Bình yên trở lại với Cư Kuin
Những thôn buôn sau mấy ngày náo động đã trở lại bình yên, nhà nhà lại lên nương rẫy, sắp trẻ rộn ràng chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè và sách vở, áo quần năm học mới, những âu lo đã đổi lại bằng niềm tin.
Giữ vững lòng tin
Nắng chiều trải vàng trên bình nguyên Cư Kuin (Đắk Lắk), nơi những suối những sông đổ vào nhiều mảnh hồ lấy nguồn nước để người dân trồng cấy cây lương thực, tưới tiêu cho những rẫy cà phê, cao su, tiêu... ra mùa trái ngọt, để người dân sống ngày một sung túc hơn. Trong những căn nhà gỗ thoang thoảng thơm của lúa mới và rượu ghè, những nụ cười đã vui lên sau những ngày náo động vừa qua. Các xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) bây giờ, nhịp sống bình yên đã trở lại. Các tuyến đường đông đúc người, xe, hàng quán mở cửa, người dân hăng hái ra đồng, lên nương rẫy sản xuất.
Ông Y Jo Niê (sinh năm 1962, Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) thoáng chút buồn khi nhắc tới những ngày vừa qua. Trong mắt ông, có cả một chút thất vọng xen lẫn rụt rè: “Họ từ đâu đến chứ không phải người buôn mình, không phải người mấy buôn quanh đây. Lâu rồi, người trong buôn luôn tin theo Đảng, theo cán bộ, theo chính sách của Nhà nước. Nhờ có nhiều chính sách của Nhà nước mà người trong các buôn mới có cuộc sống đủ đầy như thế này, trẻ em được đi học, người của buôn làm ăn có cái để dành, sắm sửa được đồ đạc trong nhà, được vui chơi và tham dự nhiều lễ hội. Vui vì sự đổi thay của quê hương này lắm, có ai nghĩ tới chuyện khác làm gì!”. Ông Y Jo Niê như bộc bạch, như giãi bày, như cả một chút tiếc nuối thay cho cho cả những người đã phạm sai lầm để gây nên sự việc vừa qua, làm ảnh hưởng tới tình đoàn kết của những người Ê Đê, người Gia Rai, M’Nông... trên miền cao nguyên này.
Không chỉ ông Y Jo Niê, nhiều người khác từ già làng, những người có uy tín, tới cán bộ thôn buôn hay trong xã đều cảm thấy xót xa và tiếc nuối, buồn phiền và thất vọng khi sự việc xảy ra. Nhưng, trong những câu chuyện của họ, vẫn dào dạt niềm tin vào chính quyền, vào chính sách của Nhà nước, vào những việc làm của lực lượng vũ trang những ngày vừa qua, nhất là sự đoàn kết một lòng của các thôn buôn, của người buôn trong buôn ngoài, của nhân dân và chính quyền địa phương. Mà sự thật, như già làng Y Kuă Ênuôl ở buôn Chiết (xã Ea Tiêu) bộc bạch, thì người trong buôn không chỉ nấu cơm, nấu mỳ, mang nước cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, còn phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm, thắt chặt vòng vây, vận động nhiều đối tượng ra đầu thú. Đó không chỉ là trách nhiệm của công dân, mà còn là nghĩa tình của dân với Đảng, với nước, với chính quyền địa phương, với lực lượng chức năng.
Anh Hoàng Khải Hưng (người dân xã Ea Ktur) bộc bạch: “Lực lượng Công an đã làm quá tốt, nhanh chóng triển khai bắt giữ thành công các đối tượng. Đồng thời, chính quyền tuyên truyền cho người dân nên cũng bớt lo, yên tâm làm việc”. Còn bà HJuen Knul (50 tuổi, buôn Kram, xã Ea Tiêu) cũng từng tiếp xúc với lãnh đạo xã và chiến sĩ công an không may hy sinh nên vô cùng thương xót. Tuy vậy, chứng kiến những ngày qua lực lượng chức năng quên ăn, quên ngủ, ngày đêm thần tốc truy bắt các đối tượng, tăng cường các điểm chốt chặn bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ nên gia đình bà cũng yên tâm.
Trong những ngày náo động, không thiếu những hình ảnh người dân sát cánh cùng lực lượng chức năng, khi thì những bữa cơm nóng hổi, khi thì cốc nước mát lạnh, khi thì củ sắn củ khoai lót dạ trong đêm tuần tra, khi thì những cái ôm đầy nghĩa tình dành cho lực lượng chức năng. Khối đoàn kết dân tộc ấy được thể hiện không chỉ bằng những khẩu hiệu, những lời nói mà bằng những hành động cụ thể xuất phát tự trong mỗi người không ai có thể phủ nhận được. Tình quân dân, tinh thần đoàn kết, gắn bó đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa sự bình yên vốn có trở lại với cuộc sống của nhân dân.
Sau những ngày náo động, Cư Kuin đã trở lại bình yên. Sự bình yên trở lại trên các thôn, buôn của các xã Ea Tiêu, xã Ea Ktur và vùng lân cận chính từ niềm tin đã giúp nhân dân chung tay cùng lực lượng chức năng vây bắt tội phạm, trở thành hậu phương vững chắc khi đưa những hộp cơm nghĩa tình đến lực lượng bảo vệ chốt chặn hoặc chung tay sẻ chia, quyên góp, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sĩ, người dân bị nạn trong vụ việc. Rất nhiều người, không phân biệt chức vụ, không phân biệt công việc, không phân biệt thành phần dân tộc đều vững niềm tin mới. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều người dân ở hai xã lại tất bật cải tạo đất để chuẩn bị trồng cà phê. Những phần việc này họ dự định thực hiện từ vài hôm trước nhưng phải dừng lại do sự việc xảy ra. Thế nhưng, khi chứng kiến những nỗ lực của các lực lượng chức năng và cùng với công tác tuyên truyền, trấn an lòng dân của chính quyền địa phương, người dân đã an tâm trở lại nương rẫy. Nhiều hộ kinh doanh ở hai xã cũng yên tâm mở cửa buôn bán, sản xuất kinh doanh, đi làm nương rẫy, người dân không còn hoang mang mà càng thêm vững niềm tin.
Thay đổi cho Cư Kuin
Cư Kụin là một huyện thuần nông, có đông đồng bào các dân tộc sinh sống quần cư với nhau. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng bào Cư Kuin luôn một lòng theo Đảng, mặc dù đời sống còn gặp khó khăn nhưng bà con nơi đây đã đoàn kết một lòng cống hiến tài sản và nhân lực cho cách mạng, anh dũng ngoan cường nuôi giấu cán bộ. Sau ngày đất nước giải phóng, quân và dân Cư Kuin lại tích cực đấu tranh xóa bỏ Fulro, xây dựng kinh tế và phát triển xã hội.
Những năm gần đây, Cư Kuin tích cực xây dựng các xã nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, văn hóa, giải trí cho người dân. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mang đến một diện mạo mới khang trang cùng nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống ở huyện Cư Kuin. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng nông thôn của huyện Cư Kuin đã có sự thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện đã huy động trên 43 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có trên 150 km đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn đã được cứng hóa; 67 công trình thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho 85,5% diện tích cây trồng; có 30/56 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn huyện hiện có 11 hợp tác xã nông nghiệp, 10 tổ hợp tác, 32 nhóm sản xuất cà phê bền vững, 8 tổ thủy nông, 108 trang trại nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định, 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh, triển khai đến nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhiều phong trào thi đua hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới được phát động sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, phát huy sự gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và khích lệ người dân tham gia.
Có được sự đổi thay ấy, là nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, cùng sự đồng lòng đoàn kết của các thành phần dân tộc tại địa phương chung tay xây dựng đời sống ngày một nâng cao. Như tại xã Ea Tiêu hiện có 21 thôn, buôn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40%. Những năm qua nhân dân trên địa bàn xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt trên 45 triệu đồng, số hộ nghèo theo chuẩn mới còn 205 hộ (chiếm 3,82%). Hằng năm, 87% số gia đình của xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Xã Ea Tiêu cũng đang nỗ lực, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, hàng ngàn hộ nghèo tại xã đã được vay vốn chính sách để làm ăn, phát triển kinh tế. Tính đến ngày 31/5/2023, 1.938 hộ gia đình đã được vay vốn. Trong 5 tháng đầu năm 2023, trên 301 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Điển hình như buôn Chiết (xã Ea Tiêu) hiện có hơn 300 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, đều là người Ê Đê, chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cà phê xen hồ tiêu và một số loại cây ăn quả.
Già làng Y Kuă Ênuôl cho biết người dân trong buôn luôn đoàn kết, tích cực vươn lên làm ăn. Nhờ đó, đời sống ngày càng ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 34 triệu đồng/năm. Trong buôn hiện chỉ còn 8 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. “Từ sự đoàn kết, việc ban hành các chủ trương, chính sách, nâng cao đời sống cho từng hộ gia đình. Mọi người đoàn kết đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ sự đồng lòng, đoàn kết đó mà chúng tôi làm ăn ngày càng khấm khá! Chúng tôi luôn một lòng theo Đảng, thực hiện tốt các chính sách đoàn kết dân tộc để hướng tới sự phát triển”, già làng Y Kuă Ênuôl bộc bạch.
Còn xã Ea Ktur nằm cách trung tâm huyện Cư Kuin khoảng 6,3 km về phía Đông Bắc, có 19 thôn buôn với 4.148 hộ và 19.265 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số 1.301 hộ 6.652 khẩu chiếm 34,5%; bà con nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ... trong những năm qua đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Ngày 10/1/2020, xã Ea Ktur đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 theo Quyết định số 56/QĐ-UBND.
Những thành tựu ấy là sự chung tay của người dân, với những chính sách đoàn kết và phát triển cho đời sống người dân, thành quả ấy không thể phủ nhận được. Ông Nguyễn Kim May, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ktur cho biết, hiện tại đời sống và tâm lý của người dân trên địa bàn các thôn, buôn đã yên tâm và trở lại hoạt động bình thường. Nhìn lại vụ việc vừa xảy ra, rút ra bài học của tinh thần đoàn kết, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, vô hiệu hóa âm mưu gây mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm. Bài học của sự chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Còn những hành động man rợ, phản động cần được lên án mạnh mẽ và sớm xử lý nghiêm minh trước pháp luật.