công mỗi “hoa tiêu” được nhà xe trả vào khoảng 500 nghìn đồng/xe/ngày. Cách này xem ra khá hiệu quả. Vì lợi nhuận, nhà xe không từ thủ đoạn nào để những chiếc xe quá khổ, quá tải vẫn ngày ngày bằm nát các cung đường.
Thấy đoàn xe đang lặc lè nối đuôi nhau đi xuống máng rót nằm trên bờ sông, để trút đống đá thành phẩm xuống sà lan, tôi hỏi T. đợt cao điểm xử lý phương tiện cơi nới, chở hàng quá tải, quá khổ có “làm khó” việc làm ăn của anh không? T. mỉm cười rồi đưa cho tôi xem một tờ mẫu giấy cam kết mà công an xã vừa gửi về tận nhà. Trong giấy in sẵn cam kết của chủ xe, lái xe về việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tự nguyện phá dỡ, hạ tải đối với những phương tiện đã cơi nới, nâng tải. T. nói “Ký thì vẫn ký nhưng em kệ thôi, vì xe em chạy trong phạm vi mỏ, ra đến máng rót ở bến sông chứ có ra quốc lộ đâu mà lo. Với lại ở trong mỏ thì giao thông nào vào mà kiểm tra”.
Nói thì mạnh miệng vậy nhưng nỗi lo lắng vẫn không giấu được trên nét mặt T. Việc rà soát xe quá khổ, quá tải được triển khai về tận cấp xã có thể là cách làm hiệu quả hiện nay, vì tác động trực tiếp đến ý thức của các chủ xe. Đứng trước nỗi lo bị phạt tiền rất nặng nếu tiếp tục tái phạm lỗi này, nhiều người trăn trở trước bài toán cân đối giữa tiền cước và chi phí vận tải.
Hy vọng từ sự quyết liệt
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã liên tiếp có các đợt cao điểm kiểm soát, xử lý xe quá tải. Từ đầu năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó, tăng nặng mức xử phạt với hành vi vi phạm tải trọng xe.
Trung tá Lê Đức Thọ (Phòng 8, Cục CSGT) cho biết hiện chế tài đã có đầy đủ nhưng trên thực tế còn nhiều nguyên nhân khiến việc kiểm soát và xử lý các vi phạm xe quá tải gặp nhiều khó khăn. Đó là hệ thống trang thiết bị chưa đồng bộ, lái xe tìm đủ mọi cách chống đối, chây ì, cố thủ trên cabin ôtô, cá biệt có trường hợp hơn 8 tiếng mới xuống làm việc, trong khi đó lực lượng chức năng mỏng, không thể kiểm soát hết các tuyến đường được... Khó nhất hiện nay là không thể hạ tải ngay trên quốc lộ dẫn đến khó khăn cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông, sáng 20-6 vừa qua, Cục CSGT đã tổ chức lễ ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó trọng tâm là xử lý phương tiện cơi nới, chở hàng quá khổ, quá tải. Đợt cao điểm sẽ kéo dài trong 3 tháng, từ 20-6 đến 20-9.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an thì trong đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông này, công an các đơn vị từ trung ương tới xã, phường, thị trấn sẽ tổng rà soát các tuyến xe tải chở vật liệu xây dựng, bến bãi, mỏ đất, mỏ cát, công trình xây dựng; vận động từng doanh nghiệp, nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô... chấp hành nghiêm việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thùng xe. Đối với xe nâng tải, cơi nới sẽ phải hạ tải, cắt thùng thì mới được phép tiếp tục lưu thông. Khi xử lý vi phạm, lực lượng chức năng sẽ cương quyết cưỡng chế tháo, cắt thùng xe về đúng thiết kế đã được phê duyệt, buộc hạ tải với xe quá tải mới cho phép tiếp tục lưu hành. Ngoài ra, Cơ quan công an sẽ thông báo tới cơ quan đăng kiểm để yêu cầu chủ xe kiểm định lại.
Theo chân tổ công tác của Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Hà Nội) thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm giao thông tại một số tuyến đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi thấy nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm. Đối với các trường hợp chống đối, cản trở công vụ, tổ công tác tiến hành niêm phong, cẩu xe đưa về áp dụng biện pháp cưa, cắt thùng phương tiện đúng theo kiểm định.
Thiếu tá Trần Văn Dũng cho biết đơn vị đã cử 4 ca, hoạt động cả ngày. Quá trình làm việc, 100% cán bộ, chiến sĩ đã được quán triệt không nghe điện thoại của lái xe và kiên quyết xử lý theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhận xét về biện pháp cắt thùng xe, Trung tá Lê Đức Thọ cho biết cần kiên quyết thực hiện Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đó là ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Nếu phạt cho tồn tại thì các xe quá tải tiếp tục chạy gây hư hại đường sá, nguy hiểm cho người khác. Đồng thời, không thể trông đợi vào sự tự giác của chủ xe cơi thùng.
Được biết, chỉ sau 1 tuần ra quân thực hiện cao điểm, cơ quan chức năng đã xử lý gần 2.700 xe cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng, phạt tiền gần 12 tỷ đồng, trong số vi phạm có 530 xe phải hạ tải, 290 xe bị cưỡng chế cắt thùng và 45 xe bị thông báo cho cơ quan đăng kiểm đề nghị kiểm định lại. Con số này gấp nhiều lần các tuần bình thường, khi không có đợt cao điểm xử lý.