Châu Me mùa săn nhum biển

Thứ Bảy, 27/08/2022, 21:16

Tháng 7 – tháng 8, trời biển êm cũng là lúc nhiều ngư dân ven biển, dọc ghềnh đá Châu Me, Quảng Ngãi vào mùa săn Nhum, thu về bạc triệu mỗi ngày.

Đặc sản ven ghềnh đá

Dọc ghềnh đá Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi) mùa này có nhiều người tìm tới ngụp lặn săn nhum biển. Dẫu trưa nắng, trên lấp lóa song bạc vẫn thấy những bong người hòa cùng con nước. Mùa này đang mùa nhum biển, một loại đặc sản trời cho ở vùng ghềnh đá này. Một lão ngư cầm lên con nhum biển, khoe chiến tích vừa lặn bắt được với vẻ mặt đầy mãn nguyện.

Ngư dân địa phương thường gọi con nhum với tên gọi khác là cầu gai hay nhím biển. Nhum biển còn được ví như “nhân sâm của biển”, không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ mà còn được coi là bài thuốc tăng cường sức khỏe. Bên ngoài nhum biển tua tủa gai nhưng trong thân lại là lớp thịt vàng ươm, thường gồm 12 múi cả trứng và thịt. Lâu nay, nhum biển với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Những ngày này, trời êm, biển lặng, cũng chính là thời điểm vào vụ mùa khai thác nhum biển của ngư dân. Vì vậy, từ tầm khoảng 8 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều mỗi ngày, khu vực các gành đá gần bờ vùng biển này có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển.

Châu Me mùa săn nhum biển -0
Vào mùa săn nhum biển.

Ngư dân Lê Văn Chính (Châu Me, Đức Phổ) cho biết vùng biển này thường có 4 loại nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn. Dụng cụ để săn nhum biển khá đơn giản. Bộ đồ nghề chỉ vỏn vẹn có một đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4- 0,6m hoặc dài hơn một chút khi lặn ở những đoạn nước sâu với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn cùng bình hơi là có thể hành nghề.

Những người săn nhum như ông Chính bắt đầu ngày làm việc từ 8h sáng, nghỉ trưa trên ghe, sau đó tiếp tục làm việc đến chiều mới trở về nhà. Khi chọn được địa điểm bắt nhum, thường cách bờ khoảng 100 thước thì người thợ lặn sẽ vào việc. Họ lặn xuống nước và dùng cây móc sắt giật khẽ. Chờ nhum biển dính vào là chỉ việc kéo lên, bỏ vào vợt. Nhum thường sống ở vùng biển cạn, nước trong, có nhiều rong rêu hoặc san hô hay đá ngầm. Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Ở Quảng Ngãi có nhiều vùng biển có nhum như vùng đảo Lý Sơn, vùng Gành Yến (huyện Bình Sơn) hay vùng biển Châu Me (Phổ Châu, Đức Phổ). Ước tính, chỉ riêng ở xã Phổ Châu có khoảng 50 hộ dân ở các thôn Tấn Lộc, Châu Me, Vĩnh Tuy và Hưng Long mưu sinh với nghề lặn bắt nhum biển. Nhum thường xuất hiện ở khu vực gành Trọc, gành Nhu – hai lũy đá ở hai đầu bãi biển Châu Me là nơi “bám đá” của loài nhum biển. Bình quân mỗi ngày ngư dân nơi đây khai thác khoảng 60 đến 80kg thịt, trứng nhum thương phẩm.

Từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven biển trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. “Lộc biển” này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác. Thế nhưng, thời gian săn bắt chính vụ hằng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch. Bởi lẽ, vào thời gian này, nhum có nhiều thịt nhất và ngon nhất. Những tháng còn lại trời mưa, sóng to gió lớn nên rất khó để bắt nhum. Hơn nữa, nhum cũng không “mập”, ít thịt nên không được ưa chuộng nhiều như “chính vụ”. Những con nhum biển sau khi bắt lên bờ sẽ dùng dao để tách làm đôi, sau đó nạo phần ruột ra và vứt phần vỏ. Theo kinh nghiệm của ngư dân, để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum phải hết sức tỉ mỉ, tách làm sao không để thịt lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến mới ngon được.

Châu Me mùa săn nhum biển -0
Ngư dân Lê Văn Chính sau một buổi lặn bắt nhum.

Lặn đầu ngọn sóng

Những con sóng nối tiếp vờn đuổi nhau từ khơi xa vỗ vào bờ. Bóng dáng người săn nhum nhấp nhô, ẩn hiện giữa sóng nước cách bờ chừng vài chục mét. Chiếc kính lặn giúp người thợ phát hiện nhum bám vào ghềnh đá đón bắt thức ăn là những loài tảo lơ lửng trong làn nước. Người thợ dùng móc sắt giật mạnh nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao nổi bồng bềnh trên sóng. Chiếc rổ đầy nhum được kéo bơi vào bờ cùng nụ cười thu hoạch.

Thu nhập cao nhưng công việc này khá nặng nhọc nên chỉ dành cho trai tráng và những người có sức khỏe. Bởi, với những thợ săn nhum cả ngày cứ ngụp lặn dưới nước, bám vào ghềnh đá tìm nhum. Công việc lặn bắt nhum có vẻ dễ dàng hơn so với các nghề biển khác, nhưng chỉ người trong nghề mới hiểu, để có được những giỏ nhum đầy ắp, tươi rói lại là quá trình không hề đơn giản.

Cả ngày lặn biển, tối đến cơ thể đau nhức, phải gồng mình chịu đựng. Nhiều người chỉ lặn được vài ngày thì bỏ nghề. “Nghề này cực nhọc lắm! Dù trời nắng chói chang nhưng lặn trong nước lạnh nên da tím tái, lên bờ hai hàm răng va vào nhau liên hồi. Sau gần cả ngày ngụp lặn, tối về cơ thể mỏi nhừ nhưng hôm sau phải gắng sức dậy sớm để đi tiếp”, một người thợ săn nhum ở Châu Me chia sẻ.

Nhiều khi nước đục, bắt phải nhum bắn gai làm tê buốt cả cánh tay, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi những con sóng lớn ùa vào, đẩy người thợ bắt nhum va vào đá. Có nhiều người sau nhiều giờ lặn bắt nhum đuối sức, không ghìm nổi với những con sóng mạnh đã va đầu vào đá, ngất xỉu, may mắn được bạn lặn phát hiện kịp thời đưa lên bờ, nếu không rất có thể đã gặp nguy hiểm. Còn chuyện bị những mảnh đá ngầm, hay những vật nhọn đâm vào tay, vào người là chuyện xảy ra như cơm bữa. Người thợ săn nhum đều phải chấp nhận những hiểm nguy ấy. “Làm nhum không đi một mình được đâu. Mỗi nhóm có 5-6 người, phụ nữ thì ở trong bờ chặt nhum lấy thịt, đàn ông thì đi lặn. Sáng đi, chiều về!”, một bạn săn nhum với ông Chính bộc bạch.

Những ngày này, từ tầm khoảng 8h sáng đến 4h chiều hằng ngày, khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Đức Phổ có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển. Giờ là mùa săn nhum biển bán cho các nhà hàng, các tiểu thương nên thu nhập cũng khá hơn so với đi biển bình thường. Mỗi ngày hai vợ chồng ông Chính cố gắng cũng được từ 600-800 ngàn đồng. Bữa nào may mắn thì có thể thu được cả triệu bạc. Đấy là khoản thu nhập đáng kể của người dân quê ven biển bốn mùa lộng gió.

“Nghề lặn nhum dù ít nguy hiểm hơn các nghề biển khác nhưng vất vả, cả ngày dầm nước, ăn nghỉ đều ở trên biển. Làm giàu từ nó thì khó nhưng nó cũng giúp ngư dân có thêm thu nhập để lo cho gia đình...”, ông Chính thổ lộ. Thế nhưng, có những lúc người săn nhum phải về tay không. Có nhiều bữa vượt cả chặng đường dài rồi ông Chính thẫn thờ nhìn biển nổi sóng dữ dội đành trở về trong nuối tiếc. Bởi, với người thợ bắt nhum gặp bữa sóng lớn đành phải chịu chứ biết làm sao được? Ai có gan xuống lặn cũng không thấy nhum để bắt, vì sóng lớn gần bờ làm nước đục ngầu, chưa kể còn nguy hiểm đến tính mạng.

Ở những nhà hàng ven biển, trong khi thực khách xuýt xoa khen ngợi các món ăn được chế biến từ nhum thì cách đấy không xa, nhiều bóng người cứ ẩn hiện sau những con sóng lặn bắt từng con nhum bám vào ghềnh đá. Cơ thể họ tím tái vì ngâm lâu trong làn nước lạnh. “Đừng cho nó có một tích tắc nào để phản ứng. Phải vừa bập vừa đồng thời giật mạnh thì nó mới rời mặt đá. Chậm một giây, nhum sẽ dồn sức “tử thủ”. Vỏ nhum có thể trầy trụa nhưng nhum không khi nào “buông tay” để cho anh bỏ vào giỏ đâu”, một thợ nhum kể.

Ngoài ăn sống, nướng và nấu cháo, loài nhuyễn thể này còn được người dân ven biển ở Quảng Ngãi chế biến thành món xào, nướng, tráng với trứng, thịt nhum tươi vắt tí nước cốt chanh ăn kèm với rau thơm..., hay là nhum ngâm rượu. Nhưng, đặc biệt nhất là món mắm nhum vang tiếng khắp vùng. Bà Thoan, vợ ông Chính chia sẻ, thịt nhum sau khi làm sạch được cho vào bát, cứ 1 kg thịt nhum sẽ cho 100 gram muối hột vào trộn đều, sau đó bỏ hỗn hợp vào chai. Sau 7 ngày có thể thưởng thức thành phẩm mắm nhum. Mắm nhum ở Phổ Châu có màu đỏ nhạt, đặc sệt, vị đậm đà. Dẫu sắc màu dân dã nhưng mắm nhum Sa Huỳnh đậm đà hương vị với giá bán mỗi lít 350 đến 400 ngàn đồng.

Châu Me mùa săn nhum biển -0
Nhum biển mới bắt trên ghềnh đá.

Có giai thoại kể rằng, thời Vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cho quan cai trị vùng đất Quảng Ngãi hằng năm phải tiến cống 12 cân mắm nhum. Mỗi lần kinh lý qua đây, vua ra lệnh đoàn xa giá dừng lại để quan địa phương dâng tiến vài cân mắm nhum rồi mới tiếp tục lên đường. Vì thế, mắm nhum còn được gọi là mắm tiến vua. Bởi vậy, từ bao đời nay, mắm nhum nơi này luôn hấp dẫn thực khách tứ phương. Hiện tại, ở Đức Phổ có Hợp tác xã nông nghiệp xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) sử dụng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mắm nhum Sa Huỳnh”. Hiện Hợp tác xã nông nghiệp xã Phổ Châu đã và đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan chức năng thực hiện việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc...

Thông thường giá mua nhum thịt sau khi tách bỏ vỏ từ 250-350 ngàn đồng/kg, mang về cho những ngư dân đi săn bắt hải sản này từ 400-600 ngàn đồng/ngày. Thậm chí, những ngày may mắn, mỗi người có thể bắt được cả nghìn con. Từ khi trở thành đặc sản, nhum biển ngày càng có giá và được người dân sinh sống ven biển quan tâm khai thác. Vì vậy, lượng nhum biển ngày càng vơi dần và có nguy cơ cạn kiệt nếu việc khai thác không đi đôi với bảo vệ. Trước tình trạng lặn bắt nhum biển khiến loài hải sản có giá trị cao này có nguy cơ tận diệt, chính quyền địa phương đang nghiên cứu, xây dựng các tổ đội khai thác, bảo quản và nuôi trồng nhum, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức. Để bảo vệ nguồn lợi và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Đức Phổ đã phối hợp với các địa phương như đảo Lý Sơn, huyện Bình Sơn nơi số lượng nhum biển được đánh bắt nhiều cùng Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum biển ở tỉnh Quảng Ngãi”.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Đức Phổ cho biết, tại vùng biển Đức Phổ nói riêng và vùng biển ven bờ của Quảng Ngãi nói chung, việc khai thác nhum nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành còn khá phổ biến. Vì vậy, để bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi nhum, chính quyền địa phương đã định hướng phân vùng bảo vệ, phát triển nhum sọ ở vùng biển. Trong đó vùng khai thác hợp lý, với kích thước khai thác nhum sọ trên 63,39 mm (đường kính vỏ). Vùng bảo vệ theo mùa (từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm - mùa sinh sản cao điểm của nhum), thời gian còn lại trong năm cần hạn chế khai thác, nhằm đảm bảo sự tái tạo đàn, phát triển của nhum con. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác nhum ở khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, nhằm duy trì nguồn nhum bố mẹ, nhum giống phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn.

Hiện tại, bên cạnh việc khai thác nhum ngoài tự nhiên thì tại đảo Lý Sơn cũng đã có mô hình nuôi nhum thương phẩm. Mô hình nuôi nhum sọ của ông Huỳnh Ngọc Thảo (ở thôn Đông An Hải, Lý Sơn) gồm 54 lồng, được tận dụng từ bè nuôi cá. Sau nhiều tháng nuôi, nhum phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 86%. Thực tế từ mô hình nuôi và phát triển con nhum mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Phát triển mô hình nuôi nhum thương phẩm sẽ giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của địa phương.

Minh Ngọc
.
.