Cẩn trọng với dịch vụ cho thuê giấy phép lái xe
Càng gần Tết, dịch vụ cho thuê giấy phép lái xe càng nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều người phát hiện ô tô đang dính phạt nguội và không muốn bị giữ giấy phép lái xe nên đã tìm cách đi thuê hoặc mượn giấy phép lái xe (GPLX) của người khác để “thế thân”. Việc này là hành vi vi phạm pháp luật, bởi thế người thuê và người cho thuê cần cẩn trọng để tránh tiền mất tật mang.
Tràn lan hội nhóm cho thuê giấy phép lái xe
“Chỉ từ 1,5-5 triệu đồng một tháng cho một bằng B2, hoặc bằng lái xe máy, là khách hàng có thể thuê bằng lái xe nộp phạt nguội, không lo bị giữ bằng vài tháng, thậm chí cả năm mà không thể đi đâu được”, đó là những lời quảng cáo có cánh của các “cò” dịch vụ cho thuê GPLX. Quả thật, chỉ cần gõ trên mạng xã hội cụm từ “hỗ trợ phạt nguội” sẽ cho ra một loạt những hội nhóm kín, mở hướng dẫn các thủ tục nộp phạt nguội cho người vi phạm. Bên cạnh những hướng dẫn chi tiết, cụ thể, không thiếu những lời mời chào cho thuê GPLX, hỗ trợ xóa lỗi phạt nguội. Trong các hội nhóm này, cũng có khá nhiều người vào tìm thuê GPLX cho mục đích nộp phạt nguội.
Hầu hết những người môi giới cho thuê GPLX đều khẳng định, hoàn toàn có thể lấy GPLX của người khác để “thế thân” mà không sợ bị CSGT phát hiện, đồng thời cam kết có thể xử lý ở bất kì tỉnh nào. Tại một nhóm có hơn chục nghìn thành viên, hàng chục người đăng thông tin cần thuê GPLX B2 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh để đóng phạt. Bên cạnh đó, một số khác cũng đăng thông tin đang có GPLX hạng B1, B2, C... để không và sẵn sàng cho thuê đóng phạt nguội với giá phải chăng.
Nick H.T rao trên hội nhóm: “Em có bằng lái xe B2 ít sử dụng, ai cần thuê để phạt nguội liên hệ em ạ. Em chỉ nhận ở khu vực TP Hồ Chí Minh thôi ạ”. Người này không quên khoe ảnh khách hàng chuyển khoản và đã xử lý xong lỗi vi phạm cho khách. Ngay lập tức, nhiều người vào bình luận. Người hỏi thuê, nhưng cũng không ít người khuyên nhủ đó là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý rất nặng.
Một nick khác thì quảng cáo: “Em có hai cái bằng B2, lúc đầu thất lạc nên đi làm lại bằng mới, giờ lại tìm được cái bằng cũ rồi, tự nhiên lại có thêm một bằng nữa, bằng mới hạn lại thêm được 3 năm luôn, vậy cho thuê thì có sao không các bác? Để không một cái cũng chả biết làm gì. Ý em chỉ là cho thuê đi nộp phạt nguội thôi các bác nhé, nếu bác nào muốn thuê thì chỉ 1 triệu một tháng, inbox để vào việc”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc cho thuê GPLX với giá từ 1,5-5 triệu đồng/tháng, tùy từng khu vực, tùy từng lỗi vi phạm. Trên các hội nhóm, các môi giới cho thuê GPLX đều khẳng định có thể “xử lý” được ở khắp các tỉnh, thành, nhưng nhiều nhất, dễ nhất vẫn là khu vực các tỉnh phía Nam. Ở phía Bắc khó thuê hơn và giá cao hơn. Thế nhưng, giá cả, thông tin đều được các “cò” yêu cầu inbox, nhắn tin riêng chứ không công khai trong hội nhóm.
Lấy lý do người nhà bị phạt nguội ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai vì 2 lần chạy quá tốc độ 15-20km, phóng viên liên hệ với một thành viên trong nhóm hỏi cách xử lý thì người này cho biết: “Với lỗi quá tốc độ 15-20km, tái phạm lần 2, người lái xe chịu tình tiết tăng nặng, sẽ bị phạt 6 triệu, giữ GPLX 3 tháng. Nếu muốn có GPLX đi chơi Tết thì nên thuê với giá 2 triệu/tháng, chuyển khoản 50%. Sau khi giải quyết xong mới phải chuyển khoản nốt số tiền còn lại”. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý được giảm giá vì quá đắt, nếu thuê 3 tháng sẽ phải mất 6 triệu thì người này cho biết, giá quá rẻ vì ở khu vực phía Bắc rất khó thuê, chưa kể CSGT làm chặt nên phải rất cẩn trọng. Còn nếu muốn xóa lỗi phạt nguội thì mất 5 triệu đồng/lỗi, chuyển khoản 100%.
Để phóng viên an tâm, người này không quên khẳng định, đã nhiều lần hỗ trợ thành công bằng phương thức này mà không hề bị phát hiện. Khi đi nộp phạt, sẽ có chủ nhân của GPLX cho thuê đi cùng và tự nhận là họ hàng của phóng viên, đồng thời viết cam kết là người đã lái xe, gây ra lỗi vi phạm đó. Còn phóng viên chỉ việc nhận là người cho mượn là xong. Viện cớ phải “báo giá” cho người nhà nên phóng viên xin phép được liên hệ lại sau.
Không thể dùng giấy phép lái xe khác để “thế thân”
Từng là nạn nhân của trò thuê GPLX xóa phạt nguội, anh Trần Văn Tuân (Nam Định) đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mất 3 triệu đồng cho một đối tượng. Vì bị phạt nguội ở Đà Nẵng trong một lần phượt xuyên Việt, anh đã vào hội nhóm nhờ một người môi giới đứng ra xử lý. Vì lái xe biển Nam Định, nhưng lại bị phạt ở Đà Nẵng, nên đối tượng đã khuyên anh nên xóa thông tin phạt nguội với chi phí 3 triệu đồng. Anh đồng ý chuyển khoản tiền cọc là 1,5 triệu đồng, khi nào tra cứu không còn lỗi thông tin phạt nguội sẽ chuyển khoản nốt số tiền còn lại. Thế nhưng, ngay sau khi chuyển cọc, anh đã không thể liên hệ với Facebook kia. Cuối cùng, anh đành ngậm đắng nuốt cay đi nộp phạt và chịu bị giữ bằng lái.
Tương tự, như anh Tuân, chị Minh Hân (Hà Nội) cũng từng lên mạng thuê GPLX để mong làm vật “thế thân” nộp phạt nguội vì công việc của chị thường xuyên di chuyển bằng ô tô, không thể không có GPLX. Thế nhưng, khi chị chuyển khoản cọc thì cũng bị chặn Facebook, chặn số điện thoại.
Theo một cán bộ Cục CSGT, khi tài xế đến các đơn vị thực hiện theo thông báo phạt nguội, Cơ quan công an sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản xác minh vụ việc mới cho đóng phạt. Không phải ai đóng phạt cũng được. Nhiệm vụ của công an là phải kiểm tra, đối chiếu, xác minh vụ việc trước khi ra quyết định lập biên bản xử phạt.
Trong trường hợp chủ phương tiện khi cho thuê xe, mượn xe mà không may phương tiện dính phạt nguội, nếu người chủ chứng minh được lỗi không phải do mình thì chủ xe sẽ không bị xử phạt.
Do đó, để giúp cho công tác chứng minh hiệu quả hơn, chủ xe có thể thực hiện các việc sau: Có hợp đồng thuê xe mà trong đó quy định rõ ràng về thời gian sử dụng, về điều khoản người thuê phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm an toàn giao thông trong thời gian thuê xe.
Chủ xe yêu cầu bên cho thuê cung cấp đầy đủ những thông tin cá nhân như: GPLX, căn cước công dân, hộ khẩu. Đồng thời, chủ xe cũng nên kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ nêu trên; yêu cầu cọc tiền khi bàn giao xe, số tiền này sẽ trừ vào tiền phạt trong trường hợp bên thuê cố tình không muốn đóng phạt.
Ngoài ra, chủ xe cũng nên thường xuyên kiểm tra phạt nguội để theo dõi phương tiện của mình có đang trong danh sách phương tiện bị phạt nguội hay không, từ đó có thể kịp thời xử lý.
Liên quan đến cơ chế phạt nguội trong vi phạm giao thông, Thông tư số 51/2022 của Bộ Giao thông - Vận tải, Thông tư số 15/2022, Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an có quy định cụ thể như sau: Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông: CSGT phát hiện vi phạm thông qua thiết bị ghi hình các xe trên đường, qua hệ thống giám sát tự động hoặc từ các thiết bị khác. Bước 2: Kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm giao thông: Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm. Bước 3: Thông báo cho người điểu khiển phương tiện vi phạm. Bước 4: Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm. Bước 5: Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ.
Như vậy, việc xác minh ai là người điều khiển phương tiện khi vi phạm dựa trên hình ảnh ghi được thông qua thiết bị ghi hình và việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu được từ hệ thống camera quan sát, nhận dạng với độ chính xác cao.
Do đó, nếu người vi phạm thuê/mượn GPLX của người khác để nộp cho CSGT và sử dụng GPLX của mình để tiếp tục tham gia lưu thông là không đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp xác minh được người điều khiển phương tiện cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt, theo Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sau khi vi phạm mà có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm là tình tiết tăng nặng và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Thấy các lái xe thường biết vi phạm giao thông toàn là lỗi tốc độ, để rồi lên mạng cầu cứu hoặc nhờ hỗ trợ giúp đỡ. Vậy, tại sao không tuân thủ chấp hành cho mình tránh bị rắc rối với pháp luật. Lỗi vô ý thì mọi người đều thông cảm, còn đây là cố tình vi phạm, chạy ẩu, vì cao tốc là có quy định giới hạn tốc độ, vậy mà vượt quá 10-20km/h thì không thể chấp nhận hành vi này”, một thành viên bức xúc đăng trên một hội nhóm hỗ trợ phạt nguội. Việc thuê GPLX để “thế thân” là hành vi vi phạm pháp luật, người cho thuê và người thuê khi bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh, bởi vậy, mỗi người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, tránh tình trạng tiền mất, tật mang khi nghe những lời mời chào cho thuê GPLX hay xóa lỗi vi phạm trên các hội nhóm, mạng xã hội.