Bình ổn thị trường gạo thế giới

Thứ Hai, 04/09/2023, 16:14

Giá gạo thế giới có chiều hướng tăng liên tục kể từ tháng 9/2022. Giới chuyên gia cho rằng những nguyên nhân như nguồn cung phân bón không ổn định, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến sản lượng gạo, các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát lạm phát lương thực… đã dẫn đến niềm tin thị trường yếu, thậm chí thương lái tích trữ, đẩy giá gạo ngày càng tăng cao.

Tác động trên diện rộng

Tháng trước, Nga đã tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Điều này phần nào tác động tới tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ra thế giới cũng như thị trường lương thực toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lúa mì quốc tế tăng 1,6% trong tháng 7, lần đầu tiên tăng trong vòng 9 tháng gần đây, do sự không chắc chắn về xuất khẩu của Ukraine. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng khiến nguồn cung phân bón không ổn định, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của nông dân.

Theo giới phân tích, ở một mức độ nào đó, giá gạo tăng cao cũng là kết quả của sự co lại của thương mại toàn cầu. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các nước đang điều chỉnh tư duy chiến lược đối với thương mại: Tư duy toàn cầu hóa đang rút lui, trong khi tư duy tự cung tự cấp đang gia tăng. Hầu hết các nước đều ưu tiên nhiều hơn cho an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh lương thực, đồng thời mong muốn giảm sự phụ thuộc vào thương mại, thay vì tìm kiếm giải quyết vấn đề thông qua thương mại như trước đây.

Bình ổn thị trường gạo thế giới -0
Nông dân Ấn Độ trồng lúa.

Sau khi cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm 2022, ngày 20/7/2023 Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ). Đến ngày 25/8/2023, nước này bắt đầu áp thuế xuất khẩu bổ sung 20% đối với gạo. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% lượng xuất khẩu toàn cầu, nên một loạt động thái có liên quan của nước này đã khiến giá gạo quốc tế tăng cao. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Thái Lan, được dự báo sẽ đối mặt với mối đe dọa hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino tái xuất hiện vào nửa cuối năm nay. Hiện giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, trong khi giá gạo của Thái Lan và Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong hai năm.

Để ổn định niềm tin và giá gạo

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% cây trồng sử dụng nhiều nước này là ở châu Á, nơi hiện tượng thời tiết El Nino thường mang lại lượng mưa thấp. Tuy nhiên, ngay cả trước khi hiện tượng thời tiết này có thể làm gián đoạn sản xuất, chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO vẫn dao động trên mức cao nhất trong 11 năm. Tình hình chưa có gì biến chuyển bất chấp dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về sản lượng gần kỷ lục ở tất cả 6 nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. USDA cho biết dự trữ gạo toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 170,2 triệu tấn vào cuối niên vụ 2023-2024, do dự trữ tại các nhà sản xuất hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ giảm. Diện tích gieo trồng lúa vụ Hè tại Ấn Độ tính đến hết tháng 6 đã giảm 26% so với một năm trước do gió mùa mang đến lượng mưa ít hơn 8% so với bình thường.

Theo giới phân tích, nếu các nước xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới có thể đưa ra các biện pháp giúp ổn định niềm tin, giá gạo sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ không đến mức làm bùng phát một cuộc khủng hoảng lương thực. Các phân tích phổ biến cho rằng mặc dù giá gạo sẽ tiếp tục tăng, nhưng đa số các nước châu Á có thể chịu được tác động của nguồn cung gạo không ổn định. Nhà kinh tế Erica Cheng của Ngân hàng Maybank nhấn mạnh, các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia là những nước xuất khẩu ròng gạo, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới nhưng chỉ nhập khẩu 1% gạo, phần lớn từ Việt Nam và Myanmar. Do đó, Ấn Độ giảm xuất khẩu không ảnh hưởng đáng kể đối với Trung Quốc, nước có lượng dự trữ gạo rất lớn. Trong khi đó, báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu chính sách công Crawford thuộc Đại học quốc gia Australia (ANU) nhấn mạnh, vụ mùa bội thu năm nay của Việt Nam có thể bù đắp một số khoảng trống sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu.

Các chuyên gia lương thực cho rằng việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ gạo của các nước nhập khẩu chủ chốt là một khâu quan trọng trong việc ổn định thị trường và xu hướng giá cả. Các nước cũng có thể hành động để chống lại tình trạng thương lái tích trữ và đẩy giá lên cao. Giáo sư danh dự Timo của Đại học Harvard lấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 làm ví dụ. Khi đó Nhật Bản trở thành quốc gia then chốt bổ sung nguồn cung gạo thiếu hụt, giúp giá gạo trở lại trạng thái bình thường, tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.

Ông Timo cho rằng nếu Ấn Độ cam kết thực hiện đầy đủ hợp đồng cung ứng gạo với Indonesia thì có thể phát huy tác dụng trấn an thị trường. Trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo với Indonesia. Trên website Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Australia, ông Timo bình luận rằng: “Câu hỏi lớn nhất hiện nay là giá gạo sẽ tăng dần để người tiêu dùng có thể từ từ thích ứng với mặt bằng giá mới mà không hoảng sợ, hay giá gạo sẽ tăng vọt? Kể từ khi Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 7 đến nay, dường như không gây ra sự hoảng loạn nào, điều này cho thấy việc tăng giá gạo sẽ dần được kiểm soát”.

Giới phân tích lưu ý rằng giá gạo tăng vọt sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, đẩy giá thực phẩm tăng và chi phí thực phẩm sẽ trở nên cao hơn đối với các nước kém phát triển và các gia đình nghèo, chẳng hạn như ở các nước châu Á và châu Phi, nơi gạo là nguồn lương thực chính. Giá lương thực tăng cũng có thể kích thích thêm nhiều các chính sách bảo hộ, bao gồm các hạn chế xuất khẩu, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả. Chính vì vậy, để ổn định niềm tin và giá gạo, rất cần ý chí chính trị của mỗi quốc gia.

Nguyễn Thành
.
.