Bít lỗ hổng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm
TP Hồ Chí Minh hiện có 3 chợ đầu mối: Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức, mỗi ngày cung ứng 70-80% thực phẩm cho các chợ nhỏ lẻ, trường học, các khu công nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, việc kiểm soát các điểm kinh doanh tự phát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm... là việc làm tất yếu, hết sức quan trọng, cấp thiết của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, gần đây xung quanh công tác này, cơ quan chức năng đã kiểm tra thực tế, phát hiện nhiều bất cập và lỗ hổng nghiêm trọng...
Nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ở phía Tây Bắc TP Hồ Chí Minh (thuộc xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) là một trong 3 chợ lớn nhất của TP Hồ Chí Minh, có vai trò là đầu mối cung cấp thịt heo và rau củ quả cho thành phố và các tỉnh lân cận.
Chợ đầu mối Hóc Môn hiện có khoảng 310 quầy hàng kinh doanh chủ yếu mặt hàng thịt heo, rau củ quả với số lượng lớn hoạt động liên tục 24/24 giờ hằng ngày. Lượng hàng hóa về chợ trung bình 2.350 tấn/ngày - đêm. Trong đó, rau củ quả khoảng 2.000 tấn; thịt heo khoảng 350 tấn (tương đương 4.500-5.000 con heo đổ về chợ mỗi đêm). Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu chợ này đang bị hàng trăm điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ bủa vây.
Theo ghi nhận, thời gian qua, mỗi ngày bắt đầu từ rạng sáng, hàng hóa được những xe tải, xe ba gác, xe máy chở đổ về. Các xe này không vào chợ mà hạ tải ngay ở giữa đường Nguyễn Thị Sóc và bên Quốc lộ 22. Sau đó, những người buôn bán tự phát bắt đầu soạn sạp, bày bừa hàng hóa đổ ra lòng đường, vỉa hè. Khu vực buôn bán tấp nập nhất là hai bên đường Nguyễn Thị Sóc, đường số 4, đường số 10, đường số 12 và Quốc lộ 22. Hàng hóa tập trung là rau củ quả, thịt heo lóc và nội tạng heo, có khi còn được bày bán tràn ra đường, khiến phương tiện giao thông đi vào chợ hoặc đi trên Quốc lộ 22 qua địa điểm này cũng bị ùn tắc...
Bà Nguyễn Thị Thương, một người dân cư trú ở xã Xuân Thới Đông cho biết, hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ đã diễn ra lâu này. Mỗi ngày, hàng trăm phương tiện, hàng hóa lấn chiếm lòng đường, cản trở việc đi lại của người dân và các xe ra vào chợ. Ngoài ra, rác thải, nước thải tràn ra đường... khiến những gia đình ở xung quanh chợ luôn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.
Ngoài người dân, những tiểu thương đang kinh doanh trong chợ cũng chịu thiệt hại trực tiếp từ hoạt động buôn bán tự phát. “Chúng tôi buôn bán trong chợ phải đóng thuế cho Nhà nước, đóng phí vệ sinh môi trường, nước thải, bốc xếp... Các mặt hàng phải tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, những người buôn bán tự phát không phải đóng thuế, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa không bị kiểm soát. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này...”, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng heo thịt nêu ý kiến.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, việc kinh doanh bên ngoài chợ không được quản lý dẫn đến không chỉ không thu được thuế mà có nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Đêm ngày 12 rạng sáng 13/8, đoàn giám sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm do ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh chủ trì đã đến giám sát tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn và Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, đoàn giám sát phát hiện xe biển kiểm soát 70H-023.30 đưa heo hơi về chờ giết mổ nhưng heo không được đeo vòng truy xuất nguồn gốc trực tiếp trên hai chân mà lại để riêng. Tại Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, đoàn giám sát đã chọn kiểm tra ngẫu nhiên 2 xe đông lạnh chở heo mảnh về chợ, phát hiện xe có vòng niêm phong của thú y. Vòng niêm phong truy xuất nguồn gốc nhưng khi dùng thiết bị chuyên dụng của cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ để kiểm tra thì phát hiện thông tin không khớp với bảng giấy.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị giữ lô heo lại để kiểm tra thêm, đại diện Đội Quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối giải thích do giấy chứng nhận kiểm dịch có giá trị pháp lý nên lô hàng vẫn nhập chợ bình thường. Trong trường hợp này, đội chỉ nhắc nhở các bên liên quan nhập số liệu cho chính xác.
Trước đó, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng thông tin việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ là khuyến khích, không bắt buộc nên chưa có chế tài xử lý nếu chủ hàng không thực hiện.
Trước thực tế trên, cùng các tin báo của cử tri, ông Cao Thanh Bình cho biết Ban Văn hóa - Xã hội sẽ giám sát kỹ hơn Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, bởi qua giám sát sơ bộ nhận thấy còn nhiều lỗ hổng.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Tô Văn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng gia công giết mổ là 339.700 con. Công suất bình quân chỉ 1.887 con/ngày, tương đương 47,17% công suất thiết kế nên hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Thực tế, công suất giết mổ heo công nghiệp của các nhà máy tại TP Hồ Chí Minh khoảng 10.000 con/ngày, nhưng hiện chỉ khai thác được 25% do thiếu nguồn heo. Trong khi đó, nguồn heo sống tập trung chuyển về tỉnh Long An giết mổ ở các cơ sở thủ công rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn với sản lượng hằng đêm chiếm hơn 50% tổng sản lượng heo về chợ. Điều này đặt ra vấn đề việc giết mổ thủ công như vậy có đảm bảo nguồn gốc heo hay chất lượng sản phẩm hay không?
Về vấn đề kinh doanh tự phát quanh chợ, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn thông tin huyện đã thành lập tổ công tác xử lý vấn đề trên với 3 ca trực làm việc 24/24 giờ nhưng vẫn gặp một số khó khăn như: khi kiểm tra, chủ hàng vắng mặt; chủ hàng đối phó bằng việc đưa hàng đi chỗ khác, cất kho lạnh khi bị kiểm tra; lực lượng kiểm tra còn mỏng, kiêm nhiệm nên chưa đạt được hiệu quả...
Tạo vành đai an toàn
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền nằm ven đại lộ Nguyễn Văn Linh ở phía Tây Nam TP Hồ Chí Minh (thuộc phường 7, quận 8) với diện tích lên tới 65 ha, gồm 7 nhà lồng, 2 nhà kho, đây là chợ đầu mối có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Theo ghi nhận, lâu nay bắt đầu từ 21h hằng đêm, hàng hóa rau củ, thịt cá các loại được những người buôn bán tự phát đổ ra lòng đường, vỉa hè. Khu vực buôn bán tấp nập nhất là hai bên đường Quản Trọng Linh ngay cổng chợ Bình Điền và dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Đoạn đường Nguyễn Văn Linh trước cổng chợ dài hơn 1 km từ cầu Cần Giuộc đến chung cư Hoàng Quân bị chiếm dụng cả vỉa hè và lòng đường để buôn bán trái phép. Những mặt hàng tại đây chủ yếu là rau, củ, quả các loại được bày bán cả dưới lòng đường và trên xe tự chế, xe ba gác.
Đêm ngày 8 rạng sáng 9/8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành thành phố đã có buổi khảo sát về quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, Bình Điền là chợ đầu mối nông sản thực phẩm cung cấp đến 35% lượng thịt gia súc cho TP Hồ Chí Minh, 70% lượng thủy, hải sản cho thành phố và các vùng phụ cận. 6 tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn hàng về chợ, trị giá hàng hóa luân chuyển bình quân khoảng 150 tỷ đồng/ngày.
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, hiện nay ở chợ Bình Điền vẫn còn tình trạng hàng hóa từ các tỉnh nhập về chưa được kiểm tra, kiểm soát từ gốc. Chỉ có sản phẩm từ động vật là đã được cơ quan thú y các tỉnh kiểm soát. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập về chợ khi chưa được sơ chế tại nguồn gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, còn tốn nhiều kinh phí của chợ khi sơ chế.
Về tình trạng buôn bán trái phép trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh chưa được giải tỏa triệt để, báo cáo từ UBND quận 8 và huyện Bình Chánh cho thấy trên tuyến đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền đang có 132 điểm kinh doanh nông sản thực phẩm, trong đó chỉ 59 điểm có giấy phép kinh doanh, còn lại 73 điểm không phép, tồn tại và hoạt động thường xuyên từ năm này qua năm khác.
Các điểm bán này hằng ngày tập kết hàng hóa từ các tỉnh về, tổ chức bán buôn/bán lẻ, không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường mà còn ảnh hưởng đến lưu thông, nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ. Đặc biệt, buôn bán trái phép trước cổng chợ còn ảnh hưởng rất lớn đến sức mua bán của chợ Bình Điền và việc kinh doanh hợp pháp của thương nhân trong chợ. Chưa kể, do các điểm kinh doanh không có giấy phép nên không chịu sự kiểm tra, quản lý về an toàn thực phẩm...
Ông Cao Thanh Bình cho rằng vấn nạn chợ tự phát là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, nhưng cách làm hiện tại của chính quyền các quận huyện là cách làm cũ, rất mất sức nhưng chưa hiệu quả do thiếu sự đồng bộ không dẹp được vấn nạn chợ tự phát quanh chợ đầu mối. Qua đó, ông Cao Thanh Bình gợi nhiều hướng giải quyết vấn nạn này như lắp đặt camera phạt nguội, những hộ kinh doanh không có giấy phép thì thu giữ hàng hóa để họ không thể buôn bán, đặt biển cấm đỗ xe khu vực quanh chợ và tăng cường xử phạt. Nếu không dừng xe, đỗ xe được thì những điểm kinh doanh tự phát này không thể hoạt động...
“Qua giám sát tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, chúng tôi nhận thấy vấn đề chợ tự phát quanh chợ đầu mối rất nghiêm trọng. Vấn đề là chính quyền địa phương (nơi có các chợ đầu mối) có muốn xử lý dứt điểm hay không. Chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo và kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xử lý”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.