Chuyện của những người“cõng hàng” trong lũ

Thứ Tư, 23/10/2024, 13:44

Những cánh tay người dân run run nhận đồ cứu trợ, nghẹn ngào nói: “Cảm ơn các anh nhiều lắm. Chúng tôi sống rồi”. Rất nhiều người dân đã khóc. Còn với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) số 4, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc, mỗi khi dỡ đồ từ lưng xuống trao cho bà con, vừa nhẹ bẫng trên lưng, vừa nhẹ lòng đôi chút. Vì có thêm một điểm bà con có cái ăn, nước uống, giữ được sự sống.

Đó là động lực để họ dấn thân vì nhiệm vụ trong những ngày mưa lũ khốc liệt. Đã hơn một tháng trôi qua, nhưng những gương mặt, ánh mắt người dân họ đã gặp vẫn đọng trong trí nhớ.

Chạy đua cùng dòng nước lũ

Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc, Bộ Tư lệnh CSCĐ đóng quân ở phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai. Khi chúng tôi đến, cả đơn vị đang triển khai các nội dung tập luyện ngoài thao trường. Tiếng bước chân rầm rập, tiếng hô vang cả một khoảng đồi. Các động tác võ thuật dứt khoát, mạnh mẽ. Mồ hôi láng bóng trên những tấm lưng trần nâu màu nắng.

Trung tá Nguyễn Trung  Thành - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ số 4 “khoe” với chúng tôi: “Chính những ngày tháng luyện tập bền bỉ, vượt nắng thắng mưa ở đơn vị đã trui rèn cho CBCS có thể lực tốt, ý chí sắt đá. Đó chính là bí quyết để cả đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả do mưa lũ trong nhiều ngày liên tiếp. Vừa hôm trước bơi trong biển nước, ra sức đẩy thuyền phao, hôm sau đã gùi nặng trên lưng lội suối, băng rừng gùi hàng vào bản.

Chuyện của những người“cõng hàng” trong lũ -0
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 đưa người dân thoát khỏi các điểm ngập sâu trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Từ ngày 7 đến ngày 10/9, mưa ào ạt trút xuống Lào Cai suốt ngày đêm. Lũ trên sông Hồng vượt mức báo động khiến nhiều địa bàn thành phố Lào Cai chìm trong biển nước. Tình thế vô cùng cấp bách, ngày 9/9, nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, trực tiếp Trung tá Thành chỉ huy hàng trăm CBCS nhanh chóng ra quân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Anh nhớ lại: “Nước dâng lên rất nhanh, lúc đầu tới bụng, rồi đến ngực. Người dân thì nghĩ rằng nước lên như mọi năm, chỉ di chuyển lên cao một chút là an toàn. Vì thế, khi CBCS tiếp cận nhà dân vận động họ sơ tán thì ai cũng cố thủ trong nhà. Nhiều người tiếc tài sản vẫn đi nhặt, đi vớt đồ. Nhưng, chỉ 15-20 phút sau đã ngập hết tầng 1 nhà dân khiến bà con hoảng loạn. Họ chỉ còn biết cầu cứu các lực lượng chức năng”.

Suốt 2 ngày 9 và 10/9, trong biển nước, các tổ CSCĐ chia thành nhiều mũi và phối hợp với công an thành phố, công an tỉnh Lào Cai bơi vào từng ngõ, từng nhà, len lỏi vào từng căn phòng đưa bà con thoát khỏi các điểm ngập sâu. Mỗi chiếc phao cứu sinh chỉ chở được 2 người được một nhóm 4-5 CBCS vừa bơi vừa đẩy ra khu vực cao hơn. Liên tục như thế đến khi đưa được hết bà con các phường Cốc Lếu, Kim Tân, Nam Cường,... đến nơi an toàn. 

Vừa rút quân khỏi các địa bàn ngập lụt thì đêm 10/9, đơn vị nhận được tin trên địa bàn huyện Bảo Yên xảy ra lũ cuốn, sạt lở đất nghiêm trọng. Sáng sớm 11/9, 100 CBCS dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Hoàng Phi Hùng - Phó Trung đoàn trưởng và Trung tá Nguyễn Trung Thành - Tiểu đoàn trưởng hành quân đến địa bàn huyện Bảo Yên, tổ chức bốc dỡ, vận chuyển khoảng 47 tấn lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đến các địa bàn bị chia cắt ở các xã Xuân Hòa, Tân Dương, Việt Tiến,... 

Chuyện của những người“cõng hàng” trong lũ -0
Cáng cháu bé đi cấp cứu.

Chân lội bùn sâu

Thời điểm đó, hàng tiếp tế chỉ có thể chở đến thị trấn mà không thể vận chuyển vào các thôn bản vì đường liên thôn, liên xã bị hỏng hóc toàn bộ. Xe ô tô không vào được thì chỉ còn cách dùng sức người. 100 CBCS được chia thành các nhóm tỏa ra các hướng để gùi hàng vào bản. 

“Nước đóng chai xếp ở đáy ba lô, sau đó đến bánh mì, lương khô, mì tôm và thuốc. Ba lô đầy thì đựng trong bao tải, tổng trọng lượng khoảng 25 kg. Sau đó chất cả lên lưng để gùi vào các điểm bản đang bị cô lập. Đó là hành trình không hề biết trước điểm đến sẽ như thế nào. Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy sông suối nước dâng lên, tiếng đất đá sạt lở ầm ào vọng lại”, Thượng úy Đặng Ngọc Lâm, Phó Đại đội trưởng kể. 

Vào được xã Xuân Hòa đã khó, nhưng để tiếp cận được các bản Cuông 1, Cuông 2, Cuông 3 là một thử thách khắc nghiệt bởi các vùng đó bị cô lập hoàn toàn. Muốn đi đến đó chỉ có thể lội bùn lầy ngập đến đầu gối. Để đảm bảo an toàn, việc di chuyển phải có kỉ luật, vừa đi vừa thăm dò địa hình, thấy an toàn mới hành quân tiếp. Có đoạn bùn sâu, đang đi bị thụt xuống mất cả giày. Có những đoạn leo dốc, người dưới đẩy người trên, người trên kéo người dưới, nhưng đến khi xuống dốc lại càng nguy hiểm, phải níu vào nhau để đi. Có những đoạn phải vượt sông bằng thuyền chạy máy cole. Mỗi thuyền chỉ chở được 2 người cùng hàng hóa trên lưng. Nước sông cuồn cuộn rất nguy hiểm, nhưng anh em đều biết bơi, sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.

Bản Cuông 3 bị thiệt hại nặng nề, lại ở xa nhất. Là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường, CBCS Tiểu đoàn 4 bàng hoàng, xót xa trước cảnh nhà cửa sập đổ tan hoang. Lúc đó chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tá túc tại nhà văn hóa xã. Có ngôi nhà nào còn sót lại, nhà nọ đến ở nhờ nhà kia tương trợ lẫn nhau. Có nhà chỉ còn mỗi chuồng trâu đành lấy đó làm chỗ che mưa che nắng. Bà con dân tộc Tày đói và khát nước sạch, thiếu thốn thuốc men, đang khắc khoải chờ đồ tiếp tế. Một hình ảnh không thể quên được là người chị 6 tuổi cõng em trên lưng vượt 7 km đường lầy lội dưới trời mưa gió để gặp được CBCS lấy hàng tiếp tế. 

Chuyện của những người“cõng hàng” trong lũ -0
Giúp dân di dời tài sản.

“Khi nhìn thấy chúng tôi, người dân đã khóc. Họ nắm tay chúng tôi nói những câu xúc động: “Các anh công an đến rồi”. Còn chúng tôi lúc đó có rất nhiều cảm xúc đan xem. Vừa mừng khi biết người dân vẫn an toàn, vừa xót xa khi họ đã mất hết nhà cửa, tài sản, đang hoảng sợ và bất an. Cảm giác lúc đó như mang đồ đến cho người thân của mình vậy. Chúng tôi hỏi thăm, chia sẻ, động viên bà con vững tin, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, mất mát để ổn định lại cuộc sống”, Trung úy Nguyễn Mạnh Kiên kể.

Ở bản Cuông 2, từ những vật liệu tại chỗ, CBCS đã giúp đỡ người dân làm nhà tạm để bà con có chỗ ở. Gùi đồ vào xã Tân Dương, CBCS gặp trường hợp bé gái 12 tuổi bị gãy chân do mưa lũ, nằm nhà đã mấy hôm mà không có cách nào đi bệnh viện được. Vậy là anh em thay nhau khiêng cáng đưa cháu ra Trung tâm y tế huyện ở thị trấn Phố Ràng để điều trị.  

Trong suốt nhiều ngày, những cuộc gùi hàng cứ nối nhau mải miết. Mỗi ngày, mỗi mũi công tác chỉ thực hiện được một chuyến vào với bà con. Bởi quãng đường xa, trung bình hơn 10 cây số. Họ xuất phát từ 6h sáng, lúc đi do gùi nặng nên mất tầm 5-6 giờ mới vào đến bản. Lúc quay về nhẹ hơn thì đi nhanh hơn. Đến khoảng 4-5 giờ chiều sẽ về đến thị trấn Phố Ràng. Sáng hôm sau lại đóng hàng đi tiếp. Những ngày ấy, bà con nhiều nơi đang bị cô lập, nên dù mệt họ cũng không nghỉ ngày nào, mau chóng lên đường để tiếp cận được càng nhiều điểm bản càng tốt.

Những hy sinh quên mình

Trung tá Nguyễn Trung Thành cho chúng tôi biết, CBCS Tiểu đoàn 4 đã nhiều lần tham gia cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả do mưa lũ. Nhưng, đây có lẽ là lần thực hiện nhiệm vụ khốc liệt nhất. Chính hoàn cảnh ngặt nghèo là phép thử cho tinh thần vượt khó, sự chính quy, tinh nhuệ của CBCS. Chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng lên đường làm nhiệm vụ trong nhiều ngày tới những nơi xa xôi, chia cắt nhất.

Trong những ngày đó, việc CBCS bị trượt ngã, rách chân, giẫm đinh xảy ra như cơm bữa. Nhưng, họ vẫn xung phong lên đường và bằng mọi giá phải đến đích, bởi nơi đó bà con đang đói khát, ốm đau cần được giúp đỡ kịp thời. Những nguy hiểm, khó khăn phải đối mặt cũng không đáng sợ bằng việc thông tin bị ngắt hoàn toàn do không có sóng điện thoại và mạng internet. Các mũi làm nhiệm vụ chỉ có thể liên lạc với nhau trong phạm vi bán kính 6-7 km nhờ vào bộ đàm. Sáng kiến cứ 3-4 km lại có bộ đàm để truyền tin bắc cầu đã phát huy tác dụng, đảm bảo thông tin thông suốt. Mỗi ngày trôi qua, khi các mũi gùi hàng xuất phát và trở lại điểm tập kết an toàn, từ lãnh đạo chỉ huy tới CBCS mới thở phào nhẹ nhõm.

Chuyện của những người“cõng hàng” trong lũ -0
Trung tá Nguyễn Trung Thành - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 trao hàng cứu trợ cho người dân.

Sau những ngày gùi hàng vào bản, CBCS tiếp tục hỗ trợ bà con ở nhiều địa phương đẩy bùn đất, dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả sau lũ, nhất là các gia đình chính sách, các hộ dân có người bị bệnh nặng, người neo đơn. Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc đã phối hợp với Bộ Tư lệnh CSCĐ trao 3 nghìn suất quà, 800 triệu đồng tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng nặng tại xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên. 

Trong đợt mưa lũ, có 6 CBCS của Tiểu đoàn CSCĐ số 4 bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản. Ở thời điểm căng thẳng nhất, Đại úy Cổ Đức Côn - cán bộ của Tiểu đoàn không thể liên lạc được với gia đình. Lòng anh như lửa đốt vì nhà anh ở huyện Bảo Yên, vợ anh lại đang mang bầu. “Cảm giác căng thẳng tột độ khi tôi không nắm được bất cứ thông tin gì của người thân. Thời điểm đó đường sá bị cô lập, tôi cũng không thể về nhà. Tôi vẫn cùng đồng đội lên đường gùi hàng vào bản cho người dân. 3 ngày sau tôi mới liên lạc được với gia đình. Thật may, bố mẹ, vợ con tôi đều an toàn. Nhà tôi bị đất sạt vào gây hư hại nặng. Tuy thế, cả nhà vẫn động viên tôi yên tâm làm nhiệm vụ, mọi người ở nhà tự khắc phục được. Sự động viên của gia đình là động lực to lớn để tôi vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trong đợt bão lũ vừa qua, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tăng cường hàng nghìn CBCS băng rừng, vượt suối sâu, đèo cao để cứu trợ người dân ở các bản làng bị cô lập do sạt lở, mưa lũ và mất liên lạc nhiều ngày. Trong đó Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc đã tăng cường hơn 100 CBCS vượt hàng chục km đường đồi núi trơn trượt đến các địa phương của tỉnh Lào Cai đưa người bị thương đến cơ sở y tế, vận chuyển, tiếp tế lương thực. Đó thực sự là những dấu ấn tốt đẹp và xúc động mà lực lượng CSCĐ để lại cho người dân cả nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ chia sẻ.

Huyền Châm
.
.