Cảnh giác với “bão” tin giả mùa mưa lũ

Chủ Nhật, 15/09/2024, 17:40

Mùa mưa bão thường xuyên mang theo nhiều thách thức thiên tai, và cứ đến hẹn lại lên, khi mùa mưa bão về thì mạng xã hội lại tràn lan những tin giả, tin đồn thất thiệt về lũ lụt, vỡ đê, sạt lở... Những thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang trong cộng đồng mà còn làm rối loạn công tác ứng phó thiên tai của các cơ quan chức năng.

Nhiều tin giả lan truyền

Bão số 3 và hoàn lưu của trận siêu bão này đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều địa phương ở miền Bắc nước ta. Mặc dù Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng, đặc biệt là Quân đội, Công an đã chủ động triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở đất, nhưng sức tàn phá ghê gớm của bão, mưa to gió lớn khiến lũ các sông dâng lên nhanh, gây thiệt hại lớn cả về người và của cho người dân các tỉnh phía Bắc.

Cảnh giác với “bão” tin giả mùa mưa lũ -0
Lực lượng Công an, Quân đội tích cực tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở Lào Cai
 

Trong khi toàn quân, toàn dân đang gồng mình chống bão, chống lũ, khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn người mất tích, các tổ chức, cá nhân đang một lòng hướng về đồng bào miền Bắc, ủng hộ cả sức người, sức của thì trên mạng xã hội lại có những hình ảnh, bài viết thông tin sai sự thật, nhất là thông tin sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở… khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nhiều nơi đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ khiến giá cả tăng vọt, là cơ hội cho nhiều kẻ buôn bán trục lợi.

Từ trưa đến tối ngày 9/9, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, dòng trạng thái, video clip với nội dung “vỡ đê” ở Tiên Yên (Quảng Ninh), “vỡ đê” Yên Lập (Phú Thọ), sau đó có thông tin “vỡ đê” Lục Nam (Bắc Giang), “vỡ đê” ở Thái Nguyên… Đến tối 9/9, trên nhóm Facebook có lượng thành viên tham gia khá lớn, tiếp tục có thành viên đăng thông tin: “Em nghe người nhà báo vừa mới vỡ đê Đầm Vông (đê sông Hồng) ở Yên Bái”. Sáng sớm 10/9, lại có thông tin trên Facebook “Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) vỡ đê, nước cuốn rất siết”… Sau đó là một loạt những hình ảnh, clip chia sẻ thông tin cá sấu xổng chuồng ở vùng lũ Yên Bái khiến người dân hoang mang. Thậm chí các đối tượng còn lấy hình ảnh, video cá sấu bơi lội trên sông ở nước ngoài, hoặc nuôi nhốt ở miền Nam để câu like, câu view.

Ngoài ra, tin đồn về lũ quét nghiêm trọng và lũ lịch sử sắp xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Bắc cũng lan truyền nhanh chóng. Nhiều hình ảnh nước dâng cao ở chân cầu Vĩnh Tuy, Long Biên… được chia sẻ, đã thổi phồng mức độ nguy hiểm của lũ trên sông Hồng, dự đoán rằng nước sẽ dâng cao và gây thiệt hại nặng nề, dù thực tế tình hình không nghiêm trọng như vậy.

Trong 2 ngày 9 và 10/9, Công an tỉnh Bắc Giang đã xử lý hàng loạt trường hợp tung tin sai sự thật mưa lũ gây vỡ đê tại địa phương, gây hoang mang dư luận. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xác minh một số trường hợp đưa thông tin sai sự thật về bão lũ, vỡ đê ở Bắc Giang để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, các đơn vị chức năng Công an Bắc Giang tiếp tục nắm tình hình, rà soát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lũ.

Trong hai ngày 10 và 11/9, nhiều tài khoản đăng trên mạng xã hội đưa những thông tin về tình trạng vỡ đê ở Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà; nhiều người mắc kẹt ở khu ngập nặng ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư)… gây hoang mang dư luận. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là những thông tin sai sự thật, hệ thống đê quốc gia vẫn an toàn. Với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, người dân không được chủ quan, song cần tỉnh táo, chọn lọc khi tiếp cận thông tin, nhất là không tin theo, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.

Cảnh giác với “bão” tin giả mùa mưa lũ -0
Công an Bắc Ninh xử phạt một đối tượng đưa tin sai sự thật
 

Tại Hải Dương, từ chiều ngày 10/9/2024 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xử lý 21 trường hợp đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ.

Tại Hà Nội, chiều 10/9, mạng xã hội lan truyền bài viết một con đê ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị vỡ gây hoang mang dư luận, nhiều người dân bày tỏ lo ngại nếu đê vỡ sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng ở huyện này. Chính quyền huyện Sóc Sơn khẳng định, đây là thông tin không chính xác. Thực tế là vỡ một đoạn đường liên thôn ngăn giữa suối Lai Sơn với một cánh đồng.

Cũng tại Lào Cai, tối 10/9/2024, Công an xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà đã triệu tập một đối tượng dùng tài khoản Facebook đăng tải tin sai sự thật về việc đập thủy điện Cốc Ly bị vỡ, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân trong thời điểm mưa lũ trên địa bàn diễn ra phức tạp.

Cũng trong những ngày mưa lũ, Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã triệu tập, xử lý các trường hợp đăng tin không đúng sự thật về tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh và sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Các tài khoản này đã đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác liên quan đến vỡ đê ở Yên Lập, bão lũ ở Hạ Hòa, sự cố sập cầu Phong Châu...

Công an tỉnh Bắc Ninh cũng nhanh chóng xác minh, triệu tập hai trường hợp đưa tin thất thiệt về vỡ đê sông Cầu ở Bắc Ninh trên mạng xã hội và ra quyết định xử phạt hành chính mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý nhiều trường hợp về hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng về tình hình mưa, lũ cũng như công tác phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn còn xem nhẹ, chưa ý thức hết trách nhiệm và hậu quả của việc đăng, phát những thông tin không đúng sự thật của mình.

Đối phó với các ý đồ lợi dụng tin xấu

Không chỉ xuất hiện tin giả, tin sai lệch về bão số 3, về tình hình lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc, một số đối tượng còn lợi dụng thiệt hại do bão gây ra để kêu gọi ủng hộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đã xuất hiện fanpage trên mạng xã hội giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng của bão. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Cảnh giác với “bão” tin giả mùa mưa lũ -0
Công an Hải Dương xử phạt một đối tượng đưa tin giả

Hoặc gần đây, lợi dụng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất hiện các cá nhân đăng tin trên trang Zalo, Facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội Phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Đặc biệt, trên mạng xã hội và một số trang web của các tổ chức, cá nhân phản động, bất mãn, không thân thiện với Việt Nam còn có cả những thông tin xuyên tạc, suy diễn, quy chụp, vu khống. Chúng lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều cây xanh, nhiều cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống, rồi cố tình chọn đăng một vài hình ảnh cây mới trồng không có nhiều rễ, cột điện có ít lõi sắt (cả ảnh thật và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) để quy chụp, tung tin rằng nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này là do tham nhũng quá nhiều và ở khắp mọi nơi, rồi do sự tắc trách của chính quyền các cấp, sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng…

Việc kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Trung ương và địa phương được chia sẻ rộng rãi, thu hút người dân, nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp… tham gia ủng hộ, thế nhưng nhiều đối tượng chống đối kích động, lôi kéo các thành phần chống phá, cho rằng ủng hộ qua MTTQ sẽ bị ăn chặn, tiền không đến được với người dân, mà phải ủng hộ qua các cá nhân, nghệ sĩ… tin tưởng.

Việc báo đài đưa tin về các cá nhân trích tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt để tuyên truyền cho nghĩa cử cao đẹp của người Việt thì chúng lại cho rằng đó là những bài báo “làm màu”, “chim mồi” để lôi kéo người khác đóng góp ủng hộ cho MTTQ hưởng lợi.

Trong lúc các lực lượng Công an, Quân đội, cứu hộ cứu nạn… đang căng mình trong bão lũ di tản người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm nạn nhân mất tích vì lũ cuốn và sạt lở, bảo vệ tài sản cho nhân dân thì các phần tử kích động cho rằng việc cứu nạn cứu hộ quá thô sơ, không có sự đầu tư, chuẩn bị phương tiện, nhân lực vật lực hiện đại, thiếu chủ động ngay từ ban đầu, không có sự tuyên truyền đậm đặc về nguy cơ của bão số 3 chỉ vì “cắt xén” ngân sách Nhà nước và mải tuyên truyền cho ngày Quốc khánh nước Việt Nam với phong trào sơn cờ đỏ sao vàng khắp mọi nơi.

Chúng phê phán mọi hoạt động cứu trợ, cứu nạn, cứu hộ của quân và dân ta trong suốt những ngày mưa lũ, cho rằng lực lượng Công an, Quân đội đang “làm màu”, khiến những ai thiếu tỉnh táo, “nhẹ dạ cả tin” thì dễ rơi vào trạng thái nghi hoặc, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Có thể thấy trong những ngày xảy ra mưa lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng các tỉnh đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng cứu, khắc phục với phương châm “tính mạng con người là trên hết”; đồng thời giảm thiểu triệt để thiệt hại tài sản của nhân dân cũng như của Nhà nước. Với những tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, chính quyền địa phương đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận, đập tan tin đồn khiến người dân an tâm chống lũ.

Nhiều tấm gương trong lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, người dân… đằm mình trong nước lũ để đưa nhân dân, cũng như tài sản đến nơi tránh trú an toàn cho thấy sự hy sinh cao cả với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cùng với đó, các tầng lớp nhân dân cũng đã thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền; đồng thuận, nghiêm túc chấp hành những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác ứng cứu, khắc phục thiên tai.

Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông. Việc đưa tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã góp phần quan trọng để nhân dân tiếp cận được những luồng thông tin chính thống, ổn định tư tưởng tạo sự đồng thuận ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Bởi vậy, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm khi thực hiện tự do ngôn luận. Cần tiếp cận nguồn thông tin từ những kênh thông tin chính thống, cần nhìn vào những hình ảnh đẹp của chính quyền, lực lượng chức năng, Công an, Quân đội để thêm tin tưởng vào sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta trong khó khăn, gian khổ.

Quyền tự do ngôn luận là có giới hạn. Mọi phát ngôn, dù trên mạng xã hội hay ngoài đời thực, đều có thể mang lại những hệ lụy pháp lý nếu vi phạm các chuẩn mực xã hội, gây hại cho người khác. Trước khi phát ngôn hoặc chia sẻ thông tin, mỗi cá nhân cần suy nghĩ kỹ về tính xác thực và tác động của thông tin đến người khác và cộng đồng xã hội. Điều này không chỉ giúp người dùng tránh rắc rối pháp lý mà còn góp phần xây dựng một không gian mạng tích cực, lành mạnh và đáng tin cậy.

Ngọc Mai
.
.