Cảnh sát Nhật Bản bỏ việc tiền tỉ đến Việt Nam

Thứ Hai, 21/10/2024, 11:27

Tại sao lại là Việt Nam? Đó là câu hỏi mà anh Kaneya Manabu (43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) nhận được cả trăm lần. Anh là người đã từ bỏ công việc cảnh sát tại Nhật Bản với mức lương trên 1 tỉ đồng mỗi năm để đến Việt Nam sinh sống. Dù đã 8 năm trôi qua, nhưng câu chuyện về anh Manabu vẫn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và hiếu kỳ.

Một tình yêu đặc biệt với Việt Nam

Anh Kaneya Manabu là con út trong một gia đình công chức ở Nhật Bản. Thời điểm quyết định chuyển sang Việt Nam sinh sống, anh đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự ở tỉnh Saitama (Nhật Bản), tại đây, anh phụ trách các vụ án liên quan đến người Việt.

Theo chia sẻ của anh, 10 năm gắn bó với công việc này là những chuỗi ngày làm việc với cường độ cao, bởi thời điểm đó, nơi làm việc chỉ có duy nhất anh Manabu là cảnh sát biết tiếng Việt. Bất kể ngày hay đêm, cứ có vụ án liên quan đến người Việt xảy ra, anh đều phải có mặt. Với công việc này, anh luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng đi làm 24/7, có khi đang trong ngày nghỉ lễ, tết, anh cũng phải đến cơ quan để thẩm vấn tội phạm. Cứ như vậy, mỗi ngày ở Nhật Bản của anh Manabu chỉ có công việc và công việc, khiến anh lúc nào cũng ở trong trạng thái thiếu ngủ và căng thẳng.

Cảnh sát Nhật Bản bỏ việc tiền tỉ đến Việt Nam -0
Anh Manabu khi còn làm việc tại Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Saitama.

Năm 2016, người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp xung quanh không khỏi ngỡ ngàng khi anh chính thức nộp đơn xin nghỉ công việc cảnh sát, một công việc mà anh đã gắn bó trong suốt 10 năm. Bất ngờ hơn khi anh chia sẻ về dự định sẽ đến Việt Nam sinh sống. Trước những câu hỏi vì sao, anh cho biết ý định chuyển đến Việt Nam của mình đã nhen nhóm trước đó từ lâu.

Anh kể lại, vào năm 2010, do yêu cầu của công việc nên anh có cơ hội đến TP Hồ Chí Minh để học tiếng Việt. Ngay từ lần đầu tiên, chàng cảnh sát Nhật Bản lập tức bị ấn tượng bởi những con người Việt Nam hiền hậu, mến khách và luôn nở nụ cười. Một năm sau, anh tiếp tục quay trở lại thành phố này để kiểm tra khả năng nói tiếng Việt của mình và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

“Khi làm cảnh sát tại tỉnh Saitama, tất cả những người Việt Nam tôi gặp đều là người phạm tội, họ trộm cắp hoặc cư trú bất hợp pháp. Khi đối diện với cảnh sát, nhiều người tỏ thái độ chống đối, rất khó chịu. Vì vậy, ban đầu tôi có những ấn tượng không tốt về người Việt Nam. Thế nhưng, khi có cơ hội đến với đất nước này, tôi đã thực sự ngạc nhiên vì những người mà tôi gặp đều tốt bụng, luôn nở nụ cười khi giao tiếp. Cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh tạo cho tôi sự thoải mái, dễ chịu, khác xa với cuộc sống ở Nhật Bản, tôi luôn phải tuân thủ một số nguyên tắc và rất áp lực bởi công việc”, anh Manabu cho biết.

Tình yêu với Việt Nam của anh bắt đầu nhen nhóm từ đó. Đặc biệt, vào năm 2014, anh có cơ hội sinh sống ở Việt Nam thêm một lần nữa, thông qua việc tham gia khóa học bổ trợ tiếng Việt trong thời gian 2 tháng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lần đến Việt Nam này, anh được sống chậm lại, tiếp xúc với người Việt Nam nhiều hơn, cảm nhận được cuộc sống thực sự của họ, càng làm anh yêu mến mảnh đất này.

Trở về Nhật Bản, anh luôn nghĩ đến đất nước, con người Việt Nam và cho rằng lựa chọn tốt nhất khi đó là quay trở lại Việt Nam, sinh sống ở Việt Nam lâu dài hơn. Nghĩ như vậy nhưng anh cũng không thực hiện điều đó ngay lập tức, bởi theo anh, nghỉ việc ngay là thiếu trách nhiệm, anh vẫn gắn bó với công việc ở Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Saitama thêm 2 năm nữa và luôn làm việc một cách chỉn chu, toàn vẹn nhất.

Cảnh sát Nhật Bản bỏ việc tiền tỉ đến Việt Nam -0
Anh Manabu nhận bằng Thạc sĩ Việt Nam học vào năm 2020.

Quyết định đến Việt Nam vào năm 2016 đã khiến mẹ anh khóc rất nhiều, gia đình, người thân liên tục khuyên anh nên suy nghĩ lại với những lý do thuyết phục. Tại Nhật Bản, công chức nhà nước là một công việc rất được ưa chuộng và đánh giá cao. Công việc cảnh sát đem lại cho anh thu nhập tương đương hơn 100 triệu VNĐ/tháng, (khoảng hơn 1 tỉ VNĐ/năm), một mức thu nhập khá ở Nhật Bản. Với số tiền này, anh có thể chi tiêu cho cuộc sống thường ngày, mua ô tô và dành ra một khoản tiết kiệm hằng tháng. Nếu như đến Việt Nam, anh sẽ phải làm lại từ đầu, xa gia đình, sống ở một đất nước mà anh chỉ mới đến vài lần.

Thế nhưng, bằng tình yêu lớn với Việt Nam, sau nhiều lần đấu tranh tâm lý, bất chấp sự can ngăn của gia đình, vài tháng sau khi nghỉ việc, cựu cảnh sát Nhật Bản mang theo khoản tiền tiết kiệm khoảng 1,2 tỉ đồng đến Việt Nam để thực hiện ước mong của mình.

Vỡ mộng ban đầu trước những khó khăn

Rời quê hương, người đàn ông sinh năm 1981 không tránh khỏi cảm giác lo lắng, chênh vênh. Ở Việt Nam, anh lấy tên tiếng Việt là Học, bởi Manabu dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “học hỏi” và anh cũng muốn nhấn mạnh về việc học tập suốt đời. Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, anh thuê một căn nhà ở quận Hoàn Kiếm và bắt đầu xin việc, đi làm sau đó.

Đầu tiên, anh xin vào một công ty về công nghệ thông tin có khách hàng là người Nhật Bản ở Hà Nội, công việc của anh là phiên dịch và làm việc với khách hàng người Nhật Bản. Dù đã được sống ở Việt Nam, tìm được một công việc phù hợp nhưng thời gian đầu, anh gần như “vỡ mộng” với áp lực từ gánh nặng “cơm áo gạo tiền”.

“Khi mới đến Việt Nam, vì quá tin tưởng vào người bạn kết nối nên tôi không hỏi rõ về mức lương. Đến cuối tháng, cầm trong tay số tiền lương 20 triệu đồng, bằng 1/5 tiền lương của mình ở Nhật, tôi rất sốc. Bởi, tiền thuê nhà của tôi lúc đó đã hết 14 triệu đồng, tôi chỉ còn 6 triệu để chi tiêu cho việc ăn uống, gặp bạn bè và bắt taxi đi làm mỗi ngày. Cứ thế, 6 triệu đồng còn lại tôi tiêu rất nhanh rồi rơi vào bế tắc...”, anh Manabu kể lại.

Cũng theo lời kể của anh Manabu, lúc mới sang Việt Nam, xung quanh anh có rất nhiều bạn bè người Nhật, họ thường xuyên rủ anh đi ăn ở các nhà hàng Nhật, đi chơi golf,... Chi phí cho những lần đi chơi như vậy rất tốn kém, bất đắc dĩ, anh phải lấy tiền tiết kiệm ra để chi tiêu cho các chi phí sinh hoạt khác. Vì vậy, khoản tiết kiệm của anh từ công việc cảnh sát trước đó cũng cạn dần.

Anh Manabu duy trì công việc phiên dịch suốt một năm đầu. Sau đó, anh nghỉ việc và trải qua nhiều vị trí việc làm khác nhau. Anh cùng 2 người bạn mở công ty công nghệ thông tin, nhưng một năm sau anh rút lui và cùng một người khác mở trung tâm dạy tiếng Nhật. Tuy nhiên, sau khi hoạt động một thời gian, trung tâm này cũng phải đóng cửa vì kém hiệu quả.

Ngoài vấn đề về thu nhập, anh Manabu cũng chia sẻ về việc cảm thấy “sốc văn hóa” khi mới đến Việt Nam.

“Ở Nhật Bản, đường sá được thiết kế khá chuẩn và việc lái ô tô trên đường không quá khó khăn. Nhưng, khi đến Việt Nam, đi ra đường, tôi luôn bị ám ảnh bởi cảnh xe cộ đông đúc, nhiều phương tiện đi ngược chiều, vượt ẩu, còn đi cả lên vỉa hè. Tôi thật sự rất stress với hình ảnh các bà mẹ chở con nhỏ nhưng không có biện pháp an toàn. Phải mất một thời gian khá dài tôi mới quen với việc tham gia giao thông ở Việt Nam”, anh Manabu cho hay.

Anh cũng khá bất ngờ với thói quen “cao su” của không ít người Việt bởi anh luôn chú trọng giờ giấc. Hay, việc anh đang xếp hàng vào thang máy hoặc lúc đứng đợi thanh toán trong siêu thị thì bị người khác bất ngờ chen ngang khiến anh cảm thấy rất khó chịu.

Cảnh sát Nhật Bản bỏ việc tiền tỉ đến Việt Nam -0
Anh Manabu đã khám phá nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.

Với những “cú sốc” như vậy, khi được hỏi là có hối hận với quyết định 8 năm trước hay không, anh Manabu vẫn cười tươi và trả lời dứt khoát: Không! Để vượt qua khoảng thời gian khó khăn ban đầu, anh đã tìm nhiều cách để khắc phục. Anh thích ứng với lối sống, văn hóa của con người Việt Nam. Tiết kiệm bằng cách hạn chế giao du với bạn bè vì biết rằng mục tiêu của họ khác nhau. Anh cũng chuyển sang một căn nhà với giá thuê hợp lý hơn, thay vì di chuyển bằng taxi, anh mua xe máy để đi làm mỗi ngày.

Hài lòng với cuộc sống hiện tại

Những năm đầu đến Việt Nam, ngoài thời gian đi làm, anh Manabu tiếp tục học các khóa học tiếng Việt chuyên sâu và học thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Với anh, đây là mục tiêu nếu muốn sinh sống ở Việt Nam lâu dài. Sau nhiều tháng ngày khổ luyện, anh đã lấy được tấm bằng thạc sĩ ngành Việt Nam học. Từ đây, nhiều cơ hội mở ra với anh.

Hiện anh đang làm việc trong một công ty xuất khẩu lao động ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Anh cho rằng đây là công việc ổn định và phù hợp nhất với anh ở thời điểm hiện tại. Sau 8 năm sống ở Việt Nam, anh Manabu cũng đã có thể tự giao tiếp bằng tiếng Việt. Còn trong công việc, anh sẽ có phiên dịch hỗ trợ.

“Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h30 sáng. Tôi đi tập thể dục, ăn sáng và đến công ty trước giờ làm 1 tiếng để đọc sách và tự học thêm tiếng Việt. 8h, tôi bắt đầu làm việc cho đến hết giờ làm. Buổi tối, tôi đi dạo, tập thể dục, quay video đăng lên YouTube và kết thúc một ngày lúc 22h. Ngày nào cũng như vậy, tôi là người hướng nội. Cuối tuần, nếu bạn bè rủ, tôi sẽ ra ngoài. Vì công việc bận nên tôi cũng chưa có thời gian để tìm kiếm tình yêu và lập gia đình”, anh chia sẻ.

Anh Manabu cũng cho rằng mình đã trưởng thành lên rất nhiều so với thời điểm mới đặt chân đến Việt Nam. Những năm đầu, anh đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết, bởi có quá nhiều khó khăn. Nhưng, hiện tại, khi cuộc sống đã ổn định hơn, anh dành nhiều thời gian để đi du lịch, khám phá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, anh đã đặt chân đến Sapa, Hạ Long, Ninh Bình, Đà Nẵng và các địa điểm du lịch đẹp ở nhiều tỉnh, thành khác. Anh yêu mến cảnh sắc của Việt Nam và mong muốn được khám phá nhiều hơn nữa. Các món ăn Việt Nam như bún chả, phở bò, cũng hợp khẩu vị với anh.

Nói về dự định trong tương lai, anh Manabu không ngần ngại chia sẻ rằng anh mong được sống ở Việt Nam mãi mãi, bởi với anh, cuộc sống hiện tại rất phù hợp, anh yêu con người và tiếng nói Việt Nam. Nếu sau này, có một lý do nào đó bắt buộc anh phải trở về Nhật Bản thì đó có thể là lý do gia đình vì bố mẹ anh đã lớn tuổi, chị gái và anh trai đều sống cách xa bố mẹ. Hơn nữa, anh là người Nhật Bản, nếu không thể xin visa, rất khó để anh có thể thực hiện mong muốn sống ở Việt Nam mãi mãi.

Sau một thời gian ổn định công việc tại công ty hiện tại, anh Manabu cũng xây dựng một kênh YouTube có tên “HocTV”, kênh của anh hiện sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Trên kênh, anh đăng tải những video chia sẻ về cuộc sống của mình tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật cho người Việt. Thông qua kênh YouTube này, anh mong muốn người Việt Nam sẽ hiểu hơn về văn hóa, pháp luật Nhật Bản cho những người có ý định đến Nhật Bản lao động, sinh sống; ngược lại, anh cũng muốn giới thiệu đến bạn bè người Nhật của mình những điều thú vị về đất nước và con người Việt Nam, nơi đã đem đến cho anh một cuộc sống hạnh phúc.

Hà Sương
.
.