Gian nan xử lý dự án treo

Càng xử lý, càng gia tăng? (kỳ 1)

Thứ Năm, 04/05/2023, 09:07

Những dự án bỏ hoang nhiều năm tại các thành phố lớn không còn quá xa lạ. Dù cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh đã quyết liệt vào cuộc và đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa thể chấm dứt triệt để.

Bắt cóc bỏ đĩa

Các dự án treo, quy hoạch treo, dự án chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh...

Thực tế cho thấy, hầu như địa phương nào cũng có dự án treo, nhất là đối với các dự án tại các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông khi hàng loạt doanh nghiệp “xin đất thực hiện dự án” nhưng lại chậm triển khai đầu tư xây dựng. Vấn đề xử lý nghiêm các dự án gây lãng phí nguồn lực đất đai này đã nhiều lần được Quốc hội, Chính phủ cùng các địa phương bàn bạc, tuy nhiên thực tế xử lý vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Theo báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã cho thấy rõ những tồn tại trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai. Những dự án treo, chậm triển khai này đã gây thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Càng xử lý, càng gia tăng? (kỳ 1) -0
Dự án Khu đô Thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 của Tổng công ty Đầu tư phát triển và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư hiện vẫn là đồng ruộng.

Cụ thể, báo cáo chỉ rõ, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Cùng với đó, hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: Năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử. Đáng nói nhất, quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát của Quốc hội làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha...

Theo thống kê tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có hàng chục dự án ôm đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai, gây lãng phí. Cụ thể, qua rà soát, trên địa bàn Hà Nội có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất trên 5.000 ha. Trong số này, 37 dự án kiến nghị trình UBND TP Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động; 71 dự án được quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn khoảng 371,115 tỷ đồng. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ.

Theo báo cáo Phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), đến năm 2021, TP Hồ Chí Minh có trên 2.900 dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, số dự án đã thực hiện là 1.502, số dự án đang thực hiện là 872, dự án chưa thực hiện là 616. Trong tổng số các dự án chưa thực hiện, UBND TP Hồ Chí Minh đã xử lý 169 dự án gồm 108 dự án hủy bỏ theo văn bản số 4289 ngày 6/12/2020 của UBND TP Hồ Chí Minh, không thuộc trường hợp HĐND thành phố thông qua; có 61 dự án thuộc trường hợp HĐND thành phố hủy bỏ và được chấp thuận tại Nghị quyết 64 năm 2020.

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát các dự án còn lại. Đơn vị này cũng đang có đề án nghiên cứu và đang xin ý kiến với các khu đất treo lâu, sẽ thống kê thu hồi, bán đấu giá theo quy định pháp luật. Từ thực tế, báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội đưa ra hàng loạt đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, cơ quan tư pháp. Trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất...

Ngân sách thất thoát, người dân khốn khổ

Theo khảo sát, dự án khu nhà ở Văn La thuộc phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội), do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, dự án khu nhà ở Văn La được UBND tỉnh Hà Tây giao cho Sudico làm chủ đầu tư tại Văn bản số 776/UBND-XD ngày 3/3/2006 và được giao đất chính thức tại quyết định số 2423/QĐ[1]UBND ngày 14/7/2008. Đến tháng 11/2015, dự án lại được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Càng xử lý, càng gia tăng? (kỳ 1) -0
Căn bếp xập xệ của gia đình bà Phạm Thị Bé (Hạ Đình, Thanh Xuân)

Dự án khu nhà ở Văn La nằm ở vị trí “đất vàng”, ngay trung tâm của quận Hà Đông trong quy hoạch chung đô thị đến năm 2020. Khu đất có vị trí thuận lợi về giao thông, nằm trên trục đường chính Quang Trung, đường sắt Cát Linh - Hà Đông của quận Hà Đông - quốc lộ 6 - tuyến đường huyết mạch nối liền Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc Thủ đô. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2009 với có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng trên diện tích hơn 12 ha. Dự án được quy hoạch đồng bộ, hiện đại bao gồm công viên cây xanh, các cơ quan, công sở, trường học, khu vui chơi, giải trí,... và các dịch vụ tiện ích. Dự án được quy hoạch như khu dân cư, khu chung cư cao tầng, khu biệt thự cao cấp. Thế nhưng, sau hơn thập kỷ, dự án “nghìn tỷ” của quận Hà Đông vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nơi người dân trồng rau, trở thành bãi tập kết xe trái phép... Hơn nữa, để làm được dự án này, Sudico phải thực hiện hạ ngầm tuyến đường dây điện 110 Kv chạy qua khu đô thị Văn La. Tuy nhiên, đã gần 13 năm trôi qua, điều kiện cần nhất trên vẫn chưa được Sudico thực hiện.

Ông L.A sống ngay cạnh dự án cho biết về tuyến đường dây điện 110 Kv đáng nhẽ chủ đầu tư phải hạ ngầm rồi tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 20 hộ dân sống cạnh dự án vì đường dây điện vẫn lơ lửng trên đầu. Cũng theo lời ông A chia sẻ thì mấy năm về trước, nơi này trở thành điểm tập trung các đối tượng nghiện ngập, gây lo lắng cho người dân sống quanh đây.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt cũng đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng Công ty Licogi) làm chủ đầu tư.

Qua tìm hiểu, năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35 ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này. Đây là khu đất được đánh giá là có vị trí đắc địa bậc nhất của quận Hoàng Mai, bởi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Dự án có vị trí gần công viên và các khu cư dân hiện hữu sầm uất. Dự án này được chia thành 2 giai đoạn và kết thúc vào năm 2011. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư... Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự. Mặc dù trong cuộc họp điều chỉnh dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từng nêu rõ, tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng dự án. Mặc dù dự án này đang bị bỏ hoang nhưng vẫn không bị thu hồi và Licogi vẫn là chủ đầu tư. Từ tháng 8/2020, cơ quan chức năng quận Hoàng Mai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích khoảng gần 30ha. Tuy nhiên, hiện tại đây vẫn còn vài chục hộ dân vẫn sống trong khu vực quy hoạch. Cuộc sống của họ đang bị đảo lộn vì sống trong những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (60 tuổi) bức xúc: “Tôi thấy người ta bảo dự án chưa lấy đến chỗ đất nhà chúng tôi nên họ chưa đền bù. Mùa mưa bão, nước dâng cao, tràn vào nhà, muốn nâng mái, hay nâng nền phải ra ủy ban xin phép”. Đưa chúng tôi thăm nhà, chị Nguyễn Thị Mùi (SN 1979) ngậm ngùi: “Trước nhà của tôi là 2 tầng nhưng sau 4- 5 lần nâng nền giờ chỉ còn 1 tầng thôi. Dù đã làm mọi cách để “cải thiện” nhưng nếu gặp những đợt mưa to và lâu thì nước vẫn tràn vào nhà. Nhiều đêm đang ngủ, cả nhà lại hô hoán nhau dậy kê kích đồ đạc lên chỗ cao hơn”.

Câu chuyện người dân sống trong khu vực có dự án lâu nay không còn là chuyện xa lạ. Tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có hàng trăm hộ dân đang phải vật lộn sống trong những căn nhà ẩm thấp, tồi tàn. Họ phải thuê nhà trọ ở tạm vì dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình. Năm 2011, người dân và chính quyền đã nhận thấy sự bất cập của quy hoạch nên đã có văn bản báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND TP Hà Nội. Bởi, nếu thực hiện thì chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân sẽ là một con số vô cùng khủng khiếp.

Qua tìm hiểu, đến nay dự án mới chỉ triển khai xong hạng mục hồ điều hòa, còn phần công viên cây xanh thì không triển khai được. Vì thực tế, khu đất quy hoạch này đang chồng lấn, trùm lên 649 thửa đất, trong đó 520 thửa đất người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định từ trước năm 2000. Đến Hạ Đình, tìm hiểu về những hộ dân đang nằm trong dự án mới thấm thía được nỗi cơ cực của người dân.

Ngôi nhà vợ chồng ông Đỗ Duy Bảo (80 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Bé (71 tuổi) tại ngõ 460, phường Hạ Đình xây dựng đã ngót nghét 30 năm. Vì nằm trong diện quy hoạch nên dù nhiều hạng mục trong ngôi nhà đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng nhưng gia đình ông Bảo cũng không dám sửa chữa gì. Căn nhà của gia đình ông đang sống giống hệt một khu ổ chuột, đồ đạc ngổn ngang, ẩm ướt. Khu bếp, những tấm lợp nhựa lẫn tôn đều đã sập, mang tiếng là trong bếp nhưng chẳng khác nào ngoài trời. Những ngày Hà Nội mưa, ngôi nhà của vợ chồng ông lại ngập lênh láng nước. Sống trong quy hoạch treo đã nhiều năm nay, ông Bảo vẫn đang mòn mỏi chờ đợi ngày gia đình được sửa sang nhà cửa, cấp phép xây dựng trên đất giãn dân hợp pháp được TP Hà Nội cấp từ năm 1993.

Cạnh nhà ông Bảo là gia đình ông Đặng Đình Đảm - tổ trưởng tổ dân phố số 9 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Gia đình ông Đảm cũng trong tình trạng xuống cấp và xập xệ nghiêm trọng.

Ông Bảo cho biết: “Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã đình trệ nhiều năm nay khiến đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân tại đây đã được TP Hà Nội cấp đất giãn dân một cách hợp pháp nhưng đến giờ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng và sửa chữa nhà cửa theo đúng quyền lợi. Tổ dân phố cũng đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng, phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn rối như tơ vò và chưa được giải quyết triệt để”.

(Còn tiếp)

Ngọc Trâm - Ngọc Anh
.
.