Cần lắm một liều "vaccine ý thức"
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền dòng trạng thái của một chiến sĩ Cảnh sát khu vực ở TP Hồ Chí Minh. Những tâm tư của người lính tại chốt kiểm soát y tế trong khu dân cư đang bị phong tỏa đã lay động lòng người.
Thông điệp giản dị thôi, rằng nếu ai cũng cố giải thích lý do của việc ra đường, thì thứ sẽ sớm cạn kiệt nhất không phải là lương thực hay vật tư y tế, mà chính là sức lực của những người trên tuyến đầu chống dịch. Chỉ sau 4 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP Hà Nội đã xử phạt hơn 3 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Đó là con số biết nói về chứng bệnh vô cảm đang trầm kha trong xã hội.
Sự vô cảm nguy hiểm
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip một người đàn bà được xác định là N.T.N. (sinh năm 1988, ở phường 10, quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã khiến nhiều người bức xúc, khi bà này cầm khẩu trang bước vào cửa hàng Circle K+ trên đường Tôn Đản mà không chịu đeo. Khi bị nhân viên nhắc nhở bà N. đã lớn tiếng mắng mỏ, buộc họ phải gọi cho Công an phường 13, quận 4 đến giải quyết. Làm việc với cơ quan chức năng, bà N. “cãi lý” rằng “Việt Nam không có dịch bệnh gì hết! Công an nói xạo với dân!”.
Rạng sáng ngày 27-7, trong lúc tuần tra, lực lượng chức năng phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử phạt 18 người bất chấp quy định phòng chống dịch ra đường tập thể dục. Được biết, sau hơn 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, UBND các phường, xã trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã xử phạt vi phạm hành chính khoảng 50 người dân ra đường không có lý do chính đáng.
Còn tại Hà Nội, mặc dù đã yêu cầu người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết, nhưng rất nhiều người dân vẫn bất chấp lệnh cấm, ra đường từ sáng sớm để tập thể dục và bán hàng rong. 6h sáng 28-7, tổ công tác của phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) đi kiểm tra tình hình chấp hành quy định phòng dịch của người dân.Khi đến đoạn đường Sơn Tây (cạnh chợ Ngọc Hà), bắt gặp chị X. (ở Đội Cấn) cùng con gái dựng xe trên vỉa hè để bán hoa quả. Chị X. trình bày với tổ công tác là mình không bán hàng tại đây. Sau khi "xin" không được, chị X. liền quay ra cự cãi với tổ công tác...
Cùng buổi sáng hôm đó, khi đang đi tập thể dục tại tuyến phố Kim Mã, ông N. (ở phố Kim Mã) đã bị lực lượng chức năng phát hiện, ông này giải thích đang đi mua đồ ăn sáng, nhưng không giải thích được việc đi giày và mặc quần áo chạy bộ. Kết quả là chị X, cũng như ông N. đã bị UBND phường Kim Mã xử phạt 2 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Chiều 29-7 UBND phường Yên Phụ đã xử phạt 6 triệu đồng đối với Đặng Kim Hòa và Nguyễn Văn Ngọc (ở phường Phúc Xá, Ba Đình). Trước đó, khoảng 18h ngày 28-7, Hòa và Ngọc đi xe máy đến đỗ tại lối vào chốt kiểm dịch đầu ngõ 108 Nghi Tàm để đi vào khu vực kiểm soát. Khi bị yêu cầu di chuyển, các đối tượng không chấp hành, còn lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng…
Không chỉ vi phạm quy định về giãn cách xã hội, những hành vi như che giấu, không khai báo, hoặc khai báo không kịp thời, gian dối, vi phạm quy định về cách ly y tế… không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm, mà nguy hiểm hơn là làm cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc đăng tải, chia sẻ, tán phát các thông tin sai sự thật, không chính xác, xuyên tạc, bôi xấu, cố tình suy diễn làm sai lệch các chủ trương, chỉ đạo công tác chống dịch của Đảng, nhà nước nhằm kích động, tuyên truyền gây hoang mang, lo lắng trong xã hội… thực sự là thứ virus nguy hại không kém gì... virus Corona.
Dịch bệnh chết người COVID-19 đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn xã hội đang tập trung cao độ, dồn sức, gồng mình trong cuộc chiến cam go này. Vì thế, những hành động vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, khinh nhờn pháp luật đó thật đáng lên án và xử lý nghiêm theo quy định.
Hãy nghĩ đến họ!
Có lẽ cảm giác sợ hãi trước sự vô cảm, coi thường sự an nguy của cộng đồng, chỉ biết đến nhu cầu của bản thân…ở không ít người dân, đã khiến người cảnh sát khu vực viết trên trang cá nhân của mình những dòng như khẩn cầu, nài nỉ: “… Bà con có bao giờ nghĩ mình đi ra đường có chút xíu, mà gia đình phải cách li, cả một con hẻm, một tuyến đường, một khu phố, rồi sẽ đến một phường, quận, thành phố… Bà con có trực tiếp chứng kiến cái cảnh nhân viên y tế ngày làm việc 24/24, mặc bộ đồ nóng như cái áo mưa…Chúng tôi cũng có ông bà, cha mẹ, con cái, cũng có bệnh nền, cũng có tình thương, cũng có lúc về nhà mà đứng trước cổng không dám nói một câu sợ khóc, cũng có lúc chỉ dám nhắn tin cho con để hỏi han.... Bà con thương tôi, xem chúng tôi như con cháu, thì chấp hành giúp ạ, không cần thả tim hay động viên gì cả, bà con ghi nhớ, bảo ban gia đình là giúp tụi con rồi ạ!”. Lời gan ruột ở chốt kiểm soát y tế, đã làm động lòng trắc ẩn của nhiều người.
Cũng trong dòng trạng thái này, người chiến sĩ đã nêu ra một vấn đề ít ai ngờ tới. Đó là sự thiếu hụt, cạn kiệt về nguồn lực con người. Quả thực, chúng ta chưa phải lo về nhu yếu phẩm hay trang thiết bị, vật tư y tế trong dịch bệnh, nhưng lực lượng đang triển khai phòng chống dịch bệnh thì có hạn và sức người đâu phải vô biên? Không thể đo đếm được nỗi vất vả, cực nhọc của nhân viên y tế, cùng các ban ngành chức năng trong cuộc chiến với đại dịch lần này.
Công an phường Phúc Lợi, Long Biên hiện cũng đang căng mình trong các chốt kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội. Hết ca trực ở chốt, Cảnh sát khu vực phải tham gia các tổ tuần tra, hay xuống địa bàn được giao phụ trách để kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở người dân có biểu hiện vi phạm, yêu cầu mọi người nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16. Kể về những nhân viên y tế đang đồng hành với lực lượng Công an trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa bàn dân cư, một cán bộ chia sẻ: "Họ cũng là con người như chúng ta, phía sau họ cũng là gia đình, cha già mẹ yếu…nhưng vì sức khoẻ của bao người, họ lên đường làm nhiệm vụ, tiếp cận trực tiếp các nguồn lây nhiễm, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh và mất mát, đặt tính mạng của mình vào trước nguy cơ chết người của dịch bệnh.”
Từ TP Hồ Chí Minh, một người bạn tôi kể rằng có cô gái phải đi cách ly. Tới khuya chưa thấy bác sĩ hỏi thăm, nên bực tức chê trách, cho rằng họ vô cảm, thờ ơ với bệnh nhân. Nhưng chỉ ít phút sau, vị bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân nặng, bỗng đổ gục xuống sàn vì kiệt sức thì cô mới bừng tỉnh và nhỏ những giọt nước mắt ân hận. Tương tự, có người đàn ông bị cách ly 12 ngày không được ra khỏi nhà, cảm thấy cuồng chân và bức bối liền gọi điện xả bức xúc với người bạn là y tá. Khi nghe người này nói đã 45 ngày chưa về nhà, ông vội tắt máy lặng im…
Mới đây, sinh viên Dương Thị Anh (lớp Cử nhân xét nghiệm 11, Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương) nhận tin bố mất đột ngột trong lúc cô đang tham gia đoàn công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Nỗi đau nhân lên gấp bội khi cô không thể trở về chịu tang cha, bởi đang bận rộn với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh ở nơi đất khách quê người và các quy định cách ly phòng dịch giữa các địa phương.
Sự hy sinh thầm lặng của bao con người nơi tuyến đầu ngăn chặn hiểm hoạ COVID-19, xứng đáng với sự cảm phục, trân trọng của cộng đồng xã hội, cùng những hành động thiết thực để đồng hành cùng họ trong cuộc chiến cam go này.
Tăng sức đề kháng từ... ý thức
Giải thích về cơ chế kiểm soát dịch bệnh, TS.BS Vũ Văn Khoa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, muốn giảm bớt ca tử vong do COVID-19 thì phải kéo giảm số ca mắc nặng, mà muốn giảm số ca mắc nặng thì phải giảm số ca mắc bệnh. Muốn giảm số ca mắc thì phải chấp hành các biện pháp phòng dịch để cắt đứt chuỗi lây truyền. Và để cắt đứt chuỗi lây truyền từ người này sang người khác trước khi có miễn dịch cộng đồng, thì phải tuân thủ nghiêm chỉnh giải pháp 5K, đó là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế.
“Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh đang rất cam go, nguy cơ chết người nhãn tiền. Việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh có thành công hay không, tùy thuộc vào ý thức và hành vi của từng người trong xã hội. Chỉ cần một cá nhân nào đó khi bị mắc bệnh mà không tuân thủ 5K, sẽ làm lây lan cho nhiều người, trước mắt là người thân của mình. Tiếp đến là hệ thống y tế sẽ phải gồng mình xử lý từ điều tra, truy vết, phong toả, cách ly, điều trị. Bao nhiêu người sẽ khổ sở, vất vả vì sự thiếu ý thức của một người. Do đó, việc tuân thủ nghiêm chỉnh 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, tình thế đòi hỏi chúng ta phải biết hy sinh công việc và những lợi ích trước mắt để bảo vệ cộng đồng. Thà cố chịu đựng vất vả trong nửa tháng, còn hơn lay lắt, khổ cực, lo lắng, hoang mang từ tháng này sang tháng khác” – BS Khoa phân tích.
Theo BS Phan Quốc Hưng (Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lâm Thao, Phú Thọ), kể từ ngày 23-1-2020 phát hiện ca bệnh đầu tiên, đến nay đất nước đã trải qua nhiều thời điểm khó khăn trong cuộc chiến phòng chống dịch. Với các Chỉ thị 15, 16, 19 của Chính phủ, chúng ta đã khống chế, đẩy lùi được 3 đợt dịch bệnh nguy hiểm và rút được nhiều bài học quý. Đó là toàn dân tộc cùng chung một ý chí, cùng đồng lòng, quyết tâm theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và chính quyền địa phương, toàn dân đã tích cực ủng hộ việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Từ ngày 27-4, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, tính đến nay sau chưa đầy 3 tháng nhưng tăng hơn 50 nghìn ca mắc mới, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, nhằm kéo giảm số ca mắc hàng ngày, tiến tới khống chế và kiềm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Đành rằng khi thực hiện giãn cách xã hội, đời sống của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn. Trẻ em không được đến trường; nhà máy, công xưởng phải đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm; các chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nhiều mảnh đời mưu sinh, kiếm sống qua ngày bị ảnh hưởng rất lớn…nhưng không còn cách nào khác. “Lúc này mỗi người dân cần phải tự khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng, đồng hành cùng xã hội trong một nỗ lực tập thể để phòng chống dịch bệnh. Đợt dập dịch lần này có thành công hay không, phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức của mỗi người. Chỉ có chúng ta mới giúp làm đứt gãy chuỗi lây nhiễm của virus. Mỗi người hãy tự bảo vệ cho mình, cho gia đình và cộng đồng trước đại dịch. Đoàn kết, đồng lòng, chung sức là giải pháp để chiến thắng dịch bệnh” – BS Hưng kêu gọi.