Chàng trai F0 trở lại bệnh viện dã chiến
Tôi nói chuyện với Nguyễn Hồng Kỳ (34 tuổi, P.6, Q.Tân Bình) sau một ngày tất bật chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đêm về, khoảng thời gian nghỉ ngơi nhưng nếu có yêu cầu, anh sẵn sàng vùng dậy lao đi. Kỳ bây giờ được nhiều người biết đến, vì là một trong những F0 đầu tiên xung phong quay trở lại giúp sức cho bệnh viện dã chiến. Anh bảo với tôi, xin đừng tung hô hay ca thán mình. Anh chỉ là một F0 đã khỏi bệnh và muốn tiếp sức cho các F0 khác mà thôi.
Ra về để trở lại
Thời điểm đầu tháng 7, dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh diễn tiến nhanh, xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Xóm nhà Nguyễn Hồng Kỳ sau một đêm ngủ dậy bị phong tỏa do có ca F0. 3 ngày sau, Kỳ bắt đầu sốt, cơ thể lừ đừ, khó thở... Ngày thứ 4 nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh, Kỳ nhận ngay dương tính. Đây cũng là kết quả xét nghiệm PCR. Kỳ chính thức trở thành F0 cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).
Ngày đầu vào bệnh viện dã chiến, Kỳ không ngủ được do mệt mỏi, khó thở, ho mạnh và bắt đầu mất khứu giác, vị giác. Ngày qua ngày, Kỳ liên tục uống thuốc hạ sốt rồi uống thêm vitamin C, tập vận động. 3 ngày sau vợ Kỳ dương tính rồi cũng vào cách ly chung. Hai vợ chồng có điều kiện chăm sóc lẫn nhau, tinh thần tốt hơn nên bệnh tình tiến triển tích cực.
Sau 7 ngày ở bệnh viện dã chiến, Kỳ dần khỏe lại, không còn sốt, khứu giác, vị giác cũng lấy lại được. Tưởng con đường về nhà chỉ còn cách vài bước chân nữa thì 14 ngày sau, hai vợ chồng dương tính trở lại. Tuy nhiên, họ đã không hoảng loạn, không bất an mà chấp nhận thực tế để tiếp tục chữa bệnh. Những ngày sau, các xét nghiệm lần lượt âm tính, ngày 3-8, vợ chồng Kỳ được xuất viện.
Kỳ hoàn thành cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, khi TP Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị 16, cùng với đó, các ca F0 chưa có dấu hiệu chững lại. Một lần ra đường mua hàng hóa, Kỳ bắt gặp những chuyến xe 50 chỗ, xe cứu thương nối đuôi nhau trên đường chở các bệnh nhân đi cách ly. Kỳ khựng lại, chợt rùng mình nhớ đến khoảng thời gian “chiến đấu” với COVID-19 tại bệnh viện dã chiến.
Kỳ nói mình không hoàn hảo, quá khứ có những sai lầm và cuộc đời cũng nhiều góc khuất. Nếu như dịch bệnh không ập tới và Kỳ không phải là nạn nhân của nó thì có lẽ, cuộc đời anh sẽ vẫn mải miết chạy theo phù phiếm xa hoa, những toan tính mưu sinh nhộn nhịp, xô bồ nơi phố hội.
Kỳ đăm chiêu suy nghĩ nhưng không thể nào thoát ra khỏi hình ảnh xót thương bệnh nhân COVID-19 đang đau đớn gồng mình chống chọi với bệnh tật. Cuối cùng, Kỳ quyết định đăng ký làm tình nguyện viên ngay tại Bệnh viện dã chiến số 4, nơi anh từng là F0.
Sáng hôm sau, Kỳ mang theo vài bộ quần áo, ôm thêm một mớ quà của bà con hàng xóm gửi cho mấy anh em dân quân, chất đầy chiếc xe máy rồi một mình lên đường. Cũng là vào bệnh viện dã chiến nhưng với tâm thế và vị trí hoàn toàn khác so với ngày đầu. Lần này, Kỳ mang sứ mệnh người đi “tiếp sức, truyền lửa”.
Kỳ ở chung phòng với 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, đều công tác tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Nơi họ ở là một trường tiểu học, các phòng học được làm phòng ngủ, không máy lạnh, không nệm, mỗi người được phát một chiếc chiếu và tấm mùng.
Mọi người ở đây chào đón Kỳ từ ngày đầu tiên, họ hướng dẫn anh cách chăm sóc bệnh nhân, cách tự bảo vệ bản thân, cách mặc đồ bảo hộ hoặc quy trình tháo đồ bảo hộ sao cho an toàn sau khi tiếp xúc bệnh nhân.
Kỳ được sắp xếp làm tại phòng hồi sức cho các bệnh nhân nặng nằm thở oxy. Kỳ hiểu rõ, việc tiếp xúc trực tiếp với virus là chắc chắn nhưng “tao bất tử với mày rồi, mày không làm gì được tao đâu”, Kỳ đã suy nghĩ trong đầu như thế. Bác sĩ Thanh - Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 4 hướng dẫn Kỳ cách tập thở cho bệnh nhân nặng và nhẹ để anh chủ động giúp họ khi cần thiết.
Những ngày vào bệnh viện, Kỳ rất chịu khó nghe ngóng xem hôm nay nhập viện bao nhiêu, ra viện bao nhiêu. Hôm nào thấy con số xuất viện gấp đôi số vào là Kỳ vui sướng rộn ràng trong lòng, nghĩ đến ngày trở về sẽ không còn xa nữa.
Khi còn là bệnh nhân, Kỳ được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc chu đáo và đối đãi bằng tình cảm hơn là trách nhiệm. Họ sống cùng bệnh nhân, ăn những suất ăn bình thường, đêm về trải chiếu ngủ dưới nền. Họ không hề có một ưu đãi nào dành riêng cho bản thân. Đó cũng chính là một phần lý do thôi thúc Kỳ muốn quay trở lại, giúp bệnh nhân và chia sẻ khó khăn với lực lượng y tế.
Khoảng 80% cán bộ y tế ở Bệnh viện dã chiến số 4 đều công tác ở Bệnh viện Nhi đồng thành phố, một số khác từ Phú Thọ, Y học cổ truyền... chi viên.
Bác sĩ hằng ngày phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại để tư vấn cách trị bệnh, nhận bệnh từ chỗ này, chỗ kia, chuyển viện cho các bệnh nhân nặng để kéo dài sự sống, nhận và truyền thông tin từ phòng cấp cứu, những quyết định cân não... hàng trăm thứ việc gói gọn vào những cuộc điện thoại. Mệt mỏi đến mức gục ngủ mà không cần nằm mùng, mặc cho muỗi mòng bu bám khắp người.
Các điều dưỡng trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết nhưng phải chiến đấu với dịch bệnh quá sớm, làm tất cả cho bệnh nhân, ngoài việc thuốc thang, tiêm chích, xét nghiệm thì cũng kiêm luôn chăm sóc bệnh nhân những việc mà Hồng Kỳ làm như thay tả, vệ sinh, bón đút... Chứng kiến cảnh người ra đi, họ khóc thương như một đứa trẻ.
Họ kiệt sức không hẳn vì công việc mà còn vì những bệnh nhân đã cố gắng hết sức mà không qua khỏi. Cảm nhận, thấy, nghe được tất cả những gì đang diễn ra tại bệnh viện dã chiến, Nguyễn Hồng Kỳ càng thêm tinh thần và động lực để dấn thân.
Giúp người bệnh giành giật sự sống
Trong số các bệnh nhân chăm sóc, Kỳ thương nhất là bà Trà (67 tuổi). Bà Trà sống neo đơn nên vào viện cũng chỉ một mình. Ngày đầu tiên, bà còn minh mẫn và nói chuyện được. Nhìn thấy chén cháo hơi nhiều, bà bảo Kỳ san một nửa mà ăn kẻo bỏ phí. Bà ăn cháo nhưng không ăn thịt, gặp miếng thịt nào trong miệng là bà phun ra ướt và bẩn hết ống thở oxy. Khi thấy tã nặng, bà ngoắc Kỳ lại thay. Bà quậy tới mức các điều dưỡng cũng lắc đầu và hù dọa báo công an. Nhưng với Kỳ thì bà lại nhẹ nhàng và nghe lời động viên. Bà vui vẻ tập thở, lượng oxy trong máu có lúc tăng lên 95,96%. Bà cười khi Kỳ chào để về nghỉ sau một ngày cùng bà chống chọi với COVID.
Sớm ngày thứ hai, Kỳ quay trở lại chăm bà Trà. Lúc này, mắt bà phủ kín ghèn, tay run cầm cập dù lượng oxy trong máu chưa hề giảm, chứng tỏ bà có sức sống rất mãnh liệt. Kỳ đến bên bà lay gọi định bón cháo nhưng bà ú ớ, không nói được như ngày hôm trước nữa. Kỳ ra dấu đỡ bà ngồi dậy thở, bà gật đầu đồng ý. Bà thở rất giỏi nhưng lại không chịu ăn, cũng không uống nước do môi quá khô, bà không ngồi vững được nữa, nghiêng vào người của chàng trai. Kỳ biết rất rõ, cơ thể bà có nhiều virus nhưng cũng tự tin vì cơ thể của mình đã tạo kháng thể chống lại nó, lại có đồ bảo hộ chuyên dụng nên Kỳ không ngần ngại để bà tựa vào vai mình.
Sau bữa cơm trưa, Kỳ quay lại chăm sóc cho 3 bệnh nhân xong thì chạy tới chỗ bà Trà. Kỳ chợt giật mình khi thấy xung quanh bà Trà, đội ngũ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng đang vây quanh, cố gắng giành lại sự sống trước lằn ranh sống - chết của bà cụ. Kỳ nhìn vào máy đo nồng độ oxy vẫn đạt 95,96%, chứng tỏ bà đang gồng mình chiến đấu từ bên trong. Một lát sau, bác sĩ giơ ngón tay “number one” lên, Kỳ thở hắt ra, nước mắt rơi vì quá đỗi vui mừng.
Kỳ không hiểu tại sao trái tim cứ thổn thức khi nhìn thấy bà cụ, đó là thứ cảm xúc rất khó để diễn tả bằng lời. Kỳ mất mẹ 7 năm thì 3 năm sau, cha anh cũng qua đời. Có lẽ, trở thành mồ côi mới nặng lòng trước một kiếp người quá đỗi mong manh đến thế?
Tiếng chuông điện thoại reo trong đêm gọi cho bác sĩ ở chung phòng với Kỳ thông báo bà Trà nguy kịch. Vị bác sĩ vùng dậy, thay đồ bảo hộ rồi lao nhanh vào bóng đêm. Kỳ nghe hết cuộc nói chuyện, quay mặt vào tường cố nén cảm xúc. Kỳ trằn trọc suốt đêm, mong trời mau sáng để tới phòng bà Trà. Sáng hôm sau, bà Trà đã không còn nằm trên chiếc giường quen thuộc nữa. Đang chơi vơi, hụt hẫng thì Kỳ nhận tin bà Trà đã được chuyển qua Bệnh viện dã chiến số 13, nơi đặt Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Việt-Đức phụ trách. Lòng Kỳ dịu lại, nhen nhóm niềm hy vọng bà Trà sẽ có cơ hội sống cao hơn. Nhưng, khi tôi đang viết những dòng này, Kỳ nhắn tin rằng bà Trà đã không qua được “lưỡi hái tử thần”. Kỳ bảo, mình chưa dám cho bạn bè đang quan tâm đến câu chuyện bà Trà biết vì sợ lòng họ đau. Rồi Kỳ nén cảm xúc lại, mặt dãn ra, nói với tôi: “May quá, cả ngày nay không có ca nào trở nặng”.
Hơn ai hết, Kỳ đã trải qua mọi cung bậc của một bệnh nhân từng nhiễm COVID-19, đã chứng kiến những cái chết đau đớn và bao nhiêu chuyện buồn thương vì đại dịch. Biết thế để dặn mình phải mạnh mẽ, lạc quan lên, đã vào tới đây rồi thì chỉ có mục tiêu duy nhất là truyền năng lượng tích cực cho mọi người, cùng họ chiến thắng bệnh tật.
Kỳ mong muốn, những ai có sức khỏe, đặc biệt là F0 như anh, hãy quay trở lại bệnh viện, chung sức gánh vác một phần nhọc nhằn, vất vả cho đội ngũ tuyến đầu, để họ sớm được quay về với gia đình.