Cảnh báo việc lừa đảo nhân danh từ thiện

Thứ Năm, 12/08/2021, 18:20

Những câu chuyện thương tâm với đầy đủ thông tin, từ tên tuổi, hoàn cảnh, địa chỉ, số tiền cần giúp đỡ kèm theo những tấm ảnh rất thật được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, tất cả chỉ là trò lừa đảo, đều là màn kịch hoàn hảo, duy chỉ có số tài khoản và người nhận là thật...

Khi bệnh viện trở thành mục tiêu

Lợi dụng tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, các đối tượng đã tìm đủ mọi cách đánh vào lòng trắc ẩn cũng như truyền thống tương thân tương ái của các tầng lớp xã hội, các cá nhân có lòng hảo tâm trên khắp cả nước để lừa đảo, trục lợi. Chúng dựng lên những mảnh đời cùng cực bi đát, những số phận éo le, thê thảm, tang thương để đánh vào lòng thương con người. Chúng còn lấn sâu cả vào các bệnh viện, các đơn vị tuyến đầu chống dịch và nhân danh tổ chức, hội, nhóm thiện nguyện,... kêu gọi cộng đồng quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ.

Thời điểm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phát hiện có 55 ca nhiễm COVID-19 và bị phong tỏa, xuất hiện một số trang mạng xã hội với danh nghĩa “ủng hộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ủng hộ tuyến đầu chống dịch”, sử dụng tài khoản cá nhân quyên góp tiền, hiện vật,...

Cảnh báo việc lừa đảo nhân danh từ thiện -0
Nhiều người bị lừa đành cắn răng chịu đựng và chỉ biết chia sẻ lên diễn đàn mạng xã hội. 

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo trục lợi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông tin cảnh báo người dân cảnh giác, tránh bị lợi dụng từ những lời kêu gọi không chính thống, bệnh viện mong các nhà hảo tâm thận trọng khi chọn nơi để đóng góp từ thiện. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được phép trực tiếp tiếp nhận tài trợ về vật phẩm, đồ dùng,... thông qua đầu mối duy nhất là Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Tiếp đến, Bệnh viện Trưng Vương cũng phát hiện một số trang mạng xã hội dùng danh nghĩa “ủng hộ Bệnh viện Trưng Vương trong công tác tuyến đầu chống dịch” và sử dụng tài khoản cá nhân để quyên góp tiền, hiện vật,... được xác định là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt.

Do đó, bệnh viện thông báo đến các nhà hảo tâm cần cẩn trọng trước các thủ đoạn nêu trên. "Nhà nước khuyến khích các nhà hảo tâm đóng góp từ thiện bằng cách tham gia các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và tổ chức thực hiện. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho Cơ quan công an để kịp thời xử lý", thông báo từ Bệnh viện Trưng Vương khẳng định.

Đánh vào lòng trắc ẩn

Với chiêu thức lừa đảo tương tự, các đối tượng đã thu phục được rất nhiều lòng tin của người dân. Vào ngày 6-8-2021, trang Facebook “Nhất Tâm Niệm Phật” đã đăng tải nội dung nói về trường hợp sư cô Thích Nữ Hương Nhũ (chùa Thiên Quang, Bình Dương) bị tai biến mạch máu não và đang nằm Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), hiện tại sức khỏe đang nguy kịch.

Cảnh báo việc lừa đảo nhân danh từ thiện -0
Nội dung kêu gọi ủng hộ sư cô Hương Nhũ do đối tượng lừa đảo đăng lên mạng xã hội kèm theo số tài khoản chuyển tiền. 

Chủ tài khoản đã “khóc hết nước mắt” khi nói về con đường tu học cũng như công đức của sư cô đã dành cho đệ tử. Sau cùng, tài khoản chốt đến vấn đề tiền. “Trên tinh thần tu học tình huynh đệ, cùng quê hương Trà Vinh, hôm nay tài khoản Trao Gửi Yêu Thương chính thức tha thiết kêu gọi quý Mạnh Thường Quân, quý nhà hảo tâm, Phật tử gần xa hoan hỷ phát tâm trợ giúp cho sư cô vượt qua cơn nguy kịch, cúng dường sư cô để trị bệnh... Mọi sự đóng góp xin gửi về chủ tài khoản Trương Thị Thùy Chi...”.

Với lời kêu gọi tha thiết, kèm theo những bức ảnh chú thích sư cô Hương Nhũ đang nằm bất động tại bệnh viện, nhiều Phật tử, người dân xa gần đã cảm động đến rơi nước mắt và sẵn sàng trích tiền ra ủng hộ sư cô chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người quen biết sư cô Hương Nhũ đã phát hiện ra tấm ảnh bệnh nhân không phải là sư cô và thông tin đối tượng ghi trên Facebook cũng không chính xác.

Chị Lê Thị Hương, người biết khá rõ về sư cô đã nhanh chóng loan báo đến cho mọi người biết để dừng ngay việc quyên góp. Thượng tọa Thích Tâm Hải - Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sư cô Hương Nhũ sức khỏe ổn định, không phải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng không phải đã viên tịch như tin đồn. 

Cảnh báo việc lừa đảo nhân danh từ thiện -0
 Bức ảnh bệnh nhân nằm trên giường cấp cứu không đúng sự thật.

Lúc ấy, nhiều người mới té ngửa vì bị “ăn” cú lừa ngoạn mục. Chị Hương cho biết, nạn nhân tham gia quyên góp có cả người già, trẻ em, vì tấm lòng thương quý nạn nhân, vì sự hào hiệp, sẵn sàng sẻ chia trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Không phải ai cũng tỉnh táo, đủ thông tin để xem xét được đâu là thật giả.  

Lừa đảo nhân danh từ thiện đang là loại tội phạm mới, nở rộ vào dịp dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Chúng hoạt động dưới nhiều vỏ bọc, chiêu thức tinh vi, linh hoạt, len lỏi vào các hội, nhóm được lập ra trên mạng xã hội.

Ngày 6-8 vừa qua, trên fanpage của nhóm “Giúp nhau mùa dịch” có đăng bài về hoàn cảnh của một gia đình cùng lúc 5 người nhiễm COVID-19, trong đó 2 người đã qua đời rất thương tâm. Gia đình nghèo khó không có tiền mai táng, không có gạo ăn, hai đứa bé cũng bị nhiễm mà không có sữa, tình hình rất nguy kịch. Chủ tài khoản tha thiết, khẩn cầu kêu gọi chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, tất cả đều chuyển về số tài khoản của người này.

Rất nhiều người vì xót xa, thương cảm đã chuyển tiền. Anh Nguyễn Trọng Nhàn (ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh) là thành viên trong nhóm nghi ngờ đây là đối tượng lừa đảo, vì chúng đã kiểm soát chế độ bình luận công khai, chỉ nhận những tin nhắn hỏi về việc chuyển tiền. Anh Nhàn  nhờ người quen đang sống gần đó đi kiểm tra. Sau một tiếng đồng hồ, người quen của anh Nhàn báo không tìm ra địa chỉ cũng như hoàn cảnh như bài đăng. Người quen cho số điện thoại của ông tổ trưởng dân phố để anh Nhàn chứng thực.

Ông tổ trưởng dân phố khẳng định, khu phố của ông không có trường hợp nào bi đát, đáng thương như vậy, cũng không nhà nào 2 người chết vì dịch bệnh. Quay lại chủ tài khoản trên, vì đã bị chặn chế độ bình luận tiêu cực nên anh Nhàn chỉ còn cách chụp lại thông tin rồi đăng liên tiếp trên diễn đàn để cảnh báo.

Lúc này mới té ngửa, nhiều nạn nhân vào than trách vì biết mình bị lừa. Số tiền chuyển khoản giao động vài trăm ngàn nên không ai mặn mà làm đơn tố giác, họ chỉ lẳng lặng “găm” vào lòng, dặn mình lần sau phải cẩn thận. Đối tượng sau khi “hốt” được một mớ và biết bị bại lộ đã xóa nội dung, đóng tài khoản. 

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Bài viết được các đối tượng đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ từ 50.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng vào mục đích cá nhân hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”...

Thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong cả nước liên tiếp phát hiện, xử lý đối tượng quản trị nhiều fanpage Facebook hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự như trên. Điển hình như fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”,...

Lực lượng công an đang tăng cường rà soát,đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội.

Cơ quan Công an đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho Cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Ngọc Thiện
.
.