Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tại tiệm vàng
Thông thường, các tiệm vàng - vốn được xem là nơi giao dịch tài sản quý giá an toàn nhưng hiện đang trở thành mục tiêu của những đối tượng lừa đảo với thủ đoạn bán hoặc cắm vàng giả. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các tiệm vàng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Nữ quái lừa 16 tiệm vàng
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận vừa tạm giữ hình sự Trương Thị Ngọc Thưởng (sinh năm 1980, trú tại Ninh Phước, Ninh Thuận) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại Cơ quan công an, đối tượng khai nhận do thấy các tiệm vàng chỉ kiểm tra vàng thật - giả tại các đầu móc khóa của sợi dây chuyền khi có khách hàng mang đến cầm cố, nên Thưởng đã lên mạng xã hội đặt mua dây chuyền vàng giả, sau đó nhờ gia công, thay thế chốt khóa bằng vàng thật, rồi mang đi cầm cố. Với thủ đoạn này, đối tượng đã lừa đảo 16 hiệu vàng, 4 hiệu cầm đồ, chiếm đoạt 229 triệu đồng từ 20 sợi dây chuyền giả. Lần thứ 21 thực hiện, Thưởng mới bị phát hiện, bắt giữ.

Một vụ án lừa đảo bán vàng giả với thủ đoạn tinh vi khác xảy ra tại Hà Nội. Cụ thể, ngày 20/3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm nhóm 6 bị cáo mang vàng giả lừa bán cho nhiều tiệm vàng trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Cầm đầu đường dây này là đối tượng Phạm Mạnh Giỏi (sinh năm 1986, ở huyện Ân Thi, Hưng Yên). 5 bị cáo khác gồm: Lê Minh Hoàng (sinh năm 1988, trú phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội); Trần Hoàng Long (sinh năm 1985, trú phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Trần Quốc Toán (sinh năm 1989, trú thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam); Bùi Huy Bình (sinh năm 1995, trú xã Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Lê Văn Thắng (sinh năm 1989, trú phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo cáo trạng, Phạm Mạnh Giỏi làm nghề chế tác kim hoàn tại nhà nhưng nghỉ từ năm 2019. Khoảng tháng 5/2023, do không có tiền chi tiêu cá nhân, Giỏi có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cửa hàng kinh doanh vàng.
Lợi dụng tay nghề có sẵn, Giỏi cho đồng phạm đi mua dây chuyền vàng thật, mang về chế tạo một dây giả giống dây đã mua rồi quay lại chính nơi bán để cầm cố hoặc bán nhằm chiếm đoạt tiền. Giỏi cùng các đồng phạm trên bàn bạc đi mua 1 lượng vàng 9999. Sau đó khoảng 4-5 ngày, các đối tượng mang dây chuyền này quay lại cầm cố để tạo lòng tin với cửa hàng. Vài ngày sau, Giỏi đưa tiền cho đồng phạm đi chuộc lại dây chuyền mang về cho mình.

Do từng làm nghề chế tác kim hoàn, Giỏi đã làm giả sợi dây chuyền bằng cách chế tác các mắt xích dây chuyền bằng bạc, dùng vàng mạ một lớp mỏng bên ngoài, cắt hai đầu móc khóa sợi dây chuyền vàng thật có ký hiệu của cửa hàng để gắn vào hai đầu dây chuyền giả. Tiếp đó, Giỏi cho các đối tượng trên mang sợi dây chuyền giả đến chính cửa hàng để tiếp tục cầm cố hoặc bán nhằm chiếm đoạt tiền của cửa hàng.
Vụ lừa đảo đầu tiên diễn ra vào khoảng tháng 7/2023, nhóm của Giỏi tới một cửa hàng vàng tại Bắc Giang mua dây chuyền vàng 9999 khối lượng 10 chỉ, giá 56,7 triệu đồng. Vài ngày sau, nhóm này quay lại cửa hàng, đưa vàng ra ký gửi giá 48 triệu đồng rồi sau đó chuộc lại giá 49 triệu đồng. Sau đó, Giỏi mang sợi dây chuyền vàng về, cắt hai mắt cạnh móc khóa có khắc ký hiệu của cửa hàng vàng và móc khóa, dùng bạc tạo ra các mắt khóa giống sợi dây chuyền vàng đã mua, phủ ngoài bằng vàng thật. Đến ngày 15/8/2023, Giỏi đưa sợi dây giả cho đồng phạm, mang tới cửa hàng nói trên ở Bắc Giang tiếp tục cầm cố với giá 48 triệu đồng và chiếm đoạt số tiền này.
Bằng thủ đoạn trên, nhóm của Giỏi đã thực hiện 10 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 530 triệu đồng của 8 cửa hàng vàng ở Hà Nội, Bắc Giang. Sự việc bị phát hiện khi một chủ tiệm vàng ở Hà Nội mang dây chuyền đi giám định, phát hiện là giả nên đã báo Cơ quan công an đồng thời đăng tải sự việc lên nhóm của những người kinh doanh vàng. Các bị hại khác khi đọc được thông tin này đã cùng kiểm tra và đều phát hiện bị nhóm của Giỏi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Theo lời khai của Giỏi, ngoài hành vi chiếm đoạt tiền tại các cửa hàng vàng trên, đối tượng này còn thực hiện hành vi tương tự tại 87 cửa hàng kinh doanh vàng khác trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã rà soát và ra thông báo tìm bị hại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, do chưa xác định được các bị hại nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan đến Giỏi và chuyển đến Công an tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Dương để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ và xử lý sau.
Sau 1 ngày xét xử, căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Mạnh Giỏi 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh trên, tòa phạt nhóm Lê Minh Hoàng, Trần Hoàng Long và Trần Quốc Toán mỗi bị cáo 8 năm tù. Các bị cáo Bùi Huy Bình và Lê Văn Thắng cùng mức án 6 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn tinh vi
Các đối tượng lừa đảo vàng hiện nay không chỉ dừng lại ở việc sử dụng vàng giả rẻ mà còn áp dụng công nghệ cao để làm giả vàng với độ tinh xảo khó phát hiện. Trong đó, có một số thủ đoạn phổ biến như: Làm giả lõi bên trong. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo mạ vàng thật bên ngoài, trong khi bên trong chúng dùng các kim loại rẻ tiền như đồng, thiếc hoặc tungsten. Những lõi này giúp giữ trọng lượng và hình dáng giống vàng thật, tạo cảm giác khó phân biệt khi kiểm tra bằng mắt thường hoặc thiết bị không chuyên dụng.
Ngoài ra, chúng cũng thường sử dụng vàng hợp kim để lừa. Vàng hợp kim thường chứa một phần vàng nguyên chất (với hàm lượng vàng thấp) pha trộn với các kim loại như đồng, bạc, niken hoặc kẽm. Những kim loại này giúp thay đổi màu sắc, độ bền và giá trị của vàng. Màu sắc của vàng hợp kim có thể thay đổi tùy thuộc vào tỷ lệ pha trộn.

Kẻ gian thường lợi dụng sự khó phân biệt giữa vàng hợp kim và vàng nguyên chất để lừa đảo. Thường thì trong quá trình giao dịch, các đối tượng này sẽ tráo vàng thật bằng vàng hợp kim vì nó có vẻ ngoài giống hệt nhưng hàm lượng vàng thấp hoặc sẽ kết hợp vàng thật với vàng hợp kim để tăng trọng lượng, sau đó bán với giá vàng nguyên chất.
Vàng hợp kim có hàm lượng vàng thấp nhưng được xử lý để có bề ngoài giống vàng nguyên chất. Các loại vàng giả này thường được mang đi cắm hoặc bán tại các tiệm nhỏ lẻ hoặc những nơi ít có thiết bị phân tích chuyên sâu. Để phân biệt giữa vàng thật và vàng hợp kim người ta thường dựa vào độ sáng và bóng mịn. Thường thì vàng hợp kim sẽ không có độ sáng và bóng mịn như vàng nguyên chất. Ngoài ra, cũng có thể kiểm tra dấu hiệu oxy hóa. Một số vàng hợp kim dễ bị oxy hóa. Axít chuyên dụng cũng có thể để thử vàng, vàng nguyên chất sẽ không phản ứng, trong khi vàng hợp kim có thể xuất hiện dấu hiệu ăn mòn.
Không chỉ chế tác vàng giả, các đối tượng lừa đảo cũng thường sử dụng phương thức tẩy xóa, chỉnh sửa giấy tờ. Cụ thể, chúng sử dụng hóa chất tẩy xóa thông tin cũ trên giấy tờ thật, như tên khách hàng, loại vàng hoặc giá trị sản phẩm. Sau đó chỉnh sửa thông tin mới bằng cách in chồng lên giấy đã tẩy xóa, tạo cảm giác giấy tờ này hoàn toàn hợp lệ.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy tờ thật (như hóa đơn cũ của một món trang sức vàng thật) để ghép với vàng giả. Trong nhiều trường hợp, kẻ gian còn sử dụng vàng thật để “dụ” tiệm vàng hoặc khách hàng chấp nhận giao dịch. Ví dụ, một chiếc vòng tay vàng hợp kim được gắn với hóa đơn mua hàng của một chiếc vòng tay vàng nguyên chất tại tiệm vàng uy tín.
Bên cạnh đó, chúng cũng sử dụng giấy tờ cũ từ các giao dịch đã qua, đặc biệt là hóa đơn và giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý. Sau đó, chúng sửa đổi thông tin để sử dụng trong giao dịch vàng giả. Mục đích của việc làm này là thuyết phục người mua rằng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng mà không cần kiểm tra thêm. Làm giả hóa đơn cũng là cách mà các đối tượng lừa đảo hay dùng.
“Con mồi” mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới thường là các tiệm vàng buôn bán nhỏ, lẻ. Bởi các tiệm vàng này thường không đầu tư đầy đủ các thiết bị kiểm định vàng hiện đại, như máy đo tuổi vàng hoặc máy phân tích thành phần hợp kim. Do vậy, chúng thường dễ dàng qua mặt các phương pháp kiểm tra thủ công hoặc thiết bị kiểm định thô sơ. Nhân viên tại các tiệm nhỏ lẻ thường không được đào tạo bài bản về cách nhận biết vàng giả hoặc các thủ đoạn tinh vi như giấy tờ giả. Tiệm vàng nhỏ lẻ thường không có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với sản phẩm mua bán hoặc cầm cố, đặc biệt trong những giao dịch gấp gáp.
Trong trường hợp nếu bị kẻ xấu lừa đảo bán vàng giả, các tiệm vàng nhỏ lẻ cũng khó truy vết, lý do là bởi không có hệ thống lưu trữ dữ liệu giao dịch đầy đủ hoặc không kết nối với cơ quan quản lý. Do vậy, tiệm vàng có thể chịu tổn thất lớn nếu không phát hiện ra vàng giả kịp thời. Một lượng vàng giả được giao dịch với giá trị vài chục triệu đồng có thể gây khó khăn tài chính, đặc biệt với những tiệm nhỏ.
Việc giao dịch vàng giả, dù là vô ý, cũng làm giảm uy tín của các tiệm vàng. Khách hàng có thể mất niềm tin, dẫn đến suy giảm hoạt động kinh doanh. Nếu tiệm vàng không chứng minh được lỗi thuộc về phía kẻ gian, họ có thể bị quy trách nhiệm pháp lý, dẫn đến các vụ kiện tụng hoặc đền bù.
Để tránh bị lừa đảo, các tiệm vàng cần đầu tư các thiết bị phân tích hiện đại, như máy đo tuổi vàng bằng tia X hoặc máy siêu âm lõi, để phát hiện vàng giả một cách chính xác. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nhân viên nhận diện các loại vàng giả và xử lý tình huống lừa đảo, đặc biệt trong những giờ cao điểm.
Khi tiếp nhận giao dịch cầm cố vàng, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm và xác minh hóa đơn chứng từ. Luôn cảnh giác với các giao dịch bất thường, đặc biệt là khi khách hàng có biểu hiện lúng túng hoặc tạo áp lực về thời gian. Tiệm vàng cần báo cáo ngay khi phát hiện vàng giả để phối hợp với Cơ quan công an điều tra, xử lý các đối tượng lừa đảo.