Bi kịch sau giấc mơ sang Campuchia “việc nhẹ lương cao”: Hãy “nghĩ trước, bước sau”

Thứ Tư, 06/07/2022, 10:00

Nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm việc làm của công dân là hoàn toàn chính đáng, pháp luật không nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc công dân xuất cảnh trái pháp luật sang nước ngoài làm việc là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hãy “Nghĩ trước bước sau” là trang facebook và kênh Zalo của Tổng đài 111 cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài mà người dân có thể tìm hiểu, tham khảo để có được những thông tin bổ ích, thiết thực về lao động, việc làm ở nước ngoài.

Cánh cửa xuất khẩu lao động luôn rộng mở

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có trên 95.500 người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; hiện đang có trên 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Một số thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động là Đài Loan, Nhật Bản, Rumania, Saudi Arabia, Hàn Quốc... Hằng năm số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về tỉnh khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đi lao động ở nước ngoài mà không thực hiện theo các quy định pháp luật của Nhà nước là vi phạm pháp luật. Đồng thời, không được cơ quan nào bảo hộ, quản lý nên sẽ gặp rủi ro rất lớn, phải làm việc ở nơi vất vả, độc hại, nguy hiểm, thu nhập không cao. Vì vậy, đối với người lao động, khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì nên đến các doanh nghiệp, cơ sở có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động để được tư vấn, tìm kiếm việc làm theo nhu cầu, phù hợp với người lao động”.

Cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm và nạn mua bán người, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xuất khẩu lao động; thông tin tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách về hoạt động xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, ban chỉ đạo xuất khẩu lao động đã được thành lập ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Bên cạnh đó có trên 36 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài đang về các địa phương để tuyển dụng lao động. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin, tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp nếu chịu tìm hiểu và có nhu cầu đi lao động nước ngoài chính ngạch, giảm rủi ro cho người lao động.

Bài cuối: Hãy “nghĩ trước, bước sau” -0
Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đề nghị người lao động cần nâng cao cảnh giác.

Các cơ quan chức năng đã lựa chọn doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu có các đơn hàng phù hợp với nhu cầu người lao động tham gia tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các doanh nghiệp công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Việc phát triển các thị trường mới, ổn định, có thu nhập cao cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho vay xuất khẩu lao động, ưu tiên các đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Các phiên giao dịch việc làm được các trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty tổ chức thường xuyên, tìm tới tận các thôn bản để tìm kiếm lao động, kết nối cung - cầu lao động. Vấn đề là trước khi ra nước ngoài làm việc, người lao động cần chuẩn bị thật kỹ trước khi quyết định và lựa chọn cho mình một hướng đi, một công việc phù hợp. “Nghĩ trước bước sau” đó là thông điệp hết sức ý nghĩa để người dân cân nhắc trước tương lai, vận mệnh của mình, của người thân.

Theo quy định của pháp luật, những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam; những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam.

Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Việt Nam và Campuchia đã có thỏa thuận đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và tạo điều kiện cho những người lao động đã được cấp giấy tờ lao động được tiếp tục làm việc, sinh sống hợp pháp. Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng có thể đi làm việc tại Campuchia theo kênh chính thức do một số doanh nghiệp đưa đi theo hình thức nhận thầu, trúng thầu, đầu tư ở Campuchia. Nên những thông tin tuyển dụng sang Campuchia “Việc nhẹ, lương cao”, thu nhập nghìn USD, không cần hợp đồng đều là những thủ đoạn lừa đảo, người dân cần phải đề cao cảnh giác, không nghe, không tin để tránh bị lừa đảo. Ngoài ra, hiện nay Thanh Hóa đang là tỉnh phát triển mạnh, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng lao động là rất lớn, người lao động có thêm nhiều cơ hội để có việc làm và thu nhập ổn định ngay ở trong nước, trong tỉnh mà không phải “đánh cược” với những rủi ro khi lựa chọn con đường xuất cảnh đi Campuchia hay các nước khác để lao động trái phép.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Trước thực trạng nhiều nạn nhân bị lừa bán vào các cơ sở lao động trái pháp luật ở Campuchia và bị khống chế đòi tiền chuộc, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: “Thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, hoạt động xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ sang Campuchia được hai nước tổ chức hoạt động trở lại, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia (hợp pháp và bất hợp pháp) làm việc, du lịch, đầu tư, kinh doanh có chiều hướng ngày càng gia tăng, một bộ phận là nạn nhân của hành vi lôi kéo, lừa gạt với hình thức phổ biến là tìm việc nhẹ nhàng, lương cao, sau đó được các đối tượng hướng dẫn hoặc trực tiếp dẫn dắt qua Campuchia trái phép (bằng đường mòn, lối mở hoặc đường sông). Sau khi qua Campuchia, số này bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động đánh bạc trực tuyến, kêu gọi đầu tư, nhân viên điều hành các trang web kêu gọi đánh bạc, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng (thực chất là hoạt động lừa đảo) bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Chủ yếu trong số này là công dân Việt Nam trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia, bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác, bắt phải tuyển mộ lao động mới để thay thế hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang các cơ sở khác nhau. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại các khu vực Bà Vẹt (tỉnh Svayrieng), Banteay Meanchay (tỉnh Poipet), thành phố Shihanoukvile (tỉnh Preah Shihanouk), Chrey Thom (tỉnh Kandal) và tại thành phố Phnompenh.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ, xử lý nhiều đường dây, tổ chức, đối tượng đưa người trái phép sang Campuchia, phối hợp cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia xác minh, giải cứu các trường hợp công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cưỡng đoạt tài sản. Một số địa phương ngăn chặn, đấu tranh xử lý có hiệu quả như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Đồng Nai, Tây Ninh...

Thời gian tới, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và hậu quả khi xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, đồng thời đấu tranh, xử lý các đường dây, đối tượng môi giới, dẫn dắt, tuyển mộ đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, có dấu hiệu phạm tội mua bán người, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; tăng cường công tác hợp tác với các cơ quan chức năng Campuchia trong bảo hộ công dân, giải cứu các nạn nhân bị cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội đang lẩn trốn tại địa bàn Campuchia.

Bài cuối: Hãy “nghĩ trước, bước sau” -0
Công dân trên địa bàn huyện Như Xuân, Thanh Hóa đến các sàn giao dịch việc làm tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là giới trẻ thường xuyên tiếp cận và sử dụng thông tin trên mạng xã hội cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội, cần xác định việc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là hành vi vi phạm pháp luật, tự nhận thức năng lực, trình độ của mình có tương xứng với mức lương mà các đối tượng đưa ra hay không...

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho Cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa gạt tuyển mộ công dân Việt Nam sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” song thực chất là xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bị cưỡng bức lao động, ngược đãi và bị cưỡng đoạt tài sản”.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: +855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484.

Đình Hợp - Đinh Hiền
.
.