Bình yên cho cao nguyên đá
Hang Kia, Pà Cò là hai xã người Mông duy nhất của tỉnh Hòa Bình. Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù che phủ, Hang Kia, Pà Cò hiện nay đã có nhiều đổi khác, trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng của nhiều du khách. Hơn chục năm trước, mảnh đất cao nguyên đá xinh đẹp này từng là “vùng đất chết”, ám ảnh bởi ma túy, thuốc phiện và là nơi diễn ra những trận đánh sống còn với tên trùm ma túy khét tiếng.
Trận chiến kinh hoàng
Đã qua 14 mùa ban trắng, ký ức về trận chiến kinh hoàng mảnh đất cao nguyên đá này vẫn phảng phất nỗi đau tột cùng trong tâm trí Phó trưởng Công an huyện Mai Châu Hà Văn Vân. Vẫn biết cuộc chiến chống tội phạm ma túy là trận chiến không khoan nhượng “một mất, một còn”, cuộc chiến với những kẻ gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội. Song, hiếm có trận đánh nào mà lực lượng Công an tổn thất nặng nề đến thế. Máu đào thấm đẫm mảnh đất cao nguyên càng khẳng định quyết tâm xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc nhân dân. Đó chính là điều mà toàn lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình hướng đến để tiếp bước các anh hùng liệt sĩ.
Thượng tá Hà Văn Vân kể: Từ xa xưa, người dân tộc Mông có truyền thống trồng và hút thuốc phiện. Thói quen đó thấm sâu vào tiềm thức và là món ăn tinh thần không thể thiếu. Trước diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy, Đảng, Nhà nước chủ trương loại bỏ cây thuốc phiện, thay thế bằng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sau khi cây thuốc phiện bị triệt phá, từ năm 1997, ở Hang Kia, Pà Cò bắt đầu xuất hiện hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. Với địa thế tiếp giáp biên giới Việt - Lào và khu vực “tam giác vàng” trọng điểm ma túy của thế giới, ma túy thẩm lậu vào nội địa, hình thành các đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia với số lượng cực lớn. Địa bàn Hang Kia, Pà Cò được các tên trùm ma túy lựa chọn để tập kết, trung chuyển các đường dây ma túy. Đó chính là nguyên nhân khiến tội phạm ma túy người địa phương rất cao.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Hòa Bình, trong số 13 bản của Hang Kia, Pà Cò thì có đến 8 bản là “điểm nóng” về ma túy. Tính từ tháng 1/1998 cho đến tháng 3/2009, trên địa bàn 2 xã đã có 10 đối tượng bị kết án tử hình về tội ma túy. Trong đó, Hang Kia là 8, Pà Cò có 2 đối tượng và 24 đối tượng bị kết án tù chung thân, 58 đối tượng bị kết án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống. Lượng ma túy bị bắt quả tang thu giữ và qua điều tra, chứng minh làm rõ do các đường dây, đối tượng tại địa bàn 2 xã tham gia mua bán, vận chuyển lên tới hàng trăm bánh heroin.
Thời điểm năm 2010, trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn 17 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về tội buôn bán ma túy, riêng Hang Kia có 12 đối tượng. Trong đó, trùm ma túy Vàng A Khua, sinh năm 1956, ở xóm Hang Kia 1 là đối tượng bị truy nã đặc biệt.
Sau khi đường dây mua bán, vận chuyển ma túy của Vàng A Khua bị lực lượng chức năng chặt đứt, Vàng A Khua bỏ trốn và Công an tỉnh Hòa Bình phát lệnh truy nã đặc biệt. Khi nắm được nguồn tin Vàng A Khua có mặt tại địa phương, sáng 5/2/2010, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Mai Châu tổ chức vây bắt đối tượng. Phát hiện bị bao vây, Vàng A Khua đã cố thủ trong nhà và dùng súng AK bắn chết con trai là Vàng A Của (giáo viên Trường Tiểu học xã Hang Kia) và nhả đạn liên tiếp vào lực lượng vây bắt làm Đại tá Hà Thái Yềm - Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, Thượng úy Bùi Quốc Đại - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trung úy Sùng A Trư - cán bộ Công an huyện Mai Châu hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Lực lượng Công an tiêu diệt đối tượng ngay sau đó. Người nhà đối tượng kích động dân địa phương đập phá tài sản, uy hiếp, cản trở khiến lực lượng Công an rất vất vả để ổn định tình hình...
Kể lại câu chuyện trên, chúng tôi thấy nét trầm tư trên khuôn mặt Thượng tá Hà Văn Vân, mắt anh đỏ hoe, ngấn lệ. Có lẽ, với anh và các đồng đội, đó là mất mát không thể bù đắp. Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ là tấm gương sáng ngời, tiếp thêm sức mạnh cho toàn lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình trên trận tuyến bảo vệ an ninh, trật tự. Tinh thần ấy được người dân kể mãi!
Những chiến sĩ Công an bám bản
Đến Hang Kia và Pà Cò mới thấy được cái gian nan của những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở miền sơn cước. Một ngày phải đi bộ đến vài chục cây số, vượt núi đá, đường rừng để làm nhiệm vụ. Trưởng Công an xã Pà Cò Vàng A Nhà là người dân tộc Mông, anh hiểu rõ những phong tục, tính cách của bà con dân bản mình nên việc tiếp cận rất thuận lợi. Nói vậy, nhưng công việc vận động bà con tự nguyện đi cai nghiện cũng không hề đơn giản. Có người bị nghiện ma túy, thấy bóng dáng cán bộ là chạy lên rừng trốn.
Sùng A Giàng ở bản Xà Lĩnh, xã Pà Cò là người như vậy. Khi cán bộ đến vận động, Giàng khăng khăng “tao không đi đâu cả, tao vẫn khỏe”. Sau nhiều lần trốn tránh, khi nghe cán bộ nói về tác hại “con ma” ma túy chỉ làm hại người, Giàng đã tự nguyện xin “cán bộ cho tao đi chữa bệnh”. Giàng sinh năm 1967, vợ hơn anh 1 tuổi, cũng bị nghiện ma túy như chồng. “Không được, vợ mình cũng nghiện như mình, không để nó ở nhà được, phải cho nó tránh xa ma túy ngay thôi” - Giàng nói với cán bộ. Giờ đây, vợ chồng Giàng và bà con ở bản đang cùng nhau đoạn tuyệt với ma túy ở Trung tâm chữa bệnh, giáo dục tỉnh Hòa Bình.
Theo Trưởng Công an xã Pà Cò Vàng A Nhà, khó khăn lớn nhất đối với công an cơ sở là phải bám sát địa bàn, nắm chắc nhân, hộ khẩu và di biến động của người dân. Công an xã chính là lực lượng nòng cốt, giúp đảm bảo an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, “4 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào) để xây dựng, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Thế nhưng, do địa bàn rộng, chủ yếu là núi đá hiểm trở, đèo dốc. Đặc biệt, Hang Kia, Pà Cò tiếp giáp với biên giới Việt - Lào và khu vực “tam giác vàng”, nơi có trữ lượng ma túy cực lớn nên các đối tượng thường đi đường rừng sang Lào để mua ma túy về tiêu thụ. Với lực lượng mỏng, địa bàn rộng, để đến các xóm, bản, cán bộ Công an phải đi bộ cả ngày trời. Có vụ việc khi cán bộ cần xác minh gấp, đến nơi thì đối tượng đã cao chạy xa bay hoặc bỏ trốn lên rừng.
Khó khăn là vậy, song theo đánh giá của ông Khà A Lau - Chủ tịch UBND xã Hang Kia, từ khi Công an chính quy về địa phương, tình hình an ninh, trật tự có sự thay đổi rõ rệt. Với nghiệp vụ bài bản, chuyên sâu, các đồng chí đã giúp chính quyền địa phương tổ chức phong trào bảo vệ an ninh, trật tự từ các xóm, bản. Các mô hình tự quản về an ninh được sốc lại, hoạt động hiệu quả hơn. Từng thành viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức rõ vai trò của mình. Chủ động đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự thay vì Công an phải cầm tay, chỉ việc như trước đây. Các buổi tuyên truyền pháp luật được lồng ghép với các buổi họp dân thu hút đông người dân tham gia. Qua đó, nhân dân đã tích cực tố giác, cung cấp tin báo giúp cán bộ phát hiện, giải quyết ngay tại cơ sở. An ninh, trật tự được đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng để nâng cao năng suất làm màu mỡ mảnh đất khô cằn nơi cao nguyên đá.
Nhịp sống mới trên cao nguyên
Trong đời sống tâm linh đồng bào Mông có cây kiếm thờ là vật “hội tụ” linh hồn ông bà tổ tiên, là những vật bất ly thân từ nhiều đời nay của họ. Họ dùng súng để bắn báo hiệu, vì nhà nọ với nhà kia cách nhau cả quả đồi... Họ dùng súng để bắn trong đám ma, để đuổi ma tà, đưa linh hồn người chết siêu thoát. Họ dùng súng để đi rừng, kiếm sống và tự vệ. Việc sử dụng súng tự chế đối với một số đồng bào vùng dân tộc có tâm lý vừa thể hiện sự trưởng thành của người đàn ông, vừa khẳng định uy quyền, vị trí của gia đình cũng như cá nhân người sử dụng. Theo thống kê, cả 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn hàng ngàn khẩu súng tự chế lưu hành trong nhân dân. Đây là mầm mống phát sinh tội phạm, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Công an huyện Mai Châu tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện giao nộp súng tự chế. Ông Sùng A Giống là người có uy tín trong đồng bào Mông xóm Pà Háng Lớn. Để làm gương, ông tự nguyện giao nộp khẩu súng như “vật gia bảo” để lại từ nhiều đời nay. Sự kiên trì của ông dần có kết quả. Người dân nhận ra rằng, nếu số vũ khí, vật liệu nổ kia không được quản lý chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới chính cuộc sống bình yên của người dân. Khi biết thông tin anh Sùng A Páo (người dân trong xóm) hiện đang cất giữ một khẩu súng quân dụng. Ông Giống đã nhiều lần trực tiếp tới gia đình A Páo tìm hiểu, đồng thời vận động, thuyết phục để A Páo nhận ra việc tàng trữ vũ khí quân dụng là vi phạm. Ông đã kiên trì tác động, thuyết phục bằng tình làng, nghĩa xóm. Sau đó không lâu, A Páo nhận ra sai lầm và tự giác tới UBND xã Pà Cò giao nộp 1 khẩu súng AK và 1 hộp tiếp đạn...
Từ tấm gương điển hình của ông Giống, cấp ủy, chính quyền xã Hang Kia đã nhân rộng ra toàn xã. Các già làng như: Sùng A Xa, Sùng A Dễ ở xã Pà Cò, Vàng A Tình ở xã Hang Kia... đều là nhân tố tích cực trong vận động người dân giao nộp vũ khí, vận động con cháu chấp hành các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, tội phạm ma túy giảm hẳn, số người nghiện tự nguyện cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh tăng lên, số người bị kết án tù, bị truy nã được kiềm chế, không phát sinh đối tượng mới. Tháng 7/2022, Hang Kia và Pà Cò chính thức được Bộ Công an đưa ra khỏi diện xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Đó là sự ghi nhận nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, cũng như thoát khỏi tiếng xấu “vùng đất chết” bấy lâu nay.
Vùng đất từng là “thủ phủ” ma túy nay đã khoác lên mình diện mạo mới, nhịp sống trở nên rộn ràng hơn. Những ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, vững chãi, những homestay độc đáo sẵn sàng đón khách du lịch, đường sá được bê tông hóa, sạch đẹp, thông thoáng. Sự đổi thay này nhờ chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng, hình thành các chuỗi liên kết vùng gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm, sản vật đặc sắc địa phương.
Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Lau phấn khởi cho biết: Hang Kia, Pà Cò có địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống những năm 50 thế kỷ trước, cuộc sống bà con vô cùng khó khăn, cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm. Giờ đây, người Mông nơi đây không chỉ biết trồng ngô, trồng lúa trên nương, trên rẫy nữa mà còn biết làm du lịch, xây dựng homestay để đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm... phục vụ dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Những con đường trải nhựa tới tận thôn, bản, các mặt hàng tiêu dùng cung ứng đủ cho nhân dân địa phương. Cuộc sống đổi thay trên mảnh đất cao nguyên đá thực sự là tín hiệu mừng sau những ngày “bão tan”.