Bốn ngày Tết ở thị trấn Namhkan

Thứ Tư, 02/02/2022, 21:29

5 năm trước, lúc trên xe khách từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến cửa khẩu biên giới giáp thị trấn Namhkan thuộc huyện Muse, bang Shan, Myanmar, tôi không biết hôm ấy là ngày giao thừa theo lịch cổ truyền của người Myanmar. Vì thế, tôi may mắn được thưởng thức một cái tết - gọi là Thingyan - kéo dài từ 13-4 đến 16-4 dương lịch.

Cuối tháng 3-2016, tôi làm thủ tục xin nhập cảnh Myanmar dưới dạng du lịch và bị từ chối. Bạn bè có người khuyên tôi đăng ký đi tour nhưng mục đích của tôi là vào thị trấn Hpakant, bang Kachin để viết bài về việc khai thác và mua bán ngọc bích nên nếu đi tour, sẽ rất khó thực hiện bởi lẽ Kachin là cái nôi của “Quân đội độc lập Kachin”, một tổ chức chống chính phủ Myanmar.

Vì thế, theo sự cố vấn của anh bạn người Hoa là Trần, chủ một công ty xuất khẩu thủy sản ở TP. Hồ Chí Minh, tôi xin visa đi Trung Quốc. Sau khi đến thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, tôi lên xe khách đi huyện Jinghong, nơi có cửa khẩu giáp với thị trấn Namhkan, Myanmar vì theo lời Trần, thủ tục nhập cảnh ở nơi này khá thoáng vì nó là một trong những con đường mà thương nhân Trung Quốc ở Vân Nam thường dùng để sang Myanmar làm ăn. Cẩn thận hơn, Trần còn điện thoại cho một đối tác của công ty anh là Xaisomvan, người Lào nhưng sống ở Côn Minh, tạo điều kiện giúp tôi trong việc đi lại. Cũng nhờ Xaixomvan mà tôi hoàn thành 2 phóng sự: “Khi ma túy chào thua ở Tam giác vàng” và “Đường đến Hpakant”, đã đăng trên “An ninh Thế giới”.

41-1.jpg -0
Mọi người té nước vào nhau trong tết Thingyan, bất kể quen hay lạ.

Đúng như Trần nói, thủ tục xuất nhập cảnh diễn ra nhanh chóng nhưng ngay từ lúc còn ở bên đất Trung Quốc, tôi đã “ngửi” thấy cái không khí lạ lùng qua nét mặt của hầu hết mọi người trên xe cùng những câu chuyện giữa họ với nhau, càng lúc càng náo nhiệt dù tôi chẳng hiểu họ nói gì. Xaisomvan giải thích bằng tiếng Anh: “Phần lớn họ là người Myanmar sang Trung Quốc làm thuê, nay về ăn tết. Tết của người Myanmar gọi là Thingyan, kéo dài 4 ngày, từ 13-4 đến 16-4 Dương lịch. Nói theo Việt Nam của anh thì đêm nay là đêm giao thừa…”.

Xe vào bến, tôi khoác ba lô cùng Xaisomvan đi bộ đến nhà Thabyay, người Myanmar, em rể anh. Trên đường, tôi thấy khá nhiều phụ nữ, cả trẻ lẫn già đều bôi mặt bằng một loại bột tương tự như phấn trắng. Hỏi Xaisomvan, anh cho biết đó là thứ mỹ phẩm rất phổ biến ở đất nước này, mài ra từ gỗ đàn hương, có tác dụng giữ ẩm da, chống nắng, giúp cho da có mùi thơm dịu. Thực hư chẳng biết ra sao chứ nhìn họ, tôi thấy có nét gì đó giống như những diễn viên hát bội, nhất là khi họ cười. Lúc đi gần một thiếu nữ mà tôi đoán là rất xinh (chỉ đoán thôi vì mặt cô đầy bột trắng), tôi nhờ Xaisomvan nói với cô là tôi muốn chụp chung một tấm hình nhưng anh lắc đầu: “Họ không quen chụp hình với người lạ, nhất là người nước ngoài. Họ sợ bị đưa lên mạng với ý xấu”.

Là quốc gia mà dân số hầu hết là tín đồ đạo Phật, theo truyền thống, trong ngày giao thừa, người Myanma chỉ ăn một bữa trước buổi trưa. Trên đường phố, Phật tử ngồi thành hàng dài, trước mặt họ là những cái bình bằng đất nung, bên trong chứa thức ăn như xôi, cơm, bánh và những trái dừa còn nguyên cả cuống, những nải chuối xanh cùng những cành lá dứa để cúng dường cho các nhà sư. Thabyay cho biết bình thường thì việc cúng dường chỉ diễn ra vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc nhưng trong những ngày tết, nó kéo dài đến 9 giờ. Ngoài thức ăn cho bữa trưa, dừa, chuối và lá dứa sẽ được các nhà sư làm lễ gội đầu vào thời điểm bước sang năm mới. Thabyay nói: “Dù không bắt buộc nhưng tất cả Phật tử là nam giới ở Myanmar đều có nghĩa vụ vào chùa tu tập một lần trong đời. Tùy theo ý muốn và tùy theo công việc, khóa tu có thể kéo dài 10 ngày, 1 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn…”. Chả thế mà trong 4 ngày ở Namhkan, trên đường phố tôi vẫn thường nhìn thấy các tu tập sinh tuổi mới 12, 13, mặc áo cà sa màu đỏ, tay ôm bình bát, đi chân sáo, miệng cười tươi lúc thấy tôi chụp hình.

Khi màn đêm buông xuống, quang cảnh mới thật sự náo nhiệt. Trên những con phố chính của thị trấn Namhkan, những gian hàng quây bằng những tấm vải nhựa sặc sỡ với mấy chiếc vỏ (lốp) xe hơi sơn xanh đỏ làm vật trang trí, sáng bừng dưới ánh đèn điện. Ở những gian hàng ấy, dân địa phương bày bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ ăn, đồ nhậu cùng bia, rượu, trong tiếng nhạc xập xình tạo ra bởi trống, kèn và một loại nhạc cụ nhìn như đờn cò. Hơn chục thiếu nữ váy áo hoa văn họa tiết thêu rất cầu kỳ, cổ đeo vòng bằng dây kim tuyến, say sưa nhảy múa. Những bông hoa Padauk - mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp tết Thingyan cài trên tóc họ cũng lắc lư theo.

9 giờ tối, người dân từ những làng lân cận đổ đến càng lúc càng đông. Một số cô gái gia nhập đám múa, còn cánh thanh niên không ít người tập trung vào mấy quán nhậu. Phần lớn họ uống rượu Thaye làm từ hoa thốt nốt nhưng cũng có người uống bia Dagon, sản xuất ở Myanmar. Thabyay, em rể Xaisomvan nói: “Rượu Thaye uống “phê” hơn bia Dagon mà lại rẻ tiền”. Loại rượu này hương vị cũng tương tự như tôi đã uống ở Campuchia, còn bia Dagon, nó chẳng khác bia Lào là mấy. Không khí nhộn nhịp đến nỗi tôi quên cả thời gian và chợt giật mình khi kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ.

41-2.jpg -0
Những tu tập sinh đi khất thực trong buổi sáng giao thừa.

Sáng hôm sau, mùng 1 tết, tiếng Myanmar gọi là Akyanei, con cháu đến thăm ông bà, chú bác, cha mẹ… để tỏ lòng kính trọng bằng lễ Gadaw. Họ đựng nước trong cái chậu đất nung. Sau khi lạy tạ, họ dùng nước ấy gội đầu cho các bậc bề trên với dầu dừa rồi cả nhà cùng ăn bữa đầu năm. Tôi theo Thabyay đến nhà cha mẹ anh dự lễ nhưng không thấy ai “lì xì” bằng tiền như xứ Việt, mà con cháu chỉ dâng tặng đồ ăn thức uống. Thabyay nói: “Một số người đi làm ở Trung Quốc nên họ mang về tập tục “lì xì” nhưng không nhiều. Tết của dân tộc tôi chủ yếu là lòng thành kính”.

8 giờ, mấy khẩu đại bác đặt trong một đồn lính gầm lên 3 loạt ngắn, như một cách báo hiệu Thagyamin (thần mùa xuân) từ tiên giới đã hạ cánh xuống đất. Ngoại trừ người già, hầu như tất cả thanh niên nam nữ - kể cả những bậc trung niên đều đổ ra đường, phần lớn đều cầm theo chậu, chai, xô, thùng…, chứa đầy nước cùng những cành lá để bắt đầu cho lễ té nước với thành ý rửa sạch mọi tội lỗi, khó khăn, nhọc nhằn của 365 ngày qua. Người ta té nước vào bất cứ ai đứng gần họ và không chỉ té bằng chậu, xô hay thùng, nhiều thanh niên còn sử dụng những khẩu súng bắn nước bằng nhựa có pha phẩm màu, bắn trúng ai là người đó “xanh vàng tím đỏ” ngay lập tức. Lại có một số kéo nguyên cái vòi tưới cây từ nhà ra, cứ thế phun hết tốc lực.

Thỉnh thoảng một chiếc xe bán tải chầm chậm lướt qua đám đông, ở thùng sau là một bồn nước ước chừng 200 lít. Họ té nước bằng máy bơm điện! Tia nước phun ra như vòi chữa lửa, nếu trúng trực diện ở khoảng cách gần thì cũng rát da. Có lẽ vì thế nên họ không phun lên mặt. Và mặc dù tôi đã rất đề phòng vì sợ ướt máy chụp hình nhưng vẫn lãnh đủ một quả bong bóng nước vào vai mà nước lại pha phẩm màu xanh nên từ cổ xuống đến bụng tôi, cái áo thun trắng biến thành nửa xanh nửa trắng!

Mùng 2 tết, người ta đi thăm nhau. Myanmar có câu ngạn ngữ: “A thee ma, thayet. A thar ma, wet. A ywet ma, lahpet”, nghĩa là “Trong các loại quả, xoài là tuyệt nhất. Trong các loại thịt, heo là tuyệt nhất. Trong các loại lá, lahpet là tuyệt nhất”, nên dù giàu hay nghèo, ngày tết nhà nào cũng có 3 món này. Xoài và thịt heo tôi không lạ nhưng khi ăn món Lahpet (lá trà muối chua) thì quả thật rất ngon, nhất là ăn kèm với Ngapi - hải sản muối - chủ yếu là tôm. Thabyay, em rể Xaisomvan nói: “Chưa hết đâu, đây chỉ là những món đặc trưng của vùng Namhkan, còn những món của bang Rakhine, bang Mom và những món có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan hay Trung Quốc nữa…”.

Mùng 3 tết, vẫn là những cuộc té nước kéo dài từ sáng sớm đến nửa khuya. Rượu Thaiye làm từ hoa thốt nốt chảy như suối. Ở giữa chợ, người ta xếp cả chục cái chảo thành hàng dài, nước trong chảo đun sôi sùng sục rồi từng cục xôi lớn bằng ngón chân cái, có miếng đường thốt nốt bên trong được thả vào. Khi cục xôi nổi lên, họ vớt ra, đặt trên những tấm lá chuối, ai muốn ăn cứ lấy vì đó là bữa ăn của Thagyamin (thần mùa xuân) trước khi trở lại thiên đường. Khi tôi chuẩn bị nếm thử, Thabyay nói nhỏ qua lời dịch của Xaisomvan: “Đừng vội nhai ngay. Coi chừng bên trong không phải đường thốt nốt mà là ớt sừng chim, loại ớt cay xé cuống họng do những người thích đùa vẫn thường cho vào để đánh lừa du khách”. Câu nói khiến tôi vội bẻ cục xôi ra rồi khi đã chắc chắn bên trong là miếng đường thốt nốt, tôi mới dám cho vào miệng trong tiếng cười nắc nẻ của mấy bà đứng nấu.

41-3.jpg -0
Trang trí gian hàng chuẩn bị cho tết Thingyan.

Mùng 4, ngày cuối cùng của tết Thingyan, vẫn là ăn uống, nhảy múa, ca hát, té nước cùng hàng chục trò chơi dân gian, trong đó có lễ hội đua bò như ở tỉnh An Giang của ta. Món ăn đặc trưng của ngày này là gạo nếp trộn vừng (mè) và dừa nạo rồi nướng với đường thốt nốt. Cùng với rất nhiều người khác, vợ chồng Thabyay và Xaisomvan ra sông thả cá phóng sinh với lời khấn, đại ý: “Chúng tôi thả ngươi 1 lần, ngươi thả lại chúng tôi 10 lần”. Bữa ăn tiễn tôi và Xaisomvan có 9 món, gồm hoa Daniyn Thi xào dầu dừa, bánh mì Palata, cơm gạo nếp, thịt heo muối, Ngapi, cà ri gà, bún Mohinga mà trong nước lèo có gừng, hành tây, cá, tỏi, sả, trứng luộc và thân cây chuối thái nhỏ… Đặc biệt hơn nữa còn có món chè Mote lone yay paw, nấu từ bột nếp, muối, đường thốt nốt và cơm dừa, tạo nên một hương vị rất Namhkan!

Xế chiều mùng 4, tôi và Xaisomvan ra bến xe để đi Hpakant, bang Kachin, quê hương của loại ngọc bích đẹp nhất thế giới. Chưa kịp bước lên xe, tôi bị nguyên một xô nước tạt vào người trong tiếng cười vui nhộn của hàng chục thanh niên nam nữ. Quần áo thì dễ vì tôi vào thay trong nhà vệ sinh nhưng tệ nhất là đôi giày vải của tôi ướt sũng. Báo hại trong suốt nửa chuyến hành trình, tôi phải cởi nó ra rồi treo lủng lẳng trên cửa xe cho khô. Xaisomvan cười: “Namhkan tiễn biệt anh đấy”.

Tháng 4 vừa rồi, tôi điện thoại hỏi thăm Xaisomvan. Anh cho biết gần giữa năm 2020, anh đã từ Côn Minh trở về Lào vì dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc. Xaisomvan nói em rể anh kể rằng năm nay tết Thingyan vẫn diễn ra nhưng vì sợ dịch bệnh, ai nấy, kể cả các nhà sư đều đeo khẩu trang kín mặt lúc ra đường,..

Vũ Cao
.
.