Dựng " chân dung" tội phạm qua app

Bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ Tư, 17/05/2023, 07:38

Mới đây Bộ Công an đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam và trao Giải thưởng Trần Quốc Hoàn lần thứ nhất. Cùng với 4 công trình khác, đề tài khoa học “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhân dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại” do Thượng tá Hoàng Văn Định, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh cùng các cộng sự xây dựng đã đạt giải. Đây cũng là công trình được đánh giá có tính ứng dụng cao, góp phần không nhỏ vào quá trình đấu tranh chống tội phạm...

Trăn trở của người lính hình sự

Trưởng thành từ trinh sát hình sự, Thượng tá Hoàng Văn Định (vốn là cán bộ Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh) thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng trực tiếp đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, ma túy... Trong những khó khăn ấy, việc xác định (hoặc dựng chân dung) đối tượng có liên quan đến vụ án là vô cùng quan trọng. Song, không phải lúc nào cơ quan điều tra cũng có thể làm được điều này, Thượng tá Định nhớ lại.

Bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm -0
Thượng tá Hoàng Văn Định.

Thời điểm những năm 2005-2010, hàng loạt vụ trọng án xảy ra rải rác tại nhiều địa bàn tỉnh Quảng Ninh như vụ giết, hiếp dâm thiếu nữ 17 tuổi tại khu vực đồi Thanh Vắng (thôn Chân Hồ, xã An Sinh, huyện Đông Triều); liên tiếp các vụ án giết người lái xe ôm, cướp tài sản tại TP Uông Bí; vụ giết người phụ nữ độc thân Nguyễn Thị Đào cướp tài sản xảy ra tại phường Ninh Dương, thị xã Móng Cái...

Công an Quảng Ninh đã huy động lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm nhanh chóng điều tra, truy tìm hung thủ gây án. Dù vậy, vẫn có những vụ án mà Cơ quan công an phải “nợ" lại người dân.

Thời điểm ấy, chàng trinh sát trẻ Hoàng Văn Định cũng như nhiều đồng đội hết sức trăn trở. Làm thế nào để có thể “vẽ" được nhân dạng của đối tượng hiềm nghi, để công tác điều tra vơi bớt nhọc nhằn?

Ban đầu, Thượng tá Định tìm đến một họa sĩ có tài ở Quảng Ninh, đề nghị cùng mình đi gặp những nhân chứng, bị hại của các vụ án nhằm phác họa chân dung kẻ thủ ác. Song, kết quả hết sức hạn chế. Không nản lòng, Định tiếp tục mời một cử nhân công nghệ thông tin, có trình độ Photoshop vào hạng “siêu đẳng" của địa phương, để tham gia công tác dựng hình ảnh của đối tượng. Công việc này mất nhiều thời gian, công sức, song kết quả vẫn chưa làm hài lòng Định.

Thượng tá Định chia sẻ: Trên thực tế nhiều vụ án xảy ra, người bị hại, nhân chứng có thể miêu tả lại các đối tượng gây án. Tuy nhiên, việc dựng chân dung đối tượng gây án có nhiều cách thức khác nhau, đại đa số đều rất trừu tượng, không cụ thể, dẫn đến mỗi cán bộ điều tra hình dung một kiểu khác nhau, không thống nhất nên việc rà soát các đối tượng nghi vấn gặp nhiều khó khăn.

Qua tham khảo các kết quả nghiên cứu trong, ngoài nước, Thượng tá Định thấy có một số nước nghiên cứu, viết nên phần mềm dựng chân dung đối tượng, nhưng có phần mềm do bảo mật nên không chuyển giao rộng rãi, có phần mềm thương mại nhưng giá thành rất đắt. Còn các nghiên cứu, phần mềm trong nước thì còn rất hạn chế.

Sau một thời gian trăn trở, Định nảy sinh ý tưởng cần có một “ngân hàng dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt người để dựng chân dung đối tượng gây án”. Anh ngẫm nghĩ, lực lượng cảnh sát tại nhiều quốc gia khác trên thế giới đã áp dụng thành công những thành tựu nghiên cứu khoa học vào việc dựng chân dung đối tượng thì Việt Nam chẳng lẽ lại không làm được?

Qua tìm hiểu, anh được biết từ năm 1999 đến nay, cả nước đã có ít nhất 3 đề tài nghiên cứu về vấn đề dựng mô hình đối tượng gây án. Tuy nhiên, tất cả các công trình trước đó đều đầy đủ về lý luận nhưng chưa xây dựng được công cụ hữu hiệu dựng mô hình đối tượng gây án. Để thực hiện được yêu cầu phải có kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến, kỹ thuật quản trị hệ thống, kỹ thuật phân tích thiết kế hệ thống và kỹ thuật thiết kế cơ sở dữ liệu tối ưu.

Bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm -0
Ảnh dựng chân dung đối tượng Cao Thế Thuận và ảnh chụp đối tượng sau khi bị bắt.

Mày mò và thành công

Nghĩ là làm, Định bắt đầu khởi động công trình của mình từ khoảng năm 2009. Sau những ngày cùng đồng đội phá án căng thẳng, anh tranh thủ thời gian tìm tòi, suy ngẫm, phác họa các việc cần phải làm. Với đam mê nghiên cứu khoa học, anh không quản ngại khó khăn vất vả, đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gặp gỡ nhiều chuyên gia giỏi để học tập, tìm hiểu. Anh sẵn sàng bỏ tiền túi để tiến hành những thử nghiệm ban đầu.

Hơn một năm sau, Thượng tá Định rủ thêm Trung tá Vũ Đức Nghĩa, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II, Công an tỉnh Quảng Ninh, vốn là một cán bộ rất am hiểu công nghệ thông tin để tham gia. Cũng có lòng say mê khoa học, Trung tá Nghĩa nhanh chóng gật đầu, đồng thời huy động thêm nhiều cán bộ chiến sĩ khác tham gia.

Đầu năm 2012, Thượng tá Hoàng Văn Định, Trung tá Vũ Đức Nghĩa cùng 7 cộng sự báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh và được chấp thuận cho đăng kí đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1845/QĐ[1]UBND chính thức cho phép thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài: “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhân dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại”.

Nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng 2 khuôn mặt (nam, nữ) tiêu chuẩn của người Việt Nam để làm căn cứ xây dựng cơ sở dữ liệu dựng ảnh mặt người. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn đặc điểm 7 bộ phận trên khuôn mặt người Việt Nam (tóc, lông mày, mắt, mũi, miệng, tai, khuôn mặt). Các cán bộ thực hiện đề tài đã nhanh chóng thu thập hàng trăm ngàn ảnh chân dung các loại, từ đó chọn lọc ra 14.000 bức ảnh để xử lý, bóc tách các bộ phận khuôn mặt, sau đó được lưu trữ trong các thư mục và số hóa hình ảnh.

Bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm -0
Đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài tại Công an tỉnh Quảng Ninh.

Điểm mấu chốt của đề tài là đã phân tích, thiết kế hệ cơ sở dữ liệu và hệ thống phần mềm dựng ảnh chân dung; lập trình hệ thống phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng; đào tạo cán bộ vận hành, sử dụng hệ thống. Đặc biệt, hệ thống phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nên dễ sử dụng, được thiết kế, lập trình tương thích với nhiều hệ điều hành máy tính, máy tính bảng, điện thoại...

Không phụ công nhóm nghiên cứu, quá trình ứng dụng đề tài vào các vụ án cụ thể đã thu được những kết quả khả quan. Một trong số đó là vụ án cướp tiền công đức xảy ra tại chùa Lôi Âm thượng (phường Đại Yên, TP Hạ Long). Nhóm cướp tỏ ra chuyên nghiệp khi gần như không để lại bất kì dấu vết vật chứng nào. Quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau ít giờ cho các bị hại và người làm chứng mô tả đặc điểm của hai đối tượng cùng với cơ sở dữ liệu đã xây dựng được, các điều tra viên dựng lên chân dung hai đối tượng nam gây án. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã phát hiện bắt giữ Cao Thế Thuận (1985, trú tại huyện Đông Triều), Vũ Văn Việt (SN 1994, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Cặp đôi khai nhận, do thiếu tiền ăn chơi nên đã rủ nhau vào chùa Lôi Âm thượng để cướp tài sản. Sau khi dùng dao bầu, gậy sắt tấn công, uy hiếp hai người phục vụ tại chùa và người lái đò, các đối tượng đã phá hòm công đức, cướp tiền và điện thoại di động.

Trong vụ án giết người xảy ra trên địa bàn phường Cao Xanh (TP Hạ Long), với cơ sở dữ liệu đã xây dựng, trong vòng vài giờ, bị hại lần lượt chọn được từng đặc điểm nhận dạng cho là giống nhất. Trên cơ sở đó, các điều tra viên đã dựng lên chân dung đối tượng và truy bắt thành công kẻ gây án là Nguyễn Quang Nam (SN 1991, trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Bên cạnh đó, công an tỉnh bạn như Hải Dương cũng "nhờ" vào phần mềm này để nhanh chóng tìm được kẻ thủ ác trong một vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện Chí Linh.

Với tính ứng dụng cao trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đề tài “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhận dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại” đã đạt Giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2017 và Giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14. Sau khi nghiệm thu đề tài, nhóm tác giả đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh mở lớp tập huấn sử dụng phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng, người bị hại cho 24 phòng nghiệp vụ và công an các đơn vị, địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng gây án, góp phần thành công vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Giải thưởng Trần Quốc Hoàn tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ Công an tạo ra nhiều công trình khoa học và công nghệ có giá trị

Để tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên - người đặt nền móng quan trọng cho sự nghiệp nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học và công nghệ công an, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 34 ngày 30/3/2021 về Giải thưởng Trần Quốc Hoàn để xét tặng cho công trình khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học lịch sử.

Giải thưởng Trần Quốc Hoàn nhằm biểu dương, khích lệ và tôn vinh các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học và công nghệ xuất sắc, tiêu biểu góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Giải thưởng khuyến khích công an các đơn vị, địa phương tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác công an. Việc trao thưởng tạo động lực, khuyến khích các nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ của công an các đơn vị, địa phương tích cực tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, tạo ra nhiều công trình khoa học và công nghệ có giá trị; đặc biệt, ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND.

Minh Tiến
.
.