Cá ngoại lai nguy hiểm ở hồ Thác Bà
Hoàng vung cần, ném con cá giả gắn lưỡi ba tiêu ra xa rồi guồng máy thu cước. Chỉ cần đến đường quăng thứ ba, một tiếng “oẵng” vang lên, ở cuối dây câu xuất hiện một con cá lạ, nửa vàng nửa đen, vây lưng tua tủa dựng ngược, giãy đùng đùng vì dính lưỡi câu.
Hoàng, 43 tuổi, chủ một chuỗi cửa hàng đồ câu ở Hà Nội và lân cận có thâm niên vài chục năm cầm cần. Anh bảo nghe dân câu nói ở hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) gần đây xuất hiện cá hoàng đế, loài quái ngư ngoại lai xưa nay chỉ nghe thấy có ở hồ thủy điện Trị An tít trong Nam nên quyết lên săn tìm cho thỏa chí tò mò.
Cá hoàng đế, tên tiếng Anh là Peacock bass hay cá vược công, bắt nguồn từ Nam Mỹ. Ngư dân thường gọi các loài cá vược là "cọp nước" vì sức mạnh của nó. Cá vược được xem như bá chủ vùng sông nước.
Hung thần của các loài tôm, cá nhỏ
Hoàng bảo, cái tên “hoàng đế” là do dân sống ở hồ Trị An đặt cho, với lý do ngoại hình con cá rất bắt mắt. Cá có màu vàng nhạt, miệng rộng, trên lưng có 3 sọc đen, ở đuôi có 1 chấm đen lớn, bao quanh là một vùng màu vàng giống như họa tiết trên lông chim công. Cá này thường đi săn theo bầy hàng ngàn con, là hung thần của các loại tôm, cá nhỏ.
Ở hồ thủy điện Thác Bà, dân câu muốn săn cá hoàng đế thường dùng 2 cách. Một là câu ngâm (thả mồi rồi chờ cá đến cắn câu) bằng mồi cá sống, giun và được “tín nhiệm cao nhất” là mồi tôm sống. Cách thứ hai là câu rê (câu lure) bằng mồi giả.
Điều đặc biệt ở loài cá hoàng đế là càng động nước, chúng càng kéo đến nhanh. Cách bắt mồi nhanh, hung tợn của chúng chính là yếu tố kích thích dân câu.
Với giới câu cá thể thao Âu, Mỹ, Peacock bass không có gì xa lạ, nhưng loài “cọp nước” này xuất hiện ở vùng lòng hồ Thác Bà ẩn chứa những điều nguy hại bởi các nhà sinh vật học đều đồng ý rằng loài cá này là mối đe dọa rất lớn đối với các loài cá bản địa. Vậy cá hoàng đế ở hồ Thác Bà từ đâu mà ra?
Trước tiên, hãy cùng điểm lại những gì đã xảy ra ở hồ thủy điện Trị An, nơi đầu tiên ở Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của cá hoàng đế trong môi trường tự nhiên.
Một điều tra của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cho thấy, cá hoàng đế phát tán vào hồ Trị An là do một số ngư dân nuôi cá đã để chúng tràn ra thủy vực lòng hồ Trị An. Cá hoàng đế là loài cá ăn thịt rất hung dữ, có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái nơi nó du nhập, khi đói, chúng có thể ăn bất cứ sinh vật nào mà chúng bắt gặp.
Một số người lại cho rằng cá hoàng đế do dân buôn cá cảnh nhập lậu vào Việt Nam phục vụ dân chơi. Sau này, có người phóng sinh xuống hồ Trị An và chúng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Đây là loài cá sinh sản hữu tính, tốc độ sinh sản rất nhanh, mỗi lần đẻ 2.000 - 3.000 trứng. Nếu sống trong môi trường nhiệt độ thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào, cá hoàng đế có thể đạt chiều dài tới 60cm.
Cá hoàng đế, tên khoa học là Cichla ocellaris, thuộc họ cá hoàng đế Cichlidae và bộ cá vược Perciformes. Loài này thường gặp ở vùng nước ngọt. Tuy nhiên, chúng cũng có khả năng chịu mặn ở nồng độ 18/00. Giống như hầu hết các loài thuộc họ Cichlidae, cá hoàng đế phân chia lãnh thổ và rất hiếu chiến. Chúng bắt mồi nhờ vào tốc độ truy đuổi nhanh, ngược lại với cách săn mồi phục kích thường thấy ở các loài cá ăn thịt khác. Ở Việt Nam, thức ăn của chúng thường là các loài tôm, cá nhỏ như mè vinh, cá trắng, cá lòng tong đá... Với cách tấn công con mồi nhanh gọn như vậy, nguy cơ tiềm ẩn về một số loài bản địa bị tuyệt chủng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngư dân ở lòng hồ Trị An cho biết, cá hoàng đế bắt đầu xuất hiện nhiều từ tháng 9 - 10/2006. Đến nay, loài này đã phát triển khá mạnh.
Vài năm sau khi cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Trị An, những tác động tiêu cực đã xảy ra đối với các loài cá bản địa. Ngư dân ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) nói, trước đây các loài cá sông như trắm, mè nhiều vô kể. Nhưng, từ khi xuất hiện cá hoàng đế thì cá bản địa vắng bóng dần.
Điều nguy hại là đám “cọp nước ngoại lai” - cách nhiều người gọi loại cá này - chuyên nhằm bắt tôm, cá nhỏ nên khả năng tận diệt cá giống bản địa trong vùng lòng hồ lại càng lớn. Cá hoàng đế đông đảo đồng nghĩa các loại cá bản địa ngày càng thưa thớt.
Đối với những tay câu như Hoàng, cá hoàng đế ở hồ thủy điện Thác Bà mang lại niềm vui săn bắt bên khung cảnh non nước bao la và hùng vĩ. Có thêm các tay câu kéo đến vùng lòng hồ Thác Bà, những người kinh doanh homestay ở đây cũng có thêm thu nhập. Ngư dân không tỏ ra lo lắng mấy vì cho đến nay chưa thấy gì xảy ra.
Nhưng, với một vùng lòng hồ có chiều dài hơn 80 km, diện tích 23.400 ha, có một hệ sinh vật phong phú, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, là vựa cá tôm của cả một vùng rộng lớn, loài quái ngư ngoại lai có thể là một mối nguy tiềm tàng, bởi “thành tích” tàn phá hệ sinh thái bản địa của cá hoàng đế đã được giới khoa học trên thế giới nói đến rất nhiều.
“Thành tích” của cá hoàng đế
Trên thế giới, cá hoàng đế (cá vược công) được xem là loài săn mồi hung tợn, có thể tàn phá hệ sinh thái bản địa khi chúng du nhập từ nơi khác đến. Trước khi xem xét sự nguy hiểm của chúng khi xuất hiện tại vùng hồ Thác Bà, vựa tôm cá của vùng Tây Bắc, hãy lật lại các “thành tích” của loài quái ngư này.
Năm 1969, có khoảng 60-80 con cá hoàng đế được đưa từ Buga, Colombia sang nuôi tại một hồ ở Panama để phục vụ dân câu cá thể thao. Một số con cá đã thoát ra môi trường tự nhiên. Đến đầu những năm 1970, cá hoàng đế đã thống trị Gatun, hồ chứa tạo thành kênh chính của kênh đào Panama. 45 năm sau, quần thể cá bản địa trong hồ vẫn chưa phục hồi được như ban đầu, theo một bài đăng trên tạp chí Smithsonian.
Cá hoàng đế, có nguồn gốc từ sông Amazon và các nhánh của nó, là loài săn mồi phàm ăn. Chúng được nuôi thả phục vụ giới câu giải trí trên khắp thế giới.
Năm 1973, Thomas Zaret và Robert Paine, làm việc tại trạm thực địa của Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (STRI) trên đảo Barro Colorado (đảo nhân tạo trong hồ nhân tạo Gatun), đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Science cho thấy 60% cá nước ngọt bản địa ở hồ Gatun đã bị tuyệt chủng sau khi cá hoàng đế vô tình được phóng sinh ở đây.
Diana Sharpe, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại STRI và Đại học McGill của Canada cho biết: “Rất ít nghiên cứu xem xét kết quả lâu dài cuộc xâm lăng của một loài cá săn mồi”.
Sharpe cho biết: “Zaret và Paine đã ghi nhận 12 loài cá bản địa ở nhánh Trinidad của hồ Gatun vào năm 1972 trước khi xuất hiện cuộc xâm lăng của cá hoàng đế đến khu vực đó của hồ. “Chúng tôi chỉ phát hiện 3 trong số những loài đó sau khi tổ chức đánh bắt rộng khắp. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, bất chấp sự hấp dẫn của cá hoàng đế đối với hoạt động câu cá thể thao, việc du nhập một loài săn mồi hung dữ mới có thể tác động mạnh mẽ và lâu dài đối với các cộng đồng sinh vật bản địa, ngay cả trong các cộng đồng đa dạng ở vùng nhiệt đới, đôi khi được cho là có khả năng chống xâm lấn cao hơn”.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên một loài cá du nhập tận diệt cá bản địa. Trong những năm 1980, cá rô sông Nile được thả vào Victoria (hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi và thứ nhì thế giới, nằm trong vùng thuộc biên giới các quốc gia Uganda, Kenya và Tanzania) đã khiến 250 loài cá đặc hữu bị tuyệt diệt.
Gần đây, vào năm 2018, giới chức bang Queensland, Australia được yêu cầu có biện pháp tiêu diệt hết loài cá ngoại lai Nam Mỹ này. Theo tờ West Australian, các nhà sinh vật học Australia lo ngại cá hoàng đế du nhập có thể quét sạch các loài bản địa chỉ trong 2 năm, điều được xem là thảm họa môi trường. Sự lo ngại dấy lên sau khi người ta bắt được một con cá hoàng đế tại đập Dumbleton ở sông Pioneer. Sự xuất hiện của “quái ngư Nam Mỹ” có thể gây nguy hiểm cho 2,5 triệu con cá chẽm được nuôi trong vùng.
Nhà sinh vật học nghề cá Matt Moore nói các nhà chức trách phải hành động ngay lập tức. "Chúng là loài săn mồi hung tợn, phàm ăn. Chúng sẽ ăn bất cứ thứ gì nhét vừa miệng", ông nói.
Quái ngư hồ Thác Bà từ đâu mà có?
Việc loài cá hung thần này xuất hiện ở vùng lòng hồ Thác Bà là điều rất đáng lo ngại, khi xét đến vai trò của vựa tôm cá này đối với đời sống người dân trong vùng.
Theo một số thống kê, sản lượng thủy sản hồ Thác Bà hằng năm đạt trên 11.000 tấn. Cá hồ Thác Bà được coi là đặc sản quý của tỉnh Yên Bái và cả vùng Tây Bắc rộng lớn. Ngoài những loài cá thông thường, hồ còn có những loài cá quý hiếm giá trị kinh tế cao như bỗng, chiên, lăng chấm, vền, ngạnh... Mặt nước rộng, lại có hơn 1.300 đảo hình thành nhiều eo ngách tạo điều kiện cho các loài tôm cá phát triển mạnh.
Anh Phùng Trung Thành, một người nuôi cá bè ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, Yên Bình, Yên Bái cho hay anh biết về sự xuất hiện của loài cá lạ bắt đầu từ năm 2018-2019. “Chúng đẻ nhanh lắm”, anh nói. “Tôm, cá nhỏ, các loại mồi sống, gì chúng cũng ăn”.
Một tay câu mà tôi quen nói đã lên câu cá hoàng đế ở hồ Thác Bà trong 2 năm qua. Anh này nghe nói tầm 2018-2019 có người thả cá hoàng đế vào hồ. Vì sao thả, thả với mục đích gì thì anh không rõ. Chúng tôi chưa thể kiểm chứng được thông tin này.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cho hay, sau khi nghe người dân phản ánh về loài cá lạ xuất hiện trên vùng hồ Thác Bà, đơn vị đã cử cán bộ chuyện môn kiểm tra, xác định đây là loại cá có tên tiếng Anh là Peacock bass, tên khoa học Cichla ocellaris, thuộc họ cá hoàng đế. Đây không phải là giống cá bản địa. Người dân vùng lòng hồ, Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái không nuôi, thả loại cá này xuống hồ Thác Bà...
Có giả thiết cho rằng, vì loại cá này nhìn khá bắt mắt nên có thể người dân nào đó đem về nuôi cảnh và vô tình để lọt ra môi trường. Và, đầu nguồn hồ Thác Bà là con sông Chảy được bắt nguồn từ Trung Quốc, vì vậy cũng không loại trừ cá này từ một ao hồ nào đó từ phía Trung Quốc theo mưa lũ đã di chuyển về hồ Thác Bà. “Chúng tôi chưa có điều kiện đánh giá tác động của việc cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Thác Bà. Nghe bà con nói thì cũng chưa thấy có gì ảnh hưởng”, ông Thắng cho biết.
Sông Chảy, nguồn nước chính của hồ Thác Bà, khởi nguồn từ Hà Giang. Đoạn chảy qua huyện Si Ma Cai của Lào Cai có khoảng 5 km con sông là biên giới tự nhiên giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Vì thế, giả thiết cá theo lũ từ ao hồ bên Trung Quốc trôi về cũng không loại trừ. “Chúng tôi đã khảo sát khu vực lòng hồ Thác Bà thì thấy không ai nuôi loài cá này cả”, ông Nguyễn Ngọc Thắng nói.