Cải tạo phạm nhân bằng chính sách nhân đạo và khoan hồng

Thứ Hai, 13/11/2023, 14:20

Những ngày này, CBCS Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đang gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APPCA) lần thứ 41 tại Việt Nam diễn ra từ ngày 12 đến 16/11...

Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt nhất công tác quản lý trại giam, giáo dục, cải tạo người lầm lỡ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Trong đó, tại Việt Nam, những năm qua, đây là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, đảm bảo quyền con người cho mỗi phạm nhân, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội.

Cảm hóa những người từng lầm lỗi

Trại giam Vĩnh Quang - nơi có nhiều phạm nhân người nước ngoài đang thi hành án, vào sáng Thứ hai hằng tuần đều tổ chức cho các phạm nhân chào cờ, hát Quốc ca. Chính vì vậy, dù là người nước ngoài, chưa sõi tiếng Việt nhưng họ đều hát Quốc ca Việt Nam rất nhuần nhuyễn, đúng nhạc, đúng lời. Như trường hợp phạm nhân Chimechidike Ben (phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy), quốc tịch Nigieria là một điển hình. Ben đã có hơn 14 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam Vĩnh Quang.

Cải tạo phạm nhân bằng chính sách nhân đạo và khoan hồng -0
Cán bộ hướng dẫn phạm nhân lao động cải tạo.

Lao động, cải tạo tốt, với tinh thần tích cực, Ben đã 2 lần được giảm án. Ben cho biết từng học đại học, biết nhiều ngoại ngữ nên sang Việt Nam để buôn bán, xuất khẩu cafe, quần áo từ năm 2008. Ben lấy vợ người Việt Nam, đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ.

“Vì tôi nhận vận chuyển hàng hóa nên người ta đưa ma túy vào. Sau khi bị bắt, vợ ly hôn, tôi buồn và tiêu cực lắm. Nhưng, các cán bộ đã động viên tôi. Dần dần, tôi lấy lại tinh thần. Tôi cải tạo khá nên hi vọng sẽ được đặc xá. Nếu được đặc xá, tôi sẽ ở lại Việt Nam, bởi đây là quê hương thứ hai của tôi. Tôi thấy yêu Việt Nam như quê hương của mình”, Ben cho biết.

Ben cũng trong đội văn nghệ, hát được rất nhiều bài hát về quê hương Việt Nam và thích nhất là hát Quốc ca, dù lúc đầu chưa hiểu nghĩa nhưng thấy giai điệu hay, hào hùng nên cố ghi nhớ và học thuộc, sau đó nhờ cán bộ giảng giải ý nghĩa.

“Giờ thì tôi hát Quốc ca Việt Nam tốt lắm rồi, hiểu cả ý nghĩa về ước vọng của cả dân tộc Việt Nam đã đổ máu tô thắm màu cờ để giành độc lập, tự do. Cán bộ giải thích kỹ lắm nên tôi hiểu, thấy hay và hát dõng dạc trong mỗi buổi chào cờ. Tôi phạm tội trên đất Việt Nam nên phải trả giá, nhưng đất nước, con người Việt Nam đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Nếu ở nước tôi thì phạm nhân không được chăm sóc tốt như ở đây”, Ben cho biết.

Ben vừa được tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa, sức khỏe đã hồi phục và được chăm sóc, kiểm tra y tế thường xuyên. Anh xúc động kể rằng, hôm đó, ban đêm anh ta bị đau bụng dữ dội, đau đến mức toát hết mồ hôi. “Tôi nghĩ chắc tôi sẽ chết, sẽ không bao giờ được gặp người thân nữa nhưng các cán bộ đã nhanh chóng đưa tôi đi bệnh viện, các bác sĩ mổ cho tôi. Được phẫu thuật kịp thời và chăm sóc chu đáo, tôi đã khỏe mạnh hoàn toàn” - phạm nhân chia sẻ.

Phạm nhân Li Shao Long, quốc tịch Trung Quốc, cũng là một trong những người thi hành án lâu ở đây. Anh ta chia sẻ, hằng ngày, mùa đông 6h sáng ngủ dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi lao động vào lúc 7h. “Tôi và các phạm nhân khác làm việc đến 10h30 là điểm danh để về khu giam. Chúng tôi làm mây tre đan, làm những chiếc giỏ quà tặng. Công việc đơn giản nhưng cần tỉ mỉ. Tôi rất thích” - Li Shao Long cho biết.

Cuộc sống mới sau khi trở về

Được biết, quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân ở Việt Nam được chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn là những chương trình giáo dục phù hợp, linh hoạt. Phạm nhân được giáo dục các kiến thức về pháp luật, được giáo dục nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử phù hợp giúp phạm nhân nhận thức rõ hơn điều kiện, hoàn cảnh bản thân, những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù. Có nhiều phạm nhân khi vào các trại giam chấp hành án không biết chữ. Những trang viết đầu tiên được dạy bởi những người thầy quản giáo. Biết chữ, phạm nhân mới hiểu được các nội quy, quy định của pháp luật, được hoàn thiện bản thân mình. Những điều mà trước đây, họ chưa từng biết tới.

Ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, tham gia các phong trào thi đua do trại giam tổ chức... Các trại giam đã có các mô hình sáng tạo, phong phú, như tủ sách hướng thiện, phát triển văn hóa đọc tại các trại giam và lan tỏa tình thương cảm hóa từ những trang sách; tổ chức cho các phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi, gửi lời cảm ơn tới những người mình yêu thương.

Những phạm nhân cải tạo tiến bộ, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xem xét, đề nghị cho hưởng các chính sách như: Đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù..., qua đó tạo điều kiện cho nhiều người đã từng một thời lầm đường, lạc lối, sớm được trao cơ hội trở về với gia đình, xã hội, làm lại cuộc đời. Đây được xem như là một dấu ấn mang giá trị nhân văn, phản ánh rõ việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện Luật Đặc xá, trong hai năm 2021 và 2022 Việt Nam đã đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 5.000 phạm nhân, trong đó có 37 phạm nhân quốc tịch nước ngoài.

Sau khi trở về, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đều tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, bố trí, tạo điều kiện công ăn việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Tinh thần đồng hành được lan tỏa, giúp người chấp hành án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tự ti, đem đến cho họ những cơ hội việc làm, xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí để không trở lại con đường lầm lỡ.

Cải tạo phạm nhân bằng chính sách nhân đạo và khoan hồng -0
Anh Trần Văn Mạnh được học nghề may trong trại giam và sau khi hết án đã trở về mở hiệu làm cùng gia đình.

Thăm gia đình anh Trần Văn Mạnh ở xã Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam - người từng lầm lỗi với tội gây rối trật tự công cộng, bị trả giá 2 năm tù giam, chúng tôi khá ngạc nhiên về sự chăm chỉ, cần cù và tỉ mỉ của anh. Mạnh ra tù vào tháng 1/2023, về nhà với đôi bàn tay trắng. “Trong trại giam em được học nghề may công nghiệp nên khi về nhà, em thấy công việc này phù hợp nhất đối với gia đình em. Em đã cùng bố mẹ đi vay, cộng với tiền dành dụm của bố mẹ để mua máy may công nghiệp. Em nhận hàng về, hướng dẫn mọi người trong nhà cùng làm” - Trần Văn Mạnh cho biết.

Bố của Mạnh chia sẻ, từ ngày hết án trở về, Mạnh rất chí thú làm ăn. Công việc may bận rộn suốt ngày nên không có thời gian chơi bời hay giao lưu với bạn bè xấu. “Vừa rồi, các anh công an xã đến lập danh sách, sau đó cùng chính quyền xã và cán bộ ở địa phương đề xuất, xét duyệt nên Ngân hàng Chính sách đã cho gia đình tôi vay 90 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi dự định mua máy may để may gia công” - bố của Mạnh nói.

Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, các trại giam đã tổ chức thực hiện công tác quản lý, giam giữ các loại đối tượng chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ. Thông qua các hoạt động giáo dục đã giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động để khi có điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, xã hội.

Sẵn sàng cho APPCA 41

Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an Việt Nam là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành án phạt tù và trực tiếp quản lý các trại giam, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phạm nhân khi vào trại giam chấp hành án, đa phần đều nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập lao động, cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Ở Trại giam Thanh Xuân và Trại giam Quang Ninh - nơi có chương trình các đại biểu quốc tế tham quan công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân của Việt Nam, những ngày này, công tác chuẩn bị đang được khẩn trương thực hiện. Vườn hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Các phạm nhân đang tranh thủ sơn lại khu giam, khu lao động để chuẩn bị đón tiếp đại biểu. Bên trong các phòng giam, đồ đạc của phạm nhân được cất gọn gàng, ngăn nắp. Phạm nhân Nguyễn Tiến Hải cho biết, phòng giam, khu lao động ở đây rất thoáng mát, sạch sẽ. Hằng ngày, ngoài giờ lao động, các phạm nhân được đọc sách, xem tivi nên ai cũng thoải mái tâm lý để cải tạo tốt, sớm được hưởng khoan hồng.

Cải tạo phạm nhân bằng chính sách nhân đạo và khoan hồng -0
Phạm nhân ở Trại giam Thanh Xuân trong giờ đọc sách.

Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Trại giam Thanh Xuân đã lên kế hoạch, triển khai các công tác phục vụ nhiệm vụ tổ chức Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Bộ Công an. Theo đó, đơn vị đã huy động CBCS và một số phạm nhân thực hiện công tác chỉnh trang cảnh quan. Cùng với đó chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các nội dung theo yêu cầu được đề ra của Ban chỉ đạo Hội nghị APCCA 2023 cũng như các tiểu ban của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng khi các đoàn đại biểu đến tham quan tại các khu giam giữ phạm nhân, khu lao động học nghề, khu vực bếp ăn, bệnh xá...

Cũng theo Đại tá Hoàng Văn Hiệp, công tác đảm bảo an ninh phục vụ các hoạt động Hội nghị APCCA 2023 tại Trại giam Thanh Xuân cũng được chuẩn bị cao nhất với việc phân công nhiệm vụ cụ thể từ các đồng chí chỉ huy đến từng CBCS trong đơn vị; đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Công an TP Hà Nội, Công an huyện Thanh Oai lên phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn đại biểu khi di chuyển cũng như tham gia các hoạt động tại Hội nghị APCCA 2023.

Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống mới tự do, bền vững và ổn định.

Phương Thủy
.
.