Chuyện của những người lính An ninh từng tham gia chi viện Chiến trường miền Nam

Thứ Tư, 08/05/2024, 09:01

Đến bây giờ những kỷ niệm về chiến tranh, bom đạn và tình đồng đội… trong ký ức của những người lính An ninh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam vẫn còn vẹn nguyên.

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, cả dân tộc đang trang trọng các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lại có dịp trò chuyện với hai người lính  - đã từng có thời gian lăn lộn trong chiến trường miền Nam.

1. Cuối năm 1967 là thời điểm Mỹ ném bom ác liệt xuống miền Bắc nước ta hòng ngăn chặn sự chi viện người và của cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Công an tiếp tục điều động lực lượng chi viện cho An ninh miền Nam. Ông Hồ Văn Hiến (sinh năm 1937) cùng 9 đồng chí thuộc các phòng ban Ty Công an Nghệ An tham gia khám tuyển để huấn luyện, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Vào đến Ban An ninh khu V, Đoàn được phân công về Ban An ninh các tỉnh trong khu. Riêng ông Hiến được phân công về Ban An ninh tỉnh Gia Lai và sau đó về Thị xã Pleiku.

img_9709.jpg -0
Dù đã gần 90 tuổi, song ký ức về những ngày tháng tham gia chi viện chiến trường miền Nam vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của Đại tá Hồ Văn Hiến.

Địa bàn ông được phân công đầu tiên là dọc con suối Iabut, nơi có phong trào cách mạng tương đối mạnh, nhất là trong giai đoạn chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tuy nhiên, sau năm 1968, kẻ địch tập trung tấn công rất quyết liệt để chặn các ngả đường về Thị xã Pleiku, vì thế phong trào cách mạng bị đàn áp khiến mọi hoạt động phải đi vào bí mật. Bọn mật thám, ác ôn ra sức chỉ điểm, bắt bớ, đàn áp khiến cơ sở của ta tan vỡ, một số bị bắt, tù đày, số còn lại trốn thoát được bố trí ở lại bí mật hoạt động chờ thời cơ.

Trước tình hình trên, yêu cầu của tổ chức mà trực tiếp là Ban An ninh Thị xã Pleiku là phải gây dựng lại phong trào và khí thế cách mạng tại đây, trong đó mục tiêu hàng đầu là phải tiêu diệt tên Lê Chức vào đầu năm 1972 (tên này được đưa về làm Xã phó An ninh). Đây là tên chỉ điểm hết sức nguy hiểm.Với quyết tâm cách mạng và yêu cầu của tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông cùng đồng đội bắt được tên Lê Chức, đưa ra vùng bí mật tại Iabut để khai thác và trị tội. Tuy đã tính toán kế hoạch khá kỹ lưỡng từ việc bố trí hành động đến việc rút ra, song do lựu đạn không nổ, Lê Chức thoát chết nên sau đó cơ sở của ta bị lộ và bị địch bắn, tra tấn hết sức dã man. “Việc cơ sở bị phá hết và phải rút lên thị xã khiến nơi đây trở thành vùng trắng, là bài học đắt giá đối với các cán bộ điệp báo như chúng tôi thời điểm đó.Rằng, hữu khuynh, chùn tay với địch là hết sức nguy hiểm và phải trả những cái giá thật đắt”, người lính già chùng lòng nhớ lại.

Sau vụ tiêu diệt Lê Chức bất thành, địch tăng cường o ép dân, đàn áp phong trào, bọn ác ôn lại tiếp tục bành trướng hoạt động. Đứng đầu là tên Lê Hoán, Trung đội trưởng dân vệ cùng với lực lượng cảnh sát đôn đốc kiểm soát gắt gao người ra vào. Nhiệm vụ đặt ra là phải tiêu diệt Lê Hoán để phá “kèm”, mở rộng vùng cơ sở của ta. Sau một thời gian bám địa bàn và nắm tình hình, ông Hiến cùng đồng đội nắm bắt được quy luật hoạt động của Lê Hoán và đám tay chân. Ngay sau đó, lợi dụng sự chủ quan của địch vào ban đêm, ông cùng đồng đội ập vào bắt tên Hoán và đưa ra khai thác.

Song song với hoạt động diệt ác để củng cố và duy trì phong trào, nhiệm vụ của Ban An ninh Thị xã Pleiku là phải đánh vào cơ sở của các địa bàn địch đang chiếm đóng để nắm tình hình, phục vụ Bộ đội và các lực lượng khác tiến công cũng như thuận lợi cho lực lượng điệp báo của ta thâm nhập địa bàn. Vì vậy, ông cùng đồng đội chủ động củng cố lại hệ thống cơ sở hiện có và tìm chọn những đầu mối đủ tin cậy, có khả năng để xây dựng thành cơ sở vùng của ta và đã phát huy tác dụng trong việc đưa tin, báo cáo tình hình. Để thực hiện nhiệm vụ, ông cùng đồng đội đã chủ động chia thành nhiều tốp nhỏ tiếp cận địa bàn. Do hoạt động trong vùng địch nên không ít lần ông cùng đồng đội đã bị lộ, bị địch dùng súng tấn công.

Sau giải phóng, với vai trò là Phó ban An ninh Thị xã Pleiku (được bổ nhiệm từ đầu năm 1972), ông đã trực tiếp chỉ huy lực lượng An ninh vùng giải phóng công khai bảo vệ chính quyền và đảm bảo an ninh trật tự với các nhiệm vụ như tiến hành đăng ký trình diện, thu hồi vũ khí, tổ chức tuần tra, canh gác và giải quyết các vụ việc. Đồng thời tuyển mộ con em trên địa bàn nhập ngũ để bổ sung đội ngũ làm việc lâu dài. Lực lượng An ninh Pleiku đã bảo vệ thành công lễ mít tinh chào mừng giải phóng Pleiku và ra mắt Ủy ban quân quản vào ngày 21/3/1975.Cuối năm 1976, ông bị bệnh nặng phải ra miền Bắc điều trị trong mấy tháng liền. Do sức khỏe yếu, ông được tổ chức phân công về công tác tại Ty Công an Nghệ An với các chức vụ khác nhau cho đến khi nghỉ hưu.

2. Gần 50 năm trôi qua nhưng khi trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng ác liệt nơi chiến trường, ông Trần Xuân Châu (SN 1948), trú tại phường Hồng Sơn, TP Vinh (Nghệ An) vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. Vào một ngày cuối năm 1971, khi đang công tác tại Công an huyện Nam Đàn, ông (lúc ấy là Thượng sỹ) được thông báo có quyết định của Bộ Công an cử đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong hành trang lên đường, ra trận, bên cạnh balo quần áo và một số đồ vật cần thiết thì lời dặn dò của người cha “Bây giờ Đảng cần, Ngành cần thì con phải ra đi.Dù hy sinh, gian khổ cũng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.Khi nào giải phóng miền Nam thì con về với gia đình…” luôn là động lực, kim chỉ nam cho ông trong những ngày chiến đấu khốc liệt tại chiến trường.

1 (1).jpg -0
Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Trần Xuân Châu tham gia nhiệt tình các hoạt động trong Hội Công an hưu trí.

Hơn một tháng ròng hành quân khó khăn, vất vả qua những địa bàn “rừng thiêng, nước độc”, ông cùng đồng đội đến được địa điểm tập kết vùng A Sầu, A Lưới thuộc miền Tây Thừa Thiên - Huế. Sau khi thất thủ ở Quảng Trị, Mỹ tăng cường đưa thủy quân lục chiến xây dựng tuyến phòng thủ hàng rào điện tử, lập các ấp chiến lược, tăng cường càn quét, khủng bố dã man, nhất là các cơ sở cách mạng của ta. Ông cùng đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, nắm tình hình hoạt động của địch, các hoạt động của ngụy quyền và bọn phản động, đồng thời gây dựng mạng lưới bí mật hoạt động trong lòng dân.

Ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Paris và phân vùng ranh giới cắm cờ giữa ta và địch.Cùng với những thành công từ các chiến dịch trên toàn chiến trường miền Nam nên tại Hội nghị Paris (Pháp) đã có nhiều diễn biến có lợi cho ta. Yêu cầu của ta lúc đó là phải nhanh chóng cắm được cờ giải phóng tại các vùng địch hậu, tạm chiếm và cả vùng địch đang tạm chiếm để “Ban liên lạc quân sự bốn bên” theo thỏa thuận tại Hội nghị Paris tổ chức kiểm soát.

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng được địch đặt ra và chúng đã tăng cường cho thám báo, biệt kích và lực lượng mạnh tấn công đánh chiếm để cắm cờ ngụy quyền tại các vùng ta đã làm chủ trước đó. Cuộc chiến giành giật địa bàn vì thế làm cho trách nhiệm của Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên - Huế hết sức nặng nề. Việc chủ động nắm được tình hình, âm mưu, ý đồ của địch trở thành một yêu cầu hàng đầu và cao nhất khi đó.

Để thực hiện nhiệm vụ, ông cùng đồng đội được phân công xuống các địa bàn như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy…(tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông và đồng chí Ước (người Hà Nam) được phân công về huyện Phú Lộc. Nhiệm vụ chính là điều tra cơ bản về chính trị, cài cắm, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật cho cách mạng để kịp thời nắm tình hình của địch, đặc biệt là những kẻ ác ôn, gián điệp, nội gián… để báo cáo Ban An ninh Thừa Thiên - Huế. Trong quá trình công tác, ông cùng đồng đội đã trải qua nhiều gian khổ, nguy hiểm. Quân địch tổ chức càn quét, vây chặn và cài mìn ở khắp nơi, có lúc tưởng đã cận kề cái chết.

Đôi mắt của vị Đại tá từng lăn lộn tại chiến trường miền Nam, từng đối diện với nguy hiểm, thậm chí là đối diện với cái chết bất cứ lúc nào bỗng chùng xuống: “Vào khoảng 3 giờ sáng một ngày đầu tháng 2/1973, tôi cùng đồng chí Ước được tổ chức phân công cắm cờ phân giới đất giữa ta và địch ở xã Diên Lộc, huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, khi tôi và anh Ước đang trèo lên cây để cắm cờ thì không biết đạn từ đâu bắn như mưa nên hai anh em phải chạy vào ngôi chùa gần đó để ẩn nấp. Đang chạy lúi húi phía sau, tôi bỗng nghe tiếng nổ rất mạnh (loại mìn lá của địch cài), ngẩng đầu lên thì thấy anh Ước đã ngã xuống và hy sinh. Tôi chỉ kịp cõng anh vào chỗ hầm đá bí mật, lấy toàn bộ tài liệu, chào vĩnh biệt rồi chạy về cơ sở để thông báo...”.

Sau đó, tháng 9/1974, ông được cấp trên cử đi học lớp Điệp báo ở Vĩnh Phú.Tình hình chiến sự có sự xoay chuyển, cuối năm đó, ông được Ban An ninh Thừa Thiên - Huế lệnh trở về Huế để tham gia giải phóng. Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những nóc nhà của người dân nơi đây. Sau 30/4/1975, ông được Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công về làm Phó trưởng Công an phường Phú Hiệp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự sau giải phóng. Đến tháng 7/1977, ông trở về Công an Nghệ An công tác trên các cương vị khác nhau cho đến khi nghỉ hưu.

3. Những hy sinh, mất mát và chiến công của thế hệ cha anh như Đại tá Hồ Văn Hiến, Đại tá Trần Xuân Châu để góp phần giành lại hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay luôn được cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An, nhất là thế hệ trẻ trân trọng và tri ân.

5.jpg -0
Những đóng góp của Đại tá Hồ Văn Hiến, Đại tá Trần Xuân Châu được Đảng, Nhà nước và ngành Công an ghi nhận.

Các bác, các anh mãi là kho sử sống về những năm tháng hào hùng của lớp thế hệ chỉ biết quên mình cho Tổ quốc và sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn. Thế hệ các bác, các anh đã bằng chính cuộc đời mình tô đẹp và làm sáng ngời phẩm chất của người cán bộ Công an nhân dân trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Rồi đây, cùng với thời gian, tuổi tác có thể những câu chuyện được họ kể lại sẽ ít hơn, một số chi tiết trở nên nhòe đi trong trí nhớ, song chắc chắn một điều là: những chiến công của họ không bao giờ bị quên lãng và mãi được thế hệ trẻ Công an Nghệ An khắc ghi, làm hành trang, điểm tựa để bước vào cuộc chiến đấu trên mặt trận bảo đảm an ninh trật tự với những khó khăn và thách thức mới…

Phạm Thủy
.
.