Chống đối chốt kiểm dịch: Phải nghiêm trị để làm gương!

Thứ Hai, 16/08/2021, 22:11

Những ngày qua, cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để tiến tới kiểm soát chuỗi lây nhiễm dịch bệnh COVID-19,  hiện tượng chống đối tại các chốt kiểm soát tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn khác nhau.

 

Trong đó phổ biến nhất là các hành vi như bất tuân hiệu lệnh dừng xe, dùng vũ lực hay lao thẳng phương tiện vào cán bộ thực thi nhiệm vụ… Không chỉ uy hiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ , mà sự thiếu ý thức còn tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, cản trở những nỗ lực dập dịch của cộng đồng xã hội. 

Muôn kiểu vượt... rào

Trò chuyện với Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - (Phó trưởng Công an phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) trên chiếc xe đi kiểm tra hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa bàn phường, tôi hỏi anh về khái niệm “thông chốt”, đang rất “hot” trên truyền thông và mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Chống đối chốt kiểm dịch: Phải nghiêm trị để làm gương! -0

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trung tá Hùng cười, cho biết cụm từ này ám chỉ việc người dân vượt qua chốt kiểm tra giao thông hay kiểm soát dịch bệnh trên đường, cố tình bỏ chạy khi gặp hiệu lệnh dừng xe, chống đối lực lượng chức năng bằng vũ lực hoặc lăng mạ, chửi bới, xô đẩy… để cản trở việc thực thi nhiệm vụ.

Tại Hà Nội, cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong những ngày gần đây đã liên tiếp xảy ra những vụ “thông chốt” với nhiều cách khác nhau. Trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn như vào hồi 16 giờ ngày 6-8, tổ công tác phòng chống dịch chốt tại đường Hồ Tùng Mậu (cổng Trường Đại học Thương mại) đang làm nhiệm vụ, phát hiện đối tượng Nguyễn Quang Tú (SN 2002, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, là shipper tự do) đang đi xe máy theo hướng từ Cầu Diễn tới Cầu Giấy.

Khi Thượng úy Nguyễn Duy Khánh - (Đội CSGT -TT, Công an quận Cầu Giấy) ra tín hiệu yêu cầu dừng xe, Khánh không những không giảm tốc độ mà còn cho xe đâm thẳng vào cán bộ. Hậu quả vụ tai nạn làm Thượng úy Khánh bị chấn thương vùng đầu, trật khớp xương quai xanh. Tại cơ quan công an, Tú khai nhận, do sợ bị chốt kiểm soát phạt vì vi phạm quy định phòng, chống dịch nên đã liều lĩnh phóng xe bỏ chạy, dẫn đến sự việc trên. Công an quận Cầu Giấy đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quang Tú để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều 30-7, khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang, ông Nguyễn Văn Huy (79 tuổi, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) đã dùng mũ cối tấn công Trung úy Hoàng Văn Th. (CSKV Công an phường Nghĩa Đô) tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở ngõ 127 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô) khiến anh bị chảy máu vùng mặt

Vào hồi 18 giờ ngày 28-7, ông Nguyễn Văn N. (sinh năm 1971) và bà Đặng Kim H. (sinh năm 1975), ở ngõ 93/54 Nghĩa Dũng, Phúc Xá) đi xe máy đỗ trên lối vào của chốt kiểm tra phòng, chống COVID-19 và nói vào bên trong ngõ 108 Nghi Tàm thăm mẹ nuôi. Để đảm bảo công tác phòng dịch, tổ công tác làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch không đồng ý cho vợ chồng ông N. vào vì đây là lý do không cần thiết. Vợ chồng ông N. không chấp hành và gây rối, xô đẩy và đánh chiến sĩ công an. Ngay sau đó, vợ chồng ông N. bị tổ công tác cùng nhân dân bắt giữ.

Được biết, các đương sự đã bị UBND phường Yên Phụ xử phạt mỗi người 3 triệu đồng về vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Ngoài ra, Công an quận Tây Hồ đang xem xét, xử lý cặp vợ chồng này về hành vi "Chống người thi hành công vụ”.

Chống đối chốt kiểm dịch: Phải nghiêm trị để làm gương! -0
Bắt giữ đối tượng “thông chốt”, hành hung cán bộ.

Danh sách những vụ chống đối người thực thi công vụ tại các chốt kiểm soát phòng dịch có thể vẫn tiếp tục được nối dài, bởi ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, lối sống ích kỷ, vô cảm của một bộ phận người dân đã khiến họ bất chấp những nỗ lực cao độ của toàn xã hội trong việc chặt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Không chỉ thông chốt bằng vũ lực, mà lợi dụng quy định cho phép người dân ra đường khi có giấy “thông hành”, hiện nay đã phát hiện một số trường hợp mua giấy đi đường từ các cơ quan, tổ chức.

Ngày 6-8, tại chốt phòng chống dịch ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), tổ công tác quận Thanh Xuân phát hiện các đối tượng T.Đ.L. và Đ.H.T. cùng sinh năm 1993, D.V.B. (sinh năm 1987) cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội sử dụng giấy đi đường có biểu hiện nghi vấn để qua chốt. Lực lượng chức năng đã đưa 3 người này về trụ sở để xác minh, làm rõ.

Bước đầu xác định số người này đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan chức năng đang tiến hành giám định tài liệu và truy nguyên việc cấp phát giấy này.

Không có ý thức cộng đồng

Theo Trung tá Hùng, trong lúc các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì những hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, kể cả dưới khía cạnh đạo đức và luật pháp. Những hành động này cần phải được xem là việc chống lại xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là sự phản kháng yêu cầu của lực lượng chức năng.

Chống đối chốt kiểm dịch: Phải nghiêm trị để làm gương! -0
  Thượng úy Nguyễn Duy Khánh bị shipper tông xe thẳng vào người,

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì người thi hành công vụ được hiểu bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ LLVTND được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Hành vi chống người thi hành công vụ theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định này là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Khoản 3, Điều 5, Nghị định này cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ; các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ. Trung tá Hùng cũng đề nghị xử lý nghiêm về hình sự đối với những hành vi mua bán hoặc làm giả tài liệu giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Tán thành quan điểm này, luật sư Nguyễn Thanh Phương (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi thành công dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự đồng lòng, chung sức của toàn dân.

Trong khi hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đang ngày đêm cứu chữa người bệnh, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, thì những cá nhân ích kỷ, vô cảm, vi phạm quy định về phòng dịch, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch… rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương.

Thực tế hiện nay, việc xử lý người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, thường bị xử phạt VPHC theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, Điều 20 Nghị định này quy định phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đối với một trong các hành vi như: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Đáng lưu ý là Nghị định này có quy định về việc phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.

Bà Phương cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm như hiện nay, hành vi tấn công nhân viên các chốt kiểm soát dịch bệnh là rất nghiêm trọng. Bởi vì nó không chỉ gây ra những hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước hoặc của người thực thi công vụ, mà nghiêm trọng hơn là làm gián đoạn, cản trở hoạt động bình thường của lực lượng phòng chống dịch bệnh.

Điều nguy hại nhất đó là các hành vi chống đối, vượt qua kiểm soát ấy ẩn chứa trong nó nguy cơ làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cần nhận thức về hậu quả của hành vi ở cách tiếp cận này, chứ không chỉ ở mức độ thương tích hay thiệt hại vật chất do hành vi đó gây ra. Xử lý hình sự mọi trường hợp sử dụng vũ lực chống đối ở các cấp độ, có tác dụng răn đe rất lớn.

Nhìn gương người khác bị trừng trị mà mỗi người rút ra bài học cho mình, phải tôn trọng lợi ích của xã hội mà tự giác khép mình vào khuôn khổ, điều chỉnh hành vi cá nhân phù hợp với lợi ích của cộng đồng và trật tự pháp luật.

Vẫn theo vị luật sư này, mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát, cần thiết phải xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ”, theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có các mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, nếu hành vi đó gây thương tích cho nạn nhân thì cần xem xét khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134; nếu làm nạn nhân chết thì phải xử lý về tội “Giết người”, theo quy định tại Điều 123, Bộ luật này. 

…“Hiện nay, hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, tùy tính chất và mức độ của hành vi và hậu quả thiệt hại mà người vi phạm có thể bị xử lý VPHC hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên có thể thấy việc xử phạt hành chính là khá phổ biến, những vụ khởi tố hình sự không nhiều. Theo tôi, cần phải tăng cường xử lý hình sự để phát huy tác dụng răn đe của hình phạt, khiến nhiều người vì sợ mà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh” – Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng.

“Theo tôi, dứt khoát phải xử lý hình sự đối với những người dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực tấn công người thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của họ hoặc của cơ quan nhà nước, chứ không thể xử phạt VPHC đối với các hành vi này. Bởi vì tình hình cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có biện pháp chế tài cứng rắn, nghiêm khắc. Đó cũng là biện pháp bảo vệ hữu hiệu đối với người đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh” – Luật sư Nguyễn Thanh Phương.

Đào Trung Hiếu
.
.