Chuyện chưa kể phía sau chiến công

Thứ Ba, 21/02/2023, 14:16

5 thành viên thuộc lực lượng cứu nạn, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh tham gia đoàn công tác thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quốc tế sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở về trong vòng tay của người dân, gia đình, bạn bè đồng đội tối 19/2.

Trong đêm đón, có rất nhiều hình ảnh đẹp. Đó là những giọt nước mắt người thân của 5 người lính rơi trong hạnh phúc. Bởi những người cha, người mẹ, người vợ của 5 người lính cứu nạn này luôn có những giấc ngủ chập chờn, chờ đợi thông tin từ khi các anh lên đường làm nhiệm vụ. Đối với các người lính cứu nạn, dũng cảm, đoàn kết đến với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, được bạn bè các nước ghi nhận, quý mến càng làm cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thêm thân thiện là một điều đáng tự hào. Những mệt mỏi sau hành trình đầy gian khổ, nguy hiểm đã được xóa tan trong ngày các anh trở về Tổ quốc.

Chuyện chưa kể phía sau chiến công  -0
Lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh đón 5 cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trở về sau khi kết thúc nhiệm vụ quốc tế.

1.20h ngày 19-2, 5 cán bộ, chiến sĩ cứu nạn mới về đến TP Hồ Chí Minh nhưng trước đó vài giờ người thân của các anh đã có mặt tại sân bay Tân Sân Nhất chờ đón. Những ánh mắt ngóng trông, hồi hộp chờ đợi.

Chị Phạm Thị Thắm (41 tuổi) - vợ Trung tá Nguyễn Chí Thành chia sẻ, nhận lệnh trước khi đi vài ngày, anh Thành lo sắp xếp các dụng cụ cứu nạn mang theo nên không kịp chuẩn bị hành lý. Trưa 9/2, anh Thành nhận lệnh chiều đi gấp ra Hà Nội để cùng đoàn công tác qua Thổ Nhĩ Kỳ cứu nạn, lúc đó anh Thành mới gọi cho chị Thắm: “Em chở 2 con đi học rồi về nhà xếp phụ hành lý giùm anh!”. Chị Thắm đưa con đến trường rồi quay trở về, nhưng lúc này anh Thành đã cùng các anh em lên xe ra sân bay, không kịp chào tạm biệt. Chị Thắm ở nhà lo lắng, không biết qua bên đó anh ra sao. Mấy hôm sau thì anh Thành mới gọi điện về nói bên này lạnh lắm, bỏ găng tay ra là tay đông cứng rồi, tối nằm chợp mắt được 1-2 tiếng là không ngủ được nữa vì lạnh, phải đốt lò sưởi ấm. “Nghe chồng tâm sự, thương anh nhưng vì nhiệm vụ của chồng nên tôi cũng dằn cảm xúc lại cố động viên anh Thành hoàn thành công tác”, chị Thắm xúc động kể lại.

Cùng tâm trạng với chị Thắm là chị Phạm Thị Phương Thanh - vợ Thượng úy Nguyễn Nhật Phương. Khi hay tin đoàn công tác an toàn trở về, chị Thanh cùng người nhà bắt xe lên sân bay từ rất sớm. Lấy chồng làm công tác cứu nạn nên chị Thanh đã quá quen với việc anh Phương đi công tác xa nhà, nhưng lần công tác này quá đặc biệt. Bởi cứu nạn một nơi xa Việt Nam lại là vùng bị thảm họa động đất nên sự lo lắng chị Thanh càng tăng gấp bội.

Chuyện chưa kể phía sau chiến công  -0
Trung tá Nguyễn Chí Thành bên người thân.

“Bữa em đang đi làm thì ảnh gọi điện nói đi công tác gấp về nhà lấy quần áo. Tôi xin nghỉ làm chạy về nhà chuẩn bị hành lý cho anh nhưng về đến nhà thì anh đã cùng đồng đội ra sân bay rồi. Mỗi lần có tin tức về Thổ Nhĩ Kỳ là cả nhà đều phải ngừng công việc để ngóng tin. Khi anh Phương gọi về, thấy anh trên tivi và hình ảnh qua các báo an toàn, lúc đó cả nhà mới yên tâm. Biết chồng làm nhiệm vụ quốc tế nguy hiểm nhưng mình cũng cảm thấy rất tự hào về anh. Mọi chuyện đã qua, giờ anh và đồng đội trở về thì mừng rồi! Không có hạnh phúc nào hơn”.

2.Niềm vui vỡ òa khi hình bóng 5 người lính cứu nạn bước vào sảnh sân bay. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh đeo vòng nguyệt quế, tặng hoa cho những người lính dũng cảm “chiến đấu” giúp nước bạn trở về. Những cái bắt tay siết chặt giữa những người lính cứu nạn với lãnh đạo, nhận các lời động viên của các đồng đội khiến các anh bối rối. Giây phút hội ngộ với người thân khiến ai chứng kiến đều có thể rơi nước mắt. Những cái ôm ấm áp của người lính dành cho vợ con mình. Những lời hỏi thăm trong nước mắt chực trào. Trung tá Nguyễn Chí Thành, Đội phó Đội Công tác PCCC và CNCH tươi tắn hơn khi gặp mặt người thân dù 10 ngày qua anh cùng đồng đội phải trải qua những khó khăn khi tham gia cứu nạn. “Thời tiết khắc nghiệt, từ ngày đi cho đến ngày về anh em chỉ được tắm một lần khi ra sân bay về nước”. Chia sẻ về chuyến công tác đặc biệt này, Trung tá Thành cho hay, rất tự hào khi nước mình đã cử đoàn công tác tham gia vào nhiệm vụ quốc tế và đã cứu sống được một nạn nhân 17 tuổi bị kẹt trong đống đổ nát 6 ngày, tìm thấy 14 thi thể, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Kể lại giây phút phát hiện và tiếp cận nạn nhân sống sót, Trung tá Thành cho hay bản thân được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân khi phát hiện tín hiệu nạn nhân còn sống. Có 2 phương án được đưa ra, một là dùng máy cuốc, máy đào dỡ đống đổ nát ra để đưa nạn nhân lên và hai là đào một đường hầm để tiếp cận. Phương án 1 không thể thực hiện vì nguy cơ nạn nhân sẽ tiếp tục bị vùi lấp do các khối bê tông trong lúc dùng xe cuốc tháo dỡ đè trúng.

Phương án 2 được mọi người nhất trí cao mặc dù thực hiện phương án này sẽ rất nguy hiểm cho người lính cứu nạn. Một đường hầm dài 7 mét được các tổ cứu nạn tạo ra, tất cả chỉ sử dụng tay không để làm vì dùng máy sẽ dễ gây sập. Trung tá Thành là người vào trong đường hầm, vừa di chuyển, vừa giao tiếp với nạn nhân để xác định vị trí. “Lúc nạn nhân trả lời, biết nạn nhân vẫn ổn, suy nghĩ trong đầu như thúc giục tôi phải tiếp cận nhanh vị trí nạn nhân đưa ra ngoài càng sớm càng tốt. Lúc này đội cứu nạn của Pakistan cũng hỗ trợ cùng chúng tôi đưa nạn nhân ra ngoài an toàn. Khi nạn nhân được đưa ra ngoài, cả đoàn như vỡ òa hạnh phúc”.

Chuyện chưa kể phía sau chiến công  -0
5 người lính cứu nạn Công an TP Hồ Chí Minh trong niềm vui ngày trở về sau chuyến công tác đặc biệt.

Với quyết tâm cứu được càng nhiều người càng tốt nên mặc dù thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá, dư chấn của động đất vẫn còn nên nhiều lúc anh em đang ngủ trong lều nửa đêm phải chạy ra ngoài. Dù cực khổ nhưng mong muốn cứu được càng nhiều người càng tốt. Việc tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn vì có những hiện trường 3- 4 lốc nhà, mỗi lốc cao hơn 10 tầng đổ sập nhìn như đống xà bần khổng lồ, tìm được một nạn nhân thiệt mạng là một lần những người lính cứu nạn cảm thấy đau lòng.

Sử dụng các thiết bị dò tìm không tìm thấy sự sống nhưng địa phương xác định là khu vực đó còn người mất tích các đội cứu nạn lại bàn với nhau thực hiện các phương án, trong đó phương án dùng xe cuốc, máy xúc di chuyển những khối bê tông lớn ra ngoài để đưa thi thể nạn nhân lên.

“Hình ảnh đau lòng mà anh em cứu nạn chứng kiến là cảnh phát hiện 4 thi thể nằm sát và chồng lên nhau. Anh em phải nén xúc động, không dùng các vật dụng mà dùng tay moi lớp đất đá để đưa các nạn nhân lên. Anh em mong muốn đào nhiều nhưng không muốn nhìn thấy nạn nhân xấu số”, Trung tá Thành bùi ngùi.

Vội chuyển đứa con trai sang cho vợ giữ, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo phấn khởi khi hỏi đến thời gian làm nhiệm vụ quốc tế của mình. Thiếu tá Đạo cho biết người dân Thổ Nhĩ Kỳ yêu quý và trân trọng lực lượng cứu nạn Việt Nam trong thời gian ở đây giúp nước bạn. Bởi, không chỉ giúp nước bạn tìm kiếm nạn nhân, Việt Nam còn viện trợ nhiều dụng cụ y tế cho họ, giúp người dân dựng lều tại các vị trí an toàn, tổ chức những chương trình thăm hỏi người dân và cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Những hình ảnh đẹp đó đã đọng lại trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ nên khi chúng tôi đi đến đâu, khi nói là người Việt Nam thì người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng loạt vỗ tay. Ngay cả khi chuẩn bị ra sân bay, anh em có vài tiếng tham quan, khi nói chúng tôi là người Việt Nam, các quán ăn không lấy tiền ăn mà còn vỗ tay cảm kích khiến chúng tôi dạt dào cảm xúc, thấy mình thật vinh dự”, Thiếu tá Đạo chia sẻ.

3.Đón những người lính cứu nạn trở về không chỉ là niềm hân hoan của người dân, người thân, đồng đội mà ngay cả những người trực tiếp chỉ đạo những người lính này cũng phấn khởi, vơi bớt những lo âu trong những ngày qua.

Chuyện chưa kể phía sau chiến công  -0
Niềm vui bên con của người lính cứu nạn sau nhiều ngày làm nhiệm vụ.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh cho hay mình như vừa trút đi được nỗi lo khi đồng đội phải đối mặt với nguy hiểm tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại một vụ động đất lớn. Bởi các tình huống động đất như Thổ Nhĩ Kỳ dường như người lính cứu nạn, cứu hộ của Phòng chưa từng đối mặt nên kinh nghiệm khi làm việc ở đây là không nhiều.

“Bởi tính chất như vậy nên 5 cán bộ thuộc Phòng là người có trình độ chuyên môn cao, đã trải qua thử thách hàng trăm vụ cứu nạn, cứu hộ tại các nơi hiểm yếu trong các vụ việc xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong cả nước. Với những kinh nghiệm dày dặn như thế này nhưng khi các chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ, ở hậu phương chúng tôi cũng rất lo lắng, cập nhật thường xuyên thông tin về các đồng chí và có những động viên kịp thời.

Qua việc làm nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, những đồng chí này tích lũy thêm kinh nghiệm khi đối mặt với động đất, truyền đạt kinh nghiệm với anh em, đồng chí trong đơn vị để rút ra bài học cho cho những lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại TP Hồ Chí Minh; bổ sung vào kiến thức cứu nạn, cứu hộ để có thể xử lý mọi tình huống”, Đại tá Tâm cho biết.

Minh Đức
.
.