Câu chuyện có hậu sau 18 năm

Thứ Hai, 02/05/2022, 19:42

Câu chuyện này có lẽ đúng là “chỉ có thế thôi” nhưng đằng sau câu chuyện ấy là tình người, là sự giúp đỡ người khác lúc khó khăn, cấp thiết... thì nó cũng đáng được tôn vinh như nhiều câu chuyện đẹp khác để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống này...

Câu chuyện một cậu sinh viên nghèo trên đường từ TP Hồ Chí Minh về quê Cam Ranh - Khánh Hòa ăn tết thì gặp tai nạn ở Bình Thuận và không đủ tiền để thương lượng với nạn nhân bỏ qua lỗi của mình, một chiến sĩ CSGT Công an huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã cho cậu sinh viên số tiền gần bằng tiền lương của mình để giải quyết và tiếp tục hành trình về quê. 18 năm qua, hành động nghĩa tình ấy đã thôi thúc cậu sinh viên nghèo năm xưa, nay đã thành đạt, tìm lại vị ân nhân chỉ để một lần nữa cảm ơn...

“Chuyện chỉ có thế thôi!”

“Mấy hôm nay tôi ngại quá vì thấy nhiều người hỏi và khen ngợi nhưng việc tôi giúp bạn sinh viên đó nhỏ xíu mà, không có gì đáng nói cả và nhiều người còn làm những việc tốt lớn lao hơn”, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Câu chuyện có hậu sau 18 năm -0
Thiếu tá Phạm Hải Tiệp trong công việc hằng ngày.

Thiếu tá Phạm Hải Tiệp thừa nhận là anh không nhớ rõ sự việc đã xảy ra cách đây 18 năm. Anh chỉ nhớ rằng, thời điểm ấy sau khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra và anh nghe được thông tin người gây tai nạn là một sinh viên đại học ở TP Hồ Chí Minh trên đường về quê Cam Ranh - Khánh Hòa ăn tết thì gây tai nạn và lúc ấy phải có tiền để gọi là có chút đền bù thuốc men cho người bị nạn để họ bãi nại không truy cứu trách nhiệm nên anh lấy tiền ra giúp em sinh viên ấy.

“Điều tôi nhớ nhất là em sinh viên ấy nói có mẹ bị ung thư đang bệnh ở nhà, vì chính tôi cũng có mẹ bị ung thư nên tôi thấy rất thương em ấy nên giúp.Chuyện chỉ có thế thôi”, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp nhớ lại.

Câu chuyện này có lẽ đúng là “chỉ có thế thôi” nhưng đằng sau câu chuyện ấy là tình người, là sự giúp đỡ người khác lúc khó khăn, cấp thiết... thì nó cũng đáng được tôn vinh như nhiều câu chuyện đẹp khác để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Và câu chuyện đẹp về tình cảm giữa chiến sĩ CSGT và một cậu sinh viên nghèo này đã được anh Nguyễn Quốc Vũ (sinh năm 1984, quê Khánh Hòa; hiện là giám đốc một công ty ở TP Hồ Chí Minh) chia sẻ trên mạng xã hội mấy ngày trước đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Hầu hết mọi người đều cảm kích trước tấm lòng của chiến sĩ CSGT được nhắc tới.Chính Vũ là cậu sinh viên ấy và Thiếu tá Phạm Hải Tiệp là chiến sĩ CSGT (khi ấy anh mang cấp hàm trung sĩ) đã giúp Vũ lúc cần kíp đó.

Câu chuyện có hậu sau 18 năm -0
Anh Nguyễn Quốc Vũ hiện là giám đốc một công ty chuyên sản xuất và gia công tinh dầu các loại.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ cho biết cách nay 18 năm, anh là cậu sinh viên rời quê đến TP Hồ Chí Minh học tập. Những năm ấy, nhà Vũ thuộc diện hộ nghèo. Để có tiền trang trải ăn học, tại TP Hồ Chí Minh, Vũ phải vừa học vừa làm. Cuối năm 2004, một mình Vũ chạy chiếc xe máy cũ nát về quê Cam Ranh đón tết đoàn viên, trong túi là số tiền 500 ngàn đồng mà Vũ được thưởng tết khi làm thuê cả năm vừa học vừa làm. Số tiền ấy Vũ định bụng sẽ gửi mẹ và gia đình ăn tết để cho mẹ vui, mẹ Vũ thời điểm ấy đang bị ung thư...

Tuy nhiên, khi trên đường về quê, lưu thông đến khu vực Căn cứ 4 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), Vũ bảo rằng do buồn ngủ trong tích tắc, xe anh tông vào hai mẹ con đang đi bộ trên đường. Cú va chạm đã khiến cả ba rơi xuống một khu vực sâu chừng 2m cách mặt đường. Do nhà nạn nhân khá gần hiện trường vụ tai nạn nên người nhà nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Họ một mặt báo công an địa phương và giữ Vũ lại, một mặt đưa hai mẹ con nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).

Thời điểm ấy, chàng sinh viên nghèo hoảng hốt và bối rối không biết xử sự ra sao khi bất ngờ gây ra vụ tai nạn giao thông. Thế nhưng, Vũ vẫn kịp nghĩ đến việc đưa hết số tiền mình dành dụm được để gửi cho gia đình nạn nhân lo thuốc men, viện phí... Lúc đầu người thân nạn nhân từ chối vì số tiền ấy không đủ chi trả thuốc men. Giữa đất khách quê người, không quen biết ai, Vũ tỏ ra bất lực vì thấy rằng không thể nhờ vả ai được để có thêm số tiền góp vào giúp cho hai nạn nhân để người nhà của họ ký vào đơn bãi nại...

“Đúng lúc ấy, một chiến sĩ CSGT huyện Hàm Tân mà tôi chỉ nhớ tên Tiệp bất ngờ gửi cho tôi 4 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng rồi nói: Anh cho mày nè. Đưa cho họ đi rồi về ăn tết cùng gia đình”, anh Vũ kể lại. Thời điểm đó, số tiền 400 ngàn đồng là số tiền không phải nhỏ.

Vũ nhận 400 ngàn đồng đó rồi cộng với số tiền của mình có tất cả là 900 ngàn đồng gửi lại cho gia đình nạn nhân.Vì nghe hoàn cảnh của Vũ và sự giúp đỡ của anh chiến sĩ CSGT đó, người nhà nạn nhân đã đồng ý ký đơn bãi nại. Sau đó, các chiến sĩ CSGT cho phép nam sinh viên nghèo tiếp tục chạy xe máy để về quê.

Câu chuyện có hậu sau 18 năm -0
Ngoài công việc kinh doanh, anh Vũ dành nhiều thời gian tham gia những hoạt động thiện nguyện như một cách đền đáp...

“Thật tình lúc ấy, tôi không nghĩ mình lại được anh CSGT giúp đỡ như vậy. Tôi lên xe về, dù đau nhưng tôi vẫn thấy mừng vì mình được giúp đỡ kịp thời lúc ấy và còn được về quê đón tết với gia đình dù năm ấy gia đình ăn tết giản đơn vì không còn số tiền tôi đã dành dụm được (năm 2004, nhà Vũ là hộ nghèo của tỉnh Khánh Hòa)”, Vũ chia sẻ.

Tìm ân nhân năm xưa để nói thêm lời cảm ơn

Từ thời điểm đó, trong lòng Vũ luôn hứa với bản thân sẽ không bao giờ được quên ân nghĩa ấy, để mà cố gắng, để mà phấn đấu. Và, suốt 18 năm qua, mỗi khi về quê, chạy xe ngang qua Hàm Tân, Bình Thuận, anh luôn chủ ý tìm lại chiến sĩ CSGT năm ấy đã giúp đỡ mình. Thậm chí, anh đã từng tìm về huyện Hàm Tân, đến trụ sở công an huyện để tìm vị ân nhân với mỗi thông tin ngắn gọn anh CSGT tên Tiệp nhưng vì nhiều lý do khách quan, anh không tìm được bất cứ thông tin nào về người chiến sĩ CSGT hôm ấy.

Năm 2020, anh Vũ từng tiếp tục đến Bình Thuận để tìm lại ân nhân nhưng cũng không có kết quả như mong muốn. May sao, trong một lần gặp gỡ với những người bạn làm CSGT tại TP Hồ Chí Minh, anh Vũ đã kể câu chuyện của mình với các bạn. Thật may mắn, một trong những người bạn nói có quen biết với chiến sĩ CSGT với thông tin trùng khớp như vậy.

“Khi nghe người bạn nói có biết về anh Tiệp, tôi mừng lắm.Người bạn ấy đã gọi điện thoại ngay cho anh ấy và tôi chỉ hỏi vài câu là khẳng định đã tìm được đúng người cần tìm”, anh Vũ vui vẻ kể thêm.

Câu chuyện có hậu sau 18 năm -0
Thiếu tá Phạm Hải Tiệp nhận quyết định tăng cường về Công an huyện.

Một cái kết đẹp cho câu chuyện “chỉ có thế thôi!”.Vừa qua, cả hai đã gặp nhau trong sự vui mừng.Những lời cảm ơn mà anh Vũ muốn bày tỏ không làm sao nói hết.Người CSGT năm xưa không ngờ hành động nhỏ của mình lại khiến cậu sinh viên năm ấy cảm kích đến như vậy. Và, cậu sinh viên nghèo tên Vũ ngày đó, qua thời gian cố gắng lập nghiệp, nay là một doanh nhân thành đạt tại TP Hồ Chí Minh (giám đốc một công ty lớn chuyên sản xuất và gia công tinh dầu các loại từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như tràm, sả, cam...).

“Ngày tôi gặp lại anh, hai anh em tay bắt mặt mừng.Tôi đã nói những lời cảm ơn vì sự giúp đỡ kịp thời của anh lúc ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Bởi, nếu không được gia đình nạn nhân ký đơn bãi nại, tôi có thể vướng vòng lao lý và cuộc đời tôi chắc sẽ theo một hướng khác mất rồi. Không có anh thì không có em như bây giờ. Nhưng, anh ấy lại bảo, chuyện không có gì, anh em gặp lại là vui rồi...”, anh Vũ xúc động kể lại.

Được biết, cũng chính vì cảm kích trước hành động đẹp của anh chiến sĩ CSGT năm ấy, mà sau khi đã trở thành doanh nhân thành đạt, anh Vũ ngoài công việc kinh doanh của mình cũng dành nhiều thời gian tham gia những hoạt động thiện nguyện để chia sẻ với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những người nghèo khó... “Bản thân tôi được giúp đỡ qua lúc khó khăn nên tôi luôn trân trọng và tâm niệm cho đi là còn mãi - chân lý ấy không bao giờ sai”, anh Vũ tự đúc kết.

Tại địa phương, Công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (địa bàn đặt trụ sở công ty của Vũ) cho biết, những năm qua công ty này hoạt động bình thường và có những hoạt động hướng về cộng đồng, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Về phần mình, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp cho biết anh vào ngành từ năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát nhân dân 2, anh về làm việc tại Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận và hiện tăng cường tại Tổ giải quyết tai nạn giao thông - Đội CSGT-TT, Công an huyện Hàm Thuận Nam. Thời điểm đó, do tuyến huyện thiếu cán bộ, nên anh cùng nhiều đồng đội đã được tăng cường về làm việc ở huyện.

Câu chuyện có hậu sau 18 năm -0
Thiếu tá Phạm Hải Tiệp cùng đồng đội khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

“Tôi cũng biết làm ở một ngành phải tiếp xúc nhiều với người dân và cũng có phần khá nhạy cảm.Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm mọi việc là ở cách mình làm cho hợp lý hợp tình và đúng pháp luật mà thôi. Trong các vụ tai nạn giao thông, tôi mà thấy vụ việc do nguyên nhân khách quan hoặc chỉ vì bất cẩn, một bên hoàn cảnh nghèo khó thì tôi sẽ đề xuất với cấp trên cho hai bên thỏa thuận, rồi nhắc nhở cả hai bên chứ không phạt nữa...”, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp chia sẻ. 

Được biết, người vợ của anh Tiệp cũng làm trong ngành, hiện công tác tại Công an TP Phan Thiết (vợ chồng anh Tiệp hiện có hai người con). “Mấy hôm nay, đọc thông tin về câu chuyện của tôi trên báo chí, vợ tôi chỉ cười cười chọc tôi. Bản thân tôi thấy ngại lắm vì chuyện giúp đó nhỏ bé quá mà được nhắc tới nhiều”, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp tỏ ra ngại ngần.

Theo các đồng đội của anh thì trong quá trình công tác, Thiếu tá Phạm Hải Tiệp cũng đã nhiều lần giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn trên đường, người bị tai nạn giao thông, người bị lừa gạt hết tiền trên đường về quê... “Anh Tiệp là một cán bộ tốt, gương mẫu, luôn hết lòng với công việc; trong cuộc sống hằng ngày, anh Tiệp là người hòa nhã với anh em đồng chí, đồng đội, thấy ai có hoàn cảnh khó khăn đều giúp đỡ”, Trung tá Văn Công Trí, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Hàm Thuận Nam, cho biết.

Phú Lữ
.
.